Tìm hiểu về ngành thẩm định giá
Từ những đồ
vật nhỏ như bàn ghế, máy tính đến phương tiện như xe máy, xe ô
tô hay máy móc thiết bị, mảnh đất, ngôi nhà cho đến các dây chuyền
công nghệ, bản quyền phần mềm, cả một doanh nghiệp hay tập đoàn đều có
giá. Trong nhiều trường hợp, giá cả rất khó xác định vì tài sản đã
qua sử dụng hoặc giá thị trường nhiều biến động, do đó cần có những người có
chuyên môn, đạo đức để đưa ra mức giá hợp lý nhất cho những mục đích khác nhau.
Nhu cầu này làm nảy sinh ngành Thẩm định giá.
Hãy cùng tìm hiểu về ngành Thẩm định giá, triển vọng ra sao? Cơ
hội việc làm sau tốt nghiệp? Các yêu cầu đối với nhân sự ngành Thẩm định giá?
Ngành Thẩm định giá học những gì và các trường đào tạo nhé!
1.Hiểu như thế nào
về Ngành Thẩm định giá
Theo Điều 4- Luậ`t giá quy định: Thẩm định giá là
việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của
các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường
tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu
chuẩn thẩm định giá.
Ngành thẩm định giá (Valuation hay Appraisement) là một nghệ thuật hay khoa
học về ước tính giá trị cho một mục đích cụ thể của một tài sản cụ thể tại một
thời điểm, có tính đến tất cả những đặc điểm của tài sản, cũng như xem xét tất
cả các yếu tố kinh tế của thị trường. Cụ thể, ngoài việc xem xét những đặc điểm riêng biệt của
từng tài sản (hình dạng của thửa đất, kích thước của ngôi nhà…) còn phải xem
xét các yếu tố rủi ro vô hình (rủi ro gắn với khả năng sinh lời tương lai…) và
những yếu tố luật pháp (quyền sở hữu, giấy phép…) ảnh hưởng đến giá trị tài
sản.
Các trường hợp cần
thực hiện định giá tài sản
- Tài sản được mua bằng toàn bộ hoặc một phần từ nguồn ngân
sách nhà nước; Tài sản của Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn,
bán đấu giá và các hình thức chuyển quyền khác; Tài sản của doanh nghiệp
nhà nước cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể và
các hình thức chuyển đổi khác.
- Tài sản khi mua bán, góp vốn, sáp nhập doanh nghiệp.
- Tài sản phát mại, thanh lí tài sản, bán đấu giá tài
sản...theo yêu cầu của chủ sở hữu hay theo yêu cầu của toà án, bên nhận
cầm cố, thế chấp tài sản.
- Xác định mức độ thiệt hại, bồi thường, thi hành án trong các
vụ án theo quy định của pháp luật.
- Khi tính toán hạn mức tín dụng, định giá để xác định giá trj
tài sản thế chấp, cầm cố.
- Làm căn cứ để đấu giá đất cho các dự án, bồi thường khi giải
phóng đất đai, tài sản trên đất.
Thẩm định giá là một nghề độc lập trong xã hội tương tự như nghề
kế toán, kiểm toán. Thế giới có Ủy ban chuẩn mực thẩm định giá Quốc tế và tại
các nước Đông Nam Á có Hiệp hội thẩm định giá ASEAN. Tại Việt Nam, có Hội thẩm
định giá Việt Nam.
Có hai loại hình dịch vụ
liên quan đến ngành Thẩm định giá
- Dịch vụ thẩm định theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức của
Nhà nước.
- Dịch vụ thẩm định giá của các tổ chức, cá nhân khác có nhu
cầu thẩm định giá.
Chuyên viên thẩm định giá được chia làm 2 cấp: chuyên viên thẩm
định giá và trợ lý chuyên viên thẩm định giá.
2. Triển vọng của ngành
Thẩm định giá
Thẩm định giá góp phần làm minh bạch thị
trường, thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của thị trường. Có thể nói kinh tế thị
trường ngày càng phát triển thì ngành thẩm định giá cũng phát triển theo. Những năm gần
đây, thẩm định giá đã trở thành nhu cầu bức thiết với hành lang pháp lý tương
đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, những lĩnh vực thu hút nhiều nhân
sự, dịch vụ thẩm định giá là lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, mua
bán và sáp nhập doanh nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc. Trong những năm vừa
qua, ngành thẩm định giá đã
có sự tăng trưởng cao, thậm chí có thể xem là “tăng trưởng nóng”. Một số doanh
nghiệp thẩm định giá đã có được thương hiệu, uy tín trên thị trường và có
lượng khách hàng ổn định. Theo Cục Quản lý giá, hiện có 279 doanh nghiệp thẩm định giá đủ
điều kiện hoạt động từ ngày 1/1/2022 và 1.460 thẩm định viên về giá được phép
hành nghề kể từ ngày 1/1/2022.
Tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế, các tài sản cần định giá
ngày càng đa dạng, nhất là các tài sản vô hình như công nghệ, bằng phát minh,
sáng chế, giá trị thương hiệu khá khó khăn trong việc định giá. Đồng thời, các
yếu tố ảnh hưởng đến giá trị tài sản như rủi ro vô hình (rủi ro gắn với khả
năng sinh lời tương lai…) và những yếu tố luật pháp (quyền sở hữu, giấy phép…)
ngày càng phức tạp. Trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao về thẩm định giá vẫn chưa đáp ứng
được yêu cầu thực tế.
3. Cơ hội việc làm
trong ngành Thẩm định giá
Sau khi tốt nghiệp,
sinh viên có thể làm việc tại
Các cơ quan quản lý Nhà nước
- Bộ Tài chính (cục Quản lý giá).
- Bộ Xây dựng (cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản).
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (tổng cục Quản lý đất đai).
- Uỷ ban nhân dân các cấp.
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố (ban Vật giá).
- Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố.
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố (phòng Quản
lý đất, trung tâm Kỹ thuật, quỹ Đất).
Các doanh nghiệp tư nhân
- Các doanh nghiệp Thẩm định giá trong nước.
- Các doanh nghiệp Thẩm định giá nước ngoài đang có mặt tại
Việt Nam.
- Các Ngân hàng (Phòng/Ban định giá tài sản bảo đảm hoặc trung
tâm/công ty định giá chuyên phục vụ cho ngân hàng).
- Doanh nghiệp quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) thuộc các
Ngân hàng.
- Các doanh nghiệp Kiểm toán trong nước (Bộ phận thẩm định giá
doanh nghiệp và tài sản vô hình).
- Các doanh nghiệp Kiểm toán nước ngoài đang có mặt tại Việt
Nam.
- Các doanh nghiệp Bảo hiểm (Bộ phận định giá, bồi thường thiệt
hại).
- Các doanh nghiệp Chứng khoán (Bộ phận đầu tư và định giá tài
sản tài chính).
- Các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
- Quỹ Đầu tư trong và ngoài nước đang có mặt tại Việt Nam.
Các vị trí có thể đảm
nhận
- Chuyên viên thẩm định giá (thẩm định viên, có thẻ thẩm định
viên).
- Trợ lý thẩm định viên.
- Chuyên viên kinh doanh, tư vấn, kiểm soát.
- Cán bộ quản lý.
- Giảng viên, cán bộ nghiên cứu.
Khi mới tốt nghiệp, bạn thường bắt đầu với vị trí Trợ lý chuyên
viên thẩm định giá, sau khi tích luỹ đủ kiến thức, thời gian làm việc (36 tháng
trở lên), bạn có thể tham gia thi để có chứng chỉ (thẻ) thẩm định viên về
giá,
Các công việc thực
hiện
- Tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng, thoả thuận các điều khoản và
lập hợp đồng (bộ phận kinh doanh).
- Trực tiếp thực hiện thẩm định giá các hợp đồng thuộc lĩnh
vực: thẩm định giá bất động sản, động sản, giá trị doanh nghiệp. Lập báo
cáo định giá và đề xuất kết quả định giá.
- Chịu trách nhiệm giám sát về chất lượng của các chứng thư,
báo cáo thẩm định giá (bộ phận kiểm soát)
- Tham gia đề xuất, cảnh báo rủi ro trong việc định giá, quản
lý đối với các nhóm tài sản theo từng thời kỳ.
- Theo dõi, quản lý hồ sơ đã được định giá; chủ trì công tác
định giá lại tài sản.
Nếu bạn làm ở vị trí thẩm định viên/trợ lý thẩm định viên, bạn
thừờng xuyên phải đi công tác để quan sát hiện trạng và thu thập thông tin. Ví
dụ, công ty ở TP Hồ Chí Minh có nhu cầu định giá quyền sử dụng đất ở Bình
Phước, bạn phải xuống xem xét thực địa và tìm hiểu giá đất Nhà nước quy định,
giá đất đang giao dịch thực tế, các yếu tố ảnh hưởng trong hiện tại và tương
lai (quy hoạch, giao thông, các dự án liền kề). Các vị trí như kinh doanh, kiểm
soát, quản lý thường ít yêu cầu đi công tác hơn.
4. Các yêu cầu để
thành công trong nghề thẩm định giá
Tương tự như các nghề kiểm toán, luật sư, nghề thẩm định giá luôn
đòi hỏi sự kiên trì, năng động, khả năng học hỏi, nghiên cứu, kỹ năng giao
tiếp... cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức. Ngoài ra
còn yêu cầu:
- Tính tuân thủ các tiêu chuẩn thẩm định giá, bảo đảm tính độc
lập về chuyên môn nghiệp vụ và tính trung thực, khách quan của hoạt động
thẩm định giá bảo mật các thông tin của đơn vị được thẩm định giá…
- Tính trung thực: do nghề này có nhiều cám dỗ, tổ chức và cá
nhân có liên quan có thể tìm cách trao đổi với thẩm định viên để tác động
đến kết quả định giá.
Pháp luật Việt Nam đã ban hành Hệ thống những Tiêu chuẩn Thẩm định
giá Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ thẩm định viên về
giá.
Tuy phải tuân thủ chặt chẽ các Tiêu chuẩn nghề nghiệp nhưng công
việc ngành Thẩm định giá không hề nhàm chán. Mỗi tài sản đều có đặc điểm riêng
và có nhiều phương pháp để định giá khác nhau để lựa chọn cho phù hợp, như có
đến 06 phương pháp định giá doanh nghiệp, 05 phương pháp định giá bất động sản.
Khi thẩm định các tài sản khác nhau, bạn sẽ được tiếp xúc, tìm hiểu và có thêm
kiến thức về lĩnh vực công nghệ, kinh tế, môi trường xã hội liên quan đến tài
sản đó. Ngoài ra, nếu bạn là người thu thập thông tin, bạn sẽ tiếp xúc với
nhiều đối tượng khác nhau qua điện thoại, email, qua mạng xã hội, gặp mặt trực
tiếp.
5. Ngành Thẩm định giá
học những gì
Các môn học tiêu biểu: Nguyên lý kế toán; Lý thuyết tài chính tiền
tệ; Tài chính doanh nghiệp; Thuế; Kế toán chi phí; Pháp luật trong thẩm định
giá; Pháp luật về đất đai và bất động sản; Marketing; Quản trị quan hệ khách
hàng; Nguyên lý và tiêu chuẩn thẩm định giá; Nguyên lý giá cả thị trường; Quản
trị giá; Thị trường chứng khoán; Thẩm định giá doanh nghiệp; Thẩm định giá Máy
móc và Thiết bị; Thẩm định giá tài sản vô hình; Thẩm định giá thương hiệu; Định
giá bất động sản; Lượng giá tài nguyên và môi trường; Thị trường bất động sản;
Quản lý tài sản công; Quản lý dự án; Quản tri rủi ro.
6. Các trường đào tạo
ngành Thẩm định giá trình độ đại học
- Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ngành
Marketing – chuyên ngành Thẩm định giá).
- Học viện tài chính (ngành Tài chính Ngân
hàng – chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản).
- Trường Đại học UEH (Trường Đại học Kinh tế
TPHCM) (ngành Kinh tế đầu tư – chuyên ngành Thẩm định giá và Quản trị tài
sản).
- Trường Đại học Tài Chính-Marketing. (ngành
Tài chính Ngân hàng – chuyên ngành Thẩm định giá).