www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nhà ngoại giao

Không chỉ là một ngành nghề, ngoại giao còn là khoa học và nghệ thuật. Vì thế không dễ đưa ra một cách hiểu thật đơn giản và chính xác về lĩnh vực này. Nhà ngoại giao – người làm ngoại giao cũng vô cùng toàn năng: vừa am hiểu chính trị, vừa thông thạo ngoại ngữ, lập luận phải luôn rõ ràng, mặt khác vẫn vô cùng lịch thiệp, phong cách.

1.Nhà ngoại giao là ai?

Trước tiên, sao bạn không thử nghe những nhà ngoại giao nổi tiếng định nghĩa về ngoại giao nhỉ?

“Ngoại giao, đó là việc tiến hành những quan hệ quốc tế bằng cách đàm phán, đó là cách mà các đại sứ, công sứ… dùng để điều chỉnh và tiến hành những quan hệ này. Đó là công tác hoặc là nghệ thuật của nhà ngoại giao?

(Nhà ngoại giao nổi tiếng người Anh Harold Nicolson)

“Ngoại giao là sự áp dụng trí tuệ và lịch thiệp vào việc tiến hành những quan hệ chính thức giữa các chính phủ các nước độc lập và đôi khi cả giữa những nước ấy với các nước chư hầu của họ”.

(Nhà ngoại giao E. Stow, tác giả cuốn Ngoại giao thực hành)

Cả hai định nghĩa trên tuy có khác nhau ít nhiều nhưng đều giống nhau ở một số điểm: đều đề cập đến các mối quan hệ quốc tế, coi đàm phán là một phương pháp điều chỉnh những quan hệ đối ngoại v.v…

 

Nói một cách giản dị hơn, bạn có thể hiểu ngoại giao là một trong những cách các nước phấn đấu để sinh tồn trên thế giới. Theo đó, các nước tìm cách bảo đảm sự có mặt đại diện của mình (nhà ngoại giao) tại những địa bàn cần thiết. Sau đó, thông qua quan sát, tìm hiểu, các nhà ngoại giao sẽ báo cáo về những tình hình liên quan đến quyền lợi nước mình; dùng đàm phán và các hình thức đấu tranh khác để phát triển quan hệ, bảo vệ an ninh đối ngoại của đất nước, xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của nước mình, phát huy ảnh hưởng trên thế giới.

Hiện nay, hầu hết các nước đều đã độc lập, xu thế phát triển và toàn cầu hóa chiếm ưu thế, nên ngày càng nhiều nước chủ trương thúc đẩy hòa bình, hữu nghị và ngoại giao đa phương (có quan hệ với nhiều nước).

2. Nhà ngoại giao làm gì?

Nhìn chung, phụ thuộc vào từng chức năng, vị trí cụ thể, các nhà ngoại giao sẽ thực hiện những công việc chính dưới đây:

– Tham gia tiếp xúc và đàm phán ngoại giao.

– Soạn thảo các công văn và văn kiện ngoại giao.

– Tìm hiểu, nghiên cứu tình hình các nước và tình hình thế giới, đề xuất ý kiến, đóng góp vào chiến lược ngoại giao chung của đất nước.

– Tiến hành công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại.

– Thực hiện công tác lãnh sự, bảo vệ quyền lợi kiều dân ở nước ngoài.

– Làm công tác lễ tân: sắp xếp và tiến hành việc thăm hỏi, chúc mừng, chia buồn, tổ chức tham quan, tổ chức chiêu đãi (địa điểm, thực đơn, bố trí bàn ăn, sắp xếp chỗ ngồi cho đúng ngôi thứ, v.v…).

 
  • Trong đại sứ quán

 Cán bộ ngoại giao làm việc ở các đại sứ quán gồm các chức danh:

Đại sứ: Là đại diện cao nhất của Nhà nước và Chính phủ, có trách nhiệm chỉ huy mọi bộ phận trong đại sứ quán. Đại sứ đặc biệt quan tâm đến việc phát triển quan hệ với nước sở tại.

Công sứ: Ở các đại sứ quán lớn thường có thêm công sứ giúp việc cho đại sứ. Công sứ là người đứng thứ hai sau đại sứ.

Tham tán: Là người giúp việc cho đại sứ. Ở những nước không có công sứ, tham tán trở thành nhân vật thứ hai sau đại sứ.

Bí thư thứ nhất: Là cán bộ phụ trách một phần công việc của đại sứ quán như phòng hành chính quản trị, lễ tân, lãnh sự v.v…

* Bí thư thứ hai: Giúp việc cho bí thư thứ nhất và tham tán. Tuy nhiên, ở một số đại sứ quán, cũng có trường hợp bí thư thứ hai được phụ trách một phòng hoặc bộ phận (lãnh sự, lễ tân, quản trị, văn phòng v.v…).

Bí thư thứ ba: Giúp việc cho tham tán, bí thư thứ nhất hoặc bí thư thứ hai.

Tuỳ viên: Thường là những cán bộ ngoại giao mới ra trường, làm trợ lý trong các bộ phận chính trị, báo chí, văn hóa, lãnh sự hoặc phụ trách lễ tân v.v…

Tuỳ viên cũng có thân phận, đặc quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao như mọi cán bộ ngoại giao khác, gồm: Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, trụ sở, nhà ở, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc, hồ sơ tư liệu; quyền miễn trừ bắt bớ, xét xử, thuế, hải quan, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự v.v…

  • Trong lãnh sự quán

Cán bộ lãnh sự quán gồm có tổng lãnh sự, lãnh sự, phó lãnh sự. Nhiệm vụ cơ bản của cán bộ lãnh sự là bảo vệ quyền lợi kiều dân, thúc đẩy quan hệ thương mại và giải quyết các tranh chấp liên quan về thương mại, thương thuyền, kiều dân. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ phận lãnh sự cũng tham gia vào công tác nghiên cứu tình hình nước sở tại.

Ngoài ra, bạn còn có thể nghe nói tới các chức danh như: đại biện, đại biện lâm thời. Ở những nước chưa có đại sứ, đại biện được bổ nhiệm, phụ trách quan hệ ngoại giao với nước sở tại. Đại biện lâm thời là người thay đại sứ khi đại sứ đi vắng. Vị trí đại biện lâm thời thường được giao cho người có vị trí thứ hai trong đại sứ quán sau đại sứ.

3. Nhà ngoại giao làm việc ở đâu?

Ngày nay, mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, theo bất cứ chế độ chính trị nào đều có các cơ quan chuyên trách về công tác đối ngoại, bao gồm:

– Các cơ quan đối ngoại ở cấp trung ương.

– Các cơ quan đối ngoại ở một số địa phương trong nước. Chẳng hạn Việt Nam có Sở Ngoại vụ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh.

– Các cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Các cơ quan ngoại giao của mỗi nước thường có ba nhiệm vụ chủ yếu sau:

  1. Bảo vệ an ninh đối ngoại của đất nước: Tăng bạn, bớt thù.
  2. Xây dựng một môi trường quốc tế thuận lợi để nước mình có thể phát triển về các mặt, và đó chủ yếu là môi trường hòa bình, thiện chí, hữu nghị.
  3. Phát huy ảnh hưởng của nước mình trên thế giới.

Nhiệm vụ của đại diện ngoại giao là: Đại diện cho nước mình (bằng sự có mặt và tham gia của mình); quan sát, báo cáo (cho chính phủ mình) và đàm phán, ký kết.

  • Cơ quan đối ngoại cấp trung ương: Các cơ quan quan hệ đối ngoại trung ương ở tất cả các nước được chia làm hai loại: Cơ quan chính trị do hiến pháp quy định và cơ quan chuyên môn.

*Cơ quan chính trị do hiến pháp quy định thông thường bao gồm nguyên thủ quốc gia (cá nhân hoặc tập thể), Chính phủ và Thủ tướng, Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Chính phủ là cơ quan chính trị do hiến pháp quy định, có chức năng lãnh đạo chính trị chung trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại.

Bộ Ngoại giao là cơ quan thực thi đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước, Chính phủ. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng có nhiệm vụ đề xuất với Nhà nước, Chính phủ về các công việc đối ngoại.

 

* Cơ quan chuyên môn có tính chất công ước

Trong hệ thống tổ chức bộ máy đối ngoại của Nhà nước, có những cơ quan được tổ chức và hoạt động trên cơ sở những hiệp ước, hiệp định quốc tế, hoặc trên cơ sở tập quán, truyền thống được hình thành và thừa nhận trong quan hệ quốc tế. Những cơ quan đó được gọi là các cơ quan chuyên môn có tính chất công ước và tổ chức theo ngành dọc, trực thuộc các Bộ, ngành chuyên môn.

Ngoài ra, còn có một số viện chuyên nghiên cứu cơ bản về tình hình thế giới và xây dựng các chiến lược ngoại giao dài hạn. Chẳng hạn Việt Nam có Viện Quan hệ Quốc tế, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á v.v…

  • Cơ quan đại diện đại nước ngoài

Các cơ quan ngoại giao hoạt động ở nước ngoài gồm hai loại: Cơ quan đại diện thường trú và cơ quan đại diện lâm thời

Cơ quan đại diện thường trú

Đây là các cơ quan hàng ngày làm công tác ở nước ngoài, đại diện cho quyền lợi quốc gia, quyền lợi của dân tộc, công dân mình trên đất nước sở tại.

Ngoài ra, còn có cơ quan đại diện thường trú tại Liên Hợp Quốc và đại diện thường trú tại các tổ chức quốc tế khác.

* Cơ quan đại diện lâm thời

Đúng như tên gọi của mình, cơ quan đại diện lâm thời là các đoàn đại biểu, các đại diện, đặc phái viên được cử ra nước ngoài hoạt động trong một thời gian nhất định. Đó cũng có thể là các quan sát viên ở những hội nghị quốc tế, ủy ban quốc tế, các đại diện cá biệt được cử đi dự các ngày lễ nhà nước, đăng quang, quốc tang v.v…