www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nhân viên trắc địa

Mỗi khi thi công một con đường lớn, một tòa nhà lớn, một công trình lớn đều phải có sự có mặt của nhân viên trắc địa. Một chiếc cột bê tông, một bức tường mới xây cần phải có sự tính toán xem có bị sự cố gì không, có đảm bảo đúng quy cách hay không, đã chính xác so với bản vẽ thiết kế hay chưa.

Nhân viên trắc địa là ai?

Trắc địa là ngành học liên quan đến sự đo đạc, biểu diễn, phân tích quy luật và cập nhật các thông tin được thu thập về đặc điểm vật lý của trái đất và môi trường xây dựng. Đó có thể là những thiết bị đặt trên mặt đất, trên tàu thuyền hoặc là các bộ cảm biến đặt trên máy bay hay các vệ tinh chuyển động trên trái đất.

Những thông tin này sẽ được xử lý, phân tích bởi các công nghệ tiên tiến nhất và được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực góp phần phát triển kinh tế xã hội như: quy hoạch thành phố và nông thôn, quản lý đô thị, tài nguyên thiên nhiên và môi trường, quản lý đất đai và quy hoạch sử dụng đất, thi công.

Nhân viên trắc địa làm gì?

Các nhân viên trắc địa đo đạc chính xác để quyết định giới hạn của các công trình. Họ cung cấp thông tin liên quan đến hình dạng và các đường viền phân cách của bề mặt Trái Đất để thực hiện được các dự án công trình, lập bản đồ và xây dựng.

Ví dụ, khi một ngôi nhà hay một trung tâm thương mại được bán hay được mua, nó cần được khảo sát đo đạc để tránh những tranh chấp liên quan đến ranh giới về sau. Trong quá trình xây dựng, các nhân viên trắc địa xác định vị trí chính xác của các tòa nhà, con đường, độ sâu nền móng của các tòa nhà và chỉ ra ranh giới tiềm năng sẽ thay đổi đối với từng loại công trình.

Trong công việc, các nhân viên trắc địa sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để phục vụ cho việc thu thập số liệu toạ độ chính xác (X, Y, Z) của một số điểm mà từ đó công tác đo vẽ hiện trạng mặt đất sẽ được tiến hành.

Các nhân viên trắc địa cũng sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS)- một công nghệ cho phép các nhân viên trắc địa trình bày dữ liệu thu thập được một cách trực quan bằng hình ảnh thông qua bản đồ, báo cáo, biểu đồ…·

Các công việc cụ thể của nhân viên trắc địa thông thường gồm có:

Lấy dữ liệu

  • Đi thực tế khảo sát địa hình, tiến hành đo đạc trắc địa, sử dụng các máy trắc đạc, xử lý số liệu thu được; hoặc lập bản đồ địa hình qua các thông tin thu được từ ảnh, vệ tinh, phục vụ cho công tác địa chính hoặc mục đích quân sự.

Giám sát công trình

  • Giám sát công trình, đánh dấu và kiểm tra mốc trong suốt quá trình thi công, đảm bảo thực hiện đúng với bản vẽ.
  • Quan trắc chuyển dịch và biến đổi của công trình.

Hỗ trợ trong quy hoạch

  • Nghiên cứu các thông tin về đất đai, các số liệu đã đo đạc
  • Vạch ra các vùng nguy hiểm và các ranh giới chính thức của đất đai, vùng nước.
  • Ghi lại kết quả của việc đo đạc và chứng minh tính xác thực của các dữ liệu đó.
  • Chuẩn bị các kế hoạch khảo sát, lập bản đồ, các bản báo cáo.
  • Trình bày kết quả đo đạc và nghiên cứu đến khách hàng, chính phủ, đối tác, kĩ sư xây dựng, nhà quy hoạch và các bên liên quan khác.
  • Tư vấn cho các công ty xây dựng và các bộ ngành trong chính phủ về việc xây dựng cầu cống, đường xá, thiết kế móng, sử dụng đất và quản lí tài nguyên.

Hỗ trợ trong luật

  • Cung cấp các xác minh chuyên gia trong các vụ án pháp luật liên quan đến đo đạc phân chia đất đai.

Xác định và nghiên cứu về tài nguyên đất

  • Điều tra thành phần, kết cấu, lịch sử của các lớp đất qua thu thập, khám xét, đo đạc, phân loại đất, chất khoáng, đá và các mảnh hóa thạch.
  • Dựa trên kết quả từ công trường hay nghiên cứu từ phòng thí nghiệm, lập các bản đồ địa chất, các biểu đồ liên vùng liên quan đến khai thác khoáng sản, sử dụng đất, quản lí tài nguyên.
  • Xác định và ước tính các mỏ khoáng sản, mỏ dầu, các nguồn nước ngầm, sử dụng các bức ảnh chụp từ trên không và các kết quả nghiên cứu, khảo sát.

Quản lý dữ liệu

  • Lưu trữ, quản lý các dữ liệu trắc địa

Nhân viên trắc địa làm việc ở đâu?

Là một nhân viên trắc địa, bạn có thể làm việc tại  các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực trắc địa bản đồ hoặc liên quan tới trắc địa bản đồ như Cục Viễn thám quốc gia, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện,… hoặc làm việc trực tiếp với các công ty tư nhân về lĩnh vực Xây dựng, các công ty kỹ thuật khai thác mỏ,…

Ngoài thời gian trong phòng làm việc nghiên cứu, tổng hợp, phân tích số liệu thu thập được, lập bản đồ, bản vẽ, lập kế hoạch, báo cáo, các nhân viên trắc địa dành phần lớn thời gian ở ngoài công trường. Họ thường xuyên phải đi lại thường xuyên để tiến hành khảo sát, đo đạc, thậm chí nhiều khi phải đi xa đến các tỉnh khác, làm việc tại những nơi có địa hình khó khăn, gồ ghề hoặc làm việc trên độ cao để thu được con số chính xác. Công việc chính của họ là hàng ngày kiểm tra theo dõi những biến chuyển trong thi công công trình. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp họ trên đường với những dụng cụ như chiếc compa đại, ngắm nghía, để có thể đặt chính xác đến từng milimet tòa nhà hay những con đường theo quy hoạch.

Mỗi khi thi công một con đường lớn, một tòa nhà lớn, một công trình lớn đều phải có sự có mặt của nhân viên trắc địa.Một chiếc cột bê tông, một bức tường mới xây cần phải có sự tính toán xem có bị sự cố gì không, có đảm bảo đúng quy cách hay không, đã chính xác so với bản vẽ thiết kế hay chưa.

Bên cạnh những công trình lớn thì các mỏ than cũng rất cần sự có mặt của nhân viên trắc địa bởi hầm mỏ luôn có những biến động khôn lường vì sự chuyển rời, biến thiên của lòng đất, đòi hỏi sự tìm hiểu phân tích để sự an toàn lúc nào cũng được đặt lên cao nhất.

Làm thế nào để trở thành nhân viên trắc địa?

Hiện nay ở Việt Nam có các trường đại học đào tạo nhân viên trắc địa như:

  • Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
  • Đại học Mỏ địa chất Hà Nội
  • Đại học Giao thông vận tải Hà Nội
  • Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh
  • Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (chuyên ngành bản đồ viễn thám & GIS tại khoa Địa lý)
  • Học viện Kỹ thuật Quân sự
  • Đại học Xây dựng (chuyên ngành Kĩ thuật Trắc địa).

Ngành Trắc địa bao gồm các chuyên ngành như Đo ảnh – Viễn thám, Trắc địa công trình, Trắc địa phổ thông và sai số, Trắc địa cao cấp… Các chuyên ngành này sẽ đào tạo các kĩ năng, kiến thức cần thiết đối với một nhân viên trắc địa như kĩ năng đo đạc, tính toán, thiết kế lưới trắc địa, kĩ năng xử lí ảnh hàng không và ảnh vệ tinh, kĩ năng ứng dụng các phần mềm xử lí số liệu trong trắc địa, kĩ năng lập trình các bài toán trong trắc địa…

Các Trường Đại học, Học viên đào tạo ngành trắc địa sẽ cung cấp những kiến thức và kĩ thuật nền tảng và cần thiết nhất để các sinh viên có đủ năng lực, kĩ năng hành nghề nhân viên trắc địa. Tuy nhiên, muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này, khả năng tự học, tự rút kinh nghiệm từ thực nghiệm và cập nhật, tìm tòi các công nghệ trắc địa mới là rất cần thiết.