www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Ngành năng lượng tái tạo được hiểu thế nào?

Những hạn chế trong việc sử dụng nguồn nhiên liệu hoá thạch đã làm nảy sinh nhu cầu phát triển năng lượng xanh. Để cứu lấy hành tinh, để cứu lấy loài người, giúp con người có thể tồn tại bền vững trên hành tinh xanh, việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh đang trở nên cấp thiết và trở thành ý thức của nhiều người. Phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo chiếm vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững của các nước. Quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là quá trình thay đổi về chính sách, cơ cấu, công nghệ từ sản xuất, tiêu thụ các nguồn năng lượng hoá thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo, bền vững. Nhu cầu và xu hướng này đã làm phát sinh ngành mới: ngành Năng lượng tái tạo (Renewable energy).

Hãy cùng tìm hiểu về ngành Năng lượng tái tạo - một ngành học có ý nghĩa sống còn với tương lai của nhân loại nhé.

1.Ngành Năng lượng tái tạo là gì

Năng lượng tái tạo (Renewable energytrái ngược với năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Chúng được tạo ra từ các nguồn hình thành liên tục, có thể coi là vô hạn như gió, mưa, ánh sáng mặt trời, sóng biển, thủy triều...

Các loại nguồn năng lượng tái tạo chính là:

  • Mặt trời
  • Thuỷ triều
  • Gió
  • Mưa
  • Sóng
  • Địa nhiệt
  • Sinh khối
  • Chất thải rắn
  • Khí bãi chôn lấp và sinh học
  • Năng lượng hidro

Đặc điểm của năng lượng tái tạo

  • Là năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm. Nhiều ứng dụng từ nguồn năng lượng này rất hữu ích, giúp tiết kiệm điện năng cho các hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp. Đó là nguồn năng lượng lớn không sợ cạn kiệt, có thể sử dụng cho nhiều nhu cầu, và địa điểm khác nhau
  • Được bổ sung một cách tự nhiên nhưng có giới hạn về dòng chảy; tài nguyên tái tạo hầu như không cạn kiệt về thời gian nhưng bị giới hạn về lượng năng lượng có sẵn trên một đơn vị thời gian.
  • Chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, cũng như độ bền cao hơn gấp nhiều lần.
  • Điểm trừ của năng lượng tái tạo là chi phí đầu tư ban đầu thường cao, hiệu suất hoạt động có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, thiên nhiên. Đòi hỏi công nghệ tiên tiến  cũng là một nhược điểm của năng lượng tái tạo

Ngành học năng lượng tái tạo là ngành học về kỹ thuật hóa học, điện và cơ khí, liên quan đến việc sản xuất, lưu trữ, quản lý và phân phối các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ngành hoc năng lượng tái tạo còn trang bị các kiến thức liên quan đến biến đổi khí hậu, chính sách phát triển bền vững, khoa học về môi trường.

2. Triển vọng của ngành Năng lượng tái tạo

Trên thế giới

  • Sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo thay thế dần cho năng lượng sử dụng hóa thạch đang diễn ra tại các quốc gia dẫn đầu nền kinh tế thế giới, càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế phải gắn liền với việc phát triển năng lượng bền vững, an toàn.
  • Theo số liệu nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), châu Âu là khu vực đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hướng đi ngành năng lượng, châu Âu đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030 và tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050, để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon năm 2050.
  • Tại Mỹ, trong nghiên cứu "Triển vọng năng lượng tái tạo" do Cơ quan Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tiến hành cho thấy, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy điện hạt nhân sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030, những nhà máy còn lại sẽ hoạt động đến năm 2050.

 

Tại Việt Nam

  • Ngay từ rất sớm, nhận thấy tầm quan trọng hàng đầu của năng lượng tái tạo, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện sự quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo một cách xuyên suốt từ Nghị quyết Đại hội lần IX của Đảng năm 2001. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2068/TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quyết định số 428/TTg ngày 18/3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện 7); Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.
  • Theo nhận định của các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có đủ nguồn năng lượng tái tạo để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững. Thống kê của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) cho thấy, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam lọt Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới.
  • Năng lượng tái tạo cũng là lĩnh vực đang thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bạn có thể xem chi tiết tại đây

3. Nhu cầu nhân lực trong ngành năng lượng tái tạo

Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA)  cho biết, năm 2012 lĩnh vực này chỉ tạo được 7,3  triệu việc làm. Đến năm 2020, năng lượng tái tạo đã tạo việc làm cho 12 triệu người, gần gấp đôi mức của năm 2012. IRENA dự đoán số người làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên thế giới sẽ lên tới 24 triệu tới năm 2030 và đây sẽ trở thành động lực chính cho các nền kinh tế trên khắp thế giới.

Thông tin chi tiết về thực trạng, xu hướng, ảnh hưởng của đại dịch đến nhân lực trong ngành năng lượng tái tạo theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) tại đây

Đến nay, tại Việt Nam, năng lượng tái tạo cũng đã từng bước tạo ra triển vọng việc làm đáng chú ý. Các doanh nghiệp sản xuất điện gió, điện mặt trời và cả doanh nghiệp sản xuất pin mặt trời, turbine gió đã và đang phát triển.  Đó là nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Bắc Giang như Vina Solar, JASolar, BoViet, nhà máy sản xuất turbine gió GE tại Hải Phòng hay các nhà máy điện gió Bạc Liêu, Bình Thuận…

Sự gia tăng các nhà máy, công trình năng lượng tái tạo đã kéo theo nhu cầu đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực có chuyên môn cho thị trường lao động ngành năng lượng tái tạo. Việc này đang tạo cơ hội đào tạo sinh viên ngành năng lượng tái tạo của  nhiều trường đại học, cũng như lao động trẻ với cơ hội việc làm cho các nhà máy, dự án đầu tư, phát tiển năng lượng tái tạo.

Theo Kịch bản Phát triển năng lượng bền vững tối ưu (ASES), ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam có thể tạo ra 700.000 việc làm mới liên quan đến lĩnh vực này trong thời gian tới. Công ty Navigos Group VN chuyên đánh giá về thị trường tuyển dụng lao động cũng đánh giá  nhu cầu tiêu thụ điện cho sản xuất và sinh hoạt không ngừng tăng cao ở Việt Nam. Với tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, thị trường lao động trong ngành điện, năng lượng hứa hẹn sẽ khởi sắc. (GS.TS Nguyễn Thế Mịch – Đại học Bách khoa Hà Nội , tháng 8/2017)

4. Việc làm ngành năng lượng tái tạo

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành năng lượng tái tạo có thể làm việc trong ngành năng lượng, ngành điện (ví dụ như Tập đoàn điện lực Việt Nam), các cơ quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, có  nhiều cơ hội làm việc cho các công ty nước ngoài đầu tư các dự án về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng tái tạo sạch tại Việt Nam, hoặc nhận được các học bổng du học về năng lượng tái tạo…

Các vị trí

  • Kỹ thuật viên năng lượng mặt trời
  • Quản lý / Kỹ sư xây dựng năng lượng mặt trời
  • Kỹ sư nhiên liệu
  • Kỹ thuật viên Kỹ thuật Môi trường
  • Kỹ sư kiến ​​trúc / Quản lý
  • Kỹ sư hoá học
  • Kỹ thuật viên hạt nhân
  • Kỹ sư vật liệu
  • Nhà địa chất học
  • Quản lý trang trại gió
  • Chuyên viên phân tích tài chính
  • Tư vấn năng lượng tái tạo

Thuận lợi:

  • Xu hướng phát triển mạnh trên thế giới, được định hướng phát triển tại Việt Nam dẫn đến nhu cầu nhân lực hiện tại và tương lai tăng cao.
  • Nhiều cơ hội việc làm: Nhu cầu này dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, vì vậy bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực này là một ý tưởng tuyệt vời. Nghề nghiệp này cũng có nhiều cơ hội việc làm ở nước ngoài với nhu cầu ngày càng tăng ở Nam Mỹ và Châu Á. Chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ mang lại sự đảm bảo việc làm.
  • Nhiều lựa chọn nghề nghiệp: với nhiều vị trí, chuyên ngành khác nhau.
  • Đây là ngành mang lại lợi ích cho môi trường: Sự nghiệp trong lĩnh vực này sẽ giúp bạn góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Khó khăn:

  • Ngành học mới, còn khá non trẻ, có sở vật chất-  trang thiết bị thực tập phục vụ đào tạo còn hạn chế, hạn chế trong kết nối thực hành tại các cơ sở ngoài thực tiễn, chương trình giảng dạy chưa thực sự đa dạng và phong phú.

5. Kiến thức, kỹ năng cần có để thành công trong ngành Năng lượng tái tạo 

  • Trình độ công nghệ
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt
  • Kỹ năng tổ chức
  • Kỹ năng lãnh đạo
  • Kỹ năng giao tiếp
  • Kỹ năng nghiên cứu
  • Có kinh nghiệm tương tác với các nhóm dân cư đa dạng
  • Kỹ năng hợp tác nhóm
  • Khả năng làm việc độc lập
  • Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin
  • Kỹ năng tư duy logic

Theo Hướng nghiệp, sinh viên trong quá trình học cần rèn luyện tiếng Anh vì các kiến thức, tài liệu đa số được viết bằng tiếng Anh. Ngoài ra, sinh viên  nên tìm cơ hội thực tập, kiến tập giới thiệu hoặc tự kết nối với tạo các tổ chức, tập đoàn lớn hoạt động trong ngành  năng lượng tái tạo... thì sẽ có được kỹ năng, được định hướng tốt hơn rất nhiều.

6. Sinh viên ngành Năng lượng tái tạo học những gì

Học ngành Năng lượng tái tạo, sinh viên được được cung cấp các kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên (toán, lý, hóa), kiến thức cơ sở nền tảng như kỹ thuật điện, điều khiển, và năng lượng. Các nội dung chính sinh viên được học tập và nghiên cứu gồm: 

  • Các môn khoa học cơ bản: Toán, lý, hóa, tin học kỹ thuật ; Các môn kỹ thuật cơ sở nền tảng  như: Kỹ thuật điện, điện tử, điều khiển, nhiệt, thủy lực
  • Các môn chuyên ngành tập trung vào điện, điều khiển, vận hành các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối), lập và quản lý dự án,…
  • Các môn học tiêu biểu: Nhiệt động học và Truyền nhiệt, hệ thống nhiệt lạnh, lưới điện và nguồn phân tán, điện gió và ứng dụng, điện mặt trời và ứng dụng, thiết bị biến đổi điện năng, pin nhiêu liệu, tiết kiệm nhiên liệu, điều khiển lập trình, năng lượng Hybrid, năng lượng sinh khối, hệ thống công nghiệp và quản lý dự án điện, nhà máy nhiệt điện...