Tìm hiểu về nghề đầu bếp
Này kẻ có tâm hồn ăn uống, bạn có muốn một công việc “hot” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng không? Nếu có, tại sao không thử mình với nghề đầu bếp?
Nhiều người ví von nghề đầu bếp là một nghề “sung sướng” bởi “mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu”, lại không bao giờ sợ… đói! Công việc này quả thực có lãng mạn và nên thơ nhờ sự sáng tạo, tinh tế trong từng cử chỉ, nhưng sự nhàn hạ không bao giờ xuất hiện trong nghề này. Nghề đầu bếp lúc nào cũng “hot” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: Công việc vất vả trong căn bếp nóng nực, song lúc nào cũng thu hút những người có đam mê, yêu ẩm thực và có mong muốn phát triển trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch.
Nghề đầu bếp làm gì?
Là những người nấu ăn chuyên nghiệp, công việc của người làm nghề đầu bếp không hề đơn giản với hàng loạt các quy chuẩn khắt khe trong ngành.
Họ là người trực tiếp chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, vật dụng, thiết bị nấu ăn cần dùng trong quá trình chế biến. Nhiều đầu bếp bắt đầu một ngày của mình bằng việc lựa chọn những nguyên vật liệu tươi ngon ngay tại các chợ đầu mối. Kết thúc ngày làm việc của họ luôn là việc làm vệ sinh các đồ dùng nấu nướng, khu vực nấu ăn. Thậm chí có người còn nói rằng gọn gàng và tinh tươm là bài học vỡ lòng đầu tiên cho các đầu bếp. Trong suốt quá trình nấu ăn, họ luôn xắn tay áo, lăm lăm giẻ lau và xử lý nhanh chóng những chiếc đĩa bẩn trước khi chúng kịp tạo nên đống lộn xộn.
Trong những nhà hàng đông đúc, các đầu bếp thường phải phối hợp với nhau để hoàn thành danh sách dài các món ăn được thực khách yêu cầu. Phương châm của họ luôn là nhanh nhẹn và chuẩn xác. Lột vỏ tỏi thật nhanh chóng, cắt khoai một cách hoàn hảo, di chuyển, làm việc, ghi nhớ xem còn bao nhiêu phút nữa để lấy thịt trong lò nướng ra, đảo đều tay chiếc nồi to trên bếp, tỉ mẩn trình bày món ăn đẹp mắt… Khu vực bếp ăn chính là nơi họ liên tục học hỏi những kỹ thuật mới, vượt qua bản thân mình và không ngừng sáng tạo.
Đầu bếp làm việc ở đâu?
Đầu bếp làm việc theo ca, bao gồm cả ngày cuối tuần và ngày lễ theo yêu cầu của thực khách. Công việc của nghề đầu bếp đôi khi khá căng thẳng và bận rộn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm trong ngày hay các dịp lễ tết, các sự kiện đặc biệt như hội nghị, tiệc chiêu đãi v.v…
Người đầu bếp có tài có thể làm việc ở rất nhiều nơi: trong khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ, quán cà phê, bệnh viện, các trường nội trú, các cơ quan, đơn vị… Với kinh nghiệm và tài năng, nhiều người tự mở nhà hàng kinh doanh cho mình. Có một số vị trí đặc biệt dành cho các đầu bếp: Họ là đầu bếp riêng cho một số nhân vật danh tiếng, các nguyên thủ quốc gia, ngôi sao ca nhạc hoặc những ông trùm giàu có. Những người này ngoài công việc nấu ăn thông thường còn kết hợp với các chuyên gia dinh dưỡng để tạo ra những bữa ăn khoa học và chất lượng nhất.
Một nơi làm việc nữa dành cho các đầu bếp là… trường quay. Họ xuất hiện trong các chương trình nấu ăn trên truyền hình, các chương trình truyền hình thực tế. Đôi khi họ cũng viết sách về nấu ăn, hoặc làm việc trong các tạp chí ẩm thực nổi tiếng.