Tìm hiểu về Quản trị nhân lực
Để duy trì sự ổn định và mang đến hiệu quả cao trên tiến trình hoạt động của mình, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường công tác tuyển lọc và xây dựng nguồn lực quản lý. Nắm bắt được tiềm năng phát triển của ngành nghề, rất nhiều thí sinh chọn ngành Quản trị nhân lực để theo học.
Quản trị nhân lực là gì?
Nói về khái niệm quản trị nhân lực, thường được hiểu như sau: Quản trị nhân lực là tất cả những chính sách, hoạt động, quyết định quản lý, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và toàn thể cán bộ công nhân viên. Bộ phận quản trị nhân sự bắt buộc phải có tầm nhìn về chiến lược và gắn liền với những kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp.
Như vậy, Quản trị nhân lực là việc khai thác, sử dụng nguồn nhân lực của một công ty, tổ chức một cách hợp lý, hiệu quả. Hay theo giáo sư Felix Migro: “Quản trị nhân lực là một nghệ thuật chọn lựa nhân viên mới và sử dụng các nhân viên cũ sao cho năng suất và chất lượng công việc của mỗi người đều đạt mức tối đa có thể”.
Quản trị nhân lực là một trong những chức năng quan trọng và cơ bản của công tác quản trị, bởi con người là bộ phận nòng cốt, là nguồn lực quan trọng nhất và cũng chính là trung tâm của sự phát triển của một công ty, doanh nghiệp. Nếu như nói bộ phận bán hàng là mũi nhọn đứng đầu, mang lại mọi nguồn lợi, doanh thu cho doanh nghiệp, thì nhân sự được xem là hậu phương vững chắc giúp doanh nghiệp phát triển. Chính vì vậy, việc thu hút, đào tạo, tuyển dụng, đánh giá, sắp xếp những có năng lực, phẩm chất phù hợp với vị trí, đồng thời giám sát, lãnh đạo, đảm bảo phù hợp với luật lao động và việc làm… chính là nhiệm vụ hàng đầu của những nhà quản trị.
Ngành quản trị nhân lực học những gì?
Ngành Quản trị nhân lực hay còn được gọi là ngành “khai thác nguồn tài nguyên con người”. Ngành này không chỉ đơn thuần đào tạo cho người học những kiến thức tổng quan và chuyên sâu về nguồn nhân lực, xử lý các công việc hằng ngày, nắm bắt mối quan hệ tương tác giữa con người với con người, triển khai những công tác về điều hành, quản lý hành chính, nhân sự, thực hiện các chính sách lao động, các kiến thức liên quan đến quy trình đánh giá nhân lực, quản trị nhân sự, tuyển dụng và đào tạo nhân sự, các nguyên lý quản trị kinh tế.
Bên cạnh đó, ở các trường Đại học, sinh viên học ngành Quản trị nhân lực được chú trọng đào tạo các kỹ năng, sinh viên được hình thành những thói quen tốt, cọ xát trong nhiều môi trường khác nhau như Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF), Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Quốc dân Hà Nội….Tại đây, sinh viên được học rất nhiều kỹ năng như: kỹ năng tuyển dụng nhân sự hiệu quả, kỹ năng quản lý con người, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, nghệ thuật lãnh đạo… phục vụ tối đa cho ngành học.
Song song đó, kỹ năng ngoại ngữ được đặc biệt chú trọng trong môi trường chuẩn quốc tế, bạn sẽ thường xuyên tiếp cận với tiếng Anh chuyên ngành cũng như tiếng Anh giao tiếp.
Khi học Quản trị nhân lực, bạn có thể tham khảo những môn học tiêu biểu của ngành này như: Dân số và phát triển, dân số học, tâm lý học quản lý, các nguyên lý quản trị và kinh tế học cơ bản, quy trình đánh giá hoạt động và trả lương, các nguyên tắc quản lý nhân sự cơ bản và nâng cao, quy trình ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể…
Ngành quản trị nhân lực cần những yếu tố gì?
Để thành công với ngành Quản trị nhân sự, bạn cần có những tố chất sau:
- Giao tiếp tốt, tự tin thiết lập các mối quan hệ xã hội: Quản trị nhân sự là sự không ngừng truyền đạt những thông điệp thông qua giao tiếp ngôn ngữ cũng như giao tiếp hình ảnh. Về mặt ngôn ngữ, người có kỹ năng giao tiếp sẽ xử lý nhanh các vấn đề phát sinh, cũng như có thể đạt kết quả cao nhất trong đàm phán thương thuyết với khách hàng, đặc biệt là với nhân sự của mình.
- Có lòng đam mê và trách nhiệm với nghề: Để đạt thành công với ngành này, lòng đam mê, trách nhiệm là tố chất cần có của những người mong muốn trở thành quản lý nhân sự. Người có lòng đam mê, trách nhiệm với nghề sẽ luôn tận tâm, tận tình, dốc hết sức mình cống hiến cho các công việc chung và cho cả người lao động. Luôn đặt mình vào vị trí của người lao động để có thể đồng cảm, thấu hiểu, từ đó chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất của người lao động tốt hơn, cũng như không quản ngại khó khăn đưa ra các chính sách có lợi cho người lao động.
- Biết lắng nghe: Đây chính là câu trả lời mấu chốt cho câu hỏi “Học ngành Quản trị nhân sự yêu cầu những gì ?”, luôn luôn lắng nghe là điều quan trọng cần thiết nhất của người làm Quản trị nhân sự, cũng như bất cứ ai làm quản lý, tất cả đều cần có kỹ năng lắng nghe. Khi bạn thực sự lắng nghe, chắc chắn sẽ có rất nhiều ý tưởng xây dựng để phát triển công ty, song song đó là việc hiểu được những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân viên, cấp dưới và người lao động.
- Có tầm nhìn, sáng suốt, bình tĩnh trong việc ra quyết định: Ngoài những tố chất cần có của ngành Quản trị nhân sự, thì người có tầm nhìn sáng suốt, bình tĩnh trong việc ra quyết định là điều không thể thiếu. Người quản lý nhân sự cần có cái nhìn bao quát chung về những chiến lược, phương hướng phát triển doanh nghiệp, từ đó can thiệp và tận dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, có tầm nhìn nhạy bén, sâu sắc, “nhìn xa trông rộng” sẽ giúp cho người quản lý nhân sự phân tích, xử lý tốt các vấn đề và các mối quan hệ trong doanh nghiệp.