www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về ngành thuế

Ngành thuế là gì?

Ngành thuế hiểu thật đơn giản là ngành triển khai thực hiện hệ thống chính sách thuế .Thuế là khoản đóng góp bắt buộc mà các tổ chức, cá nhân phải nộp cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn do pháp luật quy định. Khoản đóng góp này nhằm đảm bảo cho Nhà nước thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ngành thuế với ba chức năng chủ yếu:

– Chức năng tham mưu: nghiên cứu, tham mưu để ban hành chính sách pháp luật thuế đầy đủ và đúng đắn.

– Chức năng hành thu: tổ chức, điều hành quá trình huy động nguồn thu từ thuế vào ngân sách Nhà nước. Đây là chức năng quan trọng, thu hút đông đảo nhân lực trong ngành thuế.

– Chức năng kiểm tra, giám sát: kiểm tra, giảm sát đối tượng nộp thuế và cán bộ thuế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật thuế, các chính sách thuế.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Khi mới vào ngành thuế, bạn sẽ công tác ở các đội, trạm thuế (thuộc chi cục) hoặc các phòng (thuộc cục) và các ban (thuộc Tổng cục). Thường xuyên phải làm việc với các đối tượng nộp thuế, với sổ sách chứng từ, công việc của cán bộ thuế khá căng thẳng và vất vả, đòi hỏi sự tập trung cao.

Ở Việt Nam có 2 hệ thống cơ quan quản lý thuế trực thuộc Bộ Tài chính:

* Hệ thống cơ quan thuế: quản lý thuế nói chung, đồng thời quản lý các hình thức thuế đánh vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh… trong nước.

– Tổng cục Thuế: quản lý về thuế trên phạm vi toàn quốc

– Cục thuế: quản lý về thuế trên địa bàn các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.

– Chi cục thuế: quản lý về thuế trên địa bàn các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

* Hệ thống cơ quan hải quan: thực hiện các chức năng như quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu; điều tra, chống buôn lậu; đảm bảo an ninh kinh tế; tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế; trực tiếp quản lý thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu và các sắc thuế đánh vào hàng nhập khẩu.

Tương tự như hệ thống cơ quan thuế, hệ thống cơ quan hải quan cũng bao gồm Tổng cục Hải quan, các cục hải quan, chi cục hải quan các cửa khẩu.

Một số địa chỉ đào tạo

Học viện Tài chính là cơ sở duy nhất hiện nay được phép đào tạo cử nhân kinh tế chuyên ngành Thuế và ngành Kiểm tra Giám sát Hải quan. Tuy nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể trở thành cán bộ thuế khi tốt nghiệp các trường đại học kinh tế khác như: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM v.v…

nganh thue

MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH THUẾ

 1. NHÂN VIÊN, KIỂM THU VIÊN THUẾ

 Nhân viên, kiểm thu viên thuế chiếm tỉ lệ khá đông trong ngành thuế. Công việc của họ là thực hiện công tác quản lí thu thuế, chủ yếu là đối với các hộ kinh tế cá thể cấp chi cục và một số phòng ở cấp cục.

Yêu cầu về trình độ của kiểm thu viên thuế: tốt nghiệp các trường đại học hoặc cao đẳng thuộc khối ngành kinh tế.

 2. CHUYÊN VIÊN, KIỂM SOÁT VIÊN THUẾ

Đảm trách công tác quản lí thuế nói chung, bao gồm quản lí thu thuế, hành chính, tổ chức cán bộ, ấn chỉ thuế, kế hoạch, dự toán, thống kê thuế, tuyên truyền hỗ trợ đối tượng nộp thuế. Yêu cầu về trình độ của kiểm soát viên thuế: được đào tạo từ trình độ đại học trở lên.

3. THANH TRA VIÊN THUẾ

Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra và xử lí tố tụng về thuế, giúp cho công tác tổ chức quản lí thuế đạt hiệu quả cao, hạn chế sai sót, gian lận. Công việc của thanh tra viên thường vất vả, nhiều thử thách. Họ phải đối mặt với vô vàn thủ đoạn gian lận thuế và cả những mưu đồ dụ dỗ, mua chuộc của nhiều đối tượng nộp thuế nên bản lĩnh nghề nghiệp cao, vững vàng về nghiệp vụ là yêu cầu nhất thiết với người làm công việc này.

 4. TƯ VẤN THUẾ

Hệ thống thuế của một quốc gia với các sắc thuế cũng như quy định tương đối phức tạp mà không phải ai cũng hiểu thấu đáo. Là nhà tư vấn thuế, bạn sẽ nghiên cứu những trường hợp cụ thể của người cần tư vấn, từ đó đưa ra những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để họ hiểu rõ và thực hiện tốt nhất nghĩa vụ nộp thuế của mình.

 5. ĐẠI LÝ LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN

 Đây là loại hình dịch vụ mới hình thành nhưng đang phát triển khá mạnh tại Việt Nam. Đại lý làm thủ tục hải quan là một đơn vị đứng ra thay mặt người có hàng hoá xuất khẩu hay nhập khẩu để thực hiện mọi trách nhiệm của người khai hải quan theo đúng quy định của Luật Hải quan.