www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về ngành nhân học

Ngành Nhân học là gì?

Nhân học là ngành khoa học nghiên cứu tổng hợp về con người trong mối quan hệ cộng đồng trên các phương diện sinh học, xã hội, văn hóa…, nghiên cứu mọi hình thái sinh học, kinh tế – xã hội – văn hóa của con người trong các cộng đồng cư dân, dân tộc với nếp sống khác nhau và trong nhiều thời kỳ khác nhau. Ngành Nhân học có mối quan hệ hữu cơ với nhiều ngành khoa học khác, thể hiện qua cách tổ chức phân ngành trong Nhân học văn hóa – xã hội như: Nhân học sinh thái môi trường; Nhân học y tế; Nhân học kinh tế; Thân tộc và tổ chức xã hội; Nhân học chính trị và pháp luật; Nhân học tâm lý và nhận thức; Nhân học tôn giáo và nghỉ lễ; Nhân học nghệ thuật và biểu tượng…

Cử nhân ngành Nhân học được trang bị có hệ thống các kiến thức về lý luận, phương pháp nghiên cứu các chuyên ngành, đặc biệt là nắm vững kiến thức thuộc các lĩnh vực chuyên môn của ngành nhân học như vấn đề dân tộc, tôn giáo, đô thị, văn hóa dân tộc người… Được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa với các kỹ năng thực hành để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.

 

Ngành Nhân học học những gì?

Một số môn học chung: Nhân học đại cương; Lịch sử và sự phát triển các lý thuyết nhân học; Nhân học hình thể; Cơ sở khảo cổ học; Nhân học ngôn ngữ; Lý thuyết tộc người; Nhân học về sinh thái nhân văn/ tôn giáo/ nghệ thuật/ nghệ thuật và biểu tượng/ kinh tế; Các dân tộc ở Đông Nam Á/ Việt Nam; Bảo tàng học và di sản văn hóa…

Ngoài ra, sinh viên được học các môn học chuyên sâu tùy chuyên ngành:

  • Chuyên ngành Nhân học văn hóa – xã hội: Thân tộc; Hôn nhân và gia đình; Tổ chức xã hội và phân tầng xã hội; Nhân học chính trị/ đô thị/ tâm lý/ văn hóa du lịch/ y tế; Điền dã dân tộc học; Văn hóa truyền thông đại chúng; Các loại hình nghệ thuật ở Việt Nam; Công tác xã hội; Phát triển cộng đồng; Dân số và phát triển nguồn lực…
  • Chuyên ngành Khảo cổ học: Khảo cổ học thời đại đồ đá/ thời đại đồ đồng/ thời đại đồ sắt; Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu văn hóa vật chất; Cổ vật học; Lịch sử khảo cổ thế giới và Việt Nam; Khảo cổ học thực nghiệm; Ứng dụng toán và tin học trong khảo cổ học; Khảo cổ học và lịch sử Chămpa; Khảo cổ học Trung Quốc/Đông Nam Á; Giao lưu và tiếp xúc văn hóa Việt – Ấn; Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu bằng hình ảnh (chụp ảnh và quay phim)…

Ngành Nhân học ra trường làm gì?

Cử ngành ngành Nhân học có thể làm việc trong các cơ quan Trung ương và địa phương liên quan đến ngành học về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa; hoặc làm giáo viên, cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu viện và trung tâm nghiên cứu, cũng như ở các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội khác. Một số cơ quan và vị trí đã được tuyển dụng như sau:

– Ngân hàng thế giới tuyển dụng các chuyên gia Nhân học văn hóa – xã hội làm nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm định, đánh giá phục vụ các chương trình tài trợ, đầu tư phát triển.

– Các cơ quan phát triển quốc tế và trong các quốc gia tiên tiến đã tuyển dụng rất nhiều người được đào tạo trong ngành Nhân học văn hóa – xã hội để làm việc trong khâu thiết kế dự án, khảo sát các vấn đề liên quan đến hoạt động của con người trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Ngành Nhân học cần tố chất gì?

Nhân học không đòi hỏi người học phải có những tư chất đặc biệt để thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, các yếu tố sau được coi là những tài sản quan trọng giúp bạn thành công với nhân học:

  • Đam mê nhân học, ham mê học hỏi và nghiên cứu là một trong những chìa khoá để vươn tới thành công.
  • Khả năng làm chủ một ngoại ngữ thông dụng sẽ giúp bạn mở rộng tầm nhìn, vươn dài cánh tay ra bên ngoài biên giới quốc gia.
  • Nếu có thêm khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng, tư duy rõ ràng thì dường như bạn là người có duyên với nhân học.