Tìm hiểu về nghề quản lý sản xuất
Nghề quản lý sản xuất đòi hỏi những người có đầu óc tổ chức, sắp xếp, có kĩ năng lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Cùng tìm hiểu xem đây có phải môi trường bạn mong muốn không nhé.
1. Nghề quản lí sản xuất
Để một bộ máy sản xuất hoạt động trơn tru và hiệu quả không chỉ cần bài tay tài hoa của những công nhân mà còn cần sự thông minh và khả năng quản lý sắp xếp công việc nhịp nhàng của những người quản lý sản xuất. Có thể ví người quản lý sản xuất như một đầu tàu kéo cả con tàu sản xuất tiến nhanh đến những mục tiêu lớn.
Quản lý sản xuất là người giám sát những hoạt động thường ngày của nhà sản xuất và những nhà máy liên quan. Quản lý sản xuất cũng tham gia kết hợp, lên kế hoạch, chỉ đạo các hoạt động để tạo ra một loạt các hàng hóa như ô tô, thiết bị máy tính, giấy…
2. Nghề quản lý sản xuất làm gì?
Dù là trong ngành công nghiệp nào, nhiệm vụ chính của quản lý sản xuất là đảm bảo việc sản xuất hàng hóa hiệu và và kịp thời, đạt tiêu chuẩn về số lượng cũng như chất lượng và nằm trong giới hạn ngân sách đưa ra. Họ cũng là người lên kế hoạch, thiết kế hệ thống sản xuất, phương pháp sản xuất, phối hợp và kiểm soát quy trình sản xuất.
Quản lý sản xuất tham gia vào giai đoạn tiền sản xuất (lên kế hoạch) cũng như giai đoạn sản xuất (kiểm tra và giám sát). Công việc của họ phần nhiều là làm việc với nhân sự, ngoài ra còn có thể liên quan tới việc thiết kế sản phẩm và thu mua. Ở những công ty nhỏ thì quản lý sản xuất có thể được đưa ra quyết định nhưng ở công ty lớn thì sẽ có các giám sát viên sản xuất, kỹ sư sản xuất hay người hoạch định, trợ giúp. Họ cũng có thể là người kết nối các bộ phận như marketing, bán hàng hay tài chính với nhau. Quản lý sản xuất là người quyết định cách tốt nhất để sử dụng công nhân và thiết bị của nhà máy để đạt mục tiêu sản xuất. Quản lý sản xuất có trách nhiệm thực hiện các chương trình kiểm soát chất lượng để đảm bảo hoàn thành sản phẩm đạt chất lượng. Công việc của nghề quản lý sản xuất bao gồm:
- Phân tích dữ liệu sản xuất, lập kế hoạch, lên lịch trình sản xuất, đánh giá các yêu cầu dự án và nguồn lực
- Ước tính, thỏa thuận và chốt ngân sách, khung thời gian sản xuất với khách hàng và các tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Đảm bảo rằng sản xuất đúng lịch trình và nằm trong ngân sách
- Nếu cần thiết, thỏa thuận lại khung thời gian sản xuất khi có thay đổi về việc lựa chọn, đặt hàng hay mua nguyên vật liệu
- Viết báo cáo sản xuất
- Giám sát quá trình sản xuất
- Giám sát công việc của cấp dưới
- Thuê, đào tạo và đánh giá nhân viên. Theo dõi công nhân của nhà máy để đảm bảo công nhân đạt hiệu suất làm việc và yêu cầu về an toàn
- Tạo quy trình sản xuất để đạt hiệu quả
- Xác định những máy móc mới cần thiết hoặc tăng ca khi cần thiết. Tổ chức việc sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ các thiết bị sản xuất
- Sửa các lỗi sản phẩm: quản lý sản xuất phát hiện lỗi sản phẩm, nguyên nhân gây ra lỗi sản phẩm và giải quyết vấn đề để khắc phục lỗi đó
Tùy vào quy mô của nhà máy mà người quản lý sản xuất có thể giám sát toàn bộ hay một phần của nhà máy.
3. Nghề quản lý sản xuất làm việc ở đâu?
Quản lý sản xuất chia thời gian làm việc giữa khu vực sản xuất và văn phòng. Khi làm việc ở khu vực sản xuất, người quản lý có thể mặc đồ bảo hộ như mũ bảo hộ, kính bảo hộ… Quản lý sản xuất có thể làm việc đa dạng ở các doanh nghiệp sản xuất, công xưởng, nhà máy.
Hầu hết quản lý sản xuất làm việc toàn thời gian. Ở một số cơ sở, người quản lý có thể làm ca đêm hay ca cuối tuần để kịp thời hạn hoàn thành sản phẩm.