www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Các mô hình Giáo dục hướng nghiệp

Mô hình hướng nghiệp một số nước

Góc giáo dục

Giáo dục hướng nghiệp ở một số nước trên thế giới – kinh nghiệm cho Việt Nam

Thứ Tư, 07/07/2021 11:41

       Hướng nghiệp là các hoạt động nhằm hỗ trợ các học sinh chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân, phát huy tối đa năng lực bản thân, đồng thời tạo ra một lực lượng lao động có định hướng rõ ràng, giúp tăng năng suất lao động và góp phần cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
       Việt Nam đang đứng trước những mâu thuẫn và áp lực lớn trong thị trường lao động. Giải quyết việc làm là một trong những khâu cực kỳ quan trọng nhằm phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đồng thời đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân, trong đó đặc biệt là của lực lượng lao động trẻ – lực lượng lao động chính trong tương lai của đất nước. Chính vì vậy, việc học tập kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệpphân luồng học sinh trung học phổ thông là hết sức cần thiết.
       Bài viết do CLEF tổng hợp dưới đây sẽ đưa ra một số kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học phổ thông tại một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam. I. Kinh nghiệm giáo dục hướng nghiệp ở một số nước trên thế giới         Tại các quốc gia phát triển, định hướng nghề nghiệp được bắt đầu rất sớm, ngay sau cấp học trung học cơ sở, có sự tham gia của các giáo viên và đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Chính phủ đóng vai trò đưa ra những chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho công tác phân luồng, còn các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường.
       Trong những thập niên gần đây do sự gia tăng dân số và nhu cầu giáo dục khiến giáo dục kỹ thuật nghề ở các quốc gia đã có nhiều thay đổi nhằm định hướng cho mọi người nghề nghiệp tương lai. Công nghệ và đào tạo hướng nghiệp trở thành nền tảng trong hệ thống giáo dục của mọi quốc gia trên thế giới. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng người học, giáo dục của phần lớn các nước đều có xu hướng phân thành 2 luồng chính: luồng hàn lâm phát triển theo hướng học lên đại học khoa học công nghệ và luồng nghề nghiệp phát triển theo hướng đào tạo kỹ thuật- nghề nghiệp ở các trình độ trung học, cao đẳng, đại học.
      Xin giới thiệu kinh nghiệm giáo dục hướng nghiệp cho học sinh sau trung học ở một số nước trên thế giới.

1. Kinh nghiệm ở Nhật Bản
       Nhật Bản là một trong số các quốc gia phát triển trên thế giới với tỷ lệ người mù chữ thực tế gần như bằng không và 74.1% (năm 2010) số học sinh theo học lên đến bậc đại học, cao đẳng và trung cấp, một con số ngang hàng với Mỹ và vượt trội một số nước châu Âu. Điều này đã tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp của đất nước Nhật Bản trong thời kỳ hiện đại. Hệ thống giáo dục Nhật Bản hiện hành đã được thiết lập ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai vào giữa những năm 1947 và 1950, lấy hệ thống của Mỹ làm kiểu mẫu. Nhật Bản có hệ thống giáo dục gồm 9 năm giáo dục bắt buộc (6 năm tiểu học và 3 năm trung học cơ sở), 3 năm trung học phổ thông không bắt buộc và 4 năm đại học. Chính phủ nước này có chính sách phát triển trường trung học kỹ thuật bậc cao và thành lập loại hình trường cao đẳng công nghệ đào tạo 5 năm với mục đích hướng nghiệp sớm và phân luồng giáo dục cho đối tượng là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Sau cấp học trung học cơ sở, có khoảng 70% học sinh ở Nhật Bản học tiếp lên trung học phổ thông để vào đại học, cao đẳng; khoảng 30% học sinh còn lại đi theo hướng đào tạo nghề. Trong một số chương trình, học sinh có thể tham gia vào các khóa đào tạo nghề thông qua liên kết giữa nhà trường và các nhà tuyển dụng địa phương.
       Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản có chính sách phát triển trường trung học kỹ thuật bậc cao và thành lập loại hình trường cao đẳng công nghệ đào tạo 5 năm với đối tượng là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong một số chương trình, học sinh có thể tham gia vào các khóa đào tạo nghề thông qua liên kết giữa nhà trường và các nhà tuyển dụng địa phương. Sau trung học cơ sở, khoảng 70% học sinh học tiếp lên trung học phổ thông để vào đại học, cao đẳng; khoảng 30% học sinh còn lại đi theo hướng đào tạo nghề.
2. Kinh nghiệm ở Trung Quốc
       Trung Quốc đang ngày càng nỗ lực phát triển nền giáo dục để trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về giáo dục trên thế giới. Hệ thống giáo dục của Trung Quốc bao gồm 3 cấp bậc: (1) Bậc tiểu học, kéo dài 6 năm và là chế độ giáo dục bắt buộc được nhà nước bảo trợ; (2) Bậc trung học gồm trung học phổ thông (kéo dài 6 năm gồm 2 giai đoạn sơ trung – trung học cơ sở và cao trung – trung học phổ thông) và trung học dạy nghề (kéo dài 3 năm do cơ sở trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật và dạy nghề đảm nhiệm; (3) Bậc cao (Cao đẳng, đại học và sau đại học), thường là 4 năm. Để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, chất lượng và phương pháp giáo dục Trung Quốc đã có sự thay đổi tích cực và hình thành thể chế phân luồng giáo dục theo 3 tầng bậc là: Sau tốt nghiệp tiểu học; Sau tốt nghiệp sơ trung và Sau tốt nghiệp cao trung, trong đó phân luồng sau sơ trung là chủ yếu. Trung Quốc đặt mục tiêu phân luồng sau giáo dục của hai luồng giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ 1:1 và phát triển theo hướng quy mô giáo dục nghề nghiệp trung cấp lớn hơn giáo dục phổ thông; đồng thời giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông liên thông với nhau và phát triển hài hòa.
       Giáo dục Trung Quốc hiện đang thay đổi theo xu hướng của các nước phát triển. Các trường đại học của nhà nước cũng phải tự hạch toán và không còn được nhà nước bao cấp hoàn toàn. Chất lượng giáo dục và phương pháp cũng được thay đổi theo kịp sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đã hình thành thể chế phân luồng giáo dục theo 3 tầng bậc là: phân luồng sau tốt nghiệp tiểu học, phân luồng sau tốt nghiệp sơ trung (trung học cơ sở) và phân luồng sau tốt nghiệp cao trung (trung học phổ thông), trong đó phân luồng sau sơ trung là chủ yếu. Mục tiêu phân luồng sau giáo dục bắt buộc ở Trung Quốc là hai luồng giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp đạt tỷ lệ 1:1 và phát triển theo hướng quy mô giáo dục nghề nghiệp trung cấp lớn hơn giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông liên thông với nhau và phát triển hài hòa.
3. Kinh nghiệm ở Singapore
       Singapore được mệnh danh là con rồng của Châu Á vì sự vươn lên mạnh mẽ của mình trong kinh tế. Tuy là một đảo quốc nhỏ bé, nhưng Singapore luôn đặt giáo dục làm trọng tâm trong các chính sách của mình. Nền giáo dục của Singapore được xây dựng trên nền tảng lâu đời của Anh quốc, chính vì thế đã đạt được thành tựu khổng lồ, là quốc gia trong mơ của những ai đang có giấc mơ du học.
       Hệ thống giáo dục tại Singapore được phát triển trên nền tảng: mỗi sinh viên đều có những năng khiếu đặc biệt và sở thích riêng biệt. Hệ thống giáo dục được áp dụng một cách linh hoạt để giúp học sinh thể hiện hết tài năng của bản thân một cách toàn diện nhất. Giáo dục phổ thông và đại học Singapore có rút ngắn thời gian, cụ thể là trung học phổ thông ở đây chỉ có 2 năm, đại học chỉ có 3 năm.
       Ở Singapore, hệ thống giáo dục được phát triển trên nền tảng mỗi sinh viên đều có những năng khiếu đặc biệt và sở thích riêng biệt, được áp dụng một cách linh hoạt để giúp học sinh thể hiện khả năng của bản thân một cách toàn diện nhất. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông ở Singapore được lồng ghép và tích hợp trong các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi từ bậc trung học đến cả bậc học sau phổ thông. Giáo dục hướng nghiệp gồm 3 giai đoạn: Nhận thức nghề nghiệp; khám phá nghề nghiệp; kế hoạch thực thi nghề nghiệp. Quá trình này giúp cho mỗi học sinh nhận ra tố chất riêng của chính mình, khám phá thế mạnh bản thân và nhận thức những giá trị lợi ích nghề nghiệp cần theo đuổi, từ đó giúp học sinh chủ động có những kế hoạch khả thi để phát triển nghề nghiệp, linh hoạt và dễ thích nghi với môi trường công việc.
       Công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông ở Singapore được lồng ghép và tích hợp trong các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi từ bậc trung học đến cả bậc học sau phổ thông. Giáo dục hướng nghiệp gồm 3 giai đoạn: Nhận thức nghề nghiệp; khám phá nghề nghiệp; kế hoạch thực thi nghề nghiệp. Quá trình này giúp cho mỗi người nhận ra bản sắc riêng của chính mình, khám phá ra khả năng ưu thế của bản thân, nhận thức những quyền lợi giá trị nghề nghiệp cần theo đuổi, từ đó có những kế hoạch khả thi để phát triển nghề nghiệp nhằm hướng tới xây dựng năng lực tình cảm xã hội giúp học sinh trở thành chủ động, linh hoạt và dễ thích nghi với môi trường sống. 
4. Kinh nghiệm ở Malaysia
       Giáo dục Malaysia có lịch sử lâu đời, các trường học đầu tiên là những trường Mã Lai và các trường Hồi giáo. Trong và sau thời gian là thuộc địa của Anh, xuất hiện các trường đào tạo bằng tiếng Anh và hệ thống giáo dục chuyển đổi mạnh mẽ theo xu hướng Tây hóa, với các trường đào tạo bằng tiếng Anh và bằng tiếng Trung Quốc. Nền giáo dục Malaysia được điều hành bởi hai bộ: Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và tại mỗi bang thì có sở giáo dục bang để quản lý, điều hành. Chính sách giáo dục được thực hiện theo bộ luật giáo dục được ban hành vào năm 1996. Học sinh có thể học ở trường công lập, miễn phí với các công dân Malaysia, hoặc trường tư, hoặc giáo dục từ gia đình. Theo luật, giáo dục tiểu học là bắt buộc. Giống nhiều nước châu Á khác, các bài kiểm tra chuẩn quốc gia.
Hệ thống giáo dục được thiết kế như sau: Nhà trẻ: từ 3-4 tuổi; Mẫu giáo: từ 4-6 tuổi; Tiểu học: từ 7- 12 tuổi; Trung học: từ  13- 18 hoặc 19 tuổi; Giáo dục bậc cao (cao đẳng/ đại học): ở nhiều độ tuổi khác nhau.
       Công tác giáo dục hướng nghiệp hiệu quả từ 4 hoạt động sau: Giáo dục hướng nghiệp bắt đầu từ các giáo viên giảng dạy trong lớp học; các hướng dẫn nghề nghiệp ngay từ tiểu học; hướng dẫn nghề nghiệp thông qua các câu lạc bộ nghề nghiệp để học sinh có cơ hội thảo luận, tranh luận và hiểu sâu sắc cũng như tự tìm kiếm, khám phá, khai thác và đàm phán các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp tương lai; khuyến khích tự tạo việc làm.
5. Kinh nghiệm ở Hồng Kông
       Là một thuộc địa Anh, hệ thống giáo dục của Hồng Kông gần như theo hệ thống giáo dục của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, và đặc biệt là hệ thống giáo dục Anh. Tại các cấp giáo dục chuyên nghiệp bậc đại học, cả hai hệ thống giáo dục Anh và Mỹ đều tồn tại.
       Hệ thống giáo dục của Hồng Kông có đặc điểm: 3 năm mẫu giáo không bắt buộc, tiếp theo là 6 năm phổ thông cơ sở và 3 năm phổ thông trung học bắt buộc và 2 năm phổ thông cao cấp không bắt buộc để được cấp bằng bằng trung học Hồng Kông và một khoá 2 năm học chương trình cao đẳng đại học để nhận bằng giáo dục cao cấp Hồng Kông. Một hệ thống giáo dục trung học cao cấp cải cách kiểu “3+3+4”, trong đó có ba năm trung học thông thường, ba năm trung học cao cấp và bốn năm cao đẳng, đại học sẽ được áp dụng từ năm 2009 trở đi. Phần lớn các trường phổ thông toàn diện ở Hồng Kông thuộc trong ba dạng sau: trường công, trường được trợ cấp và trường tư.
       Hồng Kông đưa ra 9 lĩnh vực hướng nghiệp là: Khoa học ứng dụng, Quản trị kinh doanh, Dệt may, Du lịch và Dịch vụ khách sạn, Công nghệ thông tin, Điện và Điện tử, Cơ khí…Thông thường ở cuối cấp trung học cơ sở, học sinh thường quyết định chọn theo học 1 chương trình chính khóa và 2 chương trình nghề. Giáo dục hướng nghiệp cấp trung học cơ sở diễn ra đồng thời với chương trình chính khóa trong 4 năm. Nhiều học sinh đăng ký học chương trình dạy nghề sau tốt nghiệp trung học cơ sở ở các cơ sở đào tạo có cấp chứng chỉ nghề mặc dù có thể học chương trình này ở các cấp học tiếp theo.
6. Kinh nghiệm ở Cộng hòa liên bang Đức
       Cộng hòa liên bang Đức là quốc gia có chế độ liên bang, giáo dục nằm trong thẩm quyền của mỗi bang. Việc tổ chức ngành giáo dục có những khác biệt giữa các bang, mỗi bang có bộ luật và hệ thống giáo dục riêng. Ở Đức, theo quy định của hiến pháp, toàn bộ ngành giáo dục chịu sự quản lý của nhà nước. Quyền thành lập các trường tư được đảm bảo thông qua những quy định đặc biệt.
       Nghĩa vụ bắt buộc đến trường (giáo dục phổ cập) được quy định trong hiến pháp các bang. Có sự phân biệt giữa nghĩa vụ học phổ thông (toàn thời gian) và nghĩa vụ học nghề. Nghĩa vụ học phổ thông kéo dài đến khi kết thúc năm thứ 9 đến trường (ở 4 bang cho đến năm thứ 10). Khái niệm “năm đến trường” không được nhầm với khái niệm “bậc lớp” (ví dụ: với một học sinh ở lại lớp hai lần, nghĩa vụ đi học toàn thời gian kết thúc ở cuối lớp 7 hoặc lớp 8). Nghĩa vụ học nghề là 3 năm, bắt đầu sau khi kết thúc nghĩa vụ đi học phổ thông nếu không học tiếp THCS hay THPT tại một trường giáo dục phổ thông.
       Ở Đức, công tác giáo dục có những khác biệt giữa các bang, mỗi bang có bộ luật và hệ thống giáo dục riêng. Có sự phân biệt giữa nghĩa vụ học phổ thông (toàn thời gian) và nghĩa vụ học nghề. Nghĩa vụ học phổ thông kéo dài đến khi kết thúc năm thứ 9 đến trường (ở một số bang là năm thứ 10) trong khi nghĩa vụ học nghề là 3 năm, bắt đầu sau khi kết thúc nghĩa vụ học phổ thông nếu không học tiếp trung học phổ thông tại một trường giáo dục phổ thông. Việc phân luồng được thực hiện rất sớm theo năng lực học sinh ngay sau trung học cơ sở. Chính phủ Đức có khá nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phân luồng này. Cụ thể, luật pháp vừa bắt buộc, vừa tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, khu vực phi chính phủ, các công ty/doanh nghiệp được (phải) tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp và hệ thống tạo việc làm cho học sinh học nghề. Chính phủ nước này không quản lý trực tiếp công tác dạy nghề, nhưng quản lý chất lượng đào tạo nhằm thống nhất chuẩn chất lượng và buộc các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề phải thực hiện theo chuẩn. Các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp có thể đưa các đặc điểm truyền thống, văn hóa, kinh tế – xã hội của địa phương, nhu cầu và điều kiện của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo. Do đó chương trình đào tạo thể hiện tính đa dạng và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn địa phương, ngành nghề.
       Việc phân luồng rất sớm theo năng lực học sinh ngay sau trung học cơ sở. Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phân luồng này. Luật pháp vừa bắt buộc, vừa tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, khu vực phi chính phủ, các công ty/doanh nghiệp được/phải tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp và hệ thống tạo việc làm cho học sinh học nghề. Chính phủ không quản lý trực tiếp công tác dạy nghề, nhưng quản lý chất lượng đào tạo nhằm thống nhất chuẩn chất lượng và buộc các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề phải thực hiện theo chuẩn. Các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp có quyền đưa các đặc điểm truyền thống, văn hóa, kinh tế xã hội của địa phương, nhu cầu và điều kiện của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo. Do đó chương trình đào tạo thể hiện tính đa dạng và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn địa phương, ngành nghề. Thông qua con đường này các bên liên quan đều được hưởng lợi, có hiệu quả kinh tế – xã hội cao.
7. Kinh nghiệm ở Hoa Kỳ
       Tích hợp giáo dục văn hóa và giáo dục nghề đang là xu hướng chính hiện nay ở bậc học trung học phổ thông Hoa Kỳ. Nhằm giúp học sinh xác định đúng nghề, đội ngũ giáo viên cố vấn (3-5 người) sẽ đồng hành cùng học sinh ngay từ đầu năm lớp 11 đến cuối năm lớp 12. Giáo viên cố vấn không giảng dạy bất cứ môn học nào khác. Hầu hết các trường, trung bình một tuần sẽ có một tiết học với giáo viên cố vấn. Ngoài ra, các giáo viên này còn liên hệ với các trường đại học, công ty… để thông báo và tạo điều kiện cho học sinh đến tham dự các sự kiện giống như một thành viên chính thức của đơn vị đó. Những định hướng này đã giúp học sinh xác định được hướng đi và có sự chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
       Tại Mỹ, việc tích hợp giáo dục văn hóa và giáo dục nghề ở bậc học trung học phổ thông đang là xu hướng chính hiện nay, nhằm giúp học sinh xác định đúng nghề nghiệp cho mình. Mỗi học sinh sẽ có đội ngũ giáo viên cố vấn (3-5 người) đồng hành ngay từ đầu năm lớp 11 đến cuối năm lớp 12. Mặc dù giáo viên cố vấn không giảng dạy bất cứ môn học nào khác, song ở hầu hết các trường, trung bình một tuần học sinh sẽ có một tiết học với giáo viên cố vấn. Ngoài ra, trên cơ sở khả năng của học sinh, các giáo viên cố vấn giúp học sinh tham gia các sự kiện của một số trường đại học, công ty… để học sinh có thể xác định được hướng đi và có sự chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
8. Kinh nghiệm ở New Zealand
       Giáo dục trung học được chia thành 4 chương trình khung cấp quốc gia và định hướng nghề nghiệp ở 13 lĩnh vực khác nhau. Có 39 tổ chức đào tạo nghiệp vụ nghề (ITO) tài trợ kinh phí cho hoạt động dạy nghề. Điểm đặc biệt là ITO tổ chức đào tạo, nhưng đồng thời đặt ra tiêu chuẩn chung dựa trên yêu cầu/quan điểm của các doanh nghiệp về kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động. Việc đào tạo nghề chủ yếu thực hiện thông qua “hệ thống kép: học sinh học một phần ở trường dạy nghề, một phần thực tập tại công ty.
       Trên cơ sở nghiên cứu về kinh nghiệm triển khai giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông ở một số nước trên cho thấy: Việc phân luồng học sinh được thực hiện ngay sau cấp trung học cơ sở; công tác giáo dục hướng nghiệp được thực hiện trong chương trình giáo dục trong nhà trường ngay từ cấp Tiểu học; các giáo viên đều tham gia quá trình hướng nghiệp và đồng thời có đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho sự phân luồng; các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường.

II. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
       Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và cầu cũng như cơ cấu lao động. Thị trường lao động sẽ phân hóa mạnh giữa nhóm lao động có kỹ năng nghề thấp và nhóm lao động có kỹ năng nghề cao. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo.
       Trong vài năm gần đây, việc phân luồng học sinh sau trung học phổ thông vẫn còn thấp so với mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với phân luồng học sinh sau THPT, năm học 2018-2019 số học sinh vào các trường đại học, cao đẳng đạt 48,9%; năm học 2017-2018 đạt 47,1%; năm học 2016-2017 đạt 45,1%…; số còn lại vào các trường trung cấp nghề, CĐ nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh… hoặc lao động tự do. Có một thực trạng có thể nhận ra rằng, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
       Hiện nay, cả nước có 1.467 cơ sở dạy nghề, bao gồm 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, 997 trung tâm dạy nghề và 1.000 cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp khác tham gia dạy nghề. Các tỉnh thành gần như đã có các trường đào tạo nghề. Nhiều trường nghề mở với quy mô đào tạo rất lớn và hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập, phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay. Tuy nhiên, hàng năm, đa số các trường rất khó tuyển sinh được học viên, bởi các em cũng như gia đình đều hướng con em mình vào các trường đại học, cao đẳng, với khát vọng sau này trở thành “thầy”, chứ không muốn làm “thợ”. Chỉ khi nào các em thi trượt đại học, hoặc một số em có hoàn cảnh khó khăn và một bộ phận ít học sinh có học lực trung bình mới đủ “can đảm” thi và đăng kí vào các trường, các trung tâm dạy nghề. Số lượng cử nhân ra trường không xin được việc làm hoặc không muốn làm những việc không “xứng tầm” với tấm bằng của mình đã lên đến con số hàng trăm ngàn.  Đây quả là sự lãng phí vô cùng lớn cho xã hội. Vấn đề này đến từ việc phân luồng và hướng nghiệp cho các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.       Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm cả nước năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực, số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước năm 2019 là 1,98%. Mặc dù vậy, câu chuyện thất nghiệp vẫn là chủ đề “hot” được nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh quan tâm. Giới phân tích cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thất nghiệp là sự “lệch pha” giữa nhu cầu của thị trường và mong muốn của người học, cũng như thực tế đào tạo ở các trường, mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ công tác hướng nghiệp ở nước ta trong những năm qua còn không ít những bất cập, xuất phát từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, cả từ phía gia đình và xã hội.
       Trước hết là các vấn đề xuất phát từ phía gia đình và chính thế hệ trẻ hiện nay. Trong các gia đình Việt Nam, các bậc phụ huynh thường có 2 khuynh hướng về định hướng nghề nghiệp. Thứ nhất, phụ huynh không coi trọng công tác hướng nghiệp, để con tự tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp dẫn tới nhiều bạn trẻ vẫn còn mơ hồ về nghề nghiệp tương lai, chọn nghề dựa vào “cảm giác”. Thứ hai, một số phụ huynh định hướng “dọn đường” sẵn cho con, với mong muốn con mình có một tương lai tươi sáng và thành công trong sự nghiệp theo những quan điểm cá nhân, ví dụ như phải “vào đại học bằng mọi giá” thì mới có tương lai tốt hay đó là xu thế của xã hội… trong khi học lực của nhiều học sinh không cao. Theo kết quả cuộc khảo sát “Thực trạng đầu tư giáo dục cho con cái trong các hộ gia đình ở Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia (NCIF) đã thực hiện năm 2015 cho thấy, có 77,6% bố mẹ cho rằng việc học đại học/cao đẳng của con cái là bắt buộc. Điều này đã tạo áp lực lớn đối với không ít bạn trẻ vốn thụ động và không quyết đoán trong việc xây dựng kế hoạch cho tương lai, đồng thời gây lãng phí nguồn lực cho cả xã hội và gia đình. Trong số ít gia đình, phụ huynh đã có sự đồng hành, chia sẻ cùng các con trong lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai, thế nhưng họ cũng đang phải lúng túng “tự bơi” để hướng nghiệp cho con cái do bản thân thiếu nhiều thông tin và kiến thức hướng nghiệp. 
       Đối với học sinh, chủ thể chính trong công tác hướng nghiệp, lại phải dành quá nhiều thời gian cho việc học tập ở trường và ít có cơ hội tham gia trải nghiệm những hoạt động ngoại khóa, hướng nghiệp – một điều rất cần thiết để tìm hiểu, khai phá về bản thân cũng như thị trường lao động. Mặc dù trong cuộc sống ngày nay ngày càng hiện đại hơn với quan điểm sống khá mở, song nhiều em học sinh vẫn được bố mẹ, người thân xây đắp một suy nghĩ rằng chỉ học mới có thể giúp mình phát triển, thoát khỏi sự nghèo khó. Vì thế, đại học luôn là mục tiêu cao nhất được mọi người theo đuổi và học nghề chỉ được coi là “Chiếu dưới”. Giới trẻ xem việc bước chân vào trường nghề là lựa chọn cuối cùng khi giấc mơ gõ cửa các trường đại học không đạt được. Đây cũng là lý do ở cấp học phổ thông hiện nay, không ít học sinh học nghề chỉ nhằm mục đích lấy điểm cộng cho xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào trung học phổ thông (THPT) mà chưa chú tâm học nghề.
       Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, để cụ thể hóa chủ trương phân luồng cho đào tạo nghề nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, năm 2018, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018- 2025” được phê duyệt. Đây là bước đi mạnh mẽ của Chính phủ trong quyết tâm nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp nước ta nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông. Triển khai thực hiện Đề án, công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được xác định là một nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019-2020 của ngành Giáo dục và Đào tạo nước ta. Đến nay, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với dạy học các môn và tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông trại, làng nghề truyền thống nhằm định hướng phân luồng học sinh. Ví dụ như, một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Cần Thơ và Hưng Yên… đã triển khai các chương trình trải nghiệm cho học sinh tại khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Một số mô hình thí điểm nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương cũng được thực hiện như: Mô hình trường học – nông trường chè, nông trường mía, nông trường cam tại Tuyên Quang, Hòa Bình; Mô hình trường học – vườn đào, trường học – du lịch ở Lào Cai, Hà Giang… Các chương trình trải nghiệm lồng ghép trong chương trình giáo dục tại nhà trường đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người dân địa phương; giúp công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở tại một số địa phương đã đạt được một số kết quả nhất định, từng bước góp phần điều chỉnh cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
       Tuy nhiên, những kết quả đạt được trên cũng mới chỉ là bước đầu, việc thực hiện phân luồng học sinh chưa đạt hiệu quả mong muốn, không sát, không theo nhu cầu xã hội. Việc học tiếp lên trung học phổ thông vẫn là luồng chủ yếu mà học sinh trung học cơ sở hướng tới, mặc dù có nhiều em học sinh do hoàn cảnh khó khăn hoặc bị hạn chế về năng lực đã bỏ học khi chưa hoàn thành THPT. Phần lớn các tỉnh/thành đều có tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…). Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là do hạn chế của các cơ sở giáo dục.
       Trên thực tế, các trường trung học cơ sở vẫn chạy theo tư tưởng trọng bằng cấp nên chưa coi trọng công tác giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh. Hầu hết giáo viên kiêm nhiệm nội dung hướng nghiệp chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và chịu áp lực giảng dạy quá nặng. Bên cạnh đó, nhiều trường hiện vẫn đang rất thiếu cơ sở vật chất, điều kiện thực hành thí nghiệm và các khu trải nghiệm về các ngành nghề để học sinh có thể tham gia, sáng tạo các sản phẩm theo sở thích, thế mạnh của mình.
       Mặt khác, công tác tư vấn hướng nghiệp gồm hai nội dung chính. Một là tuyên truyền, hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, tư vấn chọn nghề. Hai là cung cấp thông tin, dự báo chính xác về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực cho việc chọn ngành nghề. Thế nhưng, việc tư vấn hướng nghiệp hiện mới chỉ tập trung ở nội dung thứ nhất mà chưa coi trọng đúng mức đến nội dung thứ hai. Hệ thống thông tin thị trường lao động còn nghèo nàn, thiếu thông tin, chưa kịp thời do phương pháp, cách thức thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động còn chậm, chưa áp dụng tiến bộ của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, công tác phân tích, dự báo thị trường cả trong ngắn hạn và dài hạn chưa thực sự bám sát thực tiễn, thiếu khả năng kết hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ các tổ chức cung cấp thông tin.
       Hướng nghiệp phổ thông – chìa khóa thành công đối với bạn trẻ khi bước vào đời, bởi việc lựa chọn nghề nghiệp của mỗi người có vai trò quyết định đến tương lai. Có 3 yếu tố chính tác động đến việc lựa chọn nghề nghiệp ở các bản trẻ, đó là: Bản thân, gia đình và xã hội. Những câu chuyện hướng nghiệp thành công ở một số bạn trẻ cho thấy công tác hướng nghiệp cần làm ngay từ bản thân học sinh và gia đình. Trước hết, bên cạnh việc cần nắm bắt đúng nhu cầu thị trường, quan tâm đến mức thu nhập, cơ hội phát triển… thì yếu tố quan trọng nhất để chọn lựa đúng nghề là tự bản thân mỗi học sinh cần phải hiểu rõ sở thích, khả năng, cá tính của mình; tìm hiểu giá trị nghề nghiệp mong muốn và phải tổng hòa được “cái tôi”(sở thích, năng lực của cá nhân cụ thể) với yêu cầu xã hội để chọn nghề yêu thích và có thể làm tốt, làm lâu dài.
       Trong lựa chọn nghề nghiệp học sinh và cha mẹ thường có sự mâu thuẫn song cả hai bên cần nhìn tới mục đích chung. Các em học sinh cần thấu hiểu việc cha mẹ đồng ý/không đồng ý lựa chọn nghề nghiệp của mình bởi họ lo sợ rủi ro, mong muốn các em có sự nghiệp ổn định. Ngược lại, thay vì định hướng một chiều, cha mẹ nên đóng vai trò người bạn đồng hành chia sẻ lo lắng của các con thông qua tương tác, nói chuyện và chia sẻ với nhau hằng ngày. Từ đó giúp con hiểu rõ được năng lực, sở thích và đam mê của bản thân, khuyến khích con tìm hiểu thị trường đào tạo và lao động; trao trách nhiệm cho con trong việc lập và thực hiện kế hoạch học tập; giúp con tự xây dựng khả năng chủ động thích ứng trước những sự thay đổi của xã hội, môi trường và khơi gợi, nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp tương lai của các bạn trẻ. Trong thế giới phẳng hiện nay, học sinh và phụ huynh nên sử dụng nhiều kênh thông tin tham khảo khác nhau để cùng tìm hiểu thị trường đào tạo và lao động. Điều trẻ cần là cha mẹ nên tôn trọng và giao quyền quyết định cho con bởi các em mới chính là người chịu trách nhiệm trước quyết định này.
       Để thay đổi nhận thức của học sinh và cả phụ huynh về định hướng nghề nghiệp, về học nghề, các cấp chính quyền, các ngành cần thể hiện rõ vai trò của mình thông qua việc tăng cường những hoạt động thực tiễn tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, tạo cơ hội việc làm…; đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp   và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương; huy động các nguồn lực tham gia công tác hướng nghiệp… 
       Các trường dạy nghề cần chủ động tổ chức ngày hội tư vấn lưu động để cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo, khả năng tìm kiếm việc làm sau ra trường đối với học sinh, phụ huynh. Đối với nhà trường, các cơ sở giáo dục, cần tổ chức dạy học gắn với thực hành và thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương. Trên cơ sở đó, trước hết giới thiệu cho học sinh nhu cầu việc làm của địa phương về các ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực cá nhân mỗi học sinh.
       Việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh phổ thông không thể thiếu vai trò của giáo viên hướng nghiệp. Họ là người sẽ hướng dẫn học sinh các kỹ năng tìm kiếm thông tin nghề nghiệp, hệ thống các trường đào tạo nghề nghiệp. Do đó, cùng với việc hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp, mỗi nhà trường cần tổ chức bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia hướng nghiệp và có chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng để động viên, khuyến khích phát huy tối đa năng lực, sở trường của mỗi giáo viên hướng nghiệp.
Có thể nói, công tác hướng nghiệp muốn đạt hiệu quả cao, ngoài chủ trương, chính sách của Nhà nước thì rất cần sự chung tay từ nhiều phía, từ cả các bạn trẻ, gia đình đến các cơ sở giáo dục phổ thông, doanh nghiệp trong xã hội.                                                                                                              
       Cũng như các nước đang phát triển trên thế giới, Việt Nam đang đứng trước những mâu thuẫn và áp lực lớn trong thị trường lao động. Giải quyết việc làm là một trong những khâu cực kỳ quan trọng nhằm phát huy nhân tố con người, ổn định và phát triển kinh tế, làm lành mạnh xã hội, đồng thời đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân, trong đó đặc biệt là của lực lượng lao động trẻ – lực lượng lao động chính trong tương lai của đất nước. Chính vì vậy việc học tập kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học sẽ là cơ sở cho việc thực hiện tốt tốt chủ trương phân luồng và hướng nghiệp và tiếp tục thực hiện tốt hơn việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới./.