www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề diễn viên điện ảnh

Diễn viên là nghề hiện nay thu hút được rất nhiều bạn trẻ theo đuổi. Sự thật thì diễn viên rốt cuộc là nghề như thế nào?

Diễn viên điện ảnh là ai? 

Hiểu một cách đơn giản, diễn viên điện ảnh là người hóa thân vào nhân vật và thể hiện nhân vật trong một bộ phim. Nói cách khác, bằng toàn bộ cơ thể, giọng nói, dáng điệu, cử chỉ, trí tuệ và tâm hồn mình, họ biến những “con người” trên giấy trong các kịch bản phim thành những con người thực sự, sống động trên màn ảnh.

Diễn viên điện ảnh không phải là sự bắt chước mà là lao động sáng tạo để toát lên bản chất của nhân vật, chuyển tải được nội tâm của nhân vật bằng chính diễn xuất của người diễn viên.

Các nhà phê bình điện ảnh thường nói đến vai trò chủ thể bộ phim của đạo diễn hay nhà sản xuất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đối với công chúng, diễn viên mới là chủ thể, trung tâm của mỗi bộ phim. Lý do đầu tiên kéo họ đến rạp là bộ phim có diễn viên họ yêu thích, kế đến là đề tài của phim và đạo diễn chỉ là lý do thứ ba.

Ngoài những minh tinh màn bạc xuất hiện lộng lẫy trên thảm đỏ, nghề diễn viên còn có những con người đặc biệt như diễn viên đóng thế (Cascadeur), diễn viên lồng tiếng.

  • Diễn viên

Diễn viên là người đảm nhận một hoặc một số vai diễn trong bộ phim. Họ là người sẽ tìm hiểu kịch bản, chuẩn bị, luyện tập và diễn xuất.

Vấn đề lớn nhất của người diễn viên là diễn xuất. Khi diễn xuất, họ không thể hiện con người, tính cách, hành động của bản thân mình. Điều họ biểu hiện chính là con người, tính cách, hành động của nhân vật trong mỗi bộ phim.

Các nhà phê bình điện ảnh thường nói đến vai trò chủ thể bộ phim của đạo diễn hay nhà sản xuất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đối với công chúng, diễn viên mới là chủ thể, trung tâm của mỗi bộ phim. Lý do đầu tiên kéo họ đến rạp là bộ phim có diễn viên họ yêu thích, kế đến là đề tài của phim và đạo diễn chỉ là lý do thứ ba.

  • Diễn viên đóng thế (Cascadeur)

Dù tài năng đến đâu, không phải lúc nào người diễn viên cũng có thể tự tin một mình hoàn thành vai diễn. Chẳng hạn như khi nhân vật phải thể hiện một màn trình diễn võ thuật cực kỳ đẹp mắt, một vũ điệu hoàn hảo, một cảnh lướt ván… hay trong những pha mạo hiểm.

Đây là lúc cần tới những diễn viên đóng thế. Yêu cầu đầu tiên đối với diễn viên đóng thế là phải có hình dáng tương tự nhân vật anh/cô ta đóng thế. Thứ hai là họ phải có khả năng diễn xuất. Họ phải nhập tâm vào nhân vật và giữ đúng tâm lý, hành động của nhân vật gốc. Các cảnh cần đến diễn viên đóng thế thường là các pha nguy hiểm nên diễn viên đóng thế hầu hết là vận động viên thể thao hay võ thuật. Ở nước ta, dù thể loại phim hành động chưa mấy phát triển, đời sống của diễn viên đóng thế thường bấp bênh, nhưng vẫn có những con người xả thân vì nghệ thuật như nữ võ sư Thu Vân, võ sư Lữ Đức Long v.v…

  • Diễn viên lồng tiếng

Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, người ta thường sử dụng kỹ thuật thu âm đồng bộ để đảm bảo tính chính xác và độ chân thật. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, phim truyện vẫn phải sử dụng kỹ thuật lồng tiếng. Ngoài ra, một số phim tiếng nước ngoài và phim hoạt hình cũng cần tới lồng tiếng. Diễn viên lồng tiếng là người tái hiện lời thoại của nhân vật. Đây là công việc thuộc phần hậu kỳ của mỗi bộ phim, song đóng vai trò không nhỏ tới sự thành công hay thất bại của phim.

Công việc của diễn viên lồng tiếng phải đáp ứng hai yêu cầu: Tiếng phải khớp với khẩu hình và truyền cảm. Để làm được điều này, ngoài giọng nói truyền cảm, người diễn viên lồng tiếng cũng phải có quá trình nhập tâm nghiên cứu các sắc thái tâm lý của nhân vật. Diễn viên lồng tiếng phải giữ đúng cung bậc, mức độ tình cảm, ngay cả khi diễn viên lồng tiếng cho chính mình. Công việc lồng tiếng cũng là giai đoạn để sửa chữa những lỗi sai về thoại của diễn viên trên trường quay.

Ngay cả những siêu sao cũng sẵn sàng trở thành diễn viên lồng tiếng. Trong loạt phim hoạt hình Shrek được yêu thích trên toàn thế giới, Cameron Diaz lồng tiếng công chúa Fiona, Eddie Murphy lồng tiếng chú lừa còn Julie Andrews lồng tiếng hoàng hậu…

Diễn viên điện ảnh làm gì?

Điện ảnh chính là nghệ thuật tái hiện những câu chuyện của cuộc sống bằng âm thanh và hình ảnh. Cuộc sống vốn phong phú vô tận. Do đó, không thể kể hết những gì diễn viên điện ảnh sẽ làm. Công việc của diễn viên điện ảnh ở các lĩnh vực: diễn viên, diễn viên đóng thế, diễn viên lồng tiếng sẽ khác nhau. Đây là một ngành rộng lớn, người nghiệp dư cũng có thể bước vào. Tuy nhiên, có những công việc cụ thể bạn sẽ làm khi đảm nhận một vai diễn.

  • Trải qua vòng tuyển chọn (Casting)

Casting là thuật ngữ vay mượn từ tiếng Anh để tả quá trình chọn lọc các ứng cử viên để chọn diễn viên cho một vai diễn. Tại những trung tâm điện ảnh lớn, các nhà sản xuất và đạo diễn thường mất một thời gian rất dài để lựa chọn diễn viên. Họ nhận được hàng ngàn lá thư tự giới thiệu và những cuộn băng biểu diễn. Ở Việt Nam, cuộc cạnh tranh không gay gắt bằng. Tuy nhiên, sự tuyển chọn là công việc đương nhiên bạn phải trải qua. Quá trình chọn lọc có thể căn cứ vào những vai bạn đã đóng, khả năng bạn cảm nhận nhân vật (qua phân tích vai diễn, diễn thử…)

  • Đọc kịch bản

Không phải tất cả những lời mời hợp tác đều đưa đến một vai diễn phù hợp với bạn. Có những vai diễn bạn cảm thấy không đủ sức diễn tả, có những vai diễn bạn không đồng ý với tác giả về cách nhân vật ứng xử và hành động…

Đọc kịch bản là khâu quan trọng để bạn có những quyết định sáng suốt. Nếu bạn cảm thấy có thể đảm nhận vai diễn, tất cả sẽ bắt đầu.

  • Chuẩn bị cho vai diễn

Đây là giai đoạn quan trọng nhất khi bạn nhận một vai diễn. Quá trình chuẩn bị cho vai diễn còn gọi là quá trình nhập thân.

Phút giây biểu diễn của người diễn viên có thể mang nhiều yếu tố xuất thần, thăng hoa. Tuy nhiên, đây không phải là sự xuất thần, thăng hoa mang tính ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình lao động, tìm hiểu, nghiên cứu lâu dài của người diễn viên với nhân vật mình sẽ thể hiện.

Đây cũng là thời gian sẽ quyết định bạn thành công hay thất bại. Dù mọi việc có thuận lợi tới mức bạn sẽ đảm nhận vai diễn viên múa trong khi đó chính là nghề nghiệp trước đây của bạn thì bạn vẫn phải luyện tập… Công việc luyện tập diễn ra ở đâu có thể do bạn hoặc đạo diễn quyết định. Bạn sẽ học từ những thứ giản đơn như lái xe, cưỡi ngựa, bắn súng… cho đến những thứ phức tạp như nhập vai một kẻ mộng du, một người điên hay mẫu người đa nhân cách, đối lập giữa hành động bên ngoài với bản chất bên trong…

Công việc cụ thể:

Lập lý lịch cho nhân vật. Điều này giúp bạn hiểu tâm lý nhân vật và động cơ các hành động mình sẽ diễn.

Chuẩn bị tâm lý và phong thái.

Thực hành thoại.

Học cách phối hợp với bạn diễn và làm việc ăn ý với những thành viên trong đoàn làm phim.

  • Diễn xuất

Sau bao ngày chuẩn bị, đây là lúc mọi thành viên trong đoàn làm phim đều chờ đợi. Bạn sẽ thực hiện vai diễn của mình. Là một diễn viên chuyên nghiệp, lúc này bạn không xuất hiện trước ống kính bằng bản thân bạn. Người đứng trước ống kính là con người trong kịch bản mà bạn hóa thân vào.

Một cảnh quay bắt đầu và kết thúc bằng hai khẩu lệnh: “Máy” và “Cắt”, đánh dấu sự khởi đầu và kết thúc một cú quay. Những trục trặc có thể diễn ra như thời tiết thay đổi, máy quay hỏng hóc, diễn viên quên thoại, đạo cụ sai vị trí v.v… Áp lực, căng thẳng, thất bại,… tất cả sẽ có. Vấn đề là bạn sẽ vượt qua những cảm xúc ấy để diễn như thế nào? Điều quan trọng nhất của diễn viên lúc này là khả năng tập trung cao độ khi làm việc trong một môi trường phân tán, giữ đúng tâm lý và thể trạng của nhân vật trong các cảnh quay.

Các đạo diễn luôn đánh giá cao những diễn viên không chỉ hoàn tất vai diễn của mình mà còn có khả năng hỗ trợ đạo diễn trong việc thiết kế bối cảnh, phục trang.

  • Giới thiệu phim với báo giới và công chúng

Ở các quốc gia có ngành điện ảnh phát triển, khi mỗi bộ phim sắp ra mắt khán giả, đạo diễn và diễn viên chính sẽ tham gia những cuộc họp báo. Tại đây, họ sẽ đưa ra những thông tin hấp dẫn về quá trình làm phim, những gì họ trải qua và những gì đáng để khán giả chờ đợi.

Các cuộc họp báo cũng có thể diễn ra sau khi phim được trình chiếu. Báo giới và khán giả sẽ vô cùng chú ý đến bạn. Cách trả lời và hành xử của bạn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh, thành công của bộ phim cũng như hình ảnh của bạn trong mắt công chúng.

Tại Việt Nam, việc tổ chức họp báo và giới thiệu phim đã trở nên khá quen thuộc, đặc biệt khi các đơn vị tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào lĩnh vực phim ảnh với những công cụ và chiêu thức quảng cáo mạnh.

Diễn viên điện ảnh làm việc ở đâu?

Các diễn viên chuyên nghiệp thường làm việc ở các hãng phim (do đặc thù ở Việt Nam, diễn viên kịch tham gia đóng phim rất nhiều nên một bộ phận không nhỏ các diễn viên điện ảnh công tác tại các đoàn kịch, đoàn nghệ thuật). Về đại thể, ở Việt Nam, bạn sẽ làm việc ở: Các hãng phim Nhà nước, Các hãng phim tư nhân, Các nhà hát, đoàn nghệ thuật.

Các hãng phim Nhà nước là các hãng phim hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các diễn viên thuộc các hãng phim Nhà nước thuộc biên chế của cơ quan. Bạn có thể tìm một vị trí tại các cơ quan: Hãng phim truyện Việt nam, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyền hình Tp. Hồ Chí Minh v.v…

Hãng phim tư nhân là hãng phim do một cá nhân đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm quản lý, kinh doanh. Cho đến nay, ở Việt Nam có khoảng trên dưới 40 hãng phim tư nhân. Đến tháng 3 năm 2006, Thành phố Hồ Chí Minh có 33 hãng phim tư nhân đang hoạt động. Một số hãng phim bước đầu thu được kết quả như: hãng Phước Sang, hãng Thiên Ngân, hãng Việt Phim….

Diễn viên tác nghiệp chính tại đâu? 

Điều đó phụ thuộc phần lớn vào nội dung kịch bản cũng như sự lựa chọn của đạo diễn và nhà sản xuất. Đó có thể là:

  • Phim trường

Phim trường (hay còn gọi là studio) là trường quay, nơi dùng để xây tạo bối cảnh giả cho bộ phim. Phim trường là không gian rộng lớn hội đủ các yếu tố chuyên dụng cho điện ảnh.

Trên thế giới có rất nhiều những phim trường rộng lớn. Ở đó, những nhà sản xuất phim có thể sử dụng nhiều kỹ xảo cũng như kỹ thuật quay hiện đại nhất: dùng đường ray, cần trục để di chuyển máy quay.

 

Tại Việt Nam, hiện đã có một số phim trường, một số khác đang được xây dựng. Có thể chia trường quay ra hai loại: Trường quay nội dùng để quay nội cảnh và trường quay ngoại: dùng để quay ngoại cảnh.

Điện ảnh sơ khai gần với sân khấu nên các nhà làm phim thường chỉ quay nội cảnh, sử dụng trường quay nội. Ngày nay, cùng với kỹ thuật tối tân, không gian phim được mở rộng một cách đáng kể. Các trường quay ngoại được sử dụng nhiều hơn.

  • Hiện trường

Bạn sẽ làm việc ở hiện trường để có những cảnh quay ngoại lấy bối cảnh thực. Hiện trường có thể ở nông thôn hay thành thị, ở vùng núi hay vùng biển, trong nước hay nước ngoài…

  • Xưởng phim

Xưởng phim là nơi xử lý hậu kỳ của phim từ các khâu âm thanh, kỹ xảo hình ảnh v,v… Có hai cách để khớp hình ảnh với âm thanh: thu âm trực tiếp hoặc lồng tiếng. Bạn sẽ làm việc ở xưởng phim nếu bạn là diễn viên lồng tiếng hay bạn tự lồng tiếng cho vai diễn của mình.

Học nghề ở đâu

Có rất nhiều cách thức và địa chỉ để bạn lựa chọn nếu muốn theo học ngành này. Việc bạn được lựa chọn để vào vai hay không phụ thuộc vào quá trình casting của đạo diễn. Có nhiều đạo diễn muốn lựa chọn những diễn viên chưa qua đào tạo hay chưa từng đóng phim. Có những đạo diễn lại đánh giá cao tính chuyên nghiệp của những diễn viên được đào tạo qua trường lớp. Điều này nói rằng, bạn có rất nhiều con đường để trở thành diễn viên điện ảnh. Thực tế cho thấy, nhiều ngôi sao màn bạc đã bước sang từ sân khấu ca nhạc hay sàn catwalk và họ rất thành công. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, quá trình học hỏi để trở thành một diễn viên chuyên nghiệp diễn ra lâu dài, thậm chí suốt cuộc đời.

Hiện nay, bạn có thể thi vào ngành đào tạo diễn viên sân khấu – điện ảnh khoa Sân khấu Trường Sân khấu Điện ảnh

Bạn cũng có thể tìm kiếm cơ hội từ các cuộc thi như Triển vọng điện ảnh do Hội Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh tổ chức.

Một con đường khác để trở thành diễn viên điện ảnh chính là từ người mẫu, ca sỹ. Từ kinh nghiệm được tích lũy trong nghề người mẫu hay ca sỹ, bạn cũng có thể bước sang lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy.

Nếu bạn muốn tìm hiểu thông tin về điện ảnh và nghề diễn viên điện ảnh, bạn có thể tham gia các buổi giao lưu trực tuyến với những nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam hoặc thế giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và các website.

Nếu có điều kiện đi du học, bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Hầu như ở nước nào cũng có những trường đại học hay các trung tâm đào tạo diễn viên và rất nhiều cuộc tuyển lựa diễn viên cho các vai diễn. Các nước có nền điện ảnh lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc… sẽ giúp bạn tiếp cận nhanh nhất những gì đang diễn ra trong thế giới sôi động của điện ảnh. Bạn cũng có thể du học tại Ấn Độ (Bollywood) hay Nhật Bản – những nơi luôn có sự đầu tư cho việc phát triển nền điện ảnh.

Hãy tự học cách trở thành diễn viên điện ảnh từ hôm nay

Với gần một thế kỷ tồn tại, ngành điện ảnh thế giới đã tạo dựng một khối lượng phim khồng lồ. Đó chính là kho tàng vô tận cho bạn tham khảo để biết những người diễn viên đã làm gì. Nếu bạn muốn trở thành diễn viên điện ảnh, hãy tìm đọc kịch bản của các bộ phim nổi tiếng. Sau đó, xem phim và so sánh giữa những gì trong kịch bản với những gì bạn tưởng tượng và những gì diễn viên thể hiện trong phim. Bạn có thể thấy cách diễn xuất và xử lý vai diễn của họ.

Một cách rất gần với bạn, hãy tham gia diễn các vở kịch trên lớp, ở địa phương, hãy tham gia các cuộc thảo luận, các cuộc thi hùng biện… Tất cả nhằm giúp bạn có thể nói trước đám đông và chuẩn bị những bước đầu tiên cho khả năng diễn xuất.

Nếu bạn có khả năng đọc tiếng Anh/ Pháp, bạn có thể tìm trên mạng Internet nguồn tài liệu phong phú nói về những câu chuyện xung quanh một bộ phim. Sự chia sẻ kinh nghiệm của các diễn viên bậc thầy sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề diễn viên điện ảnh.