www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu vể Nhân viên bán hàng

Người bán hàng làm gì suốt cả ngày? Phải chăng họ là những người luôn ăn vận lịch sự, dùng những lời lẽ hoa mĩ, thậm chí cả những lời nói dối “chết người” để bán được hàng hóa của mình? Câu trả lời không phải vậy, bán hàng vốn là một công việc cực nhọc và phần thưởng chỉ đến từ những nỗ lực vượt bậc dành cho những người xứng đáng nhất.

Nhân viên bán hàng là ai?

Trên thực tế ở một mức độ nào đó, hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng làm nghề bán hàng. Chúng ta thường xuyên bán thứ gì đó cho người khác để tạo ra lợi ích cho mình và tập thể. Đó chính là tiền thân cho sự ra đời của những nhân viên bán hàng.

Sự mở rộng và cạnh tranh giữa các nhà sản xuất khiến vị trí của người bán hàng ngày càng được xem trọng hơn, bởi đây là bộ phận trực tiếp mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp, nuôi sống tất cả các bộ máy cồng kềnh khác. Với sự quan tâm và đào tạo đúng mức, người bán hàng dần trở thành một vị trí hấp dẫn bởi sự chuyên nghiệp, tính năng động, độ thử thách cao trong công việc cùng mức lương khen thưởng luôn công bằng đúng theo năng lực.

Nhân viên bán hàng làm gì?

Công việc chính của nhân viên bán hàng bao gồm:

  • Tìm kiếm các nhu cầu của khách hàng mới nhằm cung cấp các sản phẩm dịch vụ của tổ chức mình tới đối tượng khách hàng đó, cũng như chăm sóc các khách hàng hiện có;
  • Nghiên cứu các khu vực thị trường, đánh giá tiềm năng khách hàng;
  • Phát triển sản phẩm của doanh nghiệp mình, cập nhật thông tin về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Những người bán hàng giỏi sau một thời gian nỗ lực có thể vươn tới vị trí đại diện bán hàng. Cơ hội thăng tiến cho các đại diện bán hàng giàu kinh nghiệm sẽ là những vị trí như giám sát bán hàng hoặc giám đốc bán hàng.

Nhân viên bán hàng làm việc ở đâu?

Bất kì các tổ chức kinh doanh nào cũng đều cung cấp 1 sản phẩm hay dịch vụ nào đó cho khách hàng. Bởi vậy bộ phận bán hàng tồn tại ở tất cả những công ty có hoạt động sản xuất, buôn bán, luân chuyển hàng hóa.

Một số địa điểm làm việc của nhân viên bán lẻ bao gồm:

  • Người bán lẻ thường làm việc tại các điểm bán lẻ trong các đại lý, gian hàng trong các siêu thị hay cửa hàng tổng hợp;
  • Người tạo đơn hàng thường được bắt gặp trong các công ty dệt, thực phẩm, may mặc hay các hãng bán buôn;
  • Người chào hàng quảng cáo thường xuất hiện trong các công ty dược mỹ phẩm; người chào hàng dịch vụ thường làm trong những tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ tiết kiệm và cho vay, trung tâm mô giới chứng khoán hoặc các ngành phúc lợi công cộng, hãng dịch vụ cá nhân, khách sạn, v.v

Thông thường sau khi được tuyển dụng và huấn luyện, nhân viên bán hàng sẽ được phân công cho một khu vực hoạt động riêng biệt. Họ thường làm việc độc lập với thành công được thể hiện qua doanh số cá nhân. Môi trường làm việc của họ cũng khá tự do khi được thường xuyên ra ngoài gặp gỡ các khách hàng. Công ty thường chỉ quản lý họ dựa trên doanh số và thành quả cuối cùng.

Sự đa dạng, tính thử thách cũng tạo cho người bán hàng rất nhiều năng lực thích nghi. Bởi vậy họ là những người rất dễ có cơ hội thăng tiến. Ngoài sự thăng tiến trong cùng lĩnh vực bán hàng, họ còn có thể tham gia vào các hoạt động khác trong công ty như tiếp thị sản phẩm.

Làm thế nào để trở thành nhân viên bán hàng?

Không có trường lớp chính quy đào tạo chuyên sâu công việc này, vì trên thực tế, nghề này không yêu cầu bằng cấp cao, mà yêu cầu kinh nghiệm sống và trí thông minh đường phố thu lượm được từ trải nghiệm sống của từng người. Đa phần tất cả mọi người đều có thể làm được công việc này. Tuy vậy, các ngành học liên quan tới kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing có lợi thế hơn các sinh viên khác do đã có kiến thức nền về kinh tế và thị trường.

Ngoài ra, để tăng cường khả năng cũng như biết thêm các thủ thuật bán hàng, các bạn cũng có thể tham giá các khóa đào tạo ngắn hạn ở các tổ chức bên ngoài trường học.