Tìm hiểu về nhà phát minh
Nhà phát minh phát hiện ra các sự vật, các hiện tượng hoặc quy luật tồn tại khách quan của tự nhiên mà con người chưa từng biết tới rồi sau đó đưa ứng dụng vào thực tiễn. Các nhà phát minh chính là người tạo ra máy móc, các trang thiết bị điện, dây chuyền sản xuất…
Nhà phát minh là ai?
Nhà phát minh là người phát hiện ra các sự vật, các hiện tượng hoặc quy luật tồn tại khách quan của tự nhiên mà con người chưa từng biết tới rồi sau đó đưa ứng dụng vào thực tiễn thông qua việc tạo nên những sản phẩm mới. Những sản phẩm mới này có thể là máy móc, các trang thiết bị điện, dây chuyền sản xuất, vân vân.
Nhiều nhà phát minh tạo ra những dụng cụ, thiết bị dựa trên những sản phẩm đã có sẵn, nhưng công năng sử dụng lại dựa theo một nguyên lí khác, tiện lợi hơn, tiết kiệm hơn. Chẳng hạn, nhiều nhà phát mình đã tìm ra cách tái tạo chiếc đồng hồ thành nhiều phiên bản khác nhau dựa trên chiếc đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời nguyên thủy như đồng hồ chạy bằng năng lượng nước và cho đến ngày nay thì những chiếc đồng hồ xuất hiện trong nhà chúng ta chủ yếu đều chạy bằng pin hoặc điện.
Nhà phát minh làm gì?
Nói đến nghề phát minh, chúng ta vẫn những tưởng là công việc này chỉ đơn thuần là nghĩ ra ý tưởng mới, bắt tay vào lắp ráp, thử nghiệm là xong hết mọi công đoạn. Nhưng trên thực tế thì lại khác, công việc của một nhà phát minh nhiều hơn việc chỉ ngồi một chỗ để nghiên cứu.
Điều quan trọng nhất đối với một nhà phát minh đó là khả năng quan sát mọi sự vật, sự việc xảy ra xung quanh từ đó nảy ra các ý tưởng. Ý tưởng chính là khởi nguồn cho mọi phát minh. Nó đến đôi khi không hề do chủ ý. Đôi khi chỉ đơn giản trong lúc họ quan sát một hành động, một công việc hay một quá trình nào đó, họ đặt ra câu hỏi tại sao và tự trả lời nó, từ đó các ý tưởng được hình thành.
Ví dụ, vào năm 1895, một nhà vật lý người Đức tên là Wilhelm Roentgen đang làm việc với một ống phóng điện tử chân không thì nhận thấy một hiện tượng lạ lùng: trên bàn làm việc bắn ra một tia huỳnh quang màu xanh lục mặc dù ông đã dùng mảnh vải đen bọc kín ống phóng điện. Ông đưa tay chắn các tia. Tuy nhiên khi đưa tay đặt ở phía trước chắn ống kính, ông thấy xương của mình trong hình ảnh chiếu trên màn hình. Sau một thời gian dài thử nghiệm trên cơ thể bà vợ, ông đã đưa kỹ thuật này vào y học và được thông qua bởi các tổ chức y tế, cơ quan nghiên cứu.
Kết thúc công đoạn tìm ra ý tưởng, ngay sau đó, các nhà phát mình sẽ bắt tay ngay vào công đoạn thứ hai. Công đoạn này mất khá nhiều thời gian, bởi các nhà phát mình phải nghiên cứu, tìm hiểu nhiều tài liệu về các lĩnh vực khác nhau như cơ khí, vật lí, lắp ráp, vân vân. Rồi lại phác thảo công trình của mình lên giấy, tính toán các kích thước, các công đoạn một cách tỉ mẩn. Giai đoạn này được ví giống như khi chúng ta học lí thuyết vậy, hòan toàn dựa trên các con số rồi theo logic sách vở.
Nhưng công việc không dừng lại ở đấy. Người xưa vẫn nói “học đi đôi với hành”, vậy nên khi mọi thứ đã được tính toán kĩ lưỡng và trải trên mặt giấy rồi thì công đoạn khó khăn và vất vả nhất chính là đem những gì trên giấy ứng dụng vào thực tiễn. Sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn đôi khi rất lớn, nhà phát minh sẽ gặp không ít trở ngại trong công việc này. Nhiều thí nghiệm không thành công, phải làm đi làm lại nhiều lần, tốn không ít thời gian và cả chi phí trang trải cho hoạt động thí nghiệm.
Có nhiều thí nghiệm thành công nhưng cũng không ít những thí nghiệm đi vào ngõ cụt. Sau những thí nghiệm thành công, nhà phát mình vẫn còn một công việc vô cùng quan trọng nữa, đó chính là việc đăng kí bản quyền phát minh để xác minh việc sản phẩm mới là do chính mình tạo ra và được nhà nước bảo hộ.
Nhà phát minh làm việc ở đâu?
Là một nhà phát minh, bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu bạn muốn miễn sao không gian đó đem lại cho bạn sự thoải mái nhất cho bạn để “phóng tác” trí tuệ của mình. Bạn có thể đến làm việc tại các xưởng lắp ráp, các phòng thí nghiệm hoặc trong chính ngôi nhà của bạn.
Nhà phát minh có mặt trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều nhà phát minh xuất phát chỉ là công nhân, kỹ sư hay nhân viên nhà xưởng. Quá trình làm việc tạo cho họ cơ hội để phát minh, sáng tạo. Như vậy, “nhà phát minh” cũng có thể là một công việc bán thời gian, một nghề phụ bên cạnh công việc chính của bạn.
Làm thế nào để trở thành nhà phát minh?
Như những gì bạn đã biết ở trên, có thể thấy rằng một nhà phát minh cần hội tụ đủ các kiến thức về khoa học, kĩ thuật, cơ khí, vân vân, nên việc lựa chọn nơi học tập để trở thành một nhà phát minh rất đa dạng. Bạn có thể lựa chọn cho mình học tập tại các khoa cơ khí, khoa hóa chất, vân vân, của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.