www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về Chuyên viên phân tích tín dụng

1. Chuyên viên phân tích tín dụng là ai?
Chuyên viên phân tích tín dựng thường được gọi dưới cái tên Chuyên viên tín dụng doanh nghiệp (TDDN). Họ là những nhân viên ngân hàng thuộc khối hỗ trợ, không trực tiếp kinh doanh và tiếp xúc với khách hàng. Họ có nhiệm vụ phân tích báo cáo tài chính, thẩm định chất lượng tín dụng của hồ sơ vay, chuẩn bị tờ trình đề xuất tín đụng để hỗ trợ Chuyên viên Khách hàng doanh nghiệp. Một số ngân hàng có thể yêu cầu Chuyên viên TDDN quản lý các hoạt động thu lãi và gốc, tham mưu các biện pháp thu hồi gốc lãi cho Chuyên viên Khách hàng doanh nghiệp trong các tình huống nợ có vấn đề.
 
2. Chuyên viên phân tích tín dụng làm gì?
Tuỳ theo khách hàng và phương án vay vốn, khi thẩm định, Chuyên viên phân tích tín dụng có thể sử dụng kết hợp nhiều nguồn thông tin khác nhau: xem xét trên hồ sơgặp gỡ trao đổi trực tiếp với khách hàngxuống kiểm tra thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kết hợp với các nguồn thông tin khác như: từ bạn hàng; đối thủ cạnh tranh; các cơ quan quản lý; các ngân hàng thông qua mối quan hệ và qua CIC; khách hàng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ…. để đánh giá khách hàng được chính xác, khách quan. Trong các trường hợp phức tạp, Chuyên viên phân tích tín dụng có thể làm tờ trình báo cáo Ban Tổng giám đốc, Giám đốc Chi nhánh thuê các cơ quan tư vấn thực hiện việc thẩm định. Nội dung của thẩm định khách hàng gồm:

1. Thẩm định về tư cách của khách hàng

a. Thẩm định tư cách khách hàng: Trên cơ sở các hồ sơ do khách hàng cung cấp, Chuyên viên phân tích tín dụng có trách nhiệm tìm hiểu tư cách của khách hàng như có đủ năng lực dân sự, năng lực hành vi dân sự hay không, được thành lập và hoạt động có đúng quy định không, người đại diện pháp nhân đã đúng thẩm quyền chưa… và đối chiếu với các qui định của pháp luật hiện hành để xem xét khách hàng có đủ điều kiện kinh doanh và vay vốn hay không.

b.Đánh giá uy tín, năng lực và tư cách của người vay vốn hoặc người đại diện pháp nhân: cần tìm hiểu rõ về người vay vốn (hoặc người đại diện pháp nhân), về các khía cạnh: tư cách đạo đức, trình độ và kinh nghiệm quản lý, các chức vụ đã trải qua, tác phong lãnh đạo và uy tín trong quan hệ với các ngân hàng cũng như với các đối tác khác trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên việc tìm hiểu cần tiến hành khéo léo và tế nhị.

c. Xem xét lịch sử hình thành và quá trình phát triển của doanh nghiệp để rút ra những điểm mạnh, điểm yếu của khách hàng.

2. Thẩm định về tình hình sản xuất kinh doanh:

Mục tiêu của phần thẩm định này là tìm hiểu và làm rõ các khía cạnh liên quan đến quá trình sản xuất, kinh doanh của khách hàng một cách đầy đủ nhất để từ đó có kết luận về tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng như lĩnh vực kinh doanh có phù hợp với tình hình hiện tại và tương lai, chủng loại sản phẩm sản xuất hoặc dịch vụ dùng cho đối tượng tiêu thụ nào, khả năng phát triển thị trường và đối thủ cạnh tranh từ đó đánh giá khả năng tồn tại và phát triển của khách hàng để có quyết định cho việc cấp tín dụng một cách chính xác.

Việc đánh giá cần phải xem xét các khía cạnh sau:

  • Lĩnh vực kinh doanh: Cần xem xét lĩnh vực kinh doanh của khách hàng, hiểu biết và kinh nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực đó (thường được thể hiện bằng các hợp đồng đã thực hiện hoặc doanh số của hoạt động kinh doanh này), những ưu thế của khách hàng trong lĩnh vực đó. Nếu là lĩnh vực kinh doanh mới cần tìm hiểu khả năng cạnh tranh hoặc khả năng chiếm lĩnh thị trường hoặc khả năng bán hàng…. của khách hàng vay vốn.
  • Sản phẩm: Khách hàng sản xuất, kinh doanh mặt hàng gì, nhu cầu của xã hội về loại mặt hàng đó tại thời điểm xem xét và có thể dự báo trong tương lai, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, kinh nghiệm của khách hàng trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó. Ưu thế của sản phẩm mà khách hàng đang kinh doanh so với các đối thủ khác như thế nào, kể cả phương thức bán hàng.
  • Thị trường: Tìm hiểu các thị trường chính và đối tác của doanh nghiệp (đầu vào và đầu ra), phương thức bán hàng và định hướng mở rộng thị trường trong tương lai, các hình thức hỗ trợ khách hàng, đại lý.
  • Đối thủ cạnh tranh: Xem xét các đối thủ cạnh tranh trực tiếp của doanh nghiệp, các lợi thế và hạn chế của doanh nghiệp so với các đối thủ.
  • Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp để thực hiện 4 điểm nêu trên như cách tổ chức các phòng ban, chức năng và quyền hạn của từng phòng ban, phương thức quản lý…..
  • Thiết bị, công nghệ: Đối với các doanh nghiệp sản xuất phải xem xét đến công nghệ sản xuất đang sử dụng thuộc loại công nghệ nào, những ưu nhược điểm của Công nghệ đó, máy móc thiết bị ra sao có đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, của thị trường về mẫu mã, chất lượng, số lượng không.

Khi đánh giá tình hình sản xuất của khách hàng phải so sánh với các doanh nghiệp khác cùng loại và với chính khách hàng trong các giai đoạn trước để thấy được những thành công, hạn chế của khách hàng trong thời gian qua, nguyên nhân dẫn đến sự thành công hay hạn chế đó từ đó đánh giá khả năng phát triển của khách hàng trong thời gian tới.

3. Phân tích tình hình tài chính:

Việc đánh giá khách hàng theo góc độ định tính là nhằm tìm hiểu ý muốn hoàn trả của người vay. Còn mục đích của việc phân tích tài chính của khách hàng là xem xét khả năng thực tế của doanh nghiệp về tiềm lực tài chính, trên cơ sở đó đánh giá được khả năng của khách hàng về nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn chiếm dụng và vốn vay, hàng hoá tồn kho, cơ cấu tài sản lưu động và cố định đến thời điểm hiện tại là phân tích định lượng, từ đó có kết luận về thực trạng khách hàng có khả năng hoàn trả nợ vay cho Ngân hàng hay không.

Chuyên viên TDDN xuất phát điểm ở bậc tay nghề 2/10. Đặc thù của nghề là yêu cầu cao về năng lực tư duy, kinh nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau, vì vậy, chuyên viên TDDN có thể có lộ trình công danh đi sâu vào chuyên môn nghiệp vụ.

Lộ trình dọc: Một sinh viên mới tốt nghiệp sẽ được nhận vào vị trí Trợ lý phân tích tín dụng. Họ có thể phấn đấu trở thành nhân viên TDDN rồi chuyên viên TDDN. Bước ngoặt trong nghề là sự thăng tiến từ vị trí phân tích tín dụng lên vị trí chuyên viên phê duyệt tín dụng. Tùy từng ngân hàng, chuyên viên TDDN có thể được phân công thẩm định doanh nghiệp theo từng ngành nghề: giấy, bất động sản, thương mại… hoặc theo quy mô doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn.

Chuyên viên phê duyệt tín dụng có thẩm quyền phê duyệt các giao dịch, có tay nghề bậc 5/10, hàng năm có thu nhập từ 300-500 triệu, chưa bao gồm thưởng.

Lộ trình chéo: Chuyên viên TDDN có thể khám phá khả năng chuyên môn trong các lĩnh vực khác của ngân hàng và thử sức ở các vị trí thuộc họ nghề khác như kinh doanh, dịch vụ khách hàng, đầu tư, phân tích… Ví dụ, vị trí Chuyên viên khách hàng doanh nghiệp, thuộc họ nghề kinh doanh, tay nghề bậc 5/10, có mức thu nhập trung bình từ 300-500 triệu/năm, chưa bao gồm lương kinh doanh và thưởng.