Bài viết hiểu mình
Làm cách nào để hiểu rõ mình hơn?
Để hiểu rõ được bản thân mình, một người cần phải tránh được cái bẫy của tâm trí, đó chính là sự phân chia giữa người kiểm soát – vật kiểm soát (cơn giận, nỗi sợ,..). Khi một người phân chia ra như vậy, người đó có xu hướng tìm đến những phương pháp, cách thức để kìm hãm, kiểm soát, vượt qua sao cho những vấn đề này không xuất hiện nữa.
Chính vì sự phân chia của tâm trí này, nó sinh ra tất cả các xung đột tiếp theo, từ tâm lý cho đến cơ thể và vật chất bên ngoài. Điều này làm một người dễ dàng bỏ qua sức mạnh của bản thân mình để tìm đến sức mạnh bên ngoài, như là các đấng cứu thế, các chính phủ, các nhóm, các phương pháp tu tập, tu luyện,.. giúp họ giải thoát được những thứ họ cho là làm họ khổ, và chính cái sự khổ của họ.
Tuy nhiên, một người nên đặt câu hỏi này: ‘ Đã hàng ngàn năm nay, tất cả những phương pháp, những cách thức tu tập, những tôn giáo, những tổ chức xã hội,… này đã thực sự giúp cho con người thoát được nổi khổ của họ: giận dữ, sợ hãi, đau khổ,.. hay làm cho loài người ngày càng đi sâu vào vòng xoáy tiêu cực, càng làm họ chìm sâu vào những hệ thống niềm tin mới, những thành kiến, giáo điều mới mà nếu không có sự tỉnh táo và can đảm, sẽ không thể nào thoát ra được.
Đây chính là ma trận tâm lý nhị nguyên cầm tù con người trên trái đất này!
Đầu tiên, để bắt đầu con đường hiểu rõ bản thân, một người cần phải nhận ra được rằng: không hề có sự phân chia nào cả!
Điều này có nghĩa là: Người kiểm soát chính là vật kiểm soát, chính là tâm trí của bạn!
Bạn chính là: sự giận dữ, nỗi sợ hãi, sự đau khổ, nỗi buồn, sự tham lam, sự vui thú, khoái lạc,….
Khi một người nhận ra được điều này, thì người đó có thể quan sát bản thân mà không có sự đánh giá, phán xét, nhận xét của tâm trí, quan sát nó như bản chất thật sự của nó như là.
Khi đó, người này mới có thể hiểu được tại sao sự tiêu cực đó lại xảy ra, và toàn bộ quá trình tâm lý từ gốc rễ ban đầu của nó.
Ví dụ: khi bạn đang nóng giận, bạn quan sát bản thân và bạn nói rằng: à, mình đang nóng giận, và mình không nên như vậy, từ đó kìm nó lại và dày vò về sau =>Quay lại trò chơi ban đầu của tâm trí.
Hay khi bạn đang buồn phiền vì chuyện gì đó, bạn nói rằng: à mình đang buồn, mình không nên buồn và cần tìm cái gì vui vẻ hơn như đi uống bia, sau đó lại nghĩ lại chuyện cũ => Tiếp tục quay trở lại trò chơi ban đầu.
Hay khi bạn lo lắng tương lai, bạn thấy rằng mình nghĩ nhiều quá, không nên như vậy, cần tìm cái gì đó để bớt lo nghĩ, từ đó bạn đi café, xem phim, mua sắm để tạm quên nó đi => Vẫn là hoạt động của tâm trí.
Bạn hãy ngẫm lại xem mình đã bao nhiêu lần trong đời làm chuyện này rồi?
Tiếp theo, khi bạn đã có sự quan sát, tìm hiểu bản thân mà không có sự phán xét, đánh giá nào; bạn có thể hiểu được toàn bộ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề hiện tại làm bạn khổ sở. Thông thường, các vấn đề này thường được ẩn dấu rất sâu trong rất nhiều tầng lớp của tâm trí khác nhau, mà bạn là người quan sát cần phải tìm hiểu, đào sâu nhất có thể mới nhận ra được toàn bộ quá trình tâm lý của mình..
Ví dụ: Một người đàn ông rất khó chịu khi vợ mình hay hỏi về tiền để trả các hóa đơn, làm anh ta nóng giận với vợ và làm vợ anh ta buồn, từ đó dẫn đến lục đục trong tình cảm gia đình.
Nếu không hiểu bản thân mình, anh ta sẽ đi tìm một cách nào đó để tránh lặp lại điều này với vợ mình, từ đó có thể anh ta tìm đến cách đi bầu cho các chính trị gia, tìm bác sĩ tâm lý, nhà thờ, tập thiền, hoặc tìm hiểu phương pháp nào đó,..vv như mọi người khác trên thế giới này..
Nếu anh ta bắt đầu tìm hiểu bản thân, anh ta có thể quan sát được rằng anh ta khó chịu khi vợ hỏi vì anh ta so sánh mình với những người xung quanh, như bạn bè anh ta, với những căn nhà to và những thứ đắt tiền. Ẩn sâu trong đó là hình ảnh thua kém người khác, dẫn đến chán ghét bản thân mình.
Đào sâu thêm nữa thì vấn đề thua kém này do hồi nhỏ anh ta hay bị bố mẹ so sánh với ‘con nhà người ta’, làm anh ta mất đi sự tự tin vào bản thân mình. Vì chán ghét bản thân nên từ nhỏ anh ta không chăm sóc cho bản thân mình nhiều, không chịu học hỏi, đọc sách, phát triển nghề nghiệp. Điều này lại làm cho anh ta khó có thể kiếm được nhiều tiền và tiếp tục tiêu cực hơn.
Khi anh ta có thể quan sát được toàn bộ điều này, anh ta thấy rằng vấn đề chính của mình hiện tại chính là do sự so sánh mình với người khác, chán ghét bản thân mình. Cho nên, thay vì tìm kiếm sức mạnh bên ngoài, anh ta có thể tìm đến sức mạnh bên trong mình chính là sự yêu thương bản thân mình.
Khi đó, anh ta sẽ tập trung đầu tư vào bản thân như học hỏi, tập thể thao, từ đó cuộc sống anh ta thay đổi theo vòng xoáy ngược lại. Khi yêu thương bản thân, anh ta cũng trở nên vui vẻ và yêu thương người khác hơn, cuộc đời anh ta thay đổi hoàn toàn.
Tất cả những chu trình tâm lý trong cuộc sống thường không diễn ra đơn giản qua một, hai bước mà thường được ẩn qua rất nhiều những hệ thống niềm tin, giáo điều, trải nghiệm, đánh giá, phán xét. Một người cần phải hiểu rõ từng lớp vỏ bọc này để có thể nhìn được thẳng vào vấn đề của mình. Khi đó, bạn có thể tự tạo ra con đường thay đổi của riêng mình, mà không cần đến sự chỉ dạy, hướng dẫn của bất kì người nào hay phương pháp nào khác!
Vì vậy, bạn cũng cần luôn đặt câu hỏi cho bản thân: Vì sao điều này lại xảy ra? Cái gì gây ra nó?
Mà không hề có sự phán xét, đánh giá, nhận xét theo bất kì hệ thống niềm tin, giáo điều, giá trị đạo đức, trải nghiệm của bạn.
Khi đó, bạn sẽ đào sâu được từ nguyên nhân A => Nguyên nhân B => Nguyên nhân C ….=> Gốc rễ vấn đề tâm lý của bạn.
Từ đó, bạn bắt đầu thấu hiểu bản thân mình, và bạn ‘ngộ’ ra được tất cả những điều mình trước đây từng làm khá buồn cười và vô ích:
Bạn ‘NGỘ RA’ vì sao mình lại nghiện thuốc lá, rượu bia, ma túy, nhậu nhẹt dẫn đến bệnh tật như vậy.
Bạn ‘NGỘ RA’ vì sao mình luôn thù ghét một người nào đó, hoặc vì sao mọi người xa lánh bạn.
Bạn ‘NGỘ RA’ vì sao mình luôn sợ chết, sợ bệnh, sợ hết tiền.
Bạn ‘NGỘ RA’ những thứ bạn luôn cho là đúng, tôn thờ đều là giả dối.
Bạn ‘NGỘ RA’ được sự thật!
Khi đó, bạn sẽ có một tâm trí vô cùng sáng suốt, và bạn không cần đến bất kì ai, tổ chức, hay giáo điều nào để giúp bạn hiểu rõ bản thân bạn cả.
Tuy nhiên, để bắt đầu bạn cần phải có sự can đảm, vì đa phần con người đều sợ đối mặt một mình với chính mình, khi người đó phải đối diện trực tiếp với sự giận dữ, nỗi đau, sự mất mát, nỗi buồn…
Chốt lại, câu hỏi đặt ra với mỗi người, bạn có 2 sự lựa chọn:
1/ Hiểu rõ bản thân bằng chính mình, tin và yêu vào bản thân mình, và tìm thấy sức mạnh, bản thể thượng đế của chính bạn.
2/ Tìm đến sự cứu rỗi ở bên ngoài, như các đấng cứu thế, các chính trị gia, hay bất kì cái gì bạn tin. Từ đó, trở thành nô lệ cho chính những thứ đó.
Sự lựa chọn quyết định kết quả cuộc đời của bạn.
Nguồn: thienchualanh