Luật kinh tế
Luật kinh tế là gì?
Luật kinh tế là một bộ phận của pháp luật về kinh tế, là hệ thống các quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý kinh tế của nhà nước và trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.
Luật kinh tế ra đời nhằm duy trì và giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại cũng như đảm bảo quy trình hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình trao đổi, giao thương cả trong nước và quốc tế.
Ngành Luật kinh tế học những gì ?
Sinh viên theo ngành Luật kinh tế được cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý, pháp luật trong kinh doanh; khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.Ngoài ra, sinh viên sẽ được theo học một số môn học then chốt trong chương trình đào tạo ngành Luật kinh tế: Luật sở hữu trí tuệ, Pháp luật về doanh nghiệp, Luật thương mại, Luật cạnh tranh, Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Thủ tục đăng ký doanh nghiệp và thủ tục đầu tư, Phá sản và giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, Pháp luật kinh doanh bất động sản, Luật đầu tư, Pháp luật về đầu tư xây dựng…
Bên cạnh chương trình học được cập nhật thường xuyên theo tiêu chuẩn các đại học hàng đầu thế giới, sinh viên ngành Luật kinh tế còn được lĩnh hội đầy đủ khối kiến thức về pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, kỹ năng tranh tụng tại các tòa án, trọng tài thương mại quốc tế, khả năng sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, kỹ năng đàm phán, tư duy logic,… nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình thực hành nghề nghiệp khi ra trường. Song song đó, sinh viên Luật kinh tế nên cố gắng trang bị tốt ngoại ngữ, đặc biệt là sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên về pháp lý để có thể trở thành các luật gia, trọng tài viên, các nhà hòa giải chuyên nghiệp trong môi trường thương mại toàn cầu.
Ngành Luật kinh tế ra trường làm gì ?
Tốt nghiệp ngành Luật kinh tế sinh viên có thể dễ dàng chọn lựa những việc làm với mức lương hấp dẫn và có khả năng thăng tiến cao. Cử nhân Luật kinh tế có thể đảm nhận các vị trí như:
– Chuyên gia tư vấn pháp lý, phân tích, đánh giá, giải quyết các vấn đề phát sinh trong kinh doanh, các hoạt động kinh doanh và đảm bảo các hoạt động của tổ chức đúng chủ trương, chính sách của nhà nước và các công ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực kinh tế;
– Chuyên viên thực hiện các dịch vụ pháp lý của luật sư hoặc người hành nghề luật sư;
– Chuyên viên tư vấn pháp luật, chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp;
– Nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật kinh tế.
Ngành Luật kinh tế cần có những tố chất gì ?
Để thành công với ngành Luật Kinh tế, sinh viên cần có những tố chất sau:
– Luôn cẩn thận, công bằng, khách quan và trung thực: Có thể xem đây là đức tính thiết yếu một người làm nghề luật. Với sứ mệnh thực thi công bằng, bạn phải xác minh cặn kẽ, chính xác sự việc, luôn đề cao, tôn trọng sự thật và không ngần ngại, chùn bước khi đấu tranh cho công lý.
– Có một trí nhớ tốt: Chính là đáp án thứ 2 cho câu hỏi học ngành Luật kinh tế yêu cầu những gì? Nói đến ngành Luật là nói đến hệ thống các điều, các khoản, các chương…quy trình, thủ tục tố tụng. Để làm tốt công việc này đòi hỏi ở bạn một trí nhớ chính xác đến từng chi tiết, hơn nữa khả năng ghi nhớ còn giúp bạn giải quyết nhanh những tình huống, vụ án phải đối mặt.
– Phải năng động, sáng tạo, bản lĩnh vững vàng: Người học ngành Luật kinh tế phải năng động và bản lĩnh. Nói cách khác là phải có “tinh thần thép”, có như vậy, bạn mới trụ vững trước những thách thức, những mặt trái của xã hội, sự phức tạp của đời sống ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại. Bên cạnh đó, sự sáng tạo sẽ giúp bạn tìm ra nhiều phương pháp giải quyết vấn đề ứng với từng vụ việc nảy sinh trong thực tiễn.
– Giỏi ngoại ngữ:
Hiện nay, thị trường Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, công ty, tập đoàn kinh tế nước ngoài đầu tư, hoạt động, do đó việc thành thạo ngoại ngữ là một ưu thế vượt trội giúp bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là những nhiệm vụ có liên quan đến nhân tố nước ngoài trong kinh doanh.