www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về ngành khoa học vật liệu

Ngành Khoa học Vật liệu là gì?

Mục tiêu đào tạo: Đáp ứng sự phát triển của khoa học vật liệu mới, trong đó có khoa học và công nghệ nano được nhà nước xác định là một trong những ngành khoa học mũi nhọn của đất nước. Chương trình đào tạo cử nhân Khoa học vật liệu trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về vật lý, toán học, tin học, hoá học, khoa học và công nghệ vật liệu, đặc biệt là vật liệu điện tử nano (vật liệu từ, vật liệu bán dẫn). Sinh viên cũng được trang bị các kiến thức về khoa học công nghệ các vật liệu tiên tiến khác như hợp kim đặc chủng, vật liệu tổ hợp, vật liệu nanô, các vật liệu quang điện tử sử dụng trong nhiều lĩnh vực như sợi cáp quang, laser… những vật liệu nền tảng của cuộc cách mạng khoa học và kỹ thuật của thế kỷ 21.
 

Ngành khoa học vật liệu học những gì?

Sau khi hoàn thành các môn học thuộc chương trình kiến thức giáo dục đại cương (60 tín chỉ), sinh viên sẽ lựa chọn theo học 1 trong 3 chuyên ngành (kiến thức cơ sở nhóm ngành) như sau:

1. Vật Liệu & Linh Kiện Màng Mỏng

Mục tiêu đào tạo chính của chuyên ngành Vật liệu Màng mỏng là đào tạo các cử nhân Khoa học Vật liệu nắm vững các kiến thức, quy trình chế tạo, vận hành các thiết bị chế tạo các vật liệu mới và có tính ứng dụng cao trong đời sống.

Đồng thời, sinh viên cũng được trang bị các kiến thức cần thiết để hiểu rõ nguyên lý và cách thức vận hành các máy phân tích vật liệu mới. 

2. Bộ môn Vật liệu Polymer & Composite

Hằng năm, Bộ môn tiếp nhận hơn 50% số sinh viên từ đại cương theo học chuyên ngành. Đây là một chuyên ngành cung cấp những kiến thức cơ bản cũng như chuyên sâu về vật liệu polymer vốn dĩ ngày càng được ứng dụng trong các vật liệu phổ biến trong đời sống đến các loại vật liệu kỹ thuật cao để thay thế cho các vật liệu truyền thống từ thiên nhiên hoặc kim loại mà từ trước đến nay vẫn hay sử dụng. Bên cạnh các học phần lý thuyết, sinh viên luôn được tạo điều kiện đi kiến tập hoặc thực tập thực tế và làm seminar báo cáo tại các công ty và nhà máy gia công sản xuất vật liệu.

3. Vật Liệu Từ & Y Sinh

Trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, bên cạnh việc sử dụng và phát triển các loại vật liệu truyền thống, đòi hỏi cần nghiên cứu, phát triển về khoa học và ứng dụng công nghệ vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu Quang – Điện tử, vật liệu Từ và vật liệu Y sinh. Hiện nay, vật liệu Từ và vật liệu Y sinh đã được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán y học, chữa trị bệnh và xử lý ô nhiễm môi trường.

Khoa học về vật liệu Từ và Y sinh nghiên cứu các tính chất của vật liệu Từ và Y sinh, giải thích và làm sáng tỏ bản chất của vật liệu. Từ đó xác định được những ứng dụng của vật liệu, góp phần xây dựng và phát triển ngành công nghệ vật liệu mới ở Việt Nam.

 

Ngành khoa học vật liệu ra trường làm gì?

Triển vọng nghề nghiệp: Sinh viên ngành Khoa học vật liệu đủ năng lực làm việc ở các hãng công nghệ cao, các viện nghiên cứu, các tập đoàn kinh tế mạnh của Nhà nước, của nước ngoài, các trường đại học. Đặc biệt là sinh viên ngành này, nếu tốt nghiệp loại khá hoặc giỏi, ngoại ngữ tốt có khả năng học tập và nghiên cứu ở các nước tiên tiến như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản,… Ngoài ra, sinh viên có thể được đào tạo tiếp thạc sĩ và tiến sĩ ở trong và ngoài nước.
 

Học ngành khoa học vật liệu cần những tố chất gì?

  • Yêu thích ngành mình theo học.
  • Đam mê và say sưa với nghề.
  • Kiên nhẫn và tỉ mỉ.
  • Tập trung cao.
  • Đam mê tìm hiểu và khám phá.
  • Có tư duy tự nhiên.