www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Tìm hiểu về Kiểm toán

Kiểm toán là gì?

Kiểm toán bắt nguồn từ thuật ngữ “Audit” trong tiếng Latin. Nhưng điều thú vị là từ “Audit” của tiếng Latin lại có nghĩa là người nghe (one who hears).Vào khoảng thế kỷ thứ III trước công nguyên, chính quyền La Mã đã tuyển dụng các quan chức để kiểm tra độc lập về tình hình tài chính và nghe thuyết trình của họ về kết quả kiểm tra này.

Từ đó cho đến nay, “Audit” đã trở thành một từ phổ biến để chỉ công việc kiểm tra và bày tỏ ý kiến đối với các báo cáo tài chính.

 

Có vô vàn định nghĩa về kiểm toán. Mỗi quốc gia, mỗi hiệp hội, mỗi nhóm chuyên gia nghiên cứu lại có những phát biểu khác nhau về kiểm toán.

Các chuyên gia giáo dục và đào tạo kiểm toán ở Cộng hoà Pháp định nghĩa rằng:

“Kiểm toán là việc nghiên cứu và kiểm tra các tài khoản hàng năm của một tổ chức do một người độc lập, đủ danh nghĩa gọi là kiểm toán viên tiến hành để khẳng định rằng những tài khoản đó phản ánh đúng đắn tình hình tài chính thực tế, không che giấu sự gian lận và chúng được trình bày theo mẫu chính thức của luật định”.

Ngành Kiểm toán học gì?

Sinh viên Kiểm toán sẽ được cung cấp kiến thức về khung pháp lý của kế toán kiểm toán, hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế; các quy định về đạo đức nghề nghiệp của kế toán kiểm toán; kiến thức về thu thập, xử lý, kiểm tra và cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh thông qua các nghiệp vụ của kiểm toán: tính phí, làm dự toán, phân bổ ngân sách, quản lý doanh thu theo sát các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Ngoài các kiến thức nền tảng, tổng quan sinh viên học ngành kế toán còn được trang bị kỹ năng khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian…
Các môn học phục vụ đắc lực cho nghề nghiệp: Nhập môn tài chính tiền tệ, Nguyên lý kế toán, Ứng dụng tin học trong kinh doanh, Phân tích báo cáo tài chính, Lập và trình bày báo cáo tài chính, Thuế, Kế toán công ty chứng khoán,…

 

Ngành Kiểm toán làm gì?

Kiểm toán là xác minh và bày tỏ ý kiến về thực trạng hoạt động tài chính của các doanh nghiệp, bằng hệ thống phương pháp kĩ thuật riêng của một người kiểm toán, do các kiểm toán viên có trình độ nghiệp vụ tương xứng thực hiện trên cơ sở hệ thống pháp lý có hiệu lực.

Kiểm toán dùng các phương pháp đối chiếu, logic, diễn giải thông tin, điều tra, quan sát, kiểm kê, thử nghiệm để xác minh tính trung thực của tài liệu và tính pháp lý của các báo cáo tài chính của một công ty, tổ chức nào đó

Ngày nay, người kiểm toán gần giống với kế toán về trình độ làm việc, chỉ khác ở chỗ kiểm toán thì hạch toán chi tiêu, người kiểm toán là công việc kiểm tra, xác minh tính trung thực và hộ lý của các báo cáo tài chính đó. Kiểm toán giúp công chúng quan tâm có thông tin chính xác nhất về tình hình tài chính của một công ty còn kế toán đơn giản hơn là thực thi chi tiêu, Kế toán cung cấp các thông tin về tài chính cho công chúng quan tâm

 

Ngành Kiểm toán cần tố chất gì?

Kiểm toán là nghề hấp dẫn nhưng cũng có những yêu cầu đặc trưng. Muốn biết mình có hợp với nghề này không, bạn hãy thử xem mình có những phẩm chất sau không nhé!

  • Tính độc lập

Khi bạn làm công việc kiểm toán, bạn không được phụ thuộc vào bất cứ khách hàng hay một số liệu tài chính này. Vì có thể những giấy tờ, chứng cứ rành rành trước mặt bạn chỉ là một “trò lừa ngoạn mục” mà thôi.

Chỉ có như vậy, bạn mới có thể tìm ra được những sơ hở trong công việc kinh doanh để đưa ra những lời tư vấn xác đáng nhất.

  • Tính thận trọng trong công việc

Nên nhớ, mỗi nhận xét, kết luận của bạn trong báo cáo kiểm toán có khả năng quyết định đến số phận của cả một công ty với hàng trăm con người đang làm việc ở đó. Bởi vậy, bạn phải thận trọng trong việc kiểm tra sổ sách, tìm đủ bằng chứng thích hợp mới đưa ra những quyết định cuối cùng. Đây còn là việc thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của bạn.

  • Khả năng diễn đạt gãy gọn, khúc chiết

Ngoài công việc xác minh, kiểm toán viên còn phải bày tỏ ý kiến về những gì mà mình đã phát hiện được trong suốt thời gian làm việc vừa qua. Để mọi người tiếp nhận những lời tư vấn của mình, bạn phải biết cách thuyết phục họ bằng những lập luận chặt chẽ nhất.

Khả năng diễn đạt tốt của kiểm toán không phải là bạn biết cách ăn nói hoa mĩ, chiếm được cảm tình của người nghe… Diễn đạt tốt trong kiểm toán là khi bạn biết cách lập luận hợp lý, với những luận chứng và luận cứ thuyết phục. Ngôn từ của bạn trong sáng, gãy gọn, khúc chiết, luôn nêu bật nội dung chủ chốt. Ngôn ngữ vốn là “cái vỏ của tư duy”, nên khả năng này liên quan chặt chẽ tới tư duy logic của bạn.

  • Óc quan sát và tư duy phân tích cao

Bạn thử nghĩ mà xem, nếu không có óc quan sát và tư duy phân tích thì làm sao kiểm toán viên có thể tìm ra được những bất hợp lý trong câu chuyện thuê xe tải mà chúng tôi đã nhắc đến ở đầu cuốn sách. Khi bạn quan sát tốt và biết nhìn nhận vấn đề một cách hợp lý nhất, bạn sẽ tiết kiệm được những khoản tiền khổng lồ đấy.

  • Chăm chỉ học hỏi

Muốn trở thành một kiểm toán viên giỏi, bạn không thể tự bằng lòng với những kiến thức mình đã có. Cần phải luôn tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới về kế toán, kiểm toán và luật kinh tế của tất cả các nước trên thế giới.

  • Giỏi tính toán, yêu thích những con số

Nghĩa là bạn phải có một niềm say mê khám phá những con số tưởng chừng rất khô khan trong các bản báo cáo. Tự bản thân bạn luôn thấy rằng những phép tính, những phương pháp đối chiếu, cân đối… trong kiểm toán cũng thú vị không kém những câu thơ bay bổng.

Bạn rất khá về tính toán và hầu như chẳng bao giờ nhầm lẫn cả. Những đêm khó ngủ, thay vì chỉ đếm từ 1 đến 1000 và ngược lại, bạn thử nhẩm bình phương của 999 là bao nhiêu, rồi 217 nhân với 135 bằng bao nhiêu… Các phép tính luôn là niềm đam mê vô hạn của bạn.

  • Khả năng chịu đựng áp lực của công việc

Kiểm toán là một nghề nhiều khó khăn và thử thách. Niềm tin của khách hàng đối với mỗi quyết định của bạn sẽ là áp lực lớn nhất. Lúc nào, bạn cũng phải suy nghĩ xem mình đã tìm được cách giải quyết đúng đắn nhất chưa, liệu những chứng cứ mình tìm được có xác đáng không? Và nhất là khi bạn chưa tìm ra được lời giải đáp, bạn sẽ hơi mệt đấy.