www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về ngành chứng khoán

Ngành chứng khoán là gì?

Ngành chứng khoán hay chứng khoán là chứng chỉ dưới dạng giấy tờ hoặc bản ghi, có giá và có khả năng chuyển nhượng, xác định khoản đầu tư dài hạn, xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu chứng khoán đối với tài sản hoặc vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán không phải là tài sản thực như nhà cửa đất đai mà là tài sản tài chính tồn tại dưới dạng chứng chỉ bằng giấy, những dữ liệu trong máy tính, sổ sách. Các nhà đầu tư đem của cải của mình đi mua các loại chứng khoán. Những người phát hành chứng khoán (các chính phủ, công ty..) sử dụng số tiền huy động được đầu tư mua tài sản thực như nhà xưởng, máy móc thiết bị… Thu nhập chứng khoán có được chính là lợi tức do các tải sản thực tạo ra.

Làm việc trong ngành chứng khoán là làm các công việc có liên quan đến chứng khoán. Trong ngành chứng khoán có nhiều nghề khác nhau như quản trị viên tài chính doanh nghiệp, người môi giới chứng khoán, chuyên viên thị trường, phân tích viên tài chính, quản trị viên danh mục đầu tư v.v…

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Hiện nay, hệ thống thị trường chứng khoán trên thế giới đã, đang và sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đến từ ứng dụng thành tựu của Công nghệ thông tin. Rất nhiều công đoạn của quá trình giao dịch đã được tự động hóa.

Làm việc trong ngành chứng khoán là bạn làm việc trong môi trường hiện đại và sôi động, cạnh tranh khốc liệt. Bạn không những có thể giúp khách hàng đầu tư đúng đắn mà còn có thể làm giàu cho chính mình.

Hiện nay, ở nước ta, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh. Tính tới cuối tháng 7/2006, mới có 48 công ty cổ phần được niêm yết trên trung tâm giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh nhưng đã có trên 20 công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Do vậy, cơ hội cho những người làm việc trong ngành này là rất đáng kể.

Ngành chứng khoán cũng là lĩnh vực có thu nhập cao ở Việt Nam, thu nhập của một nhân viên môi giới chứng khoán mới bắt đầu thường là 3 triệu đồng/tháng và tăng nhanh cùng kinh nghiệm, khả năng chuyên môn.

 Một số địa chỉ đào tạo

Các trường đại học đã có chuyên ngành đào tạo về chứng khoán phải kể đến là: Khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường Đại học Ngoại thương), Khoa Ngân hàng – Tài chính (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Khoa Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh), Khoa Tài chính (Học viện Ngân hàng), Khoa Thị trường chứng khoán (Trường Đại học Ngân hàng Tp- Hồ Chí Minh), Khoa Ngân hàng và Bảo hiểm (Học viện Tài chính).

Tuy nhiên, để có thể la làm nghề môi giới hoặc tư vấn chứng khoán tại Việt Nam, bạn còn phải thi lấy chứng chỉ sau một khoá đào tạo nghiệp vụ 3 tháng do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức.

Để tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về ngành chứng khoán ngay từ bây giờ, bạn có thể truy cập Internet vào các website sau:

– Website quốc tế: www.studyfinance.com, www.investopedia.com

 – Website Việt Nam: www.ssc.gov.vn, www.stockmarket.vnn.vn, www.vietstock.com.vn, www.dautuchungkhoan.com, www.vcbs.com.vn, www.bsc.com.vn

MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH CHỨNG KHOÁN

 Nhóm nghề đầu tiên nằm trong các cơ quan nhà nước, địa phươmg cũng như các doanh nghiệp có trách nhiệm hoạch định chiến lược liên quan đến phát hành chứng khoán.

 1. QUẢN TRỊ VIÊN TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

Mục đích của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận thông qua việc đầu tư mang lại. Khi đã xác định được phải đầu tư thế nào, câu hỏi tiếp theo là lấy nguồn vốn ở đâu và phối hợp chúng thế nào để có lợi nhất. Quản trị viên tài chính là người giải các bài toán này. Công việc của quản trị viên tài chính của các nước có thị trường tài chính phát triển liên quan mật thiết tới lĩnh vực chứng khoán bởi phát hành chứng khoán là nguồn vốn lớn đầy tiềm năng để tài trợ cho các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.

Nhóm nghề thứ hai là nghề trung gian chứng khoán vì chứng khoán sau khi phát hành muốn đến tay người đầu tư thường phải qua trung gian.

2.  NGƯỜI MÔI GIỚI CHỨNG KHOÁN

Có chức năng làm trung gian mua bán cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phát sinh trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, người môi giới còn có chức năng tư vấn đầu tư cho khách hàng.

Người môi giới chứng khoán làm việc tại công ty chứng khoán, thực hiện các giao dịch cho khách hàng và hưởng hoa hồng do khách hàng trả. Họ cũng có thể là nhà môi giới độc lập, nhận lại lệnh giao dịch từ người môi giới thuộc công ty chứng khoán để thực hiện. Loại hình này phổ biến ở các thị trường lớn, khi khối lượng công việc của các công ty chứng khoán quá nhiều khiến họ không thể hoàn thành hết.

3. CHUYÊN VIÊN THỊ TRƯỜNG

Là thành viên của sở giao dịch chứng khoán, có chức năng “tạo thị trường” cho cổ phiếu của một hoặc nhiều công ty niêm yết. Họ có thể hoạt động như một người môi giới hoặc như một người kinh doanh chứng khoán cho bản thân.

Vai trò môi giới thể hiện ở việc chuyên viên thị trường nhận và thực hiện lệnh từ những người môi giới khác. Khi thị trường có nhiều lệnh mua hoặc lệnh bán chưa được đáp ứng, chuyên viên có thể bán hoặc mua chứng khoán từ dự trữ riêng của mình. Việc này làm cho nhu cầu giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường được đáp ứng nhanh và đầy đủ hơn.

 4. NHÂN VIÊN HÀNH CHÍNH HỖ TRỢ

Hỗ trợ về mặt hành chính và kế toán cho công việc của người môi giới và chuyên viên thị trường trên sàn giao dịch. Công việc chính của nhân viên hành chính hỗ trợ là: mở và theo dõi tài khoản khách hàng; xử lý hành chính và kế toán các lệnh giao dịch do người môi giới và chuyên viên thị trường thực hiện: ghi nhận, thông báo cho khách hàng về việc thực hiện lệnh, chuyển khoản, thanh toán bù trừ; xử lý thu nhập định kỳ từ chứng khoán (lãi, cổ tức) để chúng được tính vào tài khoản của khách hàng, theo dõi, phân tích hoạt động của cả hệ thống môi giới và kiến nghị.

Nhóm nghề thứ ba là cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ đầu tư chứng khoán cho các nhà đầu tư cá nhân không có hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về chứng khoán.

 5. PHÂN TÍCH VIÊN TÀI CHÍNH

Tư vấn cho người đầu tư lựa chọn được những chứng khoán phù hợp với nguyện vọng của họ nhất. Để làm được việc đó, phân tích viên tài chính phải: nghiên cứu và phân tích nhiều nguồn thông tin về công ty phát hành chứng khoán đó cũng như so sánh công ty ấy với toàn ngành; phân tích các yếu tố vĩ mô có thể ảnh hưởng chung đến toàn bộ các chứng khoán. Ngoài ra, họ còn phải tiến hành phân tích kỹ thuật dựa vào biến động giá chứng khoán trong quá khứ để dự báo xu hướng tương lai gần.

6. QUẢN TRỊ VIÊN DANH MỤC ĐẦU TƯ

Có những người đầu tư vào nhiều chứng khoán cùng lúc (đầu tư theo danh mục) để chia nhỏ rủi ro. Việc quản lý này khá phức tạp. Muốn sinh lời cao, người đầu tư phải liên tục theo dõi và thay đổi thành phần danh mục đầu tư của mình theo biến động của thị trường. Công việc này phần nhiều các nhà đầu tư cá nhân thường ủy thác cho các quản trị viên danh mục đầu tư quản lý.

Hiện nay, nghiệp vụ phổ biến nhất của quản trị viên danh mục đầu tư là quản lý các quỹ đầu tư chứng khoán, tức là nhận vốn ủy thác của nhiều người đầu tư khác nhau, dùng vốn đó để đầu tư vào chứng khoán theo danh mục, quản lý sao cho có hiệu quả nhất.