Tìm hiểu về nghề thủ thư
Bạn yêu sách đến nỗi muốn theo đuổi một công việc có thể nâng niu, gắn bó với sách suốt cuộc đời? Thực sự thì thủ thư chính là một công việc như vậy đấy.
1. Tổng quan nghề thủ thư
Cũng giống như bao ngành nghề khác trong xã hội, nghề quản lý thư viện là một nghề bình dị, lặng thầm mà thật cao quý. Bởi lẽ thông qua sách sách báo, tài liệu trong các thư viện, với tấm lòng yêu nghề và sự lao động kiên trì, say mê mà những người làm công tác thư viện trong cả nước đã đem tới cho nhân dân tri thức, sự hiểu biết và những món ăn tinh thần bổ ích, hấp dẫn. Hàng vạn “ngôi đền trí thức” từ trung ương đến địa phương đã góp phần to lớn đem ánh sáng văn hóa – tư tưởng của Đảng và Chính phủ tới mọi miền Tổ quốc, truyền bá văn minh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thủ thư hay người làm thư viện là người quản lí, giữ gìn và phát triển vốn tài liệu để phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu của độc giả. Ngoài những chức năng nhiệm vụ chung, tùy theo mục đích, quy mô mà từng thư viện có thêm các chức năng, nhiệm vụ riêng và phục vụ đối tượng người đọc khác nhau.
Mấy chục năm về trước người ta thường trao nhiệm vụ điều khiển thư viện cho một vị học giả, một nhà văn hóa lớn, những người giúp việc ấy phải qua một quá trình học hỏi, phải có lòng tận tụy với khoa học, phải trân trọng nâng niu mọi tác phẩm văn hóa của thế giới và dân tộc, phải có đức tính kiên nhẫn bền bỉ, yêu mến công việc, tha thiết giúp đỡ bạn đọc, say sưa làm người chỉ đường, hướng dẫn cho bất cứ ai có nguyện vọng học tập.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, công nghệ thông tin được ứng dụng vào mọi ngành nghề và thư viện cũng không nằm ngoài thực tế đó. Việc chuyển đổi hoạt động thư viện từ thư viện truyền thống thành thư viện hiện đại với tên gọi thư viện điện tử, thư viện số không còn xa lạ với nhiều người, điều này cũng đồng nghĩa với việc cán bộ thư viện sẽ phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của một thư viện hiện đại.
2. Nghề thủ thư làm những công việc gì?
Quản lý thư viện là làm một nghề, giữ một cương vị, gánh một trách nhiệm, có một phẩm giá, tích lũy tri thức chuyên môn riêng biệt. Người ta không thể bỗng nhiên trở thành một thủ thư được. Mọi người cứ nghĩ làm thủ thư là đơn giản, chỉ cần lấy sách ra rồi cất sách vào, nhưng đó là một quan niệm rất sai lầm.
Để đáp ứng đúng và đủ thông tin cho người dùng tin, người cán bộ thư viện ngoài việc nắm vững nguồn dữ liệu có trong thư viện cũng cần có trình độ, sự hiểu biết nhất định về các thông tin khoa học, kỹ thuật, xã hội, kinh tế…. đặc biệt là phải cập nhật những thông tin mới nhất để phục vụ nhu cầu người dùng tin một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Người cán bộ thư viện được ví như “chiếc cầu nối” giữa thông tin và người dùng tin. Biết mấy công trình bác học, nếu không có sự tham gia thầm kín của nhân viên thư viện thì hồ dễ đã nên công! Chính nhân viên thư viện là người chuẩn bị cho bạn đọc làm việc có hiệu quả hơn.
Ở Mỹ một người tốt nghiệp cử nhân hoặc thạc sỹ ngành thủ thư không những làm được những công việc trong các trung tâm thông tin thư viện mà còn có thể làm được những công việc sau
- Xuất bản sách: họ sử dụng kiến thức về sách để lựa chọn và hiệu đính những xuất bản phẩm
- Lãnh đạo công nghệ thông tin – CIO : là người quyết định lựa chọn những công nghệ tin học ứng dụng cho một doanh nghiệp và quản lý cách thức chia sẻ thông tin giữa các thành viên trong doanh nghiệp đó
- Quản lý nội dung thông tin: tìm kiếm và tổ chức thông tin cho cộng đồng mạng online
- Quản trị cơ sở dữ liệu: tổ chức, cập nhật và lưu trữ dữ liệu trên cơ sở kỹ năng lập trình
- Môi giới thông tin: tiến hành công việc nghiên cứu và cung cấp thông tin cho đối tác
- Mua bán các phần mềm thông tin thư viện
- Phụ trách công việc phân loại: phân loại dữ liệu và sắp xếp thông tin vào các mục phù hợp cho các công ty thương mại điện tử
- Quản trị Web: thiết kế, bảo trì và lập trình Web…
Điều này cho thấy, kiến thức và kỹ năng chuyên ngành thông tin thư viện không chỉ được áp dụng cho duy nhất công việc tại các trung tâm thông tin thư viện mà còn mở rộng và rất có ích cho các công việc mà kỷ nguyên số đang đòi hỏi.
3. Nghề thủ thư làm việc ở đâu?
Thông thường, thủ thư làm việc trong một thư viện công cộng hoặc một thư viện trong các trường đại học, trường tiểu học hoặc trường trung học, các thư viện trong doanh nghiệp hoặc công ty, hoặc cơ quan khác như một bệnh viện, công ty luật…. Công việc này có điểm tương đồng với những người làm nghề nhân viên lưu trữ.
4. Học nghề thủ thư ở đâu?
Nếu bạn yêu công việc của một thủ thư bạn có thể học ngành Thư viện tại Khoa Thông tin–Thư viện của các trường sau: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Dân lập Đông Đô…
Tham gia vào ngành thư viện, bạn có thể làm việc tại Cơ quan quản lý Nhà nước về thư viện như Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá – Thông tin), hay trong các hệ thống thư viện khác nhau như: hệ thống thư viện công cộng (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện các tỉnh, thành phố), thư viện các cơ quan đoàn thể, thư viện các trường học, thư viện của các viện, các trung tâm nghiên cứu khoa học, thư viện của các đơn vị vũ trang, các tổ chức chính trị – xã hội v.v…