www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nhà khảo cổ

Nhà khảo cổ học – người đi ngược về quá khứ, tìm những dấu vết của lịch sử còn dư lại. Nếu bạn đã từng ước mơ tìm ra những kho báu khổng lồ dưới lòng đất, hay một bộ hóa thạch khủng long thời tiền cổ, vậy thì bạn nên chọn nhà khảo cổ học là nghề nghiệp của cuộc đời mình.

Nhà Khảo cổ học là ai?

Nhà khảo cổ học nghiên cứu lịch sử bằng việc khai quật, tính niên đại và lí giải những dấu tích, hiện vật còn sót lại. Từ đó vẽ lên những giả thiết về lịch sử, chứng minh quá trình lịch sử phát triển của loài người. Phần lớn các dự án nghiên cứu đều trải qua 3 giai đoạn: đầu tiên là tìm kiếm, khai quật, thu thập di chỉ; sau đó là quá trình nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, phân tích mẫu vật,… Cuối cùng là công bố, xuất bản các tài liệu, báo cáo kết luận được.

Đối với các nhà khảo cổ, hiện vật cổ họ tìm được là những gì quý báu nhất. Nó không chỉ đơn giản là một vật cổ, mà nó là bằng chứng của lịch sử xa xưa.

Nghề khảo cổ làm gì?

Mỗi nhà khảo cổ học sẽ chuyên sâu vào những lĩnh vực nhất định, công việc vì vậy cũng đa dạng và có những khác biệt riêng. Tuy vậy, nhìn chung, nhiệm vụ cơ bản của một nhà khảo cổ học bao gồm:

  • Triển khai và tham gia vào các nhóm dự án đi tìm kiếm, khảo sát, khai quật các di chỉ khảo cổ
  • Nghiên cứu các hiện vật thu nhận được: tính niên đại, xem xét chất liệu, hình dáng, đặc điểm, nguồn gốc, đối chiếu với các nguồn tư liệu lịch sử, đưa ra các kết luận (có phát hiện gì mới về lịch sử hay văn hóa, ý nghĩa và giá trị của hiện vật, đưa ra các giả thuyết mới về nguồn gốc hoặc diễn biến phát triển trong lịch sử để nghiên cứu và kiểm chứng trong tương lai)
  • Phân loại và lưu trữ, bảo quản hiện vật
  • Viết báo cáo, công bố các tài liệu
  • Đánh giá và xếp loại các di chỉ khảo cổ, các khu di tích,…
  • Tư vấn quản lý và bảo tồn các hiện vật và di tích
  • Giảng dạy lịch sử và các bộ môn liên quan đến khảo cổ trong các trường đại học

Từ những hoa văn trên vật cổ khai quật được để phác họa ra những hình thức sinh hoạt, vẻ đẹp văn hóa của cuộc sống cách đây mấy nghìn năm, khai quật những ngôi mộ cổ để hiểu thấu được tín ngưỡng tâm linh của những con người xưa, các nhà khảo cổ học không ngừng tò mò, thu nhặt từng phần mảnh ghép của lịch sử. Nếu muốn theo đuổi con đường này, truy tìm những câu chuyện đã bị chôn vùi, bạn sẽ cần đến sự quyết tâm và hơn thế nữa.

 

 Nhà khảo cổ làm việc ở đâu?

Là một nhà khảo cổ học, bạn có thể công tác tại các viện nghiên cứu, tham gia các đề tài nghiên cứu hay bảo tồn di tích, hay trực tiếp làm việc tại các bảo tàng, giảng dạy tại các trường đại học.

Thông thường, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể trở thành nhà khảo cổ học, tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được công việc này vì số lượng tuyển dụng của ngành này không cao.

Ở Việt Nam, người có bằng Thạc sĩ Khảo cổ học cũng có cơ hội làm công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử ở tại trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu đoàn thể xã hội có liên quan và sử dụng đến kiến thức lịch sử. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tìm tới những công việc tương tự, chẳng hạn như làm giáo viên lịch sử, nhân viên bảo tàng…

Với những kĩ năng đã được “tôi luyện”, đặc biệt là về phân tích dữ liệu, sinh viên khảo cổ thường tìm được việc làm yêu cầu phân tích dữ liệu và viết báo cáo như Báo chí, Văn thư.