www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề phiên dịch

“Không phải bây giờ mình nói để động viên lớp trẻ đâu, bản thân mình cảm nhận thấy phiên dịch viên là nghề không tồi, một cái nghề rất đáng làm và nếu làm tốt thì rất là có ích cho đất nước và bản thân học được rất nhiều điều, cả kiến thức lẫn cách làm người. Lại rất lý thú nữa!” 

Phiên dịch viên là ai?

Phiên dịch là công việc chuyển tải nội dung thông tin, ngữ nghĩa từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác dưới dạng nói. Ngôn ngữ cần dịch được gọi là ngôn ngữ nguồn, ngôn ngữ cần được dịch đến là ngôn ngữ đích và người dịch được gọi chung là phiên dịch viên. 

 

Phiên dịch viên làm gì?

Có 3 lối phiên dịch phổ biến:

–  Phiên dịch đồng thời: phiên dịch viên đồng thời không thể bắt đầu phiên dịch  cho tới khi nghĩa của câu được hiểu. Vì nghề phiên dịch đồng thời yêu cầu mức độ tập trung cao, người phiên dịch đồng thời phải làm việc theo cặp, mỗi người sẽ phiên dịch khoảng 20 – 30 phút và sau đó sẽ nghỉ giải lao đợi người kia phiên dịch tiếp.

 Phiên dịch viên liên tục: phiên dịch viên liên tục chỉ bắt đầu sau khi người nói nói hoặc đưa ra ký hiệu cho một nhóm từ hoặc câu. Phiên dịch viên liên tục có thể viết ghi chú trong khi nghe hoặc xem người nói nói trước khi đưa ra lời phiên dịch. Ghi chú này rất cần thiết đối với phiên dịch liên tục.

–  Dịch thầm: phiên dịch viên ngồi gần người nghe và nói nhỏ lời dịch với người nghe. Có ít nhất hai phiên dịch viên làm công việc này thay nhau.

Một số phiên dịch viên không làm công việc cụ thể cho bất kì lĩnh vực hay ngành công nghiệp nào, mà tập trung vào các lĩnh vực chuyên môn như:

– Phiên dịch viên hội nghị: làm việc tại các hội nghị thường về các lĩnh vực như kinh doanh quốc tế, ngoại giao,…

– Phiên dịch viên hướng dẫn: hướng dẫn và hộ tống khách du lịch ở nước ngoài để đảm bảo rằng khách du lịch có thể giao tiếp suốt thời gian ở nơi được hướng dẫn.

– Phiên dịch cho sức khỏe hoặc y học: làm việc nhằm giúp đỡ bệnh nhân giao tiếp với bác sĩ, y tá, nhà chuyên môn hoặc những nhân viên y tế khác.

– Phiên dịch pháp lý hoặc tư pháp: làm việc trong tòa án hay những môi trường pháp lý khác.

Các phiên dịch viên cũng gặp phải những khó khăn trong nghề, đăc biệt là áp lực công việc. Nghề đặt ra yêu cầu cao khi phải vừa nghe vừa dịch, và sức ép của những kiến thức và thông tin mới. Đặc biệt là tính chính xác trong từng câu chữ, lời thoại. Ngay cả khi người nói mập mờ thì người phiên dịch cũng phải chuyển tải lời nói sao cho người nhận dễ tiếp nhận nhất. Tuy nhiên, những áp lực của công việc này sẽ giúp bạn trau dồi bản thân trở nên quyết đoán, bản lĩnh và tần suất hoàn thành công việc cũng sẽ thành công hơn.

 

Phiên dịch viên làm việc ở đâu?

Những phiên dịch viên có bằng cử nhân hoặc bằng thạc sĩ và những người có chứng chỉ nghề nghiệp thường tìm được những công việc tốt. Cơ hội việc làm cũng tùy theo từng lĩnh vực chuyên môn và ngôn ngữ. Đặc biệt, cơ hội việc làm rất đa dạng đối với những người làm về lĩnh vực sức khỏe hay luật pháp.

Phiên dịch viên có thể làm việc cho các tổ chức quốc tế, các công ty đa quốc gia. công ty du lịch, các toà soạn báo, đài phát thanh, truyền hình, các nhà xuất bản, các công ty, trung tâm dịch thuật. Hiện nay Bộ ngoại giao là nơi tập trung hệ thống phiên dịch viên được coi là có chuyên môn nghiệp vụ cao nhất cả nước. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm việc tại các vụ phụ trách đối ngoại (vụ hợp tác quốc tế) của các Bộ trực thuộc trung ương như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ Giáo dục và Đào tạo,…

Bên cạnh đó, nhiều phiên dịch lựa chọn làm việc cho chính mình, tức là trở thành một phiên dịch viên tự do.

Làm thế nào để trở thành phiên dịch viên?

Nếu bạn muốn trở thành một phiên dịch viên, điểm lựa chọn đầu tiên của bạn hẳn là các trường đại học ngoại ngữ hay đại học sư phạm ngoại ngữ. Bên cạnh đó, trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, khoa Đông Phương và khoa Quốc tế học thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia) v.v… cũng là những cơ sở đào tạo ngoại ngữ rất tốt. Đã có nhiều phiên dịch viên giỏi trưởng thành từ những trường này.

Bạn còn có thể theo học ngoại ngữ chuyên ngành trong khối các trường kỹ thuật và kinh tế. Chẳng hạn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có khoa Tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật, Trường Đại học Ngoại thương có khoa Tiếng Anh thương mại, Tiếng Trung thương mại, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành kinh tế v.v…

Hiện nay, có rất nhiều trung tâm đào tạo ngoại ngữ có uy tín của nước ngoài được mở tại Việt Nam, đặc biệt là với tiếng Anh và tiếng Pháp. Theo học những trung tâm này là cơ hội rất tốt để bạn hoàn thiện vốn ngoại ngữ của mình.

Nếu có điều kiện, việc học tập, tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa của các nước cũng là điều kiện tốt giúp bạn có thêm kinh nghiệm trong nghề.