www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Ngành Thiết kế đồ họa học gì? làm gì?

Ngành Thiết kế đồ họa là gì?

– Ngành Thiết kế đồ họa (TKĐH) là một ngành nghệ thuật giao tiếp bằng hình ảnh mang tính ứng dụng. TKĐH là sự kết hợp giữa ý tưởng, sự sáng tạo, khả năng thẩm mỹ và sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra một thông điệp bằng hình ảnh, một tác phẩm nào đó mang ý nghĩa nghệ thuật nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh, thương mại, công nghiệp và những mục đích khác của con người. Các sản phẩm của ngành TKĐH phục vụ cho rất nhiều mục đích như: truyền thông, quảng cáo, thương mại, giáo dục, giải trí… ví dụ như: bộ sản phẩm nhận diện thương hiệu, logo, poster quảng cáo; bao bì sản phẩm…; bìa sách, tạp chí; giao diện website, hình ảnh truyền hình; nhân vật truyện tranh và phim hoạt hình…

 

Ngành Thiết kế đồ họa học những gì?

 

Đây là ngành học sáng tạo, hấp dẫn, lôi cuốn và đang phát triển bùng nổ ở Việt Nam, mở ra một cơ hội nghề nghiệp rất lớn cho người học sau khi ra trường. Sinh viên được tiếp thu tư duy thiết kế, sáng tạo đồ họa tĩnh cũng như động trong không gian hai chiều (2D) lẫn không gian ba chiều (3D). Hệ thống đồ án chuyên ngành đa dạng, được thực hiện như là dự án thiết kế đồ họa trong thực tế giúp nâng cao khả năng linh hoạt trong công việc và cơ hội nghề nghiệp sau này.

Chương trình bao gồm hệ thống các học phần (môn học) đại cương, cơ sở ngành và hệ thống đồ án chuyên ngành. Các môn học cơ sở ngành như: nguyên lý thị giác, nguyên lý thiết kế, cơ sở thiết kế, …; và Đồ án chuyên ngành như: thiết kế thương hiệu, Poster quảng cáo, quảng cáo truyền hình (TVC), thiết kế website, thiết kế sự kiện, thiết kế đồ họa động (motion graphic), …

 

Ngành Thiết kế đồ họa ra trường làm gì?

Cùng  với sự bùng nổ của ngành công nghiệp quảng cáo, công nghiệp phim ảnh, đài truyền hình, cộng với sự xuất hiện ồ ạt của các thiết bị di động thông minh, cơn bão săn đầu người trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, tích hợp lên thiết bị truyền thông càn quét khắp nơi, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội. Theo thống kê của trung tâm dự báo Nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong năm 2015, nước ta cần 1.000.000 nhân lực cho ngành học thiết kế đồ họa.

Với mức lương dành cho nhà thiết kế đồ họa mới ra trường từ 5-7 triệu/tháng hoặc đối với người có kinh nghiệm từ một đến hai năm là 10-15 triệu/tháng, ngành thiết kế đồ họa mang lại thu nhập khá cao so với các ngành nghề khác. Theo chia sẻ của một graphic designer có 3 năm kinh nghiệm tại một công ty tầm trung, thu nhập hàng tháng của anh trên dưới 25 triệu đồng. Mức thu nhập này gồm lương cứng từ công ty đang làm việc 11 triệu VNĐ, lương đi dạy thêm tại một trung tâm đào tạo thiết kế vào dịp cuối tuần là 5 triệu VNĐ, và thu nhập thêm khi nhận dự án ngoài về làm chừng 10 triệu VNĐ

Khi theo ngành Thiết kế đồ họa, sinh viên có thể theo học một số chuyên ngành như:

  • Thiết kế thương hiệu:

Thương hiệu ( hoặc xây dựng thương hiệu) là một khái niệm nhằm đề cập đến những thông điệp, nhận thức và phản ứng thông qua hình ảnh đại diện cho công ty, sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó cụ thể. Thương hiệu truyền tải tầm nhìn, sứ mệnh, bản sắc và cao hơn là nghĩa vụ của công ty đối với khách hàng. Nó là tập hợp những hi vọng, mong muốn, những câu chuyện để tạo nên những cảm xúc cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ của công ty.

Bộ nhận diện thương hiệu – Brand identity (CIP) vô cùng quan trọng với mỗi doanh nghiệp, không những xác định hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, mà còn mang lại những giá trị gia tăng bền vững về danh tiếng, vị thế với khách hàng. Sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được nhắc nhớ mỗi khi hình ảnh về thương hiệu doanh nghiệp xuất hiện tại một địa điểm nào đó. Bất kỳ công ty nào cũng cần phải có một bộ nhận diện thương hiệu, cũng vì lý do đó, nguồn nhân sự thiết kế đồ họa, thiết kế thương hiệu luôn luôn thiếu hụt trên thị trường lao động hiện nay.

  • Thiết kế Game 3D:

Thiết kế Game 3D (3D Game Design) là công việc thiết kế nhân vật và môi trường, dựng chuyển động, diễn hoạt cho các nhân vật và môi trường game 3D. Ngành học thiết kế đồ họa game 3D được chia làm 2 phân ngành chính là “Thiết kế diễn hoạt 3D cho game” và “Thiết kế dựng hình 3D” cho game.

Với sự nở rộ các của các công ty Game 3D hàng đầu trong và ngoài nước như VTC, VNG, Gameloft, GlassEgg…nhu cầu sản xuất và gia công theo đơn đặt hàng về các sản phẩm 3D ngày càng lớn, và bài toán đáp ứng đủ nhân sự có đủ trình độ đang là bài toán khó khiến không ít các công ty game đau đầu đi tìm lời giải.

  • Thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D:

Thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D, hiểu một cách nôm na, là sử dụng các phần mềm để thiết kế đồ họa 3D, tạo hiệu ứng, kỹ xảo điện ảnh, diễn hoạt, ánh sáng và bố cục trong game.

Ngành này ra đời để đáp ứng sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp giải trí, phim ảnh, quảng cáo đang bùng nổ trong thời đại công nghệ hiện nay. Ngành này được chia ra làm 3 phân ngành chuyên sâu: Thiết kế Dựng hình 3D cho phim, Thiết kế Diễn hoạt 3D cho phim, và Thiết kế Hiệu ứng hình ảnh 3D cho phim.

Ngành Thiết kế đồ họa cần tố chất gì?

Trên thực tế, không có một giới hạn chung nào dành cho một Designer cả, bởi lẽ, bạn sẽ bắt gặp những nhà thiết kế với những cá tính vô cùng khác nhau.

Đó có thể là phong cách của dân văn phòng với quần tây, áo sơ mi; hoặc là một bạn vô cùng sành điệu với mái tóc cực kì phong cách; thậm chí đâu đó bạn tình cờ bắt gặp những designer với gu ăn mặt vô cùng bất thường, thậm chí “lập dị”. Song hầu hết các nhà thiết kế ấy đều có những đặc điểm khá tương đồng:

  • Có gu thẩm mỹ: Thiết kế là truyền thông qua thị giác. Sản phẩm của bạn phải có tính thẩm mỹ cao để kích thích thị giác của người xem và truyền tải đầy đủ thông điệp mà khách hàng yêu cầu. Tố chất này được coi là một thứ “tài năng nghệ thuật bẩm sinh” mà một người cần có nếu muốn trở thành nhà thiết kế.
  • Kỹ năng nắm bắt và truyền tải ý tưởng: Một nhà thiết kế tài năng là người có khả năng lắng nghe nắm bắt toàn bộ yêu cầu của khách hàng, từ đó mới có thể tạo sản phẩm phù hợp, truyền tải những thông điệp rõ ràng đến với người tiêu dùng.
  • Sáng tạo: Luôn sáng tạo, đổi mới, và có khả năng phát triển những ý tưởng đột phá trong những sản phẩm, dự án phía trước là tố chất vô cùng cần thiết của một nhà thiết kế 3D.
  • Kiên nhẫn: Dũng cảm để nhận những lời chỉ trích từ phía khách hàng, bình tĩnh trong mọi tình huống để xử lý những vấn đề phát sinh, sẵn sàng làm việc với cường độ cao dưới sức ép thời gian hạn hẹp, kiên nhẫn để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất là những tố chất tuyệt vời mà một nhà thiết kế cần có.
  • Chuyên nghiệp: Thiết kế là khâu đầu tiên trong cả quá trình tiếp thị và phân phối, vì thế, nếu không ý thức được việc này, nhà Thiết kế có thể làm chậm thời hạn ra sản phẩm. Bên cạnh đó, sự chuyên nghiệp còn biểu hiện trong việc nhà thiết kế luôn tôn trọng sự khác biệt trong suy nghĩ của khác hàng, và sẵn sàng tìm mọi giải pháp để giải quyết vấn đề khúc mắc.