www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề kiểm toán

Những năm gần đây, số sinh viên lao vào các tập đoàn kiểm toán khổng lồ (Big4) ngày càng nhiều, đưa kiểm toán trở thành một trong những công việc hot nhất tại Việt Nam hiện tại. Vậy, công việc này có gì mà thu hút đến thế?

1. Kiểm toán là gì 

Kiểm toán bắt nguồn từ thuật ngữ “Audit” trong tiếng Latin. Nhưng điều thú vị là từ “Audit” của tiếng Latin lại có nghĩa là người nghe (one who hears). Vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên, chính quyền La Mã đã tuyển dụng các quan chức để kiểm tra độc lập về tình hình tài chính và nghe thuyết trình của họ về kết quả kiểm tra này.

Từ đó cho đến nay, “Audit” đã trở thành một từ phổ biến để chỉ công việc kiểm tra và bày tỏ ý kiến đối với các báo cáo tài chính.

Có vô vàn định nghĩa về kiểm toán. Mỗi quốc gia, mỗi hiệp hội, mỗi nhóm chuyên gia nghiên cứu lại có những phát biểu khác nhau về kiểm toán.

Các chuyên gia giáo dục và đào tạo kiểm toán ở Cộng hoà Pháp định nghĩa rằng:

“Kiểm toán là việc nghiên cứu và kiểm tra các tài khoản hàng năm của một tổ chức do một người độc lập, đủ danh nghĩa gọi là kiểm toán viên tiến hành để khẳng định rằng những tài khoản đó phản ánh đúng đắn tình hình tài chính thực tế, không che giấu sự gian lận và chúng được trình bày theo mẫu chính thức của luật định”.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và bản thân kiểm toán, theo quan điểm hiện đại, phạm vi của kiểm toán rất rộng, bao gồm các lĩnh vực khác nhau như:

  • Kiểm toán về thông tin
  • Kiểm toán hiệu quả
  • Kiểm toán tính quy tắc
  • Kiểm toán hiệu năng

Chẳng hạn, khi kiểm toán về thông tin, nhân viên kiểm toán sẽ hướng vào việc đánh giá tính trung thực và hợp pháp của các tài liệu để tạo cơ sở pháp lý và niềm tin cho những người quan tâm đến tài liệu kế toán.

Kiểm toán hiệu quả là kiểm tra, đánh giá các yếu tố, các nguồn lực trong từng loại nghiệp vụ kinh doanh như mua bán, sản xuất hay dịch vụ để giúp các công ty hoạch định lại chính sách cho việc hoàn thiện hoạt động kinh doanh của công ty mình.

Trải qua một quá trình phát triển lâu dài của nghề kiểm toán, cho đến nay chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng:

Kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, bằng hệ thống phương pháp kĩ thuật riêng của kiểm toán, do các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý có hiệu lực.

Kiểm toán hướng tới ai?

Có thể nói, đối tượng của kiểm toán trước hết là các tài liệu kế toán. Nhưng công việc xác minh tính trung thực, đúng đắn của các báo cáo tài chính là để hướng tới tất cả các đơn vị, cá nhân quan tâm đến tình hình tài chính của một công ty, tổ chức nào đó.

Chẳng hạn, các cơ quan Nhà nước cần thông tin trung thực để hoạch định chính sách kinh tế phù hợp, các nhà đầu tư cần tài liệu tin cậy để sử dụng đồng tiền của mình đúng mục đích. Người lao động, khách hàng, nhà cung cấp cần hiểu thực chất về kinh doanh và tài chính, chế độ tiền lương của công ty mình để làm việc. Những người quan tâm này lại không có nghiệp vụ về tài chính, kế toán. Và chỉ nhân viên kiểm toán mới có thể giúp được họ.

2. Kiểm toán làm gì?

Kiểm toán dùng các phương pháp đối chiếu, logic, diễn giải thông tin, điều tra, quan sát, kiểm kê, thử nghiệm để xác minh tính trung thực của tài liệu và tính pháp lý của các báo cáo tài chính của một công ty, tổ chức nào đó.

Kiểm toán gồm 3 chức năng chính:

  • Xác minh tính trung thực và tính pháp lý của các báo cáo tài chính.
  • Bày tỏ ý kiến về tính trung thực và mức độ hợp lý của các thông tin tài chính, kế toán.
  • Tư vấn cho các nhà quản lý. Bằng việc chỉ ra sai sót, yếu kém, kiểm toán viên gợi mở, đề xuất các biện pháp khắc phục để các công ty, tổ chức làm ăn hiệu quả hơn.

Kiểm toán không phải là kế toán

– Kế toán cung cấp các thông tin về tài chính cho công chúng quan tâm. Kiểm toán là công việc kiểm tra, xác minh tính trung thực và hộ lý của các báo cáo tài chính đó. Kiểm toán giúp công chúng quan tâm có thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của một công ty.

– Kế toán là một công việc mang tính chất ổn định. Nhân viên kế toán luôn gắn bó với những số liệu kinh doanh của công ty mình. Kiểm toán là một nghề nhiều mới mẻ và thách thức. Nhân viên kiểm toán sau khi hoàn thành công việc của mình ở một doanh nghiệp này, ngay lập tức lại phải đối phó với những bản báo cáo tài chính ở những “địa chỉ” mới.

Công việc của kiểm toán

  • Lập kế hoạch kiểm toán

Trên cơ sở phân tích mục tiêu, giới hạn và nguồn tài liệu đã thu thập được, nhân viên kiểm toán lên kế hoạch các công việc phải thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ.

Lập kế hoạch kiểm toán là khâu đầu tiên và rất quan trọng trong công việc của kiểm toán viên, vì nó có ý nghĩa định hướng cho toàn bộ hoạt động sau này. Cũng giống như khi bạn chuẩn bị cho một hoạt động nào đó của lớp vậy, nếu có kế hoạch tốt, mọi việc sẽ diễn ra thật suôn sẻ và bạn luôn ứng phó được với các tình huống phát sinh.

  • Xây dựng chương trình kiểm toán

Kỹ năng xây dựng chương trình kiểm toán cũng không thể thiếu với bất cứ kiểm toán viên nào. Nó giúp công việc của kiểm toán viên được chính xác và chặt chẽ.

Trong chương trình kiểm toán, kiểm toán viên xác định số lượng và thứ tự các bước kể từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc công việc kiểm toán.

  • Thu thập thông tin bằng các phương pháp kiểm toán

Đây là phần trọng tâm của kiểm toán. Công việc này thú vị như một cảnh sát đi điều tra vụ án vậy, bao gồm:

Kiểm toán cân đối: là phương pháp dựa trên các phương trình kế toán để kiểm toán.

Đối chiếu trực tiếp: là đối chiếu một chỉ tiêu trên các nguồn tài liệu khác nhau.

Đối chiếu lôgic: nghiên cứu các mối liên hệ giữa các chỉ tiêu có quan hệ với nhau.

* Kiểm kê: là kiểm tra tại chỗ các đối tượng kiểm toán.

Điều tra: là dùng các cách khác nhau để tiếp cận và đánh giá các đối tượng kiểm toán.

Trắc nghiệm: là việc tái diễn các hoạt động nghiệp vụ để xác minh lại kết quả của một quá trình, một sự việc đã qua.

  • Ghi chép

Nếu muốn trở thành một kiểm toán viên thực thụ, bạn hãy chú ý tập kỹ năng ghi chép ngay từ bây giờ.

Ghi chép là một thao tác nghiệp vụ thiết yếu của kiểm toán viên. Các phát giác, những nhận đinh về các nghiệp vụ, các con số, các sự kiện phải được kiểm toán viên ghi lại một cách đầy đủ. Công việc này nhằm tích lũy bằng chứng khách quan cho những kết luận kiểm toán.

  • Lập báo cáo

Lập báo cáo là khâu cuối cùng trong công việc của kiểm toán viên. Thao tác nghiệp vụ này đòi hỏi bạn phải có khả năng diễn đạt gãy gọn, khúc chiết.

Sau quá trình điều tra, phân tích thì có thể đưa ra những kết luận khái quát về báo cáo tài chính của một tổ chức, doanh nghiệp nào đó.

3. Kiểm toán làm việc tại đâu?

Kiểm toán viên làm việc ở các công ty, tổ chức, văn phòng kiểm toán… Rộng hơn, bất kì một doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nào cần kiểm tra, giám sát các hoạt động tài chính của đơn vị mình đều tạo ra việc làm cho kiểm toán viên.

Nhìn chung, bạn có thể làm việc ở:

– Bộ phận kiểm toán nội bộ của một công ty nào đó (Internal Auditing Department).

– Các công ty dịch vụ, tư vấn kiểm toán (Consultancy Auditing).

– Hoặc trong các cơ quan kiểm toán nhà nước (Goverment Auditing).

  • Kiểm toán nội bộ

Kiểm toán nội bộ là bộ phận kiểm toán trực thuộc một công ty, tổ chức, cơ quan… nào đó. Là kiểm toán viên nội bộ, bạn chỉ có một “khách hàng” duy nhất là chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… của mình. Mọi hoạt động kiểm toán hàng ngày trong đơn vị sẽ do bạn đảm nhận. Tùy vào quy mô và sự cần thiết mà mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… có một hoặc nhiều kiểm toán viên nội bộ.

Khi bạn là một kiểm toán viên nội bộ, công việc của bạn thuận lợi hơn các kiểm toán viên bên ngoài ở chỗ bạn am hiểu về công ty mình. Ngoài ra, bạn đã có một quá trình theo dõi hoạt động tài chính lâu năm.

Nếu bạn muốn trở thành kiểm toán viên nội bộ, bạn có thể tìm thấy vị trí của mình trong các phòng kiểm toán nội bộ thuộc các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hoặc các công ty đa quốc gia lớn đang hoạt động tại Việt Nam.

  • Kiểm toán độc lập

Kiểm toán độc lập là các công ty, văn phòng làm các dịch vụ, tư vấn về kiểm toán cho các công ty, doanh nghiệp cần đến hoạt động kiểm toán. Các công ty, văn phòng này hoàn toàn độc lập với khách hàng nên kết quả kiểm toán thường mang tính chính xác và hiệu qua cao.

Hiện nay, ở Việt Nam có khá nhiều công ty kiểm toán được thành lập với gần 100 trụ sở văn phòng hoạt động trên toàn quốc, 4 công ty đầu tư 100% vốn nước ngoài, 1 công ty liên doanh và nhiều công ty khác của Việt Nam. Trong 10 năm tới, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu tăng số lượng công ty kiểm toán lên 100 công ty với 20.000 kiểm toán viên. Bên cạnh đó, còn nhiều công ty kiểm toán nước ngoài đang quan tâm tới thị trường Việt Nam. Thật là những cơ hội làm việc tuyệt vời phải không bạn?

  • Kiểm toán nhà nước

Cơ quan kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn tương đương ủy ban của Quốc hội và có quyền kiểm tra tài chính các Bộ, các ngành khác trong Chính phủ như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch–Đầu tư v.v…

Trong cơ quan kiểm toán nhà nước, nhiệm vụ của bạn là kiểm tra, giám sát ngân sách nhà nước, các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án vay nợ viện trợ chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, các chương trình an ninh, quốc phòng… Như vậy, làm việc trong cơ quan kiểm toán nhà nước, công việc của bạn có liên quan đến cả những chính sách kinh tế của cả quốc gia. Thật quan trọng phải không?