Tìm hiểu về nhạc công
“Chơi một nốt lỗi thì không có vấn đề gì, nhưng chơi nhạc mà không có đam mê thì không thể tha thứ được.” – Beethoven, nhạc sĩ thiên tài người Đức.
Nhạc công là ai?
Nhạc công là người thực hiện, biểu diễn các bản nhạc bằng các nhạc cụ với nhiều thể loại nhạc: pop, rock, jazz, giao hưởng, v.v. Mỗi nhạc công có thể chơi một hay nhiều loại nhạc cụ trong một dàn nhạc. Ta có thể thấy nhạc công xuất hiện trong tất cả các chương trình âm nhạc. Một buổi biểu diễn thành công, không chỉ đánh giá bởi giọng hát của ca sĩ, mà người nghe còn cần phải cảm nhận được sâu sắc giai điệu của bài hát. Để làm nên những giai điệu có hồn đó, chính là nhờ những nhạc công.
Nhạc công làm gì?
Nhạc công chơi một hay một số loại nhạc cụ trong biểu diễn độc tấu, đệm nhạc hay là thành viên của một dàn hòa tấu, một ban nhạc, một nhóm nhạc. Công việc cụ thể có thể gồm có:
- Chuyên môn sâu vào chơi một loại nhạc cụ nhất định hoặc một họ nhạc cụ; luyện tập thường xuyên; chuẩn bị và tham gia các buổi tổng duyệt, lên kế hoạch và chỉ đạo các buổi biểu diễn âm nhạc;
- Tham gia vào quá trình thu âm trong các phòng thu nhạc; hoặc biểu diễn trước các khán giả trực tiếp; chơi nhạc nền cho các buổi biểu diễn trực tiếp như múa ballet, nhạc kịch, v.v;
- Sáng tác các bản nhạc, các bài hát và bản giao hưởng mới.
- Quảng bá âm nhạc của cá nhân hoặc của nhóm bằng cách tham gia các cuộc phỏng vấn hay các hoạt động khác của giới truyền thông.
- Dạy một nhạc cụ nhất định.
Nhạc công làm việc ở đâu?
Một số tổ chức, sự kiện mà nhạc công có thể tham gia bao gồm:
- Một công ty sản xuất âm nhạc, một nhóm nhạc hay làm tự do, nhận các buổi biểu diễn tại các chương trình âm nhạc trong cả nước hay tại các phòng trà. Có một số phòng trà có tiếng mà các nhạc công thường biểu diễn như CLB Aladin của gia đình NSND Thanh Hoa, Sóng Xanh, Fantasy, Jazz Club, Hale Club, Lý Club, Phòng trà Opera, v.v;
- Các nhạc công có thể tham gia đệm nhạc, biểu diễn trong các chương trình âm nhạc lớn như Monsoon Festival, các chương trình âm nhạc thường xuyên được tổ chức tại Nhà hát lớn, Trung tâm Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, tại các trung tâm biểu diễn, trung tâm văn hóa, hay các chương trình truyền hình âm nhạc như Sao Mai, Vietnam Idol, Giọng hát Việt, hay các chương trình biểu diễn thời trang, các cuộc thi sắc đẹp, các cuộc thi nghệ thuật, v.v;
- Một nơi làm việc lí tưởng khác cho các nhạc công là các trường trung học, đại học, cao đẳng chuyên âm nhạc, các trung tâm đào tạo âm nhạc, các lớp dạy chơi nhạc cụ. Ngày càng có nhiều trẻ em, học sinh, sinh viên muốn học chơi một loại nhạc cụ nào đó nên việc giảng dạy âm nhạc trở nên thuận lợi hơn với các nhạc công.
Một vài nhạc công thường chỉ hay biểu diễn ở một phòng trà hay một chương trình nhất định nhưng nhìn chung, ngoài thời gian tập luyện tại nhà hay các studio, tham gia thu âm tại các studio, các nhạc công phải đi lưu diễn khá nhiều ở nhiều địa điểm khác nhau, có thể là trong thành phố hoặc ở các tỉnh khác, trong nước và nước ngoài, tại các sân khấu trong nhà hoặc ngoài trời.
Làm thế nào để trở thành nhạc công?
Các cơ sở đào tạo âm nhạc tại Việt Nam bao gồm:
- Tại miền Bắc: Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội;
- Tại miền Nam: Nhạc viện TP. HCM, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật HCM, v.v.
Ngoài ra còn có các trung tâm đào tạo âm nhạc mà cung cấp các khóa học ngắn hạn, các lớp chuyên dạy nhạc cụ như Trung tâm Đào tạo Âm nhạc Athena, Trung tâm Âm nhạc Phaolo, Trung tâm Nghệ thuật Adam, Trung tâm Dạy nhạc Thiên Phú, Công ty TNHH Huy Quang Piano& Nhạc cụ, v.v.
Tuy nhiên, âm nhạc là một lĩnh vực đầy sáng tạo và ngẫu hứng, nên để phát triển xa hơn trong sự nghiệp làm nhạc công, các nhạc công cần thường xuyên luyện tập, trau dồi khả năng kĩ thuật cũng như phong cách của bản thân, thường xuyên cập nhật những xu hướng mới trong âm nhạc, không ngại tìm tòi để tìm ra lối đi mới cho riêng mình, không ngại thay đổi để cải thiện năng lực, nâng cao chất lượng biểu diễn và có thể học hỏi từ những nhạc công khác trên khắp thế giới.