www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về ngành bảo tàng học

Ngành Bảo tàng học là gì?

Bảo tàng học là ngành học về  lưu giữ các di sản vật thể và phi vật thể, nghiên cứu và giáo dục khoa học để phục vụ công chúng. Nhiệm vụ của người làm trong các bảo tàng là nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày các di sản.

 

Người làm công tác bảo tàng có thể chuyên về một lĩnh vực nhất định như nghệ thuật, nghệ thuật trang trí, lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, lịch sử nghệ thuật, dân tộc học hay nhân học, khoa học hay công nghệ.

 

Ngành Bảo tàng học học gì?

Kiến thức

Nắm vững những kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn và hệ thống kiến thức cơ bản về Bảo tàng học và di sản văn hoá.

Kỹ năng

– Thực hành thành thạo một số kỹ năng trong hoạt động: sưu tầm, kiểm kê, tổ chức kho, bảo quản hiện vật, trưng bày và tổ chức phục vụ khách tham quan bảo tàng.

– Thực hành thành thạo quy trình kiểm kê, xếp hạng, phát huy giá trị di tích, nắm vững quy trình bảo quản, tu sửa di tích lịch sử – văn hóa.

Bạn có thể học ở các trường đại học đào tạo chuyên ngành bảo tàng như: Trường ĐH Văn hóa TP.HCM và Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.
 
Ngoài ra, các bảo tàng luôn chào đón các bạn trẻ tốt nghiệp ngành sử học, nhân học, văn hóa học và nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn khác. Bạn có thể học các ngành khoa học xã hội ở: Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM), Đại học Huế, Trường ĐH Quy Nhơn v.v… 
 
 

Ngành bảo tàng học ra trường làm gì?

Công việc ở bảo tàng rất đan dạng. Bạn có thể làm việc trong các phòng nghiên cứu, thí nghiệm, kho bảo quản hiện vật, các gian trưng bày trong nhà. Nếu yêu thích công việc năng động ngoài trời, bạn cũng có thể làm việc tại các di tích, công trường khai quật khảo cổ học hoặc đi nghiên cứu, phỏng vấn các tầng lớp xã hội, nghề nghiệp khác nhau ở khắp các vùng miền. Những người làm bảo tàng thường chuyên sâu về một nghề nhưng biết nhiều nghề khác như chụp ảnh, quay video…

Một cách cụ thể, người học ngành bảo tàng có thể tham gia vào các công tác khác nhau như:

– Công tác nghiên cứu khoa học: Xây dựng hệ thống lý luận, phương pháp hoạt động thực tiễn cũng như các hình thức hoạt động nghiệp vụ tương ứng với lĩnh vực trưng bày, định hướng của bảo tàng.
 
– Công tác sưu tầm hiện vật: Sưu tầm các hiện vật, nghiên cứu, xét chọn kỹ càng, xác định giá trị của hiện vật, làm hồ sơ lý lịch để bổ sung vào kho cơ sở của bảo tàng.
 
– Công tác kiểm kê khoa học: Kiểm kê để bảo quản hiện vật Xác định và phát hiện ra ý nghĩa lịch sử, khoa học và nghệ thuật của chúng Tạo điều kiện để hiện vật được sử dụng một cách rộng rãi nhất. 
– Công tác bảo quản, phục chế hiện vật: Giữ gìn sự toàn vẹn của các di sản văn hóa ở bảo tàng dựa trên các đặc điểm vật lý – hóa học, chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác, đời sống của hiện vật trước khi đến với bảo tàng, với mục đích giữ gìn hiện vật được nguyên dạng.
 
– Công tác trưng bày: Tổ chức sắp xếp và trình bày hiện vật theo hệ thống các chủ đề, sử dụng trang thiết bị cần thiết để làm toát lên ý tưởng, thông điệp mà bảo tàng muốn truyền đạt tới công chúng.
 
– Công tác giáo dục và công chúng: Hướng dẫn tham quan, tổ chức các chương trình giáo dục, biểu diễn, báo cáo khoa học, nói chuyện chuyên đề, thực hiện các ấn phẩm liên quan đến hoạt động của bảo tàng.
 

Ngành bảo tàng học cần có những tố chất gì?

– Có phương pháp tiếp cận các vấn đề khoa học
– Có kiến thức sâu rộng về lịch sử, mỹ thuật…
– Có kỹ năng bảo quản, phục chế, tổ chức kho.
– Có khả năng xây dựng và tổ chức các chương trình giáo dục để phổ cập kiến thức cho công chúng.