Xuất bản là gì?
Xuất bản hoạt động tổ chức nội dung, hình thức, in ấn và phổ biến các ý tưởng dưới dạng văn bản như sách, báo, tạp chí, hay hiện đại hơn là những cuốn sách điện tử ghi trong đĩa CD, trên mạng Internet để đông đảo công chúng có thể tiếp cận được. Ý tưởng ở đây có thể là một tập thơ, một tập truyện ngắn, một bộ sách khoa học v.v… Nơi tổ chức thực hiện quy trình đó để xuất bản các ấn phẩm chính là nhà xuất bản, các công ty sách.
Ngành xuất bản học gì?
Với ngành xuất bản, sinh viên sẽ có:
-Có kiến thức cơ bản, hệ thống về lý luận chuyên ngành biên tập, in, phát hành xuất bản phẩm.
– Có kiến thức cơ bản, có hệ thống về lý luận và nghiệp vụ biên tập xuất bản, có khả năng biên tập được các loại bản thảo thông thường.
– Có kiến thức tổng hợp, nhất là kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn, về thế giới hiện đại, về đất nước và con người Việt Nam trên các phương diện: lịch sử, truyền thống, tâm lý, văn hóa…
– Nắm vững tri thức về kỹ năng chuyên môn, được rèn luyện kỹ năng tổ chức bản thảo, biên tập bản thảo, thiết kế xuất bản phẩm truyền thông, biên tập ngôn ngữ văn bản.
– Biết sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại trong công tác biên tập xuất bản: máy tính, máy in, máy ảnh…
– Có năng lực tổng kết kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học phục vụ học tập và hoạt động thực tiễn về xuất bản
– Có khả năng tham gia các hoạt động đoàn thể chính trị xã hội, công tác văn hoá tư tưởng của Đảng và Nhà nước.
Ngành xuất bản ra trường làm gì?
Cơ hội của sinh viên ngành xuất bản rất rộng mở, bạn có thể trở thành:
– Biên tập viên: là những người trực tiệp nhận và hoàn thiện bản thảo của tác giả. Họ còn là những người đưa ra ý tưởng, mời người cộng tác, nắm vai trò mắt xích chung điều phối quá trình ra đời một ấn phẩm xuất bản. Khi bản thảo được chấp nhận, biên tập viên sẽ cùng tác giả chỉnh sửa, điều chỉnh, hoàn thiện nội dung trước khi cuốn sách ra mắt bạn đọc.
– Họa sĩ nhà xuất bản (Biên tập họa): là những người chịu trách nhiệm thiết kế, trình bày sách bằng các thao tác như vẽ bìa, vẽ hình minh họa, chọn khổ sách, kiểu chữ v.v… Họ cũng điều phối, thẩm định, biên tập phần mỹ thuật, trình bày của cộng tác viên về mỹ thuật, yêu cầu sửa chữa hoặc vẽ lại nếu cần.
– Kỹ thuật viên chế bản: Bằng các phần mềm chế bản chuyên dụng, các kỹ thuật viên sẽ biến hóa bản thảo của biên tập viên cùng với phần trình bày của họa sĩ thành bìa sách và các trang sách. Đây là vị trí rất phù hợp với những bạn vừa học về đồ họa lại vừa có niềm đam mê với sách, muốn tham gia đóng góp công sức của mình trong ngành xuất bản.
– Người sửa bài (người đọc mo-rat, bản bông): là những người chuyên làm công việc phát hiện và sửa lỗi chính tả, cấu trúc câu trong bản thảo. Nghề này phù hợp với những bạn tốt nghiệp các ngành ngôn ngữ học hay văn học.
– Người phụ trách, quản lý in ấn: làm việc với các nhà in, theo dõi hoạt động, số lượng và chất lượng in ấn, thời gian giao sách.
– Nhân viên phát hành: quản lý việc nhận sách từ nhà in, giới thiệu và phân phối sách tới các đại lý, cửa hàng và tới tay độc giả, quản lý kho, xuất nhập sách v.v…
– Chuyên viên khai thác và giao dịch bản quyền: là những người giỏi ngoại ngữ, nhạy bén, am hiểu về luật bản quyền, hoạt động giao dịch bản quyền và thị trường xuất bản. Họ làm việc ở bộ phận bản quyền của nhà xuất bản, công ty sách.
Tham gia vào ngành xuất bản, bạn có thể làm việc tại hệ thống các nhà xuất bản, các công ty sách tại các địa phương trong cả nước, các cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản như Cục Xuất bản (thuộc Bộ VH-TT), Vụ Xuất bản (thuộc Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương). Ngoài ra, không thể không kể đến các công ty sách tư nhân đang phát triển mạnh.
Ngành xuất bản cần những yếu tố gì?
Làm việc trong ngành xuất bản, bạn là một mắt xích trong một quy trình chặt chẽ. Ngày nay, cạnh tranh trong ngành xuất bản khá sôi động, đòi hỏi bạn phải nhanh nhạy nắm bắt thị trường sách và thị hiếu của người đọc. Trong ngành này, bạn thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều người như: cộng tác viên, đối tác, bạn đọc v.v… Vì vậy, bạn cần phải năng động,tự tin đồng thời có khả năng giao tiếp và làm việc nhóm và xử lí công việc tốt.
Mặt khác, công việc của người làm xuất bản ít khi đòi hỏi phải đi lại nhiều. Phần lớn thời gian bạn làm việc trong văn phòng. Xuất bản ngày nay không còn bó gọn trong sách, báo hay tạp chí nữa mà đã mở rộng sang lĩnh vực truyền thông đa phương tiện. Sách điện tử, các mặt hàng đi kèm với sách như băng đĩa, búp bê, con rối là những ví dụ tiêu biểu. Bạn nên có kỹ năng về công nghệ thông tin, đồng thời có óc sáng tạo để làm mới mẻ và đa dạng hóa công việc của mình.
Khả năng ngoại ngữ cũng là yếu tố cần thiết giúp bạn thành công với ngành xuất bản.