www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về ngành quảng cáo

“Quảng cáo có thể là thể loại nghệ thuật có sức mạnh lớn nhất trên Trái Đất “- Mark Fenske

Quảng cáo là gì ?

Trở về nguồn gốc của từ “quảng cáo” trong tiếng La tinh “Advertere”, chúng ta có một khám phá rất thú vị: “Ad” nghĩa là hướng về một cái gì đó, “Vertere” có nghĩa là trở lại. Như vậy, bạn có thể hiểu quảng cáo là hướng tâm trí công chúng về một sản phẩm, dịch vụ hay một tư tưởng, để từ đó công chúng yêu thích và mua sản phẩm, dịch vụ đó.

Sau này, khi đã phát triển thành một ngành công nghiệp hùng mạnh và phổ biến trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu cũng đưa ra những khái niệm không xa bao nhiêu so với từ “quảng cáo” nguyên thuỷ trong tiếng La tinh.

Ở Việt Nam, mặc dù mới xuất hiện khoảng hơn mười năm nay, nhưng chúng ta đã có nghị định 194 CP của Chính phủ Việt Nam (ban hành ngày 31-12-1994) về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó quy định: “Hoạt động quảng cáo bao gồm việc giới thiệu và thông báo về doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi, biểu tượng theo nhu cầu hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.

Các nhân tố cấu thành chủ yếu của quá trình giao tiếp quảng cáo là:

– Người thông báo (chủ thể quảng cáo): tất cả các cá nhân, tổ chức… muốn làm quảng cáo.

 Đại lý quảng cáo: tổ chức độc lập, bao gồm các chuyên gia chịu trách nhiệm thiết kế, tổ chức thực hiện, giám sát hoạt động quảng cáo.

– Các phương tiện truyền tin: tất cả các phương tiện hay vật thể mang, truyền đi thông tin quảng cáo.

– Khách hàng mục tiêu: những đối tượng mà quảng cáo hướng đến.

Để thực hiện thành công một chiến dịch, người làm trước hết cần phải xác định đối tượng nhận tin: Họ là ai? Nam hay nữ? Già hay trẻ? Giàu hay nghèo? Sành điệu hay không sành điệu? Thích xem truyền hình, nghe đài, đọc tạp chí hay báo? v.v…

Mỗi hình ảnh, lời nói, thông điệp của quảng cáo luôn hướng tới một số nhóm khách hàng mục tiêu nào đó và bị chi phối bởi các hoàn cảnh khách quan khác nhau. Các nhóm khách hàng mục tiêu, bởi vậy, chính là một trong những nguồn cảm hứng để các chuyên gia hình thành nên những ý tưởng quảng cáo độc đáo.

Trong ngành quảng cáo bạn làm gì?

Khi nghĩ đến một người làm nghề, chúng ta sẽ tưởng tượng thấy rất nhiều hình ảnh khác nhau. Đó có thể là một anh chàng thiết kế tóc dài, quần áo rất bụi đang ngồi la cà ở một quán cà phê, lơ đãng như không quan tâm đến mọi chuyện xung quanh. Nhưng có ai ngờ, sau cái dáng vẻ như bất cần đời ấy sẽ là sự bùng nổ của các ý tưởng kì diệu.

Hoặc người ta có thể nghĩ đến hình ảnh của một người điều hành quảng cáo bảnh bao trong bộ complet sang trọng, đang trình bày một chiến lược quảng cáo trước khách hàng của mình. Đó cũng chính là hình ảnh lý tưởng của một nhân viên quảng cáo năng động trong xã hội hiện đại.

Trong ngành, tùy vào chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm, bạn có thể tham gia vào nhiều vị trí khác nhau. Chúng ta cùng điểm qua một vài công việc cơ bản nhé!

·        Người điều hành quảng cáo

Đây là người bao quát tất cả mọi vấn đề của một chiến dịch quảng cáo. Công việc của người điều hành thường gồm những nhiệm vụ cụ thể sau:

– Thảo luận với khách hàng về các thông tin liên quan như sản phẩm, dịch vụ cần quảng cáo, các thông tin chi tiết về doanh nghiệp, ngân sách, mục đích của chiến dịch quảng cáo này v.v…

– Giới thiệu các chuyên gia (đội ngũ chuyên viên viết ý tưởng quảng cáo, chuyên viên thiết kế quảng cáo v.v…) để tiến hành chiến dịch quảng cáo

– Giới thiệu về phương án dự kiến cho chiến dịch quảng cáo dựa trên các yêu cầu của khách hàng và ngân sách cho quảng cáo v.v.:.

– Khi phương án được chấp nhận, người điều hành điều phối, quản lý, đảm bảo chiến dịch quảng cáo được thực hiện đúng như kế hoạch, đúng thời hạn đã định và kinh phí dự kiến.

– Luôn sát cánh với khách hàng trong dự án và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Người điều hành cũng là người quyết định đặt áp phích, tấm hình, những dòng quảng cáo thế nào cho có lợi nhất. Họ là người chọn lựa phương tiện và cách thức quảng cáo sao cho sản phẩm tiếp xúc được với số lượng công chúng đông đảo nhất. Vấn đề lựa chọn phương tiện truyền thông này chính là mắt xích cuối cùng của dây chuyền quảng cáo.

Tóm lại, người điều hành là người tổ chức, quản lý và kết nối mọi bộ phận sao cho một chiến dịch quảng cáo thành công. Anh ta chính là linh hồn của một chương trình, chiến dịch quảng cáo. Người tổ chức thực hiện quảng cáo giỏi sẽ đem lại danh tiếng và những khoản lợi nhuận kếch xù cho các doanh nghiệp.

Với vị trí quan trọng như vậy, yêu cầu dành cho người điều hành quảng cáo là óc sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, có năng lực tổ chức, kỹ năng giao tiếp tốt và khả năng làm việc dưới áp lực cao. Ngoài kinh nghiệm trong nghề như sáng tạo ý tưởng, viết thông điệp, thiết kế quảng cáo…, chuyên môn về kinh tế, marketing, quản trị kinh doanh… rất quan trọng với người làm công việc này.

·        Chuyên viên quảng cáo

Ai là người nghĩ ra những ý tưởng độc chiêu khiến bạn mê mẩn? Ai là người viết những khẩu hiệu, thông điệp quảng cáo mà bạn vẫn thuộc lòng? Câu trả lời là chuyên viên quảng cáo (copy writer).

Anh ta phải là người rất có khả năng về nghệ thuật, văn hóa. Và tất nhiên, anh ta luôn là một kho ý tưởng giàu có với muôn vàn chiêu thức quảng cáo để thuyết phục người tiêu dùng.

Chẳng hạn như để kích thích khách hàng mở ví tiền mua các sản phẩm, dịch vụ của mình, chuyên viên tổ chức thực hiện quảng cảo phải biết chọn những chi tiết nào là hợp lý để nhấn mạnh vào: chất lượng cao, giá rẻ, chi phí sử dụng thấp, sản phẩm bảo hành tốt, mặt hàng phong phú hoặc nhà sản xuất danh tiếng v.v…

Song song với ý đồ quảng cáo là việc đề ra các biểu tượng, biểu trưng cho sản phẩm. Ngoài trí tưởng tượng bay bổng để tạo nên biểu tượng cho sản phẩm, người tổ chức thực hiện quảng cáo phải coi đó là một môn khoa học, cũng như mọi khoa học khác.

Tức là nó phải dựa trên sự phân tích, sáng tạo, nhằm mục đích cuối cùng là đẩy nhanh sức tiêu thụ sản phẩm. Muốn có một biểu trưng tốt, bao giờ bạn cũng nên tìm cách trả lời chính xác, hấp dẫn và độc đáo các câu hỏi: Nói về cái gì? Nói với ai? Nói như thế nào v.v….

·        Người thiết kế quảng cáo

Bạn là người đam mê mỹ thuật, khao khát sáng tạo và yêu thích quảng cáo? Có thể bạn sẽ tìm thấy vị trí của mình trong số những người thiết kế quảng cáo. Họ là những người có trình độ nghệ thuật, được đào tạo về mỹ thuật, đồ họa. Chính các chuyên gia này là những người biến những ý tưởng quảng cáo thành các hình vẽ, các panô, áp phích, logo… độc đáo.

Thiết kế quảng cáo là mảnh đất màu mỡ đón chờ các sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Kiến trúc v.v… Công việc của họ là tìm ra cách thể hiện ấn tượng nhất cho các ý tưởng của một chiến dịch quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo như tranh vẽ, panô, áp phích, báo in, đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử v.v…

·        Đạo diễn phim quảng cáo

So với tất cả các loại hình quảng cáo khác, quảng cáo trên truyền hình gây được ấn tượng mạnh và có sức thuyết phục cao nhất. Trên thế giới, những đoạn phim quảng cáo của các hãng lớn đều do những đạo diễn và diễn viên có tên tuổi dàn dựng, diễn xuất. Không ít khán giả coi việc thưởng thức quảng cáo là để thư giãn đầu óc trong lúc mệt mỏi, căng thẳng và tạo nên không khí mới. Phim quảng cáo thực sự là một loại hình nghệ thuật đầy sức hấp dẫn.

Đạo diễn phim quảng cáo có thể đồng thời là người viết kịch bản. Muốn có kịch bản tốt, người viết kịch bản phải tạo ra được một cốt truyện hay, gần với cuộc sống đời thường. Khi đã có kịch bản, người đạo diễn lại phải biết dẫn dắt câu chuyện từ hình ảnh này sang hình ảnh khác một cách logic và tôn trọng nguyên lý các khuôn hình, giữ vững kết cấu của cảnh quay. Người làm phim quảng cáo không chỉ am hiểu về nghệ thuật điện ảnh mà còn phải nắm vững tâm lý khán giả trong tư cách là những khách hàng tiềm năng.

Để đạt được kỹ năng này, các bạn nên theo học những khóa học dài hoặc ngắn hạn về đạo diễn hoặc quay phim. Người làm phim phải biết lôi cuốn khán giả bằng cách tạo ra những phát hiện bất ngờ, bằng những hình ảnh thay đổi từng phút, từng giây.

Bạn hãy luôn nhớ rằng, rất khác với những thể loại phim ảnh khác, phim quảng cáo thường có dung lượng rất ngắn, đòi hỏi độ cô đúc cao và nhất là luôn phải hướng về một thông điệp chính của sản phẩm cần quảng cáo.

Vào nghề quảng cáo từ lục còn trẻ, David Ogilvy – chủ tập đoàn quảng cáo nổi tiếng Ogilvy cho chúng ta những lời khuyên quý giá:

“Sau một năm đào tạo chán ngán, bạn sẽ có thể được làm trợ lý ủy ban quản trị khách hàng. Đến một lúc nào đó, bạn trở thành người thu được nhiều thông tin nhất  công ty về khách hàng mà bạn đảm nhận.

Nếu, ví dụ, đó là khách hàng về xăng dầu, bạn hãy đọc sách về hóa học, địa chất, và phân phối sản phẩm dầu lửa. Đọc tất cả những báo thương mại về lĩnh vực này. Đọc mọi báo cáo nghiên cứu và kế hoạch marketing mà công ty bạn thường viết về sản phẩm đó.

Dành các sáng thứ bảy làm việc trong các trạm bán xăng và nói chuyện với người chơi xe ô tô. Thăm những nhà máy lọc dầu và những phòng thí nghiệm.

Ở cuối năm thứ hai, bạn sẽ biết nhiều về xăng dầu hơn cả ông chủ, lúc đó bạn sẽ sẵn sàng kế nghiệp họ”.

Người làm quảng cáo làm việc ở đâu?

Quảng cáo ngày nay đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong hoạt động của hầu hết doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Bởi vậy, với chuyên môn về quảng cáo, bạn có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu. Cùng điểm qua một số địa chỉ bạn có thể tham khảo nhé:

  • Các hãng, công ty, đại lý quảng cáo (Gọi chung là Agency)

Tại các hãng, công ty, đại lý quảng cáo, tùy thuộc vào chuyên môn và năng lực, nguyện vọng, bạn có thể trở thành:

– Trợ lý hay người thiết kế chính thông điệp, thực hiện sáng tạo trong quảng cáo.

– Nhà kinh doanh với nhiệm vụ tìm cách “bán” được nhiều thông điệp quảng cáo.

– Chuyên viên về các phương tiện truyền thông, chịu trách nhiệm quan hệ với các tổ chức truyền thông (mua thời lượng phát sóng, diện tích trên tạp chí, báo…), đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phù hợp với thông điệp…

– Người quản lý một bộ phận chức năng nào đó như thiết kế thông điệp, quản lý các phương tiện truyền thông hay quản lý khách hàng.

– Cuối cùng, bạn là người chủ của hãng quảng cáo với chức năng chính là đảm bảo cho hãng của bạn phát triển mạnh mẽ trên thị trường.

  • Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác

Lúc nàybạn là người chịu trách nhiệm về quảng cáo cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức của mình. Nhiệm vụ của bạn là xây dựng, khuếch trương, ghi dấu hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của đơn vị mình trong tâm trí công chúng, khách hàng mục tiêu v.v.

Cụ thể, bạn sẽ lên kế hoạch và thực hiện các chiến dịch, chương trình quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu… Bạn cũng là người tổ chức các chương trình khuyến mại, điều hành, giám sát hoặc thực hiện hoạt động PR (quan hệ công chúng) như tổ chức họp báo hội nghị khách hàng, thực hiện tài trợ, quản trị khủng hoảng v.v.

Để thực hiện các chương trình và chiến dịch quảng cáo lớn, các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thường thuê hãng quảng cáo chuyên nghiệp. Lúc này, bạn sẽ trở thành đối tác của các hãng quảng cáo và sẽ phối hợp với họ để cung cấp thông tin, sau đó giám sát và đánh giá kết quả… những phần việc mà đơn vị mình đặt hàng hãng quảng cáo thực hiện.

  • Làm việc trong các cơ quan truyền thông đại chúng

Trong các cơ quan báo in, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình, báo Internet v.v., với vai trò người phụ trách về quảng cáo, công việc của bạn khá đặc biệt. Trước tiên, cũng như người làm quảng cáo ở các cơ quan khác, bạn lên kế hoạch và thực hiện chiến dịch, chương trình quảng cáo cho đơn vị mình.

Mặt khác, các cơ quan truyền thông là đối tác không thể thiếu trong các chương trình, chiến dịch quảng cáo. Bởi vậy, bạn còn trở thành đối tác của các hãng quảng cáo hoặc bộ phận quảng cáo của các doanh nghiệp, đơn vị khác để thực hiện những chiến dịch quảng cáo cho họ. Công việc cụ thể của bạn là bán thời lượng phát sóng (với đài truyền hình), diện tích hay khoảng trống (với báo và tạp chí) v.v.