Tìm hiểu về nghề thẩm phán
Trong điện ảnh, Bao Thanh Thiên là một hình tượng quan xử án vô cùng nổi tiếng. Những người phân xử như vị quan họ Bao phải vừa có uy tín, có trí tuệ cũng như khả năng lập luận sắc bén. Trong xã hội ngày nay, những người như vậy được gọi là thẩm phán.
Thẩm phán là ai ?
Thẩm phán cũng còn gọi là quan tòa hay chánh án là người thực hiện quyền xét xử chính tại một phiên tòa, có thể là chủ tọa một mình hoặc là một thành phần trong hội đồng xét xử gồm nhiều thẩm phán.
Thẩm phán làm việc tại tòa án, được quyền nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án, quyết định những hình thức xử lý thích hợp với các hành vi vi phạm pháp luật. Khi thẩm phán đã ra phán quyết, những người có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ có cơ quan nhà nước cưỡng chế thi hành.
Tại Việt Nam, thẩm phán của toà án quân sự mặc lễ phục quân đội; thẩm phán của toà án nhân dân mặc trang phục công sở, gồm quần âu, áo vest màu đen, áo sơ mi màu trắng.
Thẩm phán cùng với các hội thẩm nhân dân được xưng hô chung là “Quý Toà”, (ví dụ: khi thẩm phán hỏi một đương sự trong vụ án thì đương sự đó có thể trả lời bằng mở đầu câu là: Thưa Quý Toà). Khi được nhắc đến với tư cách là ngôi thứ ba trong câu nói thì thẩm phán được gọi đơn giản là “(Ông/Bà) Thẩm phán”
Nghề thẩm phán làm gì?
Các quốc gia khác nhau thì cũng có các quy định khác nhau về quyền hạn, chức năng, cách thức bổ nhiệm, kỷ luật, và đào tạo thẩm phán. Thẩm phán nghe những người làm chứng và các bên có liên quan trong vụ án trình bày chứng cứ, đánh giá mức độ xác thực của các bên, và sau đó đưa ra phán quyết về vấn đề được trình bày dựa trên việc giải thích pháp luật và đánh giá chủ quan của mình.
Tại một số quốc gia, quyền hạn của thẩm phán được chia sẻ với bồi thẩm đoàn hoặc hội thẩm, trong khi đó một số quốc gia khác lại giảm dần việc chia sẻ quyền hạn này. Trong hệ thống tố tụng hình sự thẩm vấn, thẩm phán đã tham gia vào việc điều tra sẽ không được là thẩm phán xét xử vụ án đó.
Cụ thể, công việc của nghề thẩm phán bao gồm:
– Chủ trì điều trần, lắng nghe và đọc hiểu lý lẽ giữa các bên đối lập: thẩm phán chủ trì buổi xét xử và buổi điều trần liên quan đến hầu hết các khía cạnh của xã hội từ vi phạm giao thông cá nhân đến quyền lợi của các tập đoàn lớn.
– Nghiên cứu vấn đề theo luật pháp.
– Đọc và đánh giá thông tin từ tài liệu, báo cáo.
– Xác định xem thông tin trình bày hỗ trợ sự buộc tội, khiếu nại hoặc tranh chấp: thẩm phám lắng nghe, xem xét các lập luận cũng như xác định các bằng chứng đưa ra đã đủ và xác đáng hay chưa.
– Quyết định quy trình thực hiện theo luật pháp và quy tắc: trong các buổi xét xử hình sự, thẩm phán có quyền quyết định giam giữ người bị tình nghi đến khi xét xử, đồng thời là người phê duyệt lệnh bắt giữ.
– Áp dụng luật hoặc thực hiện luật để đưa ra phán quyết và giải quyết tranh chấp giữa các bên.
– Viết ý kiến, quyết định và hướng dẫn về các trường hợp, khiếu nại và tranh chấp.
Thẩm phán làm việc ở đâu?
Tất cả thẩm phán đều làm việc cho quốc gia, chính quyền địa phương. Nghề thẩm phán làm việc trong văn phòng và tòa án. Công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn vì thẩm phán và cán bộ điều trần phải ngồi tại một vị trí trong tòa án hoặc phòng điều trần và phải chú ý vào toàn bộ quá trình xét xử hoặc điều trần.
Hầu hết thẩm phán làm việc toàn thời gian nhưng thỉnh thoảng họ phải làm việc trong một thời gian dài để chuẩn bị cho buổi điều trần. Một số người làm việc bán thời gian và để thời gian còn lại làm công việc khác. Nghề thẩm phán có thể bị gọi giữa đêm hoặc cả cuối tuần trong các trường hợp khẩn cấp để cấp lệnh khám xét hay lệnh bắt giữ.