Ngành quản trị kinh doanh được hiểu như thế nào?
Tất cả các doanh nghiệp và tổ chức để hoạt
động tốt phải thực hiện công tác quản trị, vì vậy Quản trị kinh doanh luôn là
ngành nhận được sự quan tâm lớn của các thí sinh. Mặc dù không ai phủ nhận tầm
quan trọng của việc quản trị, điều hành nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về
ngành học này. Nhiều người cho rằng ngành này dễ xin việc và có tương lai,
ngược lại, lại có ý kiến cho rằng ngành Quản trị kinh doanh học chung chung,
khó xin việc. Chúng ta nên hiểu như thế nào về ngành Quản trị kinh doanh và nhận
định ra sao về các ý kiến trên.
1.Ngành Quản trị kinh
doanh là gì
Có nhiều định nghĩa khác nhau về ngành Quản
trị kinh doanh nhưng có thể hiểu đơn giản ngành Quản trị kinh doanh là ngành
học tổng hợp các hoạt động: lập chiến lược, lên kế hoạch, tổ chức thực hiện,
kiểm tra, giám sát sự kết hợp các nguồn lực một cách hiệu quả nhất để thực hiện
mục tiêu của doanh nghiệp.
Các nguồn lực của doanh nghiệp bao gồm: vốn,
công nghệ, nhà xưởng, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, bản quyền, phát minh,
sáng chế, nhân sự, sức lao động, trình độ quản lý, trình độ lao động, vị trí
địa lý, mối quan hệ với các đối tác- nhà cung cấp, mạng lưới khách hàng, uy
tín…
Vì vậy, ngành Quản trị kinh doanh có phạm vi
rất rộng, có thể gọi là lĩnh vực quản trị kinh doanh, trong đó sẽ bao gồm các
ngành/chuyên ngành chuyên sâu như: Quản trị Marketing, Quản trị nguồn nhân lực,
Quản trị Dự án, Quản trị chuỗi cung ứng, Quản trị tài chính, Quản trị
Logistics, Quản trị kinh doanh Quốc tế… Còn nếu ngành học chung là Quản trị
kinh doanh tổng hợp, không chia chuyên ngành thì sẽ tìm hiểu hết các phần hành
trên. Ví dụ như ở phần hành Quản trị chiến lược, sinh viên sẽ được đào tạo về
các lý thuyết, quan điểm, phương pháp xây dựng chiến lược để gíup người học có
khả năng giúp doanh nghiệp thiết lập mục tiêu, xây dựng chiến lược và bố trí
nguồn lực thực hiện. Ở phần hành Quản trị nguồn nhân lực, sinh viên được
đào tạo về việc lập kế hoạch phát triển nhân sự, thu hút, tìm kiếm, tuyển dụng,
huấn luyện, đào tạo, phát triển nhân sự cho doanh nghiệp.
2. Triển vọng của
ngành Quản trị kinh doanh
Sau 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có sự
chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong
khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Nền kinh tế không
chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể với tốc độ tăng
trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 6-7% (trước thời điểm dịch Covid 19 và hiện đang
trên đà hồi phục). Việt Nam đã lọt vào top 20 nền kinh tế có quy mô thương mại
lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng tốt quá trình
toàn cầu hoá kinh tế và đạt được nhiều thành tựu trong công tác thu hút vốn đầu
tư nước ngoài, mở rộng giao thương quốc tế; tham gia vào các tổ chức kinh tế
quốc tế và ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại song và đa phương.
Số lượng doanh nghiệp cũng tăng nhanh. Theo
kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, tính đến 31/12/2020, cả nước
có 683,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với số lao động
là 14,7 triệu người, tăng 35,3% về số doanh nghiệp và tăng 4,7% về số lao động
so với năm 2016; phấn đấu đến năm 2025, cả nước có từ 1,3-1, 5 triệu doanh
nghiệp.
Bất kỳ doanh nghiệp nào để hoạt động và phát
triển, đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao để sử dụng, quản lý, kết hợp các
nguồn lực, do đó, nhu cầu nguồn nhân lực Quản trị kinh doanh luôn ở mức cao.
Mặc dù vậy, tại sao lại có ý kiến cho rằng
Ngành Quản trị kinh doanh đào tạo quá chung chung, mơ hồ, thậm chí có ý kiến
còn cho rằng chỉ nên học Quản trị kinh doanh khi nhà bạn “giàu”, chúng ta cùng
phân tích một số ý kiến trên nhé.
Học quản trị kinh
doanh quá chung chung, mơ hồ, không chuyên sâu
Theo Hướng nghiệp 4.0 CDM, nhận định này không
sai do Quản trị kinh doanh là lĩnh vực rộng, nhưng nhờ đó, người học ngành này
trước hết được trang bị tư duy kinh tế và sau đó có khả năng cao để trở thành
các tổng quát viên (Generalist- là người có kĩ năng, kiến thức và kinh
nghiệm tổng quát trên nhiều lĩnh vực. Các nhà tổng quát viên thường
có thể làm nhiều việc khác nhau).
Trả lời phỏng vấn của HRB, giáo sư Merluzzi
nói “Ở chức vụ quản lý, tổng quát viên là người làm việc tốt hơn vì họ có kĩ
năng đa dạng, linh hoạt và cởi mở để đưa ra các giải pháp sáng tạo.” Trong thời
đại ngày nay, các ngành đang có sự liên thông lớn với nhau, thị trường lao động
đang cần những lao động linh hoạt, sáng tạo và có khả năng học hỏi, do đó, tổng
quát viên đang là xu hướng.
Tuy vậy, việc học rộng làm cho người học khó có
kiến thức chuyên sâu. Vì vậy, để tránh việc”mơ hồ” và không có định hướng cũng
như khi chưa đủ kinh nghiệm để trở thành các Tổng quát viên, trong quá trình
học, người học có thể chọn thêm một phần hành mình quan tâm, có năng lực để đào
sâu tìm hiểu, ví dụ như: Quản trị Nguồn nhân lực, Quản trị Marketing, Quản trị
Sản xuất…Như vậy, chúng ta đã kết hợp được cả vai trò của chuyên
viên và cả tổng quát viên (expert-generalist), gia tăng cơ hội tìm công
việc phù hợp và cơ hội thăng tiến. Mô hình này được gọi là bộ phát triển kỹ
năng chữ T (T-shaped employee skill set).
Học Quản trị kinh
doanh chỉ dành cho các bạn nhà “giàu”
Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên học Quản trị
kinh doanh khi nhà bạn có điều kiện về kinh tế, học xong về làm giám đốc. Chúng
ta đều thấy mục tiêu của ngành này là đào tạo các vị trí quản lý trong doanh nghiệp,
tuy nhiên, thường các bạn sẽ bắt đầu ở vị trí chuyên viên, nhân viên, sau khi
tích lũy kinh nghiệm thì có thể thăng tiến lên các vị trí cao hơn. Vì vậy, đây
là ngành hoàn toàn có thể dành cho những người có tố chất và yêu thích, không
phân biệt điều kiện kinh tế.
3. Cơ hội việc làm
ngành Quản trị kinh doanh
- Sau
khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Quản trị có thể đảm nhận hầu hết các vị
trí trong doanh nghiệp như: chuyên viên kinh doanh, chuyên viên Marketing,
chuyên viên nhân sự, chuyên viên tài chính, chuyên viên thu mua, chuyên
viên PR, thư ký….
- Sau
khoảng thời gian tích luỹ kinh nghiệm, sẽ thăng tiến lên các chức vụ quản
lý: trưởng - phó nhóm, trưởng- phó bộ phận, trưởng – phó phòng, giám đốc
điều hành, giám đốc Marketing, Giám đốc nhân sự, Tổng giám đốc…
- Tham
gia giảng dạy, nghiên cứu
- Tự
lập doanh nghiệp hoặc tham gia khởi nghiệp
- Các
doanh nghiệp nhân sự ngành Quản trị kinh doanh có thể làm việc bao gồm tất
cả các loại hình doanh nghiệp, quỹ đầu tư, ngân hàng….trong tất cả các
lĩnh vực của nền kinh tế.
Như vậy, ngành Quản trị kinh doanh là ngành có
vị trí việc làm rộng với nhiều vị trí có thể đảm nhận, số lượng việc làm cao
nhưng bạn cũng sẽ chịu sự cạnh tranh cao từ sinh viên ngành Quản trị kinh
doanh, các ngành Quản trị khác và các ngành khác nói chung. Sinh viên Quản trị
kinh doanh cần trau dồi kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng
tư duy cải tiến- sáng tạo- học hỏi để phát huy những điểm mạnh của ngành mình.
4. Tố chất để học
ngành Quản trị kinh doanh
Khi sinh viên lựa chọn học quản trị kinh doanh
thì có nghĩa họ sẽ phấn đấu sau này trở thành những nhà quản trị, những người
quản lý cao cấp trong tương lai. Như đã đề cập ở trên, ngành Quản trị kinh
doanh thiên về đào tạo các Tổng quát viên, vì vậy, theo Hướng nghiệp 4.0 CDM,
người học cần các tố chất.
- Yêu
thích kinh doanh.
- Có
mong muốn, khả năng cải tiến công việc.
- Có
tầm nhìn, kiến thức tổng quát tốt, mong muốn không chỉ phát triển trong
một phạm vi nhỏ.
Nếu bạn là một người có xu hướng muốn đi sâu
vào vấn đề (xu hướng nghiên cứu), bạn nên chọn các trường có chia chuyên ngành
cho ngành Quản trị kinh doanh hoặc ngành đi vào một lĩnh vực quản trị như Quản
trị Marketing, Quản trị nhân sự, Quản trị Logistics…như đã đề cập ở trên.
Nhiều ý kiến cho rằng ngành này không phù hợp
cho người hướng nội, tuy nhiên theo Hướng nghiệp 4.0 CDM, có nhiều phong cách
quản trị khác nhau cũng như có rất nhiều vị CEO thành công là người hướng nội
như Bill Gates, Elon Musk, Larry Page, Warren Buffett…
5. Ngành Quản trị kinh
doanh học những gì
Các môn học tiêu biểu: Kinh tế vi mô,
Kinh tế vĩ môn, Kinh tế quốc tế, Marketing cơ bản, Lý thuyết Tài chính tiền tệ,
Nguyên lý kế toán, Tài chính doanh nghiệp, Đàm phán và thương lượng trong kinh
doanh, Nghiệp vụ Ngoại thương, Phát luật kinh doanh, Quản trị học, Quản trị
chiến lược, Quản trị Marketing; Quản trị truyền thông; Quản trị dự án, Quản trị
sản xuất, Quản trị bán hàng, Quản trị tài chính, Quản trị rủi ro, Quản trị nhân
sự, Quản trị chất lượng, Quản trị thương hiệu, Quản trị chuỗi cung ứng, Phân
tích hoạt động kinh doanh, Kinh doanh quốc tế...