Tìm hiểu về nghề kiến trúc sư
1. Nghề kiến trúc sư là gì ?
Nghề kiến trúc sư là một nghề mang tính đặc thù riêng. Kiến trúc sư là những chuyên gia được đào tạo và cấp bằng về nghệ thuật và khoa học thiết kế các công trình xây dựng, chuyển những nhu cầu này thành hình ảnh và đồ án của các công trình mà sau đó sẽ được người khác xây dựng. Cụ thể, để xây dựng một ngôi nhà, sân vận động hay cả một thành phố, người ta cần phải chuyên môn hóa từng phần công việc.
Nếu bạn thích vẽ, có khả năng tổ chức, có con mắt thẩm mỹ và đam mê nghệ thuật, thì giới kiến trúc sư chắc chắn đang tìm kiếm một người như bạn đấy.
Từ việc giải thích vì sao phải xây dựng công trình này, xây ở đâu, hình mẫu thế nào, kinh phí thiết kế và xây dựng công trình là bao nhiêu. Tiếp đến là thiết kế (hay vẽ mẫu) cho công trình, rồi xác định cơ quan đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để xây dựng công trình. Sau cùng là triển khai thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình cho chủ sở hữu.
Người làm nghề kiến trúc sư có thể tham gia hầu hết các công đoạn trên, tùy thuộc vào tính chất, quy mô, và độ phức tạp của công việc. Nhưng chủ yếu kiến trúc sư là nhân vật chính ở phần việc đầu tiên: làm dự án, thiết kế kiến trúc, quy hoạch và thường là người chủ trì công trình. Trong nhiều trường hợp, kiến trúc sư còn tư vấn cho chủ đầu tư về các hình thức kinh doanh công trình bằng cách sáng tạo ra các công năng mới, hình thức không gian mới, lựa chọn các hình thức hoạt động thích hợp với công trình…
Khi chủ trì thiết kế, kiến trúc sư làm việc với đồng nghiệp và các kỹ sư chuyên môn liên quan như kỹ sư kết cấu, kỹ sư điện, nước, kỹ sư kinh tế và kỹ sư thi công. Kiến trúc sư chủ trì công trình quy hoạch đô thị còn làm việc với kỹ sư san nền, kỹ sư giao thông, kỹ sư cấp, thoát nước, kỹ sư điện, kỹ sư kinh tế và kỹ sư thi công…
Nếu là công trình trang trí nội, ngoại thất, công trình cảnh quan đô thị, công viên hay tượng đài…, kiến trúc sư còn phải làm việc với họa sĩ, nhà điêu khắc, kỹ sư lâm nghiệp…
Khi trình duyệt thiết kế công trình, kiến trúc sư chủ trì, chủ nhiệm đồ án cũng có nhiệm vụ tiếp xúc, thuyết phục và bảo vệ thiết kế trước các cấp lãnh đạo cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý chuyên ngành, các cấp lãnh đạo tại địa phương, nơi sẽ xây dựng công trình đó.
Kiến trúc sư cần có tư chất của một nghệ sĩ, một nhà khoa học – kỹ thuật, một người làm công tác văn hoá – xã hội. Người ta nói nghề kiến trúc là nghề kết hợp khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật là vậy.
2. Kiến trúc sư làm gì?
Dựa vào các đơn đặt hàng, các yêu cầu cụ thể, đòi hỏi người trong nghề kiến trúc sư phải biết vạch đề cương công việc, vẽ ra mô hình không gian, hình khối, màu sắc của công trình. Các nội dung đó được trình bày trên bản vẽ và ghi lại trong đĩa vi tính. Đây là hồ sơ chính để thi công hay quản lý công trình.
Nhiều kiến trúc sư tham gia theo dõi thi công. Công việc này rất bổ ích cho người làm nghề kiến trúc sư, nhất là khi mới ra trường, bởi nó cung cấp kinh nghiệm thực tế và kiểm định hiệu quả thiết kế.
Các kiến trúc sư thuộc văn phòng thiết kế nổi tiếng của Tadao Ando có một công việc bắt buộc. Trước khi khánh thành toà nhà, họ phải đi… lau dọn công trình. Yêu cầu này để những người làm nghề kiến trúc sư vừa gắn bó với công trình, vừa xem lại kết quả thiết kế của mình, đồng thời có một sản phẩm sạch sẽ giao cho khách hàng.
- Thiết kế quy hoạch
Bắt đầu công việc, các kiến trúc sư quy hoạch thường phải đi đến các địa phương để nắm hiện trạng xây dựng: hệ thống đường sá, mạng lưới điện nước, các di sản kiến trúc; phân bố dân cư, số lượng và cấu trúc các thành phần dân số, hình thức sống, công việc của người dân địa phương v.v… Khi đi thực địa, các kiến trúc sư thường chụp ảnh, ghi chép và gặp gỡ các cơ quan, nhân vật quan trọng của địa phương để trao đổi, lấy ý kiến.
Sau đó họ vạch ra đề cương công việc, còn gọi là “Nhiệm vụ thiết kế quy hoạch”. Sau khi “Nhiệm vụ thiết kế quy hoạch” được phê duyệt, các kiến trúc sư bắt tay vào thiết kế. Phần việc này là vẽ ra các hình mẫu đô thị, hình mẫu không gian đường phố, công viên hay quảng trường v.v…
Khó nhất của công tác thiết kế là tìm ra ý tưởng của đồ án. Khi đã có ý tưởng, các kiến trúc sư bắt tay vào vẽ các mặt bằng, mặt đứng và phối cảnh, là các phương tiện thể hiện hình mẫu đô thị, không gian đô thị. Ngày nay, công đoạn này được vi tính hoá, nhưng trước khi vào máy, kiến trúc sư vẫn thường vẽ tay. Sau đó họ hoàn thành hồ sơ thiết kế và bảo vệ trước các cơ quan chức năng, lãnh đạo, chủ đầu tư. Trách nhiệm bảo vệ thiết kế thuộc về kiến trúc sư chủ trì, chủ nhiệm đồ án, đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp, cách trình bày vấn đề rõ ràng, lưu loát và hấp dẫn, có tính thuyết phục. Một chút hùng biện là điều thường thấy ở những kiến trúc sư này.
Do độ rộng và phức tạp của đồ án, các kiến trúc sư quy hoạch thường làm việc theo nhóm.
- Thiết kế kiến trúc công trình
Nếu thiết kế quy hoạch cần nhiều lao động tập thể thì thiết kế công trình đề cao năng lực cá nhân. Hình thức kiến trúc phản ảnh rõ tính cách, năng lực và “gu” thẩm mỹ của tác giả.
Dù ở quy mô nhỏ hơn, thiết kế công trình cũng qua các bước tương tự như thiết kế quy hoạch: đi thực địa, vạch đề cương công việc, phác thảo tìm ý, vẽ hình mẫu các không gian chức năng, xác định hệ kết cấu, làm việc với các kỹ sư, hoàn thành hồ sơ thiết kế và đi bảo vệ trước các bên liên quan.
Khi công trình đã được phê duyệt và bước vào giai đoạn thi công, kiến trúc sư công trình còn phải đi kiểm tra tại công trường xem bên thi công có làm đúng thiết kế không. Công việc này được gọi là giám sát tác giả.
Tìm ý và tạo hình tác phẩm là giai đoạn khó và lâu dài. Nhiều khi phải mất đến 2/3 thời gian mới có ý đồ thiết kế. Vậy là phần thời gian còn lại, kiến trúc sư phải “mở hết tốc độ”. Trong nghề gọi là “lụt” đồ án.
Thiết kế kiến trúc có cái “say” của kẻ dấn thân. Quên ăn và thức khuya, thức qua đêm là chuyện thường. Bù lại, khi tác phẩm đã hoàn thành, công trình đã được dựng lên đúng như thiết kế, kiến trúc sư thường chiêm nghiệm, suy ngẫm về hiệu quả không gian, màu sắc hay hình khối. Đó là hạnh phúc lớn của người làm kiến trúc. Vì thế mà người ta gọi công trình kiến trúc là “con đẻ” của kiến trúc sư.
- Thiết kế nội thất
Thiết kế nội thất là trang trí bên trong công trình; thiết kế, lựa chọn và bố trí các thiết bị trong nhà như: bàn ghế, giường tủ, đèn hay trang trí tường, sàn, trần nhà. Nói cách khác, nhiệm vụ của kiến trúc sư lúc này là tạo ra môi trường sống tối ưu trong không gian kiến trúc.
Hai không gian giống nhau về kích thước và hình dáng nhưng nội thất khác nhau sẽ cho ta những cảm giác sống khác nhau. Cái chật chội hay rộng thoáng, cái sang trọng thanh nhã hay diêm dúa trưởng giả, cái mộc mạc hay hào hoa… Tất cả đều được tạo ra từ tài năng của kiến trúc sư nội thất.
Kiến trúc sư nội thất tài giỏi thường rất hiểu tâm lý chủ nhà. Họ hỏi chuyện, gợi ý và tìm hiểu sở thích chủ nhà để tìm ra hình thức không gian nội thất, vật liệu thích hợp, màu sắc và vật dụng độc đáo.
Kiến trúc sư quy hoạnh nếu may mắn có thể thấy tác phẩm của mình sau 5 – 10 năm, thường thì bị thay đổi, bổ sung so với nguyên bản. Kiến trúc sư công trình có thể thấy tác phẩm sau vài tháng hoặc vài năm. Còn kiến trúc sư nội thất thì nhanh hơn: vài ngày hay một tháng, vài năm tuỳ quy mô công trình. Kiến trúc sư nội thất thường có xưởng chế tác riêng. Mẫu mã làm ngay trong xưởng.
Kiến trúc sư nội thất cũng thường là những nhà thiết kế. Nhiều kiến trúc sư nổi tiếng đã sáng tạo những chiếc ghế rất độc đáo như ghế Le Corbusier, ghế Mies Vander Rohe, ghế Mario Botta, ghế của vợ chồng Charles – Ray Eames v.v…
- Thiết kế cảnh quan
Các nước Âu – Mỹ đào tạo cả kiến trúc sư cảnh quan: thiết kế cảnh quan phong cảnh, cảnh quan đô thị hay cảnh quan chuyên biệt.
Điểm khác biệt của thiết kế cảnh quan là đối tượng và tư duy tạo hình. Cái đẹp tạo hình của cảnh quan thể hiện ở quy mô rộng, trong thế vận động.
Các điểm nhấn trong đô thị, các góc nhìn, các chuỗi hình ảnh và không gian kế tiếp nhau, các hình khối tổng thể, thảm cỏ, mặt nước, bầu trời, nền đường hay cầu vượt… đều được đưa vào bộ nhớ và suy nghĩ của kiến trúc sư thiết kế cảnh quan. Họ chính là những kiến trúc sư “nội thất” của đô thị, của môi trường sống.
So với thiết kế quy hoạch, thiết kế cảnh quan nhiều chi tiết, ít tính hệ thống, nhiều tính tạo hình. Cảnh quan thường không có giới hạn hình ảnh cụ thể, hay pha lẫn hình ảnh xung quanh ngoài phạm vi thiết kế nên kiến trúc sư phải tích cóp nhiều hình ảnh để những gì mình tạo ra hoà nhập hay nổi bật trong khung cảnh hiện có. Bên cạnh việc sắp xếp các yếu tố tạo hình cảnh quan, kiến trúc sư cũng cần có kiến thức sinh thái, thực vật học để thiết kế của mình phù hợp với môi trường thiên nhiên.
Ngoài mặt bằng, mặt cắt, để làm việc trong nghề kiến trúc sư phải vẽ rất nhiều phối cảnh để hình dung mô hình cảnh quan. Nếu làm mô hình 3D trên máy tính hay làm được “phim” thì rất tuyệt.
- Những công việc khác
Ngoài công việc chính là thiết kế, nhiều kiến trúc sư còn tham gia quản lý, giảng dạy, giám sát thi công… Với tư chất thiết kế, sáng tạo họ cũng là những nhà thiết kế thời trang, thiết kế bao bì, đồ họa đa phương tiện, nhà điêu khắc. Được đào tạo kiến thức kỹ thuật và nghệ thuật, kiến trúc sư cũng có thể là nhà nghiên cứu văn hoá, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
3. Kiến trúc sư làm việc ở đâu?
- Văn phòng tư vấn, xưởng thiết kế
Văn phòng tư vấn và xưởng thiết kế là nơi làm việc chính của kiến trúc sư. Có các văn phòng tư vấn, xưởng thiết kế thuộc doanh nghiệp nhà nước như các công ty tư vấn thuộc các Bộ, các viện.
Bạn cũng có thể làm việc tại các văn phòng tư nhân hay văn phòng của các công ty xây dựng. Sau một vài năm kinh nghiệm, khi có điều kiện, nhiều kiến trúc sư tự mình lập văn phòng thiết kế, tư vấn kiến trúc, xây dựng.
Trên tường văn phòng kiến trúc sư thường có panô căng bản vẽ, phối cảnh minh hoạ công trình, các mô hình nhà bằng bìa, gỗ hay thuỷ tinh, nhựa trong suốt… Văn phòng tư vấn thiết kế cũng tuỳ ý đồ kinh doanh mà bày biện. Nhiều khi, hình thức văn phòng trở thành mô hình trực quan cụ thể để bạn tham khảo.
Do đặc thù tổ chức và cơ chế hoạt động nên kiến trúc sư trẻ về các văn phòng tư vấn, xưởng thiết kế thuộc doanh nghiệp nhà nước thường rất lâu mới được chủ trì một công trình kiến trúc hay quy hoạch.
Trong khi đó, ở các văn phòng của những công ty, doanh nghiệp tư nhân, một phần do thiếu chuyên gia, một phần muốn để giới trẻ chủ động phát huy năng lực, các kiến trúc sư trẻ dễ có cơ hội được chủ trì kiến trúc – quy hoạch, thể hiện khả năng của mình.
Ngày nay, máy tính đã trở thành công cụ chính của người gắn bó với nghề kiến trúc sư. Tuy nhiên, bút chì, bút màu, giấy can, giấy vẽ vẫn không bao giờ thiếu trong văn phòng tư vấn thiết kế. Máy tính của kiến trúc sư dùng để làm đồ họa nên thường đòi hỏi loại mạnh hơn, dung lượng và tốc độ lớn hơn, đặc biệt là máy tính dùng cho thiết kế quy hoạch.
- Ngoài văn phòng tư vấn thiết kế
Ngoài văn phòng, người làm nghềkiến trúc sư còn làm việc ở công trường. Tại đó, cũng như mọi kỹ sư khác, kiến trúc sư sẽ có một căn phòng tạm, một chiếc bàn, bộ máy tính, thước đo và chiếc mũ bảo hiểm.
Trong thời gian đi khảo sát thực tế hay nghiên cứu điền dã, kiến trúc sư cũng làm việc ngoài văn phòng. Lúc này, bạn sẽ ở khách sạn, nhà nghỉ. Hành trang của bạn nên đơn giản, gọn nhẹ, nhưng ít nhất bạn cũng phải có một chiếc túi để mang máy ảnh, máy tính và các công cụ cần thiết khác.