Tìm hiểu về nghề kỹ sư hóa học
Ngành kỹ sư hóa học được dự đoán sẽ tăng trưởng cùng một mức độ với các ngành khác. Trong thế giới mà công nghệ sinh học hóa học đang phát triển hiện nay, ngành kỹ sư hóa học chắc chắn sẽ nhận được nhiều ưu ái.
1. Giới thiệu tổng quan
Hóa học là ngành đã có từ lâu đời và trở thành nền tảng khoa học áp dụng cho mọi mặt đời sống và ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp hiện đại.
Công nghệ hóa học là một quá trình nghiên cứu mà điểm khởi nguồn là cái đầu không yên lặng của nhà hóa học đến bàn tay, khối óc của các kỹ sư, công nhân chuyên nghiệp và điểm cuối cùng là người tiêu dùng. Như vậy, kỹ sư hóa học phải ứng dụng được các công nghệ hóa học hiện đại. Ngành kỹ sư hóa học được dự đoán sẽ tăng trưởng cùng một mức độ với các ngành khác. Tuy nhiên, cạnh tranh trong công việc cũng khá gay gắt. Ngành công nghệ sinh học cũng cần đến các kỹ sư hóa học, điều này làm tăng cơ hội việc làm cho các kỹ sư hóa học.
2. Kỹ sư hóa học làm gì?
Kỹ sư hóa học là người áp dụng những nguyên tắc hóa học, sinh học, vật lý, toán học vào các thiết kế và vận hành hệ thống, quy trình hóa học như lò phản ứng hóa học, hệ thống động lực… và việc sản xuất, sử dụng các nhiên liệu, hóa chất… Họ thiết kế quá trình và và thiết bị sử dụng trong quy mô lớn, phác thảo kế hoạch, kiểm nghiệm những phương pháp sản xuất thành phẩm cũng như xử lý sản phẩm phụ, và cuối cùng là giám sát sản xuất.
Kỹ sư hóa học có vai trò như cầu nối: biến các nghiên cứu công nghệ trong phòng thí nghiệm trở thành những dây chuyền sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp, tạo ra những vật phẩm quen thuộc hàng ngày. Kỹ sư sẽ làm quen với các bản vẽ, các phản ứng, tính toán từ những khối thiết bị cồng kềnh đến những thiết bị tinh vi chỉ nhỏ bằng cái quản bút. Tất cả phải được sắp xếp chính xác, hợp lý và an toàn, đảm bảo cả dây chuyền được vận hành hoàn hảo khi được kích hoạt: đầu này là những cây mía từ đồng ruộng, đầu kia là những gói đường trắng tinh, ngọt lịm.
Kỹ sư hóa học phải ứng dụng được các nguyên tắc phân tích vào việc giải quyết các vấn đề liên quan tới hóa học như ăn mòn, cơ học phân tử, ô nhiễm hay mài mòn hạt phân tử. Họ dành nhiều thời gian để xác định tính chất hóa học, vật lý của chất liệu, nghiên cứu sản phẩm mới và chuẩn bị các báo cáo kỹ thuật.
Một số kỹ sư hóa chuyên về một quá trình cụ thể, chẳng hạn như quá trình oxy hóa (đốt hóa chất để tạo ra các chất khác) hoặc quá trình polyme hóa (tạo ra nhựa) hay việc tạo ra năng lượng điện. Cũng có những kỹ sư hóa lại chuyên về một lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như vật liệu nano (chất vô cùng nhỏ), hoặc trong việc phát triển những sản phẩm mới, có nhu cầu cao trong xã hội.
Kỹ sư hóa học cũng làm việc trong những ngành khác ngoài sản xuất hóa chất. Họ làm việc trong những ngành sản xuất năng lượng , điện tử, thực phẩm, quần áo và giấy. Họ làm việc trong ngành chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học và các dịch vụ kinh doanh.
Khi mới vào nghề, kỹ sư hóa học có thể làm việc dưới sự hướng dẫn và giám sát của các kỹ sư lành nghề, có chuyên môn lâu đời, trau dồi thêm kiến thức thông qua quá trình làm việc, các khóa đào tạo kỹ năng, hội nghị, hội thảo, lớp học chuyên môn… Sau đó, các kỹ sư này có thể làm việc độc lập với các dự án khó khăn hơn, tự mình giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định.
Cuối cùng, kỹ sư hóa học có khả năng tiến tới giám sát một đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên. Một số có thể trở thành nhà quản lý kỹ thuật. Tuy nhiên, đối với các vị trí quản lý, cần đến các kỹ sư có nhiều kinh nghiệm, có khả năng xử lý vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đối với công việc bán hàng, nền tảng kỹ thuật cho phép các kỹ sư thảo luận về các khía cạnh kỹ thuật của sản phẩm và hỗ trợ trong việc lập kế hoạch, sử dụng sản phẩm.
Kỹ sư hóa học phải nhận thức được tất cả các khía cạnh trong quá trình sản xuất. Họ cũng phải hiểu quá trình sản xuất đó ảnh hưởng tới môi trường sống của con người như thế nào, cũng như sự an toàn của người lao động và người tiêu dùng.
Vậy, kỹ sư hóa học cần làm những công việc gì?
- Nghiên cứu, phát triển:
Ở bước này, kỹ sư phải nghiên cứu, phát triển được các quy trình, máy móc nhằm phục vụ cho việc phát triển sản phẩm liên quan tới hóa học đảm bảo chất lượng, năng suất và công nghệ tiên tiến. Người kỹ sư cần đi sâu vào thực tế, nghiên cứu các công trình của người đi trước, phân tích thấu đáo chất liệu, vật liệu, tạo nền tảng cho sự phát triển tiên tiến, hợp lý và hữu ích.
- Thiết kế những quy trình, thủ tục an toàn cho công việc liên quan tới hóa chất nguy hiểm:
Trước hết, người kỹ sư phải đánh giá được hóa chất mình sẽ sử dụng: tiến hành thu thập thông tin, cách sử dụng hóa chất dự định, các hiểm họa có thể xảy ra và phương thức phòng ngừa. Họ cũng cần xác định đến các giải pháp thay thế nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Sau đó, kỹ sư cần xác định các rủi ro mới xuất hiện khi sử dụng những phương án mới này.
Kế tiếp là bước cân nhắc: dùng lựa chọn nào sẽ an toàn hơn, thiết kế một quy trình phù hợp để hạn chế tối đa nguy hiểm trong quá trình sử dụng. Nguyên tắc nằm lòng của các kỹ sư hóa học là: cố gắng thay thế các chất hóa học nguy hiểm bởi các chất khác ít nguy hiểm hơn. An toàn của người trực tiếp vận hành và sử dụng phải được đặt lên hàng đầu!
- Lên kế hoạch bố trí, lắp đặt, hướng dẫn vận hành thiết bị và quy trình:
Đây là bước tiến tới quá trình ứng dụng thực tiễn của kỹ sư hóa học. Họ phải nghiên cứu kỹ các dây chuyền sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp để đảm bảo sản phẩm được ra đời một cách hoàn hảo, giống như trong kế hoạch đã đề ra từ trước. Từng khâu trong dây chuyền phải được đảm bảo ăn khớp với nhau và đúng như dự định.
- Giám sát, kiểm tra:
Người kỹ sư cần giám sát và kiểm tra quy trình vận hành máy móc, thiết bị có liên quan nhằm đảm bảo hiệu suất làm việc và kịp thời phát hiện, khắc phục các vấn đề phát sinh. Họ phải lường trước và có phương án dự phòng đối với những sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình sản xuất sản phẩm.
- Đánh giá:
Trong bước cuối cùng này, kỹ sư hóa học phải đánh giá máy móc, thiết bị, quy trình về các mặt chi phí, hiệu suất cũng như tác động tới môi trường cũng như an toàn lao động, an toàn tiêu dùng. Họ cần đúc kết lại xem phương án mình lựa chọn đã là phù hợp chưa, còn gì thiếu sót, cần sửa chữa, bổ sung trong những lần tới. Nếu gây hậu quả thì chi phí bỏ ra cần khắc phục là bao nhiêu. Nếu sản phẩm đã đáp ứng được, đúng như trong kế hoạch thì liệu có phương án nào còn tốt hơn để áp dụng không.
3. Kỹ sư hóa học làm việc ở đâu?
- Văn phòng hay phòng thí nghiệm
Hầu hết các kỹ sư hóa học dành thời gian làm việc ở trong văn phòng hay phòng thí nghiệm. Tại đây, họ là những người nghiên cứu hóa học, liên tục phải tìm tòi, tạo ra những sản phẩm hóa học mới với các tính năng mới, hợp chất vô cơ hay hữu cơ mới…
- Nhà máy
Đây là nơi các kỹ sư hóa học có thể đánh giá được trực quan và hiệu quả nhất công việc nghiên cứu của họ. Không thể tách rời quá trình làm việc tại nhà máy của một kỹ sư hóa học vì như thế là thiếu thực tế và không có ích trong việc phát triển năng lực bản thân. Nếu chỉ bó hẹp mình trong phòng thí nghiệm, những kỹ sư hóa học sẽ chỉ là những người nghiên cứu hóa học, phân tích mọi thứ dựa trên giấy tờ. Họ cần phải xuống nhà máy, xí nghiệp để giám sát, chỉ đạo, kịp thời khắc phục những hậu quả phát sinh.