www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề bác sỹ tâm lý học

Bác sĩ tâm lý – Họ là ai?

Bác sĩ tâm lý là người nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý, hành vi của con người nhằm phát hiện nguyên nhân của các bất ổn tâm lý của thân chủ. Từ đó đưa ra những liệu pháp tâm lý và lời khuyên chuyên môn để xoa dịu hoặc triệt để giải quyết những khúc mắc trong lòng thân chủ.

 Bác sĩ tâm lý làm gì?

Thông thường, các bác sĩ tâm lý có thể tư vấn độc lập hoặc kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực trị liệu khác để phối hợp giải quyết các vấn đề tâm lý và sức khỏe của thân chủ. Đây là một quá trình đòi hỏi óc quan sát tinh tế, sự đồng cảm cùng nhiều thủ thuật chuyên môn.

  • Đầu tiên, các bác sĩ tâm lý cần tiến hành đánh giá nhu cầu, năng lực, hành vi của thân chủ thông qua các biện pháp nghiệp vụ như bài kiểm tra tâm lý, trò chuyện và quan sát.
  • Tiếp đến, các chương trình điều trị phù hợp từ tư vấn, cung cấp lời khuyên hay thậm chí điều trị bằng thuốc sẽ được tiến hành.
  • Ngoài ra, các bác sĩ còn giúp tư vấn, đưa ra lời khuyên cho người thân hay người giám hộ của thân chủ để gia tăng tính hiệu quả của liệu pháp điều trị.
  • Các bác sĩ tâm lý cũng có thể phối hợp làm việc cùng các chuyên gia đa ngành như bác sĩ, y tá, các tổ chức xã hội hay chuyên gia giáo dục hay cơ quan điều tra khi có nhu cầu.

 Bác sĩ tâm lý làm việc ở đâu?

Bác sĩ tâm lý có thể làm việc tại chuyên khoa tâm thần trong bệnh viện hoặc mở phòng khám riêng. Họ cũng có thể là người tư vấn tâm lý học đường trong các trường học, trung tâm tư vấn hay trở thành giáo viên giảng dạy tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, những bác sĩ tâm lý giàu kinh nghiệm cũng luôn là đối tượng được các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ và bộ phận nghiên cứu tâm lý khách hàng của nhiều công ty lớn chào đón.

Một số nghề nghiệp trong ngành Tâm lý học  

  • Nhà tâm lý học đường: Đây là những người làm việc tại các trường học. Họ sẽ tham gia vào việc ngăn ngừa những khó khăn thất bại trong học tập và cả đời sống tinh thần của học sinh, giúp học sinh giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống để đạt được thành tích cao hơn trong học tập.
  • Nhà trị liệu tâm lý: Họ làm việc tại các bệnh viện tâm thần hoặc các bệnh viện, trung tâm trị liệu khác. Họ có trách nhiệm hỗ trợ cho nhà tâm lý học hoặc bác sỹ tâm thần. Trong một số trường hợp họ có thể làm việc độc lập, giúp cho những người có nhu cầu trị liệu tâm lý giải quyết được những mâu thuẫn tâm lý bên ngoài cũng như nội tại. Với mỗi trường hợp khác nhau nhà trị liệu tâm lý sẽ áp dụng các phương pháp trị liệu khác nhau, chẳng hạn như trị liệu hành vi, trị liệu theo phương pháp nhận thức, phân tâm, trị liệu gia đình v.v….
  • Chuyên viên tham vấn: Chuyên viên tham vấn có thể làm việc tại các trung tâm tư vấn, các đường dây tư vấn nóng như 1080, 1088, 1900… hoặc các dự án phi chính phủ v.v… Công việc của họ là gặp gỡ, trò chuyện với những người có nhu cầu tư vấn về tâm lý, thường phát sinh trong các lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình,… để họ nhận thức được vấn đề của mình và tự tìm ra cách giải quyết phù hợp nhất.
  • Nhà tâm lý học: họ làm việc tại các viện hoặc trung tâm nghiên cứu các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, công ty,…. Công việc của họ rất đa dạng, chẳng hạn như nghiên cứu, giảng dạy hoặc tham gia vào việc lập kế hoạch, chính sách liên quan đến đời sống tâm lý được ứng dụng trong các hoạt động quản trị kinh doanh. Hoặc họ cũng có thể tham gia vào các dự án, chương trình của các tổ chức trong và ngoài nước hay các tổ chức phi chính phủ.