www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề thợ xây

Thợ hồ, thợ xây, thợ nề là những từ đồng nghĩa với nhau. Hiện nay thợ hồ là một trong những nghề mang tính tự do. Rất ít thợ được đào tạo qua trường lớp, phần đông đều tự học qua công việc.

“Ai cũng muốn sản phẩm của mình đẹp nhất, tốt nhất. Dù đã có bản vẽ thiết kế của chủ công trình nhưng trong quá trình thi công, bằng kinh nghiệm, tôi luôn góp ý thay đổi hoặc rút gọn một số chi tiết để công trình hoàn hảo hơn. Ngoài ra, tôi luôn tự nhắc bản thân và anh em trong nhóm chú trọng bảo đảm an toàn khi làm việc. Mỗi ngôi nhà hoàn thành, nhìn thấy nụ cười hài lòng từ gia chủ, tôi lại có động lực cho những công trình tiếp theo”. (Trần Văn Đoàn, thôn Văn Sơn, xã Tân Tiến, thành phố Bắc Giang).

Thợ xây là những người lao động phổ thông hay lao động tay chân có tay nghề tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình, nhà cửa…. Thợ xây được chia thành các loại hình sau: thợ nề, thợ mộc, thợ lót thảm, thợ trộn hồ, thợ điện, thợ xây hàng rào, thợ sắt, thợ tô, thợ sửa ống nước, thợ hàn, thợ sơn, thợ mài, trang trí nội thất, thiết kế phong cảnh.

Đây được xem là nghề ít vốn (chỉ cần sức lao động và kỹ năng khéo léo, kinh nghiệm) và thường dành cho những người có hoàn cảnh về kinh tế, đặc biệt là nam giới, phái nữ chỉ theo phụ giúp cơm nước hoặc phụ hồ. Đa số những người theo làm nghề thợ xây rất ngẫu nhiên, trong lúc nông nhàn, muốn tranh thủ kiếm tiền theo phụ hồ cho thợ xây nhà. Những người thợ lành nghề, có uy tín được chủ nhà gọi đến bàn giao hợp đồng gọi là thợ cả, thợ cả nhận hợp đồng làm nhà theo giá thỏa thuận (khoảng 10 đến 20 triệu đồng một ngôi nhà cấp bốn) rồi tự gọi thợ làm. Nhiều thợ cả làm có uy tín thì cùng lúc có thể nhận đến 10 hợp đồng. Khoảng hai đến bốn tháng là một ngôi nhà đã xây xong tùy theo số lượng thợ tham gia.

Nghề thợ xây làm gì

Những người thợ đi lên bằng con đường tự học thường bắt đầu bằng công việc lao động phổ thông. Công việc của người lao động phổ thông bao gồm: xách nước, xách hồ, khuân gạch, đào đất, vác cây, vác tôn… từ những việc nặng nhọc đến những việc linh tinh. Tiền lương thường được lãnh theo ngày.

Khi đã quen với việc lao động phổ thông, họ dần dần biết trộn hồ, phụ quét vôi, phụ đóng trần… Những người thợ chính hoặc cai sẽ kèm cặp và đưa dần họ lên thành thợ phụ. Thời gian từ lao động phổ thông lên thành thợ phụ thường từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu người học việc chăm chỉ, biết nhận xét, hòa đồng với mọi người thì thời gian học việc sẽ nhanh hơn.

 

Trong công trình có những lúc công việc rất căng và sẽ dẫn đến tình huống thiếu thợ chính. Lúc đó, những người thợ phụ được đào tạo cấp tốc để làm thợ chính, bắt đầu làm từ việc dễ đến khó dần. Giai đoạn này rất quan trọng, ai vượt qua sẽ được công nhận là thợ chính, nếu không vượt qua được thì phải tiếp tục làm thợ phụ. Thợ chính cũng được chia thành nhiều bậc, tùy theo mức lương.

Khi thành thợ chính, người thợ thường phải tự học thêm về cách đọc bản vẽ. Lúc này ai có được trình độ phổ thông cấp 2-3 thì sẽ tiến bộ thấy rõ. Người thợ lúc này rất cần bổ sung kiến thức về đọc dự toán, đọc bản vẽ kiến trúc, đọc bản vẽ kết cấu. Thường có thể học ngay tại công trường do cai hoặc các kỹ sư chỉ lại. Ai có điều kiện thì đến trường học thêm buổi tối về các kiến thức đó.

Công việc của người thợ hồ rất đa dạng, bắt đầu từ hố móng của công trình đến lúc hoàn thiện, bao gồm:

– Đào móng: Công việc đào móng rất đơn giản, đó là công việc lao động phổ thông. Tuy vậy, cần có người thợ chính để lấy độ cao của công trình, xác định độ sâu của móng, xác định vị trí móng, cân móng cho vuông góc, song song. Khi đào móng thì người thợ làm sắt phải bắt đầu. Người thợ chính phải chỉ cho họ cần loại sắt nào để làm sắt vỉ móng, cổ móng, đà kiềng.

– Khi đã hoàn tất móng và đà kiềng, bắt đầu vào sắt cột và đổ cột. Người thợ chính phải làm việc với thợ sắt và thợ cốp-pha để chuẩn bị sắt, khuôn cho việc đổ cột bê tông. Đổ cột xong, có thể xây tường bao ngay. Lúc này cũng là lúc thợ sắt và cốp-pha bận nhất vì phải lo việc đổ sàn.

– Công việc cứ diễn tiến, còn phải lắp đặt cửa, làm cầu thang (đây là một việc khó nhất), chạy các chỉ tường, mũ cột, làm các công trình phụ, tô tường, quét vôi, sơn, lát gạch nền, ốp gạch tường….

Thợ xây làm việc ở đâu?

Thợ xây làm việc tại các công trường xây dựng, tập trung nhiều ở các thành phố lớn, đông dân, có nhu cầu xây dựng cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương,… Bên cạnh đó, trong nhiều năm gần đây, nhu cầu xuất khẩu lao động nghề xây dựng đến các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… cũng tăng mạnh, đòi hỏi người thợ phải không ngừng nâng cao tay nghề theo hướng chuyên nghiệp hơn.