Ngành Khoa học tính toán
Thuộc nhóm ngành Toán học, ngành Khoa học tính toán cũng được nhiều thí sinh xét tuyển quan tâm, tuy nhiên, thông tin về ngành học khá hạn chế. Để giúp thí sinh tìm hiểu ngành học, bài viết xin chia sẻ thông tin tổng quan ngành Khoa học tính toán.
1. Ngành Khoa học tính toán là gì?
- Khoa học tính toán là một lĩnh vực đa ngành, nhằm ứng dụng những giải thuật toán học thực tiễn với khoa học máy tính để nghiên cứu các vấn đề của các ngành khoa học và kỹ thuật khác. Nhà khoa học tính toán sẽ kết hợp những kiến thức chuyên môn của một hoặc nhiều lĩnh vực để mô hình hóa (modeling), tính toán mô phỏng (simulation) các sự vật, hiện tượng thực tế trên máy tính và phân tích dữ liệu (data analysis) từ các nguồn dữ liệu lớn.
- Ngành Khoa học tính toán sẽ tạo ra các "phòng thí nghiệm ảo trên máy tính" để mô hình và mô phỏng hầu hết các hiện tượng và sự vật trong đời sống. Điều này sẽ giúp tiết kiệm rất lớn về tiền bạc và thời gian phát triển trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Mô hình và mô phỏng trên máy tính trong khoa học tính toán đang được sử dụng trong hầu hết tất cả các ngành khoa học và kỹ thuật như: khí tượng học, hàng không, cơ khí, vật liệu, thiên văn, vật lý hạt, môi trường học, y sinh học...
- Ngành này có thể được chia ra thành nhiều chuyên ngành nhỏ như cơ học tính toán, vật lý tính toán, toán học tính toán, hóa học tính toán, sinh học tính toán, y sinh học tính toán, vật liệu tính toán, thống kê tính toán... Tất cả những chuyên ngành nhỏ này đều sử dụng chung những kỹ thuật tính toán hiện đại giống nhau, vì vậy Khoa học tính toán còn được hiểu rộng hơn là Khoa học và kỹ thuật tính toán.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Khoa học tính toán, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của một số vị trí dưới đây:
- Nghiên cứu tại các Trung tâm, Viện nghiên cứu phát trển và các công ty, cơ quan quản lý kinh tế, tài chính, cơ sở sản xuất và kinh doanh, ngân hàng…
- Giảng dạy môn Toán tại các trường Đại học, Cao đẳng và trung học phổ thông
- Làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước có sử dụng kiến thức toán học và khoa học tính toán..
- Nghiên cứu và phát triển tại các trung tâm, trường, viện nghiên cứu và cơ quan quản lý, doanh nghiệp có hệ thống thông tin và nhu cầu khai thác thông tin...
2. Mức lương của ngành Khoa học tính toán
Thực tế, mức lương của ngành Khoa học tính toán phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như vị trí công việc, địa điểm làm việc, năng lực chuyên môn... Mức lương trung bình của ngành cho những người chưa có kinh nghiệm trong khoảng 5 - 7 triệu, những người có kinh nghiệm trong khoanghs 8 - 15 triệu.
3. Những tố chất phù hợp với ngành Khoa học tính toán
Để có thể học tốt và theo đuổi đam mê với ngành Khoa học tính toán, người học cần có một số tố chất dưới đây:
- Thông minh, tư duy logic tốt;
- Khả năng phân tích, suy luận, xâu chuỗi các sự kiện;
- Khả năng sáng tạo và tìm ra các giả thuyết mới;
- Yêu thích và có khả năng làm việc lâu với máy tính;
- Yêu thích khoa học, thích các trò chơi trí tuệ;
- Học tốt môn toán, đặc biệt là môn đại số;
- Vốn ngoại ngữ là cần thiết cho công việc.