www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nhà phục chế

Bạn là một người đam mê lịch sử và muốn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà cụ thể là lưu giữ những công trình kiến trúc, những tác phẩm nghệ thuật .. mà người đời xưa tạo nên và truyền lại cho hậu thế thì nhà phục chế quả thật là một lựa chọn tuyệt vời cho bạn. 

  1. Nhà phục chế là ai?

Họ là những “hiệp sĩ” bảo vệ các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật khỏi sự phá hoại của thời gian, môi trường, con người, thiên tai, hỏa hoạn v.v…

Không chỉ vậy, với kiến thức và kỹ năng của mình, nhà phục chế còn là người khôi phục lại hình ảnh ban đầu của những cổ vật, các công trình cổ xưa được khai quật từ lòng đất. Công việc của nhà phục chế bởi vậy thường có mối liên hệ sâu sắc với các nhà khảo cổ.

Các cổ vật, công trình, tác phẩm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật v.v…, tức là tất cả những gì cần đến bàn tay của nhà phục chế, được gọi đơn giản là đối tượng phục chế. Bạn hãy làm quen với thuật ngữ này.

 
  • Phục chế = Nghệ thuật + Khoa học + Tâm linh

Xét về mặt bản chất, nghề phục chế được đặc trưng bởi ba yếu tố dưới đây:

Một phần nghệ thuật

Một phần khoa học

Một phần tâm linh

Một phần nghệ thuật bởi nhà phục chế thường xuyên phải làm việc với các tác phẩm, công trình nghệ thuật. Họ phải hiểu thấu vẻ đẹp, chiều sâu tư tưởng của tác phẩm, công trình để khôi phục lại chúng.

Một phần khoa học bởi nhà phục chế làm việc bằng các kỹ thuật và phương pháp khoa học. Họ phải nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ mới về công nghệ vào công tác phục chế.

Một phần tâm linh bởi nhà phục chế thường xuyên phải làm việc với những cổ vật, công trình, tác phẩm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cổ xưa. Họ không chỉ tái tạo lại một vật thể mà cả linh hồn của chúng và phần quá khứ xa xưa mà chúng lưu giữ.

Công việc của các nhà phục chế bao gồm việc gìn giữ, phục chế, chăm sóc và nghiên cứu các tác phẩm, công trình nghệ thuật cũng như các cổ vật, công trình lịch sử v.v… Là những chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực này, họ còn thực hiện cả việc tư vấn cho những ai có nhu cầu (một viện bảo tàng, một phòng triển lãm, một tổ chức hay đơn giản chỉ là một cá nhân đang sở hữu một bộ sưu tập).

Nhà phục chế phải có khả năng nắm bắt đối tượng phục chế dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Họ biết tổng hợp một cách có phương pháp, biết đánh giá các kết quả nghiên cứu để sau đó cân nhắc xem những phương án bảo tồn nào là cần thiết. Bởi vậy, sự hợp tác giữa các nhà phục chế và các nhà khoa học khác là rất cần thiết.

Nguyên tắc cơ bản đầu tiên của công việc này là tôn trọng hoàn toàn nguyên bản.

Chẳng hạn như trong việc phục chế một tác phẩm nghệ thuật, nhà phục chế phải cảm nhận được ý đồ gốc của nghệ sĩ sáng tạo ra công trình, tác phẩm đó. Họ nắm bắt được ý tưởng nghệ thuật này, trên cơ sở đó đưa ra các biện pháp xử lý. Trong mọi trường hợp, nhà phục chế phải tránh sự sáng tạo cá nhân trong tác phẩm, công trình được phục chế. Điều này có nghĩa là nhà phục chế phải lệ thuộc vào tác phẩm ban đầu.

Cùng với công việc hàng ngày bên đối tượng phục chế, nhà phục chế còn tham gia vào nhiều phần việc khác như: Chăm sóc và bảo dưỡng định kỳ, trông nom các khu triển lãm, chỉ đạo, tư vấn về công tác vận chuyển v.v…. Việc bảo quản, trông nom đúng phương pháp giúp tránh cho đối tượng tránh khỏi bị hư hỏng và phải can thiệp sau này.

2. Nhà phục chếlàm gì?

  • Ghi chép, nghiên cứu và phân tích

Bạn còn nhớ nguyên tắc cơ bản đầu tiên của các nhà phục chế chứ? Đó là phải đảm bảo không làm thay đổi đặc điểm, giá trị của cổ vật, công trình, tác phẩm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Để làm được điều ấy, việc có một kiến thức chính xác về đối tượng phục chế và các đặc trưng, đặc tính của nó là vô cùng cần thiết.

Bởi vậy, trước khi tiến hành duy tu, nhà phục chế phải quan sát, nghiên cứu và ghi chép đầy đủ những đặc điểm về mặt lịch sử, công nghệ chế tạo của đối tượng phục chế. Trong phần việc này, nhà phục chế thường hợp tác chặt chẽ với nhiều nhà khoa học và nhà chuyên môn thuộc những lĩnh vực khác nhau.

 

Chẳng hạn khi nghiên cứu một tượng đài, nhà phục chế làm việc với các nhà lịch sử nghệ thuật, nhà chăm sóc tượng đài, kiến trúc sư, nhà khoa học tự nhiên v.v…

Vậy cụ thể nhà phục chế nghiên cứu, phân tích và ghi chép những gì?

* Ghi lại tất cả những gì có thể nhận ra bằng mắt thường trên đối tượng phục chế. Công việc này được các nhà phục chế gọi là ghi nhận đối tượng phục chế

* Nghiên cứu nguyên vật liệu của đối tượng phục chế (cấu trúc và thành phần cấu tạo)

* Nghiên cứu các kỹ thuật thủ công và tạo hình được dùng để làm ra đối tượng

* Tổng hợp lại tất cả các giai đoạn lịch sử mà đối tượng phục chế đã trải qua

* Nghiên cứu các quá trình lão hóa tự nhiên và sự xuất hiện lão hóa của đối tượng phục chế

* Xác định tình trạng bảo tồn đã được áp dụng cho đối tượng trong thời gian qua

* Xác định chi tiết các hư hỏng phát hiện được (hình dạng hư hỏng, độ hư hỏng)

* Xác định nguyên nhân của những hư hỏng đó

* Tìm ra các yếu tố ảnh hưởng tới đối tượng phục chế

* Lấy mẫu để tiến hành những phân tích khoa học sâu hơn

Trong quá trình nghiên cứu này, nhà phục chế nhờ đến các kỹ thuật, công nghệ hiện đại và các phương pháp nghiên cứu khoa học. Những công cụ hỗ trợ kỹ thuật quan trọng là kính hiển vi, các phương pháp phân tích bằng tia cực tím, tia hồng ngoại hay tia X quang v.v…

Kính hiển vi cho thông tin chi tiết hơn

Nhà phục chế sử dụng kính hiển vi và các phương tiện kỹ thuật hiện đại khác “tách” từng phần đối tượng phục chế. Qua đó, họ xác định được mức độ thay đổi, hư hỏng cũng như các nhân tố gây ảnh hưởng xấu đến đối tượng. Chỉ sau khi bóc tách đối tượng cần phục chế một cách chi tiết như vậy, nhà phục chế mới có thể đưa ra quyết định chính xác cho biện pháp trùng tu và phục chế cần thiết.

  • Khởi thảo các phương pháp phục chế và trùng tu

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, nhà phục chế lên kế hoạch về phương pháp phục chế trùng tu có khả năng gìn giữ tác phẩm một cách tốt nhất. Để phương pháp mình đưa ra thực sự khả thi, nhà phục chế lúc này thường thảo luận kỹ lưỡng với những người chịu trách nhiệm về đối tượng phục chế hoặc người sở hữu đối tượng đó (cá nhân hoặc tổ chức).

Trong kế hoạch này, nhà phục chế sẽ giải quyết những điểm chính sau:

* Khắc phục hư hỏng và phòng tránh hư hỏng như thế nào?

* Xác định sự cần thiết, mục đích và phạm vi phục chế

* Cách thức và các phương pháp phục chế cần thiết

* Trình bày cụ thể các phương pháp phục chế (kỹ thuật và vật liệu)

* Tính toán thời gian và các phí tổn đi kèm

* Các dụng cụ, máy móc và biện pháp kỹ thuật xử lý cho từng phương pháp cụ thể

  • Tiến hành các phương pháp phục chế

Sau giai đoạn nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như thống nhất được kế hoạch với những người có liên quan như chủ sở hữu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư, v.v…, nhà phục chế lúc này thực hiện các biện pháp phục chế cụ thể. Đây chính là lúc cần đến kỹ năng nghề nghiệp, đôi bàn tay khéo léo và cả sự nhẫn nại của người làm phục chế.

Tùy thuộc vào đối tượng phục chế là gì, tình trạng của nó như thế nào, kế hoạch phục chế ra sao, phí tổn cho phép là bao nhiêu v.v…, nhà phục chế có thể sử dụng một trong số những biện pháp sau đây:

* Giữ nguyên, gia cố đối tượng. Với biện pháp này, nhà phục chế gia cố các đối tượng phục chế đã bị xuống cấp hoặc hư hỏng về chất liệu, làm cho chúng trở nên chắc chắn và ổn định.

* Loại bỏ các chất gây hại có trên đối tượng, làm sạch đối tượng

* Lấy đi các chất bổ sung, các lớp vỏ bao bọc, các lớp bề mặt (đặc biệt trong các tác phẩm hội họa, như trường hợp những bức bích họa của Michelangelo ở Nhà thờ Sistine -Roma)

* Tiến hành các kỹ thuật về liên kết vật liệu, cân bằng độ căng và độ biến dạng của đối tượng

* Bổ sung và định dạng lại (trong khả năng có thể) các chi tiết bị thiếu của đối tượng

* Xử lý bề mặt, tạo lớp bề mặt cho đối tượng

* Kiểm tra và chống các vi sinh vật gây hư hại cho đối tượng

v.v…

Khi phục chế tác phẩm nghệ thuật, dụng cụ thủ công của nhà phục chế thường là dao chuyên dụng, bay, bút lông mịn, chất màu và chất làm tan v.v… Ngoài ra còn các hóa chất như thuốc diệt nấm v.v…

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là những thành tựu về hóa học và vật lý học đã giúp nhà phục chế có được các chất liệu mới để liên kết những bộ phận bị tách rời của đối tượng lại với nhau hay bổ sung các chất để gia cố chất liệu ban đầu của đối tượng.

  • Lập tài liệu về đối tượng phục chế

Trong quá trình nghiên cứu và xử lý đối tượng phục chế, nhà phục chế thường tổng kết lại những tài liệu (bằng hình ảnh và bằng lời) về đối tượng đó.

Tài liệu của nhà phục chế chính là căn cứ giúp những người chịu trách nhiệm có thể quyết định về phương pháp bảo tồn, phục chế hợp lý sau này. Trong tài liệu này, nhà phục chế chỉ ra tất cả các biện pháp đã được thực hiện. Đồng thời, tài liệu cũng lưu giữ những kinh nghiệm và kiến thức thu nhận được trong quá trình làm việc thực tế với đối tượng bảo tồn.

Cụ thể, trong phần tài liệu của mình, nhà phục chế đề cập đến những vấn đề chính như:

* Các kết quả khảo sát và nghiên cứu

* Trạng thái, tình trạng của đối tượng trước khi phục chế

* Kế hoạch bảo tồn, kế hoạch phục chế

* Các vật liệu và biện pháp được áp dụng

* Những kiến thức thu nhận được liên quan tới công việc

* Các minh họa bằng ảnh hoặc bản vẽ về các trạng thái của đối tượng trước, trong và sau khi phục chế

* Cách sắp đặt, giữ gìn trong kho, phương pháp chăm sóc và bảo quản đối tượng sau khi phục chế

  • Chăm sóc, bảo quản và các biện pháp phòng ngừa

Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ phục chế, công việc của nhà phục chế chưa kết thúc. Các đối tượng phục chế vẫn cần được bảo quản và chăm sóc liên tục. Bởi vậy, có nhà phục chế cả đời chỉ chuyên làm việc với một vài cổ vật, tác phẩm, công trình lịch sử, văn hóa nghệ thuật.

Bạn có thể hiểu chăm sóc ở đây nghĩa là thường xuyên kiểm tra những tác động của môi trường tới đối tượng, đồng thời thiết lập những biện pháp giữ gìn, bảo tồn các chất liệu của đối tượng v.v…

Nhà phục chế không chỉ chú ý tới bản thân đối tượng phục chế mà còn phải quan sát môi trường nơi đối tượng đó được lưu giữ. Họ chịu trách nhiệm về những điều kiện tốt nhất cho việc cất giữ đối tượng như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng tại nơi bảo quản v.v…

Trong việc chăm sóc và gìn giữ các cổ vật, đặc biệt là các công trình, tác phẩm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thì quan sát các điều kiện khí hậu là điểm cơ bản. Ít yếu tố nào có thể gây hư hỏng cho một cổ vật, công trình, tác phẩm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nhanh như sự thay đổi về độ ẩm. Bởi vậy, công việc trước hết của các nhà phục chế là bảo vệ đối tượng

Với việc quan sát liên tục, nhà phục chế nhận biết kịp thời hư hỏng mới, giúp tránh những thiệt hại lớn. Công việc cụ thể của anh ta lúc này là:

* Lập các kế hoạch chăm sóc và bảo tồn

* Kiểm tra khí hậu, ánh sáng và các tác động khác của môi trưởng

* Kiểm tra các biện pháp phục chế đã được thực hiện

* Tránh những tác động có thể gây hư hại cho đối tượng.

* Quyết định về những biện pháp tức thời để bảo vệ đối tượng khi có những tình huống bất ngờ xảy ra

* Lập kế hoạch cũng như đề ra các cách thức hành động khi thay đổi địa điểm bảo quản

* Chỉ đạo, giám sát việc vận chuyển

  •  Tư vấn về bảo quản và phục chế

Đây là công việc thường xuyên của các nhà phục chế. Họ trả lời những câu hỏi như:

Làm thế nào để giữ gìn cổ vật, các công trình, tác phẩm lịch sử, văn hóa nghệ thuật, tránh các hư hại không đáng có? Phải xử lý ra sao trong các trường hợp hư hại cụ thể? Và còn vô vàn câu hỏi khác.

Ví dụ bạn đang giữ trong tay một cổ vật (chiếc bình từ thế kỷ XV chẳng hạn) và bạn tới gặp một chuyên gia phục chế. Qua nhiều thông tin mà nhà phục chế có được từ tác phẩm, anh ta bắt tay vào các công việc có tính chất tư vấn và giám định gồm:

* Đánh giá tình trạng hư hỏng

* Đánh giá biện pháp phục chế đã được thực hiện trên chiếc bình đó (nếu có)

* Đưa ra ý kiến về các biện pháp và phương tiện phục chế cần thiết

* Đánh giá về điều kiện khí hậu, môi trường ảnh hưởng lên chiếc bình của bạn v.v…

  •  Tư vấn về vận chuyển

Để tiện lợi cho nghiên cứu cũng như trưng bày, triển lãm, các cổ vật, tác phẩm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thường xuyên phải thay đổi địa điểm. Chúng được vận chuyển từ nơi khai quật về phòng thí nghiệm, rồi từ phòng thí nghiệm về viện bảo tàng, từ viện bảo tàng ra phòng triển lãm v.v… Và còn nhiều hành trình khác.

Trong khi đó, việc thay đổi địa điểm khiến hầu hết các cổ vật, tác phẩm lịch sử, văn hóa, nghệ thuật phải chịu những ảnh hưởng ngoài ý muốn. Môi trường khí hậu thay đổi cũng như tác động cơ học có thể làm hỏng chúng. Mỗi đối tượng do đặc thù về hình dáng, chất liệu v.v… lại cần các điều kiện vận chuyển riêng.

Người thực hiện việc vận chuyển đương nhiên không thể biết hết được các điều kiện cần thiết. Vậy là lại cần đến nhà phục chế. Việc vận chuyển chỉ có thể được thực hiện khi tình trạng của đối tượng được nhà phục chế cho phép. Thường thì trước khi vận chuyển, người ta phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa đặc biệt để không gây hư hỏng đến các phần của đối tượng. Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, đối tượng phải được đóng gói tốt và an toàn để không gây hư hại nào cả.

  •  Nghiên cứu

Không chỉ làm việc trực tiếp với những đối tượng phục chế, các nhà phục chế còn liên tục tiến hành công tác nghiên cứu. Qua những nghiên cứu này, họ không ngừng nâng cao kiến thức cho mình.

Ngược lại với trước đây, thường làm việc theo kinh nghiệm truyền lại qua các đời, nhà phục chế ngày nay hoạt động dựa trên căn cứ khoa học và tiến bộ về công nghệ. Bởi vậy, việc nâng cao, cập nhật những kiến thức khoa học, kỹ thuật có liên quan luôn tác động trực tiếp đến phương pháp làm việc cũng như hiệu quả công việc của nhà phục chế, giúp anh ta tác nghiệp tốt hơn. Các nghiên cứu của nhà phục chế tập trung vào một số hoạt động chính sau:

* Tham khảo những tài liệu lịch sử về kỹ thuật và phương pháp phục chế

* Nghiên cứu các kỹ thuật phục chế truyền thống

* Nghiên cứu các nguyên nhân gây ra hiện tượng lão hóa của đối tượng, cũng như những nguyên nhân gây hư hỏng

* Tiếp tục triển khai, thử nghiệm và đánh giá các thiết bị và phương pháp mới

v.v…

3. Nhà phục chế làm việc ở đâu?

Nhà phục chế có địa chỉ làm việc khá đa dạng. Trước hết, trong lĩnh vực này, bạn có thể công tác ở những viện bảo tàng, trung tâm di tích tại các địa phương trong cả nước, các cơ sở bảo tồn, cơ quan, hiệp hội liên quan đến bảo tồn, phục chế v.v… Ở đâu có các công trình, di tích văn hóa, lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật lâu đời, ở đó cần đến nhà phục chế.

Thực tế, một tỉ lệ rất lớn những nhà phục chế nước ngoài làm việc trong xưởng phục chế tư của mình. Thông thường, một nhóm các nhà phục chế sẽ lập ra một xưởng phục chế tư và làm việc theo các đơn đặt hàng.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, rất nhiều công trình, tác phẩm văn hóa nghệ thuật đòi hỏi đến tài năng của những nhà phục chế chuyên nghiệp. Trong khi đó, số người làm nghề này tại nước ta chưa nhiều. Bởi vậy, bạn hầu như chẳng phải lo lắng gì về việc mình sẽ làm việc ở đâu khi bước chân vào ngành này. Điều cốt yếu là bạn phải có ý thức học hỏi và trau dồi nghiệp vụ. Tất nhiên, cơ hội vẫn nằm ở chính tài năng và sự nỗ lực của bản thân bạn.

4. Nhà phục chế học những gì?

Ở Việt Nam chưa có đào tạo phục chế như một ngành học trong các trường đại học, cao đẳng. Bởi vậy, bạn có thể theo học những người đi trước hoặc học trong các ngành có liên quan như khảo cổ học v.v… Tuy nhiên, nếu bạn muốn có kiến thức bài bản, sự lựa chọn tốt nhất vẫn là du học ở những nước có trình độ đào tạo cao về nghề nghiệp này.

  • Bạn sẽ được đào tạo những gì?

Tại các cơ sở đào tạo về phục chế, bạn sẽ được học các kiến thức công nghệ, khoa học tự nhiên, lịch sử văn hóa, nghệ thuật v.v… Ngoài ra, bạn cũng được rèn luyện về sự khéo léo, khả năng làm việc với các công trình, tác phẩm lịch sử, văn hóa nghệ thuật.

Chương trình học ở mỗi nơi có thể khác nhau. Nhưng nội dung cơ bản thường là:

* Lịch sử văn hóa và lịch sử nghệ thuật

* Kiến thức khoa học tự nhiên chuyên ngành, trong đó có môn học về khí hậu

* Môn học về vật liệu và phục chế

* Lịch sử và công nghệ phục chế

* Đạo đức nghề nghiệp trong nghề phục chế

* Phương pháp nghiên cứu

* Triển khai các kế hoạch nhằm giữ gìn các chất liệu, bảo quản và phục chế

* Thực hành bảo quản và phục chế

* Phương pháp lập tư liệu

* Nhận biết những nguy hiểm trong việc vận chuyển các tác phẩm nghệ thuật

* Những kiến thức và cách phòng tránh cần thiết khi tiếp xúc với thiết bị kỹ thuật và các chất nguy hiểm

v.v…

Bên cạnh đó, bạn sẽ được dạy cách phác họa hoặc tạo ra bản sao hiện vật.

Trong tất cả các giai đoạn đào tạo, trọng tâm được hướng vào thực tế. Bạn sẽ được truyền thụ các kiến thức khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, lịch sử và mỹ thuật cũng như khả năng để thích ứng với công việc sau này.

Ngày naytrong công tác phục chế, người ta ứng dụng rất nhiều kiến thức khoa học tự nhiên, các kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt. Bởi vậy, chỉ nhà phục chế được đào tạo chính quy, bài bản mới có thể phân tích các hiện vật và nhận biết một cách khoa học về chúng.

Mục tiêu đào tạo là tạo ra được một nhà phục chế làm việc tự chịu trách nhiệm, người có khả năng, trong phạm vi chuyên môn của mình, thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa, bảo quản, phục chế và lập lài liệu về đối tượng.

  • Chọn lấy một chuyên ngành hẹp

Không nhà phục chế nào có khả năng phục chế mọi thứ. Các hiện vật, tác phẩm, công trình lịch sử, văn hóa, nghệ thuật rất phong phú, đa dạng, với những đặc điểm rất khác biệt. Bạn chỉ có thể là nhà phục chế chuyên sâu vào một số loại hiện vật, công trình, tác phẩm nào đó mà thôi.

Vậy nên khi học trong trường, bạn sẽ phải quyết định môn mình học, tùy theo từng nhóm đối tượng khác nhau:

* Các tác phẩm hội họa

* Phù điêu và điêu khắc gỗ

* Tượng và kiến trúc có cấu tạo từ đá

* Giấy (các tác phẩm viết, ký họa và sách tranh v.v…), các tác phẩm lưu trữ và tác phẩm thư viện

* Ảnh, phim và các thiết bị tư liệu hiện đại

* Thủy tinh, đồ gốm

* Hàng dệt may

* Các vật thể bằng gỗ

* Các vật thể bằng kim loại

* Các vật thể bằng da

* Các hiện vật khảo cổ (kim loại, thủy tinh, đồ gốm v.v… khai quật từ lòng đất hay dưới đáy biển)

* Các sản phẩm thủ công và thủ công mỹ nghệ

v.v…

  • Bạn có thể du học ngành phục chế ở đâu?

Ngày nay, với tự phát triển của nghề nghiệp, ngành phục chế được giảng dạy ở nhiều nước khác nhau tại các trường đại học tổng hợp hoặc chuyên ngành.

Điều kiện nhập học thường là kinh nghiệm thực hành trong lĩnh vực này và thi đỗ kỳ thi tuyển. Trong kỳ thi tuyển, bạn sẽ được kiểm tra về khả năng nghệ thuật, khoa học tự nhiên, lịch sử nghệ thuật cũng như sự khéo léo chân tay.

Phần lớn các chương trình đào tạo ở châu Âu chuyên sâu vào các lĩnh vực liên quan đến vật liệu trong phục chế.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành phục chế, bạn được cấp bằng kỹ sư phục chế. Ở một số nơi, bạn có thể học tập và nghiên cứu cao hơn lên thạc sĩ, tiến sĩ v.v…

Nếu muốn du học về ngành này tại nước ngoài, bạn có thể tới: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Áo, Bỉ, Hungary, Đan Mạch, Phần Lan, Hy Lạp, Ailen, Italia, Canada, Manta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ…