Tìm hiểu về ngành Tài chính ngân hàng
Tài chính ngân hàng là gì?
Tài chính ngân hàng là gì? Đây là ngành học khá rộng, liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch tài chính, lưu thông và vận hành tiền tệ. Cụ thể hơn, Tài chính ngân hàng là kinh doanh về lĩnh vực tiền tệ thông qua ngân hàng và các công cụ tài chính được ngân hàng phát hành nhằm bảo lãnh, thanh toán, chi trả trong nội địa và quốc tế.
Liên quan đến Tài chính ngân hàng còn rất nhiều lĩnh vực chuyên sâu như Tài chính doanh nghiệp, Tài chính bảo hiểm, Tài chính thuế, chuyên ngành Phân tích tài chính, Kinh tế học tài chính…
Dù trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng hay trầm lặng, đây vẫn là ngành nghề cần thiết bởi ở lĩnh vực vi mô nó liên quan đến đến các dịch vụ luân chuyển tiền tệ của nền kinh tế và vĩ mô hơn ngành Tài chính ngân hàng đóng vai trò định hướng chiến lược chính sách tiền tệ.
Ngành Tài chính ngân hàng học những gì?
Ngành Tài chính ngân hàng học những gì? chính là chủ đề được quan tâm khá nhiều khi các bạn học sinh tìm hiểu về ngành này. Sinh viên ngành Tài chính ngân hàng được cung cấp kiến thức về lĩnh vực phân tích tài chính và đầu tư trên thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong quá trình toàn cầu hóa; Nắm bắt kiến thức vững chắc về thực hành các nghiệp vụ trong ngân hàng thương mại hiện đại; có chuyên môn sâu về phân tích, dự báo liên quan đến tài chính, tiền tệ nhằm đưa ra quyết định trong quản trị tài chính.
Bên cạnh đó, người học còn được rèn luyện về bản lĩnh và khả năng tự nghiên cứu khi gặp vấn đề mới, đối đầu và ứng biến nhạy bén khi có rủi ro phát sinh liên quan đến tài chính, tiền tệ.
Theo học ngành Tài chính ngân hàng, bạn được trang bị các môn học cụ thể như: Kinh tế vi mô, Nhập môn tài chính doanh nghiệp, Nguyên lý kế toán, Nguyên lý thống kê, Quản trị học, Phương pháp phân tích định lượng, Tài chính quốc tế, Tài chính doanh nghiệp, Thị trường tài chính, Tài chính công ty đa quốc gia, Thẩm định tín dụng, Thanh toán quốc tế…
Theo học ngành Tài chính ngân hàng sinh viên còn được trang bị các kỹ năng mềm cần thiết để đáp ứng nhu cầu của công việc như kỹ năng giao tiếp với khách hàng, giới thiệu sản phẩm, thuyết phục khách hàng, kỹ năng quản lý thời gian, tư duy phản biện, kỹ năng phân tích, làm việc theo nhóm …Bên cạnh đó, một số trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuẩn quốc tế còn chú trọng đến đào tạo tiếng Anh, đẩy mạnh học tập thực tế tại các ngân hàng, tổ chức tài chính nhằm đảm bảo cho sinh viên có cơ hội phát triển toàn diện, trở thành cá thể nổi trội khi hòa nhập vào môi trường làm việc đầy năng động và giàu tính cạnh tranh này.
Ngành Tài chính – Ngân hàng ra trường có thể làm những công việc gì?
Việc luân chuyển tiền tệ trong nền kinh tế luôn được vận hành giống như các mạch máu trong cơ thể, vì nó có nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cho toàn bộ hệ thống. Do đó, dù nền kinh tế đang ở trạng thái tăng trưởng hay khủng hoảng thì triển vọng việc làm của ngành không bao giờ hạn hẹp. Sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính – ngân hàng có thể đảm nhận các vị trí công việc như:
– Chuyên viên tín dụng ngân hàng; Chuyên viên kế toán, kiểm toán nội bộ ngân hàng thương mại; kế toán viên phòng thanh toán quốc tế, nhân viên kinh doanh ngoại tệ
– Chuyên viên kinh doanh tiền tệ; Chuyên viên quản trị tài sản và nguồn vốn;
– Chuyên viên tài trợ thương mại;
– Chuyên viên phân tích tài chính doanh nghiệp; Chuyên viên định giá tài sản; Chuyên viên mua bán, sát nhập doanh nghiệp…;
– Giảng viên ngành Tài chính – Ngân hàng.
Ngành Tài chính – Ngân hàng ra trường có thể làm việc ở đâu?
Với triển vọng nghề nghiệp tương đối ổn định và những vị trí nghề nghiệp khá hấp dẫn như đã đề cập ở trên, sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính – ngân hàng có thể dự tuyển vào vị trí ở các cơ quan, đơn vị như:
– Ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính ngân hàng và các loại hình doanh nghiệp khác, các tổ chức tài chính;
– Cục thuế, hải quan, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, quỹ tín dụng hoặc làm nhân viên kinh doanh của các công ty…;
– Công ty kiểm toán, quỹ đầu tư, công ty kinh doanh bất động sản, công ty chứng khoán…;
– Công tác tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
Ngành Tài chính – Ngân hàng ra trường cần có những tố chất gì?
1. Có khả năng tính toán, tư duy logic và trí nhớ tốt: Làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đồng nghĩa với việc bạn liên tục tiếp xúc với hàng loạt các con số và vô vàn các tính toán phức tạp. Do đó, việc học tốt các môn tự nhiên, đặc biệt là môn Toán, chính là lợi thế lớn và là tố chất quan trọng cần có của người học ngành Tài chính – Ngân hàng. Ngoài ra, bên cạnh khả năng phân tích và đánh giá nhanh nhạy cùng với một trí nhớ tốt sẽ giúp bạn giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh liên quan đến quản lý, đầu tư sử dụng vốn.
2. Luôn trung thực, cẩn trọng, chính xác: Trung thực là đức tính cần có, là tôn chỉ hàng đầu ở người làm tài chính ngân hàng. Tài chính ngân hàng là lĩnh vực khá nhạy cảm nên bạn phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ và chính xác trong công việc, chỉ cần một sai số nhỏ, bạn sẽ phải đối diện với những hậu quả khó lường.
3. Có sự đam mê, sáng tạo, năng động: Hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đòi hỏi bạn phải có sự đam mê các công việc liên quan đến tiền. Niềm đam mê rất quan trọng, vì đam mê chính là chất xúc tác hiệu quả của quá trình sáng tạo. Hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đòi hỏi bạn phải linh hoạt trong giao tiếp, nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý để giới thiệu dịch vụ, thuyết phục khách hàng… do đó nếu có tính năng động thì người học sẽ rất thành công với ngành này.
4. Khả năng giao tiếp tốt: với một nhân viên làm về tài chính ngân hàng giỏi, đây chính là yếu tố được coi trọng. Với công việc thường xuyên giao dịch, đàm phán với khách hàng và các doanh nghiệp, nhân viên ngân hàng cần biết nắm bắt tâm ký khách hàng, thuyết phục được đối tác để đạt được hiệu quả công việc tối ưu bên cạnh kiến thức chuyên môn vững chắc.
5. Giỏi ngoại ngữ và tin học: Là một trong những yêu cầu quan trọng, luôn xuất hiện trong danh sách các yêu cầu tuyển dụng của lĩnh vực tài chính ngân hàng. Bất kỳ nghiệp vụ nào của ngành ngân hàng cũng đòi hỏi biết sử dụng thành thạo máy tính. Không có khả năng này, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc. Hiện nay, trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng thì yếu tố ngoại ngữ càng đóng vai trò quan trọng.