Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường học những gì?
Bạn có biết về Greta
Thunberg, bé gái người Thuỵ Điển ở tuổi 16 đã trở thành tiếng nói đại diện cho
hàng triệu người trẻ tuổi lo lắng cho trái đất, những người chăm chỉ phân loại
rác, dọn vệ sinh các bãi biển, quan tâm đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi
trường; có đến 86% người
tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn để mua sản phẩm/dịch vụ từ các công ty
có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường, so với 76% người tiêu dùng khu
vực Đông Nam Á (Theo báo cáo Phát triển bền vững của Công ty nghiên cứu thị
trường toàn cầu Nielsen)
Điều đó thể hiện
nhân loại ở mọi độ tuổi và người Việt Nam chúng ta đã có ý thức về bảo vệ môi
trường, bảo vệ trái đất. Vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, trái
đất nóng lên, tầng ozôn bị tổn hại, biến đổi khí hậu đang trở nên bức thiết,
không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, cần
phải giải quyết triệt để để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Nếu bạn muốn theo đuổi
một nghề nghiệp ổn định lại có ý nghĩa bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hành tinh
xanh thì ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường là một ngành học đáng cân nhắc.
Hãy cùng tìm hiểu: Hiểu thế nào về Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường,
Triển vọng của ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường? Vị trí việc làm sau khi
tốt nghiệp? Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường học những gì?
1.Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường là gì
Ngành Quản lý Tài nguyên
và Môi trường là ngành học về các chính sách quản lý, quy hoạch và các kiến
thức vận hành kỹ thuật cơ bản trong việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn
tài nguyên thiên nhiên; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường;
ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện
chất lượng môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các chuyên ngành: quản
lý sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, nước biển, rừng; địa chất; bảo vệ
môi trường; biến đổi khí hậu; viễn thám.
Có thể nói, ngành Quản
lý Tài nguyên và Môi trường cung cấp những kiến thức tổng quát, thiên về hoạch
định chính sách và phương pháp, quy trình quản lý. Hiện nay, khi vào giai
đoạn chuyên ngành của ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, một số cơ sở
đào tạo không chia chuyên ngành, một số chia thành nhiều chuyên ngành hoặc tách
các chuyên ngành thành ngành đào tạo riêng theo:
- Từng loại tài nguyên thiên
nhiên như ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường biển đảo; ngành Quản lý
Tài nguyên rừng; ngành Quản lý Tài nguyên nước; ngành Quản lý Tài nguyên
khoáng sản - Các ngành đi sâu vào kỹ thuật như ngành Kỹ thuật môi trường;
ngành Công nghệ môi trường, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước, ngành Kỹ thuật
địa chất; ngành Kỹ thuật tài nguyên đất.
- Chuyên về ứng phó biến đổi khí
hậu như ngành Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Thí sinh nên xem xét kỹ
để có chọn lựa phù hợp
2. Triển vọng của ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Việt Nam đang trong giai
đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc
tế. Đi cùng với đó thì việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã làm
nảy sinh hàng loạt các vấn đề tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm. Chính
phủ luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Gần đây
nhất, ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành Quyết định số
450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng
gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp
bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy
giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi
khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế
tuần hoàn, kinh tế xanh, cac-bon thấp, phân đấu đạt được các mục tiêu phát
triển bền vững 2030 của đất nước.
Xem toàn bộ Chiến lược
bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại đây
Theo
dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2020 - 2025, hướng tới năm 2035,
nhân lực về môi trường sẽ là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất,
cần tối thiểu 10.800 người/năm.
Hiện
nay, hầu hết các công ty, nhà máy sản xuất đều cần kỹ sư môi trường để quản lý
sản xuất, đảm bảo công nghệ, theo dõi quy trình, thực hiện sáng chế sản phẩm theo
hướng xanh, sạch, tiết kiệm và bảo vệ môi trường đúng quy định của pháp luật.
Số lượng doanh nghiệp bị ràng buộc bởi tiêu chuẩn ISO 14001 (chứng minh doanh
nghiệp có trách nhiệm với môi trường và đáp ứng các yêu cầu về môi trường của
các bên liên quan) ngày càng nhiều hơn. Để đạt tiêu chuẩn này phải có hệ thống
xử lý môi trường đạt chuẩn và sự có mặt của những kỹ sư công nghệ kỹ thuật môi
trường là cực kỳ cần thiết. Hơn nữa, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ra
ngày 4/12/2020 đã quy định rằng, các công ty có hoạt động ảnh hưởng đến môi
trường đáng kể thì đều phải có cán bộ chuyên trách về môi trường.
Từ
những thông tin trên cho thấy nhu cầu nhân lực ngành Quản lý Tài nguyên và Môi
trường rất lớn trong thời gian tới. Đây cũng là lý do nhu cầu đào tạo
nguồn nhân lực ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường ngày càng tăng và được
coi là chìa khóa của chiến lược môi trường quốc gia.
3.
Vị trí việc làm ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường có thể làm
việc trong các đơn vị
- Cán bộ
trong các cơ quan nhà nước về quản lý tài nguyên và môi trường từ
Trung ương đến địa phương như: Bộ/Sở/PhòngTài nguyên và Môi trường,
Bộ/Sở/ Phòng Khoa học và Công nghệ, Bộ/Sở/Phòng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, các phòng, ban trực thuộc UBND liên quan đến
công tác quản lý tài nguyên và môi trường; các ban quản lý dự án.
- Cảnh sát
môi trường
- Chuyên viên – kỹ sư trong các
tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các đơn
vị tư vấn, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sử
dụng, bảo vệ tài nguyên và môi trường, trung tâm tư vấn lập quy
hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch rừng, quy hoạch
môi trường…
- Chuyên viên
– kỹ sư các doanh nghiệp có xả thải ra môi trường.
- Chuyên viên- kỹ sư trong các
doanh nghiệp sử dụng, khai thác tài nguyên đất, nước, gió, khoáng sản….
- Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu,
ứng dụng và triển khai các đề tài vào thực tiễn thuộc lĩnh vực
tài nguyên và môi trường tại các viện nghiên cứu, các trung tâm
và cơ quan nghiên cứu của các bộ, ngành, trường đại học.
- Tự làm chủ doanh nghiệp, cơ sở
sản xuất kinh doanh, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực môi trường.
Một
số công việc cụ thể trong các doanh nghiệp về môi trường
- Chuyên viên
kinh doanh: giới thiệu sản phẩm – dịch vụ cho khách hàng, tư vấn sản phẩm
hoặc công nghệ, thuyết phục khách hàng
- Chuyên viên
tư vấn môi trường tiếp nhận yêu cầu, lập báo cáo đánh giá tác động
môi trường (ĐTM), người làm báo cáo giám sát thi công, báo cáo vận
hành thử nghiệm, báo cáo hoàn thành các thủ tục môi trường cho chủ đầu tư;
báo cáo giám sát định kỳ, báo cáo tình hình quản lý chất thải gây hại cho
công trình.
- Chuyên viên
thiết kế: tiếp nhận yêu cầu xử lý môi trường; khảo sát, thu thập thông tin
(mặt bằng, công suất, thành phần chất thải, quy trình sản xuất, nguồn xả
đầu ra,…); phân tích dữ liệu; tính toán, lựa chọn công nghệ, thiết kế kiến
trúc; lên dự toán, báo giá; thiết kế chi tiết thi công.
- Chuyên viên
thi công và vận hành công trình lên kế hoạch, tiến độ thi công, làm
việc đơn vị thi công xây dựng- lắp đặt theo dõi, xử lý các vấn
đề thi công, nghiệm thu – chạy thử, hướng dẫn – tập huấn nhân sự vận hành.
Kiểm tra, đảm bảo chất lượng chất thải sau xử lý.
4. Học ngành Quản lý Tài nguyên Môi
trường cần những tố chất gì
- Yêu thiên
nhiên, có ý thức bảo vệ môi trường
- Khả năng
học hỏi cao
- Các kỹ năng
tuỳ vào vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp
Ngành
Quản lý Tài nguyên và Môi trường là một lĩnh vực rộng, bạn không thể giỏi tất
cả về kiến thức và kỹ năng của tất cả các chuyên ngành, do vậy, bạn nên trang
bị tốt kiến thức tổng quát sau đó chọn một chuyên ngành phù hợp. Đối với các
Trường không chia chuyên ngành, sau một thời gian học bạn cần xác định một hoặc
vài thế mạnh của mình để đào sâu nghiên cứu.
Ví
dụ, bạn có định hướng và thế mạnh về phần tư vấn, lập dự án, bạn sẽ tìm hiểu,
nghiên cứu thêm các quy định, các dự án mẫu, các báo cáo, rèn luyện thêm ký
năng giao tiếp, lập báo cáo, kỹ năng vẽ thiết kế, công nghệ thông tin liên quan
và xin thực tập, làm khoá luận – báo cáo tốt nghiệp về mảng này.
Hoặc
bạn có thế mạnh về kỹ thuật có thể học ngành/chuyên ngành Kỹ thuật Môi trường
hoặc học Quản lý Tài nguyên và Môi trường nhưng bạn tự đi sâu vào các phương
pháp, công nghệ, quy trình xử lý chất thải.
Ngành
Quản lý Tài nguyên và Môi trường ở Việt Nam được đào tạo tại các trường hiện
nay được đánh giá là còn nặng về lý thuyết và ít thực hành, do vậy bạn nên xin
đi thực tập, làm thêm tại các đơn vị các liên quan để tăng cơ hội có việc làm
tốt khi tốt nghiệp. Hơn nữa, dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp
4.0 và toàn cầu hoá, công nghệ - kỹ thuật trong ngành Tài nguyên và Môi trường
đang thay đổi hàng ngày, bạn cần liên tục tự cập nhật kiến thức và kỹ năng cho
mình.
5. Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi
trường học những gì
Sinh
viên ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường được trang bị những kiến thức
chung, chính sách về môi trường sống, về tài nguyên, con người, động thực vật,
nguồn nước, tập quán sinh hoạt, thổ nhưỡng, biến đổi khí hậu, các kỹ thuật về
kiểm soát ô nhiễm môi trường; các kỹ thuật và quản lý vận hành các công trình
hoặc hệ thống kiểm soát môi trường như xử lý nước thải đô thị và công
nghiệp; kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý chất thải rắn và chất thải nguy
hại và tuần hoàn, tái sử dụng, tái sinh chất thải...
Các
môn học tiêu biểu: Vẽ kỹ thuật; Bản đồ học, Khí tượng thuỷ văn; Quan trắc môi
trường; Luật và chính sách môi trường; Quy hoạch môi trường; Thuỷ văn; Địa chất
môi trường; Hệ thống định vị toàn cầu và viễ thám; Sinh thái môi trường; Biến
đổi khí hậu; Địa chất môi trường; Kinh tế môi trường; Quản lý tài nguyên đất,
Quản lý tài nguyên nước, Quản lý tài nguyên rừng; Quản lý và xử lý chất thải
độc hại; Quản lý và sử dụng tiết kiệm năng lượng; Kỹ thuật xử lý nước thải;
Quản lý và xử lý chất thải rắn; Quản lý và tái sử dụng chất thải hữu cơ; Quản
lý môi trường đô thị và khu công nghiệp; Sản xuất sạch hơn; Đánh giá tác động
môi trường; Thiên tai và quản lý rủi ro; Truyền thông môi trường; Ứng dụng GIS.