www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Ngành Logistic học gì? làm gì?

Logistics là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Với một loạt các hiệp định thương mại như TPP, FTA,.., Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Vì thế, triển vọng phát triển của ngành này là rất lớn, mở ra hàng ngàn cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên. Trong bài viết này, hãy cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu thêm về ngành học này nhé!

Logistics là gì?

Ta có thể tạm dịch Logistics là Hậu cần. Theo Hiệp hội các nhà chuyên nghiệp về quản trị chuỗi cung ứng (Council of Supply Chain Management Professionals – CSCMP), Logistics là “một phần của việc quản trị chuỗi cung ứng, bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.” Hiểu một cách đơn giản, Logistics là khâu trung gian để đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hoạt động của Logistics bao gồm vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói sản phẩm, dịch vụ khách hàng. 

 

Logistics góp phần lớn vào sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp tổ chức hiệu quả khâu vận chuyển, dự trữ cũng như những dịch vụ khác liên quan đến hàng hóa, doanh nghiệp đó sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể về nhân lực và thời gian, giúp giá thành sản phẩm hạ thấp, gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Có nên học ngành Logistics?

Xét trên góc độ thị trường, Logictics là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, hoạt động logistics giúp hàng hóa đến được tay người tiêu dùng và đảm bảo kịp thời nguồn nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Khi nền kinh tế quốc gia hội nhập càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Logistics sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn, đồng nghĩa với việc vô vàn cơ hội việc làm sẽ mở ra với các bạn sinh viên. Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển logistics Việt Nam, cho đến năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.

 

Nếu bạn là người có tầm nhìn xa, khả năng phán đoán tốt để thì Logistics chính là ngành học bạn nên cân nhắc theo đuổi. Điều này sẽ giúp bạn dự đoán được nhu cầu của thị trường, yêu cầu của khách hàng, góp phần đáng kể trong việc tăng tính hiệu quả của chuỗi cung ứng sản phẩm. Ngoài ra, do tính chặt chẽ của hoạt động logistics, một trong những phẩm chất quan trọng của người làm logistics đó là tính cẩn thận, tỉ mỉ và kỉ luật trong công việc bởi mỗi mắt xích của logistics cần đảm bảo đúng quy trình và thời gian thì chuỗi cung ứng mới có thể vận hành trôi chảy. Bên cạnh đó, bởi lĩnh vực Logistics luôn gắn liền với những giao dịch mua bán quốc tế, khả năng thành thạo một hay nhiều ngoại ngữ khác nhau sẽ là điểm cộng rất lớn với các bạn sinh viên mới ra trường. 

 

 

Học Logistics có thể làm gì?

Với tấm bằng trong ngành Logistics, có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho các bạn sinh viên. Các bạn có thể làm việc tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, công ty vận tải hay các phòng ban như: phòng mua, phòng bán, phòng xuất nhập khẩu, phòng cung ứng vật tư, phòng dịch vụ khách hàng, phòng quản lí kho vận,... của hàng trăm doanh nghiệp có nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhỏ.

 

Người làm việc trong lĩnh vực logistics sẽ làm những công việc liên quan đến việc lên kế hoạch, thực thi và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Quá trình này bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa. Cụ thể, những vị trí công việc của nghề logistics gồm có:

  • Lên kế hoạch hay phân tích: Chịu trách nhiệm tập hợp và phân tích dữ liệu, xác định vấn đề và phát triển những khả năng hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng.

  • Thu mua: là người xác định nguồn hàng cung ứng, đánh giá và lựa chọn đơn vị cung ứng, đàm phán hợp đồng và giữ  mối quan hệ hợp tác với những người cung ứng.

  • Chuyên viên kiểm kê: Là người chịu trách nhiệm kiểm kê chất lượng và độ chính xác của hàng hóa, giám sát lưu lượng hàng, làm việc với các kho hàng và  chiến lược phân phối hàng hóa để tối ưu hóa dòng chảy công việc và năng suất lao động trong các cơ sở phân phối.

  • Nhân viên quản lý hàng hóa: Công việc này sẽ là kết hợp với các nhân viên thu mua, phân phối và cung ứng để đảm bảo quá trình phân phát hàng hóa sao cho tin cậy và hiệu quả.

  • Điều phối viên chuyên về vận tải: Quản lý các mối quan hệ với các nhà vận tải và khách hàng để đảm bảo hàng hóa được phân phát đúng thời hạn.

  • Điều phối viên sản xuất / Phân tích viên: phân tích số liệu và dự đoán nhu cầu sản xuất trong tương lai, lên kế hoạch sản xuất hàng hóa. 

Ngoài ra, khi theo đuổi ngành học Logistics, bạn cũng có thể làm việc trong một số lĩnh vực liên quan mật thiết đến Logistics và quản trị chuỗi cung ứng như: phòng thanh toán quốc tế tại các ngân hàng trong và ngoài nước; phòng kinh doanh dịch vụ bảo hiểm tàu, bảo hiểm hàng hóa tại các công ty bảo hiểm;…

Học Logistics là học gì?

Có rất nhiều trường đại học cung cấp những khóa học liên quan đến ngành Logistics cả bậc đại học và sau đại học. Các khóa học về Logistics sẽ cung cấp kiến thức cho người học về rất nhiều lĩnh vực khác nhau như tìm kiếm và phân phối nguyên liệu đầu vào, phân phối sản phẩm, vận tải, chuỗi cung ứng, kiểm soát hàng tồn kho và dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, do phạm vi của logistics thường vượt ra khỏi biên giới quốc gia, nhiều khóa học logistics cũng tích hợp cả việc nghiên cứu chiến lược kinh doanh và marketing quốc tế vào các khóa học của mình.

 

Kinh doanh toàn cầu
Tư duy phản biện và phương pháp nghiên cứu
Dự án toàn cầu
Lãnh đạo cá nhân
Quy hoạch và quản lí chuỗi cung ứng
Chiến lược tìm kiếm nguồn hàng và mua hàng
Phân phối vật chất và vận tải
Công nghệ và đổi mới trong chuỗi cung ứng
Quản trị hoạt động công ty
Quản lí kho
Quản lí cảng
Mô phỏng quản lí chuỗi cung ứng
Luận văn