www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Văn bản bộ GDĐT

Công văn 1676/BGDĐT-GDTrH năm 2019

Kính gửi:– Các sở giáo dục và đào tạo;
– Các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên trung học;

Ngày 14 tháng 5 năm 2018 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 522/QĐ-TTg việc phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” (sau đây gọi là Đề án), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên trung học tổ chức triển khai thực hiện Đề án như sau:

I. Đối với các sở GDĐT

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các ngành liên quan xây dựng đề án, kế hoạch triển khai của tỉnh để thực hiện Đề án trình UBND tỉnh kí ban hành.

2. Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là tỉnh) thành lập Ban điều hành Đề án của tỉnh; đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh hàng năm, từng giai đoạn; xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh; bố trí kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại một số trường trung học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên triển khai mô hình điểm về giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh.

Phòng GDĐT tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là huyện) ban hành kế hoạch và triển khai các nội dung thực hiện Đề án nêu trên phù hợp với kế hoạch của tỉnh và tình hình của huyện.

Kế hoạch thực hiện Đề án của tỉnh gửi về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) trước 30/6/2019.

3. Phối hợp với Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan truyền thông trung ương, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục có học sinh trung học, cha mẹ học sinh, học sinh, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, sau trung học phổ thông.

4. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng trang mạng thông tin về giáo dục hướng nghiệp được kết nối giữa các trường trung học với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp nhằm cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, nhu cầu sử dụng của thị trường lao động của tỉnh, quốc gia.

5. Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

6. Phối hợp với Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh; triển khai hiệu quả phương thức dạy văn hóa kết hợp với học nghề cho học sinh.

7. Chỉ đạo các trường trung học, trung tâm giáo dục thường xuyên bổ sung, cập nhật các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành phù hợp với đặc điểm địa phương; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới; vận dụng linh hoạt các phương thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp với tâm lý lứa tuổi và đặc điểm nhà trường; phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân giỏi tổ chức các hoạt động: Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, thì tìm hiểu về nghề nghiệp,… cho học sinh.

8. Xây dựng một số cơ sở giáo dục làm điểm về công tác giáo dục hướng nghiệp với phương thức giáo dục hướng nghiệp tiên tiến, có sự tham gia của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp.

9. Thành lập các bộ phận kiêm nhiệm việc quản lý, theo dõi công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học tại Sở GDĐT, các Phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục có học sinh trung học.

10. Xây dựng mạng lưới giáo viên cốt cán làm nòng cốt cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phụ trách công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trung học của các cơ sở giáo dục có học sinh trung học.

II. Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên trung học.

1. Đưa vào chương trình đào tạo của các khoa, ngành học các nội dung về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.

2. Chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động về giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.

3. Phối hợp với các sở GDĐT tổ chức các khóa bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên trung học về công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh.

Bộ GDĐT yêu cầu các sở GDĐT, các cơ sở đào tạo giáo viên trung học triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc hướng dẫn này; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học, email:vugdtrh@moet.gov.vn) trước ngày 30/6 hằng năm./.


Nơi nhận:
– Như trên;
– Bộ trưởng (để báo cáo);
– Các Thứ trưởng(để phối hợp chỉ đạo);
– Các Cục, Vụ, Viện KHGDVN, NXBGDVN, Dự án, Chương trình liên quan;
– Lưu: VT,Vụ GDTrH.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Hữu Độ