www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề Marketing

NghềMarketing được coi là ngành nghề mới nổi và đang được các bạn sinh viên đổ xô theo đuổi. Nhưng công việc này là gì, tiềm năng ra sao, và liệu có thể trụ vững “độ hot” này đến bao giờ là những câu hỏi mà FindX4.me sẽ giúp bạn trả lời. 

1. Giới thiệu tổng quan nghề Marketing

Marketing là việc nghiên cứu và tiếp cận thị trường, phát hiện ra các cơ hội kinh doanh và khai thác chúng một cách có hiệu quả. Cơ hội kinh doanh chính là các nhu cầu và ước muốn của khách hàng cần được thoả mãn. Marketing tìm cách trả lời cho câu hỏi: khách hàng cần gì, khi nào, ở đâu và sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho nó?… Như vậy, công việc trực tiếp của marketing không phải là bán hàng.

Chức năng chủ yếu của marketing là thu hút và gìn giữ khách hàng, đánh bại đối thủ cạnh tranh thông qua các chiến lược marketing bao gồm nhiều hoạt động kế tiếp và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, đầu ra của một marketer luôn luôn phải là doanh số.

 

2. Học marketing ra làm gì?

Một cách khái quát nhất, công việc của một người gọi là marketer là:

  • Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường: nghiên cứu và dự báo xu hướng vận động của thị trường, phân tích tác động của các yếu tố môi trường vĩ mô đến hoạt động marketing của doanh nghiệp.
  • Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm nghiên cứu và theo dõi cạnh tranh: dự báo phản ứng của các đối thủ cũng như đề xuất kế hoạch đối phó với cạnh tranh.
  • Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm nghiên cứu hành vi mua của người tiêu dùng: phân tích và dự đoán những phản ứng có thể có của người tiêu dùng đối với các chính sách marketing của doanh nghiệp.
  • Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm xây dựng lựa chọn chiến lược marketing một cách tối ưu cho các nhóm khách hàng khác nhau.
  • Tham gia và (hoặc) chịu trách nhiệm nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm đáp ứng tốt hơn mọi thay đổi từ phía nhu cầu của khách hàng.
  • Xây dựng và quản lý chủng loại sản phẩm nhằm đáp ứng các cấp độ nhu cầu khác nhau, các nhóm khách hàng khác nhau.
  • Tham gia vào quá trình xây dựng và điều chỉnh chính sách giá sản phẩm của doanh nghiệp (mức giá bán, mức hay tỷ lệ chiết khấu, giá khuyến mại…).
  • Thiết kế và quản lý hệ thống kênh phân phối sao cho sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
  • Xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình khuếch trương, xúc tiến như quảng cáo, khuyến mại, quan hệ công chúng v.v…; đồng thời đánh giá hiệu quả của những kế hoạch và chương trình xúc tiến đó.
  • Xác lập và quản lý mối quan hệ với khách hàng nhằm đảm bảo thỏa mãn khách hàng trong quá trình sử dụng sản phẩm.
  • Thực hiện việc đánh giá và kiểm tra hoạt động marketing của doanh nghiệp.

Để thực hiện thành công chiến lược marketing, các chuyên gia marketing thường vận dụng phương pháp “TARGET” (tiếng Anh có nghĩa là đối tượng, mục tiêu). “TARGET” là ký hiệu chữ đầu của những từ sau:

T: Trouver = Tìm thấy (đối tượng)

A: Argumentation = Lập luận, thuyết phục

R: Response = Đáp ứng, trả lời

G: Gestion = Quản lý

E: Evaluation = Đánh giá

T: Timing = Phân phối thời gian

Với chuyên môn marketing, có thể ban đầu bạn sẽ làm những công việc như bán hàng, tiếp xúc khách hàng hay tìm kiếm mối hàng. Đây không phải là nghiệp vụ cơ bản nhất của nghề marketing. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm trong bán hàng, tiếp xúc và tìm kiếm khách hàng, bạn sẽ có khả năng hiểu biết về hành vi của khách hàng. Qua đó, bạn sẽ có những quyết định marketing kịp thời và chính xác trong quá trình quản lý sau này.

Khi đã có kinh nghiệm và thành công với những công việc trên, bạn có thể sẽ trở thành một nhà quản lý với các công việc như: quản lý lực lương bán hàng, quản lý vùng thị trường hay quản lý phòng marketing, quản lý một chi nhánh của công ty v.v…

Là chuyên gia marketing, nhiệm vụ cơ bản của bạn là nắm bắt thông tin thị trường, tổng hợp dữ liệu về khách hàng (cả những thay đổi trong nhu cầu, ước muốn và hành vi của họ) và về cạnh tranh. Từ đó, bạn giúp ban giám đốc đưa ra các quyết định chiến lược như lựa chọn đối tượng khách hàng, xác định loại sản phẩm mà doanh nghiệp sẽ cung cấp và giá cả cũng như phương thức cung ứng cho khách hàng.

Ngoài ra, bạn còn có thể hoạch định các chương trình như quảng cáo, khuyến mại v.v… để khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ đơn vị của bạn cung ứng.

3. Marketer làm việc ở đâu?

Trong các doanh nghiệp sản xuất

  • Bạn có thể làm việc tại bộ phận “nghiên cứu và phát triển”. Nhiệm vụ chủ yếu của bạn là nghiên cứu nhu cầu thị trường và nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm. Từ những nghiên cứu mang tính hệ thống đó, bạn sẽ phải làm sao để đưa ra được sản phẩm mới hoặc, cải tiến sản phẩm hiện tại với thiết kế hoàn hảo nhất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
  • Nếu bạn làm việc trong phòng vật tư với trách nhiệm đảm bảo các yếu tố đầu vào cho sản xuất, bạn sẽ thực hiện “marketing mua” nhằm lựa chọn các nhà cung cấp và nguồn hàng hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu của các bộ phận sản xuất và chế biến.
  • Bạn có thể làm việc trong phòng thị trường (hay phòng kinh doanh, phòng tiêu thụ), bạn sẽ phải đưa sản phẩm đến với đúng khách hàng cần nó, đúng thời gian, số lượng, chất lượng mà khách hàng yêu cầu với mức chi phí thấp nhất.
  • Bạn phải làm sao thiết kế được hệ thống các cửa hàng, cửa hiệu sẵn lòng bán sản phẩm của mình và trung thành với việc  kinh doanh đó, đồng thời, sẵn lòng giúp bạn thu thập thông tin về thị trường, về đối thủ cạnh tranh để doanh nghiệp có thể dựa vào đó mà đưa ra các quyết định chiến lược.
  • Nếu bạn thuộc phòng tài chính kế toán, bạn sẽ tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách giá thông qua việc xác định mức giá bán cho các sản phẩm, tỷ lệ chiết khấu và quyết định điều chỉnh hay thay đổi mức giá bán theo tình hình thị trường. Bạn cũng phải theo dõi các khoản thu chi và quản lý như thế nào để chi phí của bạn là thấp nhất, hiệu quả cao nhất. Bạn sẽ là người theo dõi “công nợ” của khách hàng nhằm đảm bảo đánh giá hiệu quả  theo khách hàng, theo sản phẩm và theo thị trường.

 

Trong các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ

Những đơn vị này bao gồm các công ty thương mại, các khách sạn, ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty vận tải hàng không v.v…

  • Nếu bạn thuộc lĩnh vực ngân hàng, bạn phải làm sao để khách hàng đến gửi tiền nhiều hơn, với mức lãi suất thấp và ổn định. Bạn lại phải làm sao chọn được dự án hay doanh nghiệp để đầu tư hiệu quả và an toàn nhất.
  • Nếu bạn thuộc lĩnh vực dịch vụ, bạn làm sao để khách hàng ưa dùng dịch vụ của bạn nhất, để “không còn một chỗ trống nào trên xe của tôi trong tất cả các chuyến đi”.

Bạn phải làm thế nào để dịch vụ của bạn được khách hàng cho là hoàn hảo nhất và “xin quý khách vui lòng chờ trong giây lát, vừa mới có được bàn trống, chúng tôi đang làm vệ sinh để đón tiếp quý khách”.

  • Nếu bạn là người quản lý đội ngũ bán hàng của đơn vị, bạn phải biết cách động viên, khuyến khích nhân viên bán hàng thực hiện “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, để khách hàng ra đi với một gói hàng trên tay rồi quay trở lại với nụ cười và một túi tiền khác.

Điều đó có nghĩa là bạn có thể làm rất nhiều công việc khác nhau nhưng vẫn là nghề marketing. Đây là nghề bạn tìm ra các cơ hội kinh doanh và chiếm lĩnh những cơ hội đó bằng khả năng và nghị lực của mình.

Ngày nay, các doanh nghiệp coi marketing như một chức năng không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, cho dù nhận thức về marketing còn chưa thực sự đầy đủ.

Xu hướng đầu tư cả về vốn liếng lẫn nhân sự cho lĩnh vực này hiện ngày càng tăng. Với các doanh nghiệp quốc tế hay toàn cầu, có tới 53% vị trí quản lý doanh nghiệp cấp cao được nắm giữ bởi những người thành công ở vị trí quản lý marketing.

Trong các cơ quan, tổ chức “phi lợi nhuận”

Đó là các đơn vị hành chính sự nghiệp, các tổ chức văn hoá – xã hội, các cơ quan chính quyền các cấp v.v…

Không chỉ được sử dụng trong doanh nghiệp, marketing còn là công cụ hữu hiệu giúp các địa phương thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Các cơ quan quản lý Nhà nước khi ra những quyết định chiến lược như quy hoạch, đầu tư hay thay đổi chính sách cũng như cung cấp các dịch vụ hành chính đều cần đến marketing công cộng – một ứng dụng khác của marketing.

Tóm lai, với nghềmarketing, bạn có thể làm việc ở bất cứ tổ chức hay doanh nghiệp nào. Hiện tại, do sự phát triển của môi trường kinh tế xã hội, tất cả các ngành, các doanh nghiệp hay tổ chức đều có chỗ cho ứng cử viên chuyên ngành marketing.