www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông

Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là gì?

Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông là ngành học chuyên về lĩnh vực thiết kế, thi công, quản lý và khai thác các công trình giao thông phục vụ đời sống như: cầu, đường bộ, đường cao tốc, đường sắt, đường hầm, cảng, sân bay,… cũng như các công trình trong lĩnh vực xây dựng nói chung.

 

Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông học gì?

Theo học ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng và chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông như: trắc địa, thủy lực, kết cấu bê tông cốt thép cầu đường; thiết kế đường ô tô; kiểm định công trình; quy hoạch tuyến và thiết kế tổng thể công trình, tổ chức công trường xây dựng và chỉ đạo thi công, phân tích kinh tế và quản lý chất lượng, khai thác và sửa chữa công trình giao thông,… Bên cạnh đó, sinh viên có khả năng kiểm tra vật liệu, chất lượng công trình, hạch toán kinh tế, kiểm tra an toàn lao động trong xây dựng. Đồng thời có kỹ năng thiết kế công trình để giải quyết các vấn đề về giao thông như: kẹt xe, hệ thống giao thông thông minh, tổ chức giao thông trong các khu đô thị mới.

Ngoài ra, tại những trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông có uy tín, sinh viên còn được chú trọng rèn luyện những kỹ năng mềm như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm,…

 

Ngành kỹ thuật xây dựng công trình  giao thông ra trường làm gì?

Sau khi ra trường, sinh viên có cơ hội trở thành:

– Kỹ sư phụ trách thiết kế, thi công, giám sát, thẩm định và nghiệm thu các công trình xây dựng hạ tầng tại các công ty xây dựng cầu đường, các công ty quản lý và sửa chữa công trình giao thông, các công ty xây dựng thuộc lĩnh vực: xây dựng dân dụng và công nghiệp, thủy lợi và khai khoáng
– Chuyên viên quản lý, điều hành, thiết kế, tư vấn, phản biện về kỹ thuật xây dựng tại các công ty, tập đoàn xây dựng trong và ngoài nước
– Công tác tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề

 

Ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông cần có tố chất gì?

Để theo đuổi và thành công với ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, bạn cần có những tố chất sau:
1/ Sống thực tế, giỏi về các môn tự nhiên: Để học tốt các ngành kỹ thuật, điều đầu tiên là bạn phải sống thực tế, yêu sự chuẩn xác, ít mơ mộng. Bên cạnh đó, việc học giỏi các môn tự nhiên là một yêu cầu quan trọng vì điều này cho phép bạn nắm bắt, xử lý thông tin một cách mạch lạc, nhờ đó dễ dàng kiểm tra, hạch toán kinh tế, thiết kế kỹ thuật, thẩm tra các thiết kế để giải quyết các vấn đề về giao thông.
2/ Thích mày mò, sáng tạo: Để thực hiện được những công trình giao thông tiện lợi, hiệu quả đòi hỏi các Kỹ sư cần phải liên tục mày mò, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ để bắt kịp với thế giới cả về kỹ thuật, công nghệ lẫn xu hướng, đồng thời phù hợp với thói quen văn hóa lưu thông của người Việt.

3/ Có tư duy logic và đam mê kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, giao thông: Cũng như bất cứ ngành học nào, đam mê là yếu tố đầu tiên của mọi thành công. Công việc của một kỹ sư xây dựng công trình giao thông sẽ gắn liền với những công trình đầy nắng gió, dù thi công hay giám sát đều khá vất vả, vậy nên niềm đam mê, yêu thích đối với lĩnh vực xây dựng và giao thông chính là một tiền đề không thể thiếu để bạn sẵn sàng nỗ lực, đóng góp sức mình cho công trình chung. Bên cạnh đó, tư duy logic giúp bạn tiếp cận, triển khai thực hiện các công trình, dự án theo các nguyên tắc kỹ thuật, nguyên lý xây dựng dễ dàng hơn.
4/ Có tinh thần hợp tác, khả năng làm việc theo nhóm và chịu được áp lực công việc cao: Mỗi công trình giao thông là một dự án lớn và phức tạp, đòi hỏi sự chung sức của rất nhiều người, nhiều bộ phận khác nhau. Do đó, những người tham gia công trình, bên cạnh năng lực làm việc và nghiên cứu độc lập thì tất yếu phải có khả năng phối hợp, làm việc theo nhóm.