www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề giao dịch viên

 Làm việc tại bộ phận chăm sóc khách hàng, giao dịch viên là người tiếp xúc trực tiếp với khách, có nhiệm vụ trao đổi thông tin, tư vấn về sản phẩm dịch vụ, xử lí các vấn đề liên quan đến sản phẩm dịch vụ của công ty.

Giao dịch viên là ai?

Ngày nay các trung tâm chăm sóc khách hàng đã trở thành một trong những kênh tương tác quan trọng nhất giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các hình thức điện thoại, email, mạng xã hội. Các loại hình dịch vụ chăm sóc khách hàng ở Việt Nam đang ngày càng nở rộ, trong đó vai trò của giao dịch viên ngày càng được tăng cường. Làm việc tại bộ phận chăm sóc khách hàng, giao dịch viên là người tiếp xúc trực tiếp với khách, có nhiệm vụ trao đổi thông tin, tư vấn về sản phẩm dịch vụ, xử lí các vấn đề liên quan đến sản phẩm dịch vụ của công ty.

Giao dịch viên làm gì?

Công việc hàng ngày của một giao dịch viên là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, bao gồm:

  • Tiếp đón, tìm hiểu nhu cầu, giới thiệu, tư vấn và hỗ trợ khách hàng về các sản phẩm/ dịch vụ của công ty;
  • Thực hiện các giao dịch với khách hàng về các sản phẩm/ dịch vụ qua điện thoại, nhận và trả lời email cho khách hàng, trả lời fanpage, đi gặp khách hàng (nếu cần);
  • Thực hiện công tác hạch toán kế toán khi có yêu cầu như: hạch toán chứng từ/ giấy tờ liên quan, cân đối các khoản thu – chi; thực hiện công tác báo cáo như: báo cáo tiền mặt, liệt kê giao dịch;
  • Thu thập, hướng dẫn, giải thích (trong phạm vi được phép) và cập nhật các thông tin từ khách hàng, phản hồi các kiến nghị và đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghiệp vụ, các sản phẩm/dịch vụ của công ty;
  • Thực hiện các công việc/ nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Trưởng phòng.

Giao dịch viên làm việc ở đâu?

Cơ hội làm việc cho những ai muốn trở thành giao dịch viên khá phong phú. Thực tế, hầu như nơi nào có bộ phận chăm sóc khách hàng thì nơi đó đều có giao dịch viên. Các giao dịch viên tương lai có thể làm việc trong:

  • Các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng: Tienphongbank, Techcombank, Vpbank, hoặc Viettel, Mobifone;
  • Các quầy chăm sóc khách hàng của các siêu thị, trung tâm thương mại lớn hay của một công ty kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm gia dụng…

Làm tốt các công việc chuyên môn với vị trí là Giao dịch viên, bạn có thể trở thành Giám đốc Dịch vụ khách hàng, Giám đốc Trung tâm khách hàng Ưu tiên, Chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng.

Môi trường làm việc của một giao dịch viên khá dễ chịu, bạn không phải chịu áp lực quá nhiều từ công việc. Tuy nhiên đôi khi bạn cũng có thể phải đối mặt với những vị khách khó tính hay những trường hợp khiếu nại về sản phẩm. Trong những tình huống như thế, bạn cần biết cách khéo léo xử lý, làm hài lòng cả đôi bên.