www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về nghề kế toán

Kế toán đang là một nghề hot được nhiều người săn đón, vì càng có nhiều doanh nghiệp mở ra, nhu cầu kế toán càng tăng cao. Vậy họ là ai và công việc của họ là gì?

1. Nghề kế toán là gì?

Kế toán là một nghề đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Từ quản lý ở phạm vi nhỏ (ở từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp) cho tới quản lý ở phạm vi lớn hơn (toàn bộ nền kinh tế quốc dân) đều cần đến kế toán.

“Kế” ở đây có nghĩa là việc liệt kê, ghi chép những của cải, tài sản, hoạt động của đơn vị, tổ chức. “Toán” có nghĩa tính toán, tức là tính ra các kết quả lao động mà con người đã đạt được.

Vậy kế toán có thể được hiểu một cách đơn giản là: công việc ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động kinh tế tài chính của một tổ chức: một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước, một cửa hàng tư nhân…

Có thể chia kế toán thành hai loại:

– Kế toán công: được tiến hành ở những đơn vị hoạt động không có tính chất kinh doanh, không lấy doanh lợi làm mục đích hoạt động như các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ chức nhà nước…

– kế toán doanh nghiệp: được tiến hành ở các doanh nghiệp, hoạt động với mục tiêu chính là kinh doanh sinh lời.

2. Nghề kế toán làm gì?

Công việc của nhân viên kế toán là ghi chép, hệ thống hoá, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị, giúp nhà quản lý điều hành và quản lý hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị cũng như đề ra các quyết định quản lý kinh tế.

Hàng ngày ở các doanh nghiệp hay bất kỳ một tổ chức, cơ quan nào cũng có biết bao nhiêu hoạt động được thực hiện. Trong đó, các hoạt động kinh tế, tài chính chiếm một phần quan trọng, chẳng hạn như: thu tiền bán hàng, nhập kho số nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất, trả tiền mua số nguyên vật liệu đã mua đó; ngày cuối tháng thì phải trả lương cho công nhân viên, xác định số tiền lãi hay lỗ của tháng này…

Các nhân viên kế toán ghi chép lại tất cả những hoạt động kinh tế, tài chính đó để báo cáo cho nhà quản lý (giám đốc, chủ doanh nghiệp, thủ trưởng đơn vị…).

Tựu trung lại, là một nhân viên kế toán, công việc hàng ngày của bạn là Thu thập thông tin về các hoạt động kinh tế, tài chính phát sinh ở đơn vị vào chứng từ kế toán bao gồm:

Thống kê chứng từ kế toán

Ở mỗi đơn vị, ví dụ trong một doanh nghiệp có nhiều bộ phận khác nhau như: Phòng kinh doanh, bộ phận bán hàng, bộ phận vật tư… Các bộ phận này luôn thực hiện các hoạt động kinh tế, tài chính theo chức năng đã quy định. Mỗi hoạt động đó sẽ được ghi chép lại trong các giấy tờ mà kế toán gọi là chứng từ như phiếu thu, phiếu chi tiền mặt, phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hoá đơn bán hàng… Các chứng từ này sẽ được chuyển cho nhân viên kế toán xử lý.

Ghi sổ kế toán

Sổ kế toán của đơn vị dùng để ghi chép tổng hợp các thông tin về tất cả các hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị. Ở mỗi đơn vị có nhiều sổ kế toán, mỗi sổ kế toán được sử dụng để ghi chép khác nhau.

Trên cơ sở các chứng từ thu thập được, nhân viên kế toán tiến hành phân loại, tổng hợp để ghi vào các sổ kế toán một cách chính xác.

Tổng hợp làm báo cáo

Như bạn đã biết, công việc của nhân viên kế toán nhằm mục đích cuối cùng là cung cấp thông tin cho lãnh đạo đơn vị, trên cơ sở đó lãnh đạo đơn vị có thể đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp nhằm thúc đẩy đơn vị ngày càng lớn mạnh.

Để thực hiện mục đích này, hàng tháng, hàng quý, năm, nhân viên kế toán phải tổng hợp số liệu từ các sổ kế toán đã ghi chép, lập thành các báo cáo gửi tới lãnh đạo đơn vị.

Thậm chí ở những đơn vị yêu cầu thông tin phải cập nhật thường xuyên thì kế toán phải làm báo cáo hàng ngày.

3. Nghề kế toán làm việc ở đâu?

Bạn sẽ làm việc tại bộ phận kế toán của các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, công ty… thường được gọi là Phòng Tài vụ hay Phòng Tài chính kế toán, Ban Tài chính kế toán…

Mọi cơ quan, tổ chức nhà nước hay các công ty, doanh nghiệp ở bất kì lĩnh vực nào trong xã hội đều phải tiến hành công tác kế toán. (Điều này đã được quy định rõ trong Luật Kế toán nước ta).