Tìm hiểu về nghề kỹ thuật viên phòng thu nhạc (kỹ thuật âm thanh)
1. Giới thiệu tổng quan Nghề kỹ thuật viên phòng thu nhạc
Nghề kỹ thuật viên phòng thu nhạc (còn gọi là nghề kỹ thuật viên âm thanh) vận hành các thiết bị để thu âm và xử lí âm thanh cho đài phát thanh, truyền hình, phim, đĩa nhạc và truyền thông đa phương tiện. Các kĩ thuật viên phòng thu nhạc cài đặt, vận hành và bảo dưỡng một loạt các thiết bị điện tử được dùng trong sản xuất âm thanh và phát thanh, bao gồm các thiết bị thu âm, micro, thiết bị lồng tiếng, loa phóng to và các bảng trộn âm. Các kĩ thuật viên âm thanh có thể làm việc trong lĩnh vực thu nhạc hoặc thu âm để tạo ra các đĩa nhạc, sản xuất phim, sản xuất các vở nhạc kịch, phát thanh hoặc truyền hình và các buổi biểu diễn trực tiếp
Âm thanh được con người khai thác tối đa chiều sâu ẩn bên trong lớp vỏ cơ học bên ngoài nhằm mục đích chuyển tải những thông điệp không lời của cảm xúc. Điều này có nghĩa là chỗ đứng của âm thanh vô cùng quan trọng trong mọi hình thái nghệ thuật mà con người đang từng bước chinh phục như điện ảnh, truyền hình, sân khấu, âm nhạc…
Tài năng của các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đến được với khán giả qua hai cách: qua biểu diễn trực tiếp hoặc qua thu âm. Các kỹ huật viên chịu trách nhiệm phần thu âm, xử lí âm thanh trong các phòng thu và đôi khi từ các bốt âm thanh trong các buổi biểu diễn nhạc trực tiếp.
Là một kỹ thuật viên phòng thu nhạc, bạn sẽ tạo nên những bản thu chất lượng cao với các tác phẩm âm nhạc, lời thoại, hiệu ứng âm thanh. Nếu bạn thích làm việc với các thiết bị điện tử, hứng thú với âm nhạc và âm thanh thì đây là một công việc lí tưởng cho bạn.
Các Kĩ thuật viên phòng thu nhạc thu âm và chỉnh sửa, xử lí âm thanh trong các phòng thu nhạc
2. Nghề kỹ thuật viên phòng thu nhạc làm gì?
Các kỹ thuật viên âm thanh phải sử dụng các thiết bị điện tử để ghi lại các âm thanh cho nhiều mục đích sử dụng, ví dụ như âm nhạc trong các tác phẩm âm nhạc, quảng cáo, phát thanh, truyền hình, trò chơi điện tử…
Công việc của một kỹ thuật viên phòng thu nhạc thường bao gồm:
· Lên kế hoạch các buổi thu âm với các nhà sản xuất và các nghệ sĩ.
· Lựa chọn các thiết bị âm thanh phù hợp trong các tình huống và mục đích sử dụng khác nhau.
· Chuẩn bị micro và các thiết bị trong phòng thu.
· Đảm bảo chắc chắn rằng âm lượng và các yếu tố khác của các thiết bị thu âm đã được đặt ở đúng chế độ.
· Vận hành các thiết bị thu âm và thêm hiệu ứng.
· Thu âm từng đoạn thành từng phần riêng biệt.
· Trộn các phần vào với nhau để tạo ra thành phẩm cuối cùng.
· Chuyển các đoạn thu âm sang dạng kĩ thuật số để có thể chỉnh sửa trên máy tính.
· Đưa các đoạn thu đó vào tài liệu lưu trữ của phòng thu để có thể chỉnh sửa hay sử dụng sau này.
· Đồng bộ hóa âm nhạc, âm thanh với các phân đoạn, hành động trong video, phim hoặc truyền hình.
· Bảo dưỡng và sửa chữa các thiết bị âm thanh.
· Luôn cập nhật những bước tiến mới trong kĩ thuật âm thanh.
3. Nghề kỹ thuật viên phòng thu nhạc làm việc ở đâu?
Các kỹ thuật viên phòng thu nhạc thường làm việc chủ yếu trong các phòng thu âm. Điều kiện của các phòng thu thì khác nhau. Có những phòng thu rộng rãi, mát mẻ, có điều hòa và cũng có những phòng thu bức bí, chật chội.
Đối với nghềkỹ thuật viên phòng thu nhạc có thể lựa chọn làm việc tại các phòng thu nhạc (studio), các công ty sản xuất âm nhạc hoặc làm việc tự do. Một số địa chỉ thu âm và xử lí âm nhạc mà các kĩ thuật viên phòng thu nhạc có thể lựa chọn là Công ty TNHH Quảng cáo Truyền thông Giải trí Fly Pro, P.T.V Studio, Felling Studio, MaxStudio, Calvin Music, Fan Studio, HIT Studio, Oreka Studio…
Các kỹ thuật viên phòng thu nhạc thường linh hoạt về thời gian làm việc, có những buổi thu âm rất dài và vào thời gian không cố định, đôi khi phải làm việc vào buổi tối hay cuối tuần. Điều đó phụ thuộc vào thời gian có thể làm việc của các nghệ sĩ và các nhà sản xuất.
Các kĩ thuật viên phòng thu nhạc có thể làm việc tại các studio
4. Học nghề kỹ thuật viên phòng thu nhạc ở đâu?
Các bạn muốn học nghề kỹ thuật viên phòng thu nhạc có thể theo học Khoa Kỹ thuật Âm thanh tại nhạc viện, học viện âm nhạc trong nước và thế giới như Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam…; các trường âm nhạc tư nhân như Sóng Nhạc,…; các phòng thu nhạc (studio) hay các công ty sản xuất âm nhạc, các cá nhân, đội nhóm chuyên sản xuất âm nhạc cũng thường xuyên mở các khóa đào tạo kĩ thuật viên âm thanh và phòng thu. Các khóa học này có cả các buổi học lí thuyết và thực hành, cung cấp cho các bạn các kiến thức nền tảng về khoa học âm thanh, các thiết bị thu âm, chỉnh âm, trộn âm, các chương trình, phần mềm máy tính hỗ trợ chỉnh sửa và tạo hiệu ứng cho âm thanh, cách phối hợp các thiết bị sao cho hiệu quả với mọi mức chi phí, các thủ thuật xử lí âm thanh, sử dụng các công cụ kĩ thuật tiên tiến…
Mặc dù các kỹ thuật viên âm thanh phải nắm vững những kiến thức chuyên môn nền tảng và cách sử dụng các công cụ, công việc này đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức thực tế, phải có những trải nghiệm thực tế mới phát triển được lên cao. Vì vậy, ngoài việc tham gia một chương trình học tại các nhạc viện, học viên âm nhạc hay các khóa đào tạo ngắn hạn, nếu muốn theo ngành này, các bạn nên tham gia thực tập, học việc trong một phong thu nhạc hoặc công ty sản xuất âm nhạc, phụ tá cho những chỉ đạo âm nhạc hay kỹ thuật viên phòng thu nhạc đã có kinh nghiệm để học hỏi, trau dồi kiến thức thực tế và kinh nghiệm của bản thân và nhận sự giúp đỡ của họ trong con đường sự nghiệp sau này để tiến gần hơn với nghề kỹ thuật viên phòng thu nhạc.