www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề kỹ sư hàng không vũ trụ

Kỹ sư hàng không vũ trụ là một ngành tuy đang tiến xa ở nước ngoài nhưng vẫn còn lạ lẫm ở Việt Nam. Nhưng điều đó càng chứng tỏ bạn có vô vàn tiềm năng để phát triển trong tương lai đúng không nào?

 

1. Tổng quan kỹ sư hàng không vũ trụ

 

Kỹ sư hàng không vũ trụ có thể được hiểu là một kỹ sư trên các lĩnh vực như kỹ sư máy bay, kỹ sư tên lửa hay kỹ sư nghiên cứu về các thiết bị vũ trụ như vệ tinh hay tàu vũ trụ. Họ có thể chuyên về một lĩnh vực cụ thể như động cơ đẩy, hệ thống điện tử hay khí động học, vật liệu và cấu trúc… Họ là người áp dụng những nguyên tắc, quy luật khoa học và công nghệ để nghiên cứu, thiết kế và phát triển cũng như duy trì và kiểm tra các thiết bị vũ trụ như vệ tinh, tên lửa, tàu bay dân dụng và quân sự, phương tiện trong không gian. Họ cũng làm việc với các thành phần tạo nên các máy bay hay hệ thống kể trên.

 

Kỹ sư hàng không vũ trụ là người đóng vai trò nâng cao sự an toàn, tiết kiệm nhiên liệu, tốc độ, trọng lượng cũng như quản lý chi phí bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vai trò của họ cũng bao gồm việc giải quyết các tác động đối với môi trường của ngành Hàng không. Tóm lại, một cách ngắn gọn, kỹ sư hàng không vũ trụ giải quyết các vấn đề về thiết kế và chế tạo các phương tiện mà có thể bay. Khi công nghệ phát triển, sự chuyên môn hóa rõ rệt hơn, hai chuyên ngành xuất hiện: ngành Kỹ sư hàng không liên quan đến việc thiết kế máy bay, phản lực, máy bay trực thăng – những phương tiện bay trong không gian Trái Đất và ngành Kỹ sư vũ trụ tập trung vào việc thiết kế và phát triển tàu vũ trụ – các phương tiện bay ngoài không gian Trái Đất.

Mỗi loại sản phẩm hàng không vũ trụ có những yêu cầu rất khác nhau, vì vậy các kỹ sư thường tập trung chế tạo một loại sản phẩm. Ví dụ, một vài kỹ sư chuyên về thiết kế máy bay quân sự trong khi có một số người lại chuyên chế tạo tên lửa. Mỗi bộ phận và hệ thống trong một chiếc máy bay cũng rất khác nhau và đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên sâu riêng biệt để thiết kế hiệu quả. Vì vậy, hầu hết các kỹ sư vũ trụ chọn chuyên môn là thiết kế một bộ phận hay một hệ thống nhất định.

2. Kỹ sư hàng không vũ trụ làm gì?

Là một kỹ sư hàng không vũ trụ, bạn phải nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo, thử nghiệm và điều chỉnh, bảo dưỡng các loại máy bay, tàu vũ trụ, các bộ phận, hệ thống và công nghệ liên quan. Công việc cụ thể gồm có:

  • Đánh giá các yêu cầu thiết kế, nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật thiết kế, thực hiện các thiết kế và quy trình kiểm tra.
  • Thỏa thuận ngân sách, thời gian biểu và thông số kỹ thuật với khách hàng.
  • Tiến hành các nghiên cứu lý thuyết và thực tế.
  • Đo lường, cải thiện hiệu suất hoạt động của máy bay, các bộ phận hợp thành và hệ thống.
  • Tham gia vào các chuyến bay thử nghiệm, kiểm tra, đánh giá, sửa đổi các sản phẩm thử nghiệm khi có vấn đề phát sinh.
  • Viết báo cáo và các tài liệu hướng dẫn.
  • Tư vấn kỹ thuật, pháp lý cho khách hàng, nhà cung hay các chuyên gia khác.
  • Phân tích các dữ liệu, áp dụng các quy tắc khoa học và công nghệ để chế tạo máy bay, các bộ phận hợp thành và thiết bị hỗ trợ. Giám sát việc lắp ráp, lắp đặt.
  • Quản lý dự án, phân chia nguồn lực, lập kế hoạch và quản lý chi phí.
 

3. Nghề kỹ sư hàng không vũ trụ làm việc ở đâu?

Kỹ sư hàng không vũ trụ làm việc trong các ngành công nghiệp cần tới người thiết kế hoặc chế tạo máy bay, tên lửa hay hệ thống phòng thủ quốc gia. Họ làm việc chủ yếu trong ngành thiết kế, phân tích và sản xuất, các ngành công nghiệp thực hiện việc nghiên cứu và phát triển hay các cơ quan chính phủ.

Nước ta có một số cơ sở chính về việc nghiên cứu và đào tạo kỹ thuật hàng không vũ trụ như Viện công nghệ vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam, Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam (bao gồm Viện Kỹ thuật Quân sự Phòng không – Không quân/Bộ Quốc phòng Việt Nam, Viện Công nghệ Vũ trụ/Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Hàng không/ Vietnam Airlines, Khoa Hàng không Vũ trụ /Học viện Kỹ thuật Quân sự, Khoa Kỹ thuật Hàng không/Học viện Phòng không – Không quân, Bộ môn Hàng không và Vũ trụ /Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bộ môn Hàng không /Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Công nghệ Tân Đức, Công ty Kiểm tra Không phá huỷ Dầu khí VNNDT/ Tập đoàn dầu khí VN, Công ty Giải pháp và Công Nghệ ANZ solution, Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC), Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Công nghệ Vật liệu Composite Sao.

Các kỹ sư hàng không vũ trụ dành hầu hết thời gian làm việc trong môi trường văn phòng. Phần lớn công việc của họ là sử dụng các phần mềm máy tính nâng cao để thiết kế các bộ phạn và các hệ thống trong máy bay và làm các mô hình thử nghiệm xem chúng sẽ hoạt động như thế nào trong môi trường thực tế.

Ngoài làm việc tại các văn phòng, các kỹ sư hàng không vũ trụ tham dự các hội thảo có liên quan tới ngành hoặc tại phòng thí nghiệm hàng không. Họ cũng có thể tham dự các hội thảo, cuộc họp tại địa phương hoặc quốc tế nếu có hợp tác cùng các đối tác hay tập đoàn quốc tế do việc phát triển công nghệ và sản phẩm mới đòi hỏi phải làm việc nhiều với đối tác nước ngoài.

Hầu hết các kỹ sư hàng không vũ trụ làm việc toàn thời gian, tuy nhiên, đây là công việc luôn bị thúc giục bởi deadline, và thông thường phải làm thêm ngoài giờ khi deadline đến gần. Các kỹ sư phụ trách các dự án và giám sát các nhân viên khác thường phải làm việc chăm chỉ kín lịch để đảm bảo tiến độ công việc theo đúng kế hoạch.

4. Học nghề kỹ sư hàng không vũ trụ ở đâu?

Ngành hàng không vũ trụ còn khá mới đối với nước ta, nhưng cũng đã có một số cơ sở đào tạo ngành này như Học viện Kỹ thuật quân sự hay còn gọi là Đại học Kĩ thuật Lê Quý Đôn, Đại học Khoa học Công nghệ Hà NộiĐại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội … Khi học ngành Kỹ thuật hàng không vũ trụ, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học và công nghệ cơ bản sử dụng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ, kết hợp với các bài tập thực hành trong phòng thí nghiệm.

Chương trình đào tạo cung cấp cho sinh viên những kiến thức đa ngành về khoa học và công nghệ bao gồm (quang học, nhiệt động học, cơ khí, cơ điện tử, điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin ứng dụng và phương pháp số). Từ đó, trong năm thứ 2 và thứ 3 bao gồm các môn học chuyên ngành được định hướng rõ ràng tới khoa học cơ bản và ứng dụng công nghệ như là: các sản phẩm và các dịch vụ trong lĩnh vực Vũ trụ và ứng dụng (công nghệ vệ tinh, viễn thám, thiết kế hệ thống trong không gian, thiết bị trong không gian, thiết kế và kiểm tra vòng đời sản phẩm, cảm biến vệ tinh, vật lý học thiên thể và các thiết bị…).

Để giảm sức ép thiếu nhân lực, trong những năm gần đây, nhà nước ta đã cử nhiều sinh viên ra nước ngoài đào tạo chuyên ngành hàng không và Ucraina là một trong số những địa chỉ đáng tin cậy. Bởi lẽ, Ucraina không chỉ được được biết đến bởi xứ xở của lúa mì và những cô gái đẹp nhất châu Âu, mà ở đây còn gắn liền với lịch sử hàng không lâu đời, với những tên tuổi nổi tiếng như Antonov, Zhukovsky  cùng chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới AN-225 (Mriya – “Ước mơ”, theo tiếng Ucraina). Là một trong số ít quốc gia trên thế giới có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Hàng không và vũ trụ.

Hiện nay, trên đất nước Ucraina có hai trường đại học có uy tín về lĩnh vực hàng không và vũ trụ – đó là: Đại học Hàng không Quốc gia Ucraina (NАU) và trường Đại học Hàng không Vũ trụ Quốc gia Kharkov (KHAI). Ngoài ra, tại một số trường kỹ thuật khác cũng có đào tạo chuyên ngành về hàng không, chẳng hạn như ĐH Bách khoa Quốc gia Kiev…