www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Ngành điều dưỡng được hiểu như thế nào?

Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định: “Dịch vụ điều dưỡng, hộ sinh là một trong những trụ cột của hệ thống chăm sóc y tế”. Vai trò của ngành điều dưỡng rất quan trọng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Những cống hiến trong công việc của điều dưỡng sẽ đổi lại niềm vui, ánh mắt biết nói đằng sau những nụ cười và lời cảm ơn của những người bệnh lúc họ bình phục.

Nếu bạn có lòng trắc ẩn và mong muốn mạnh mẽ để giúp đỡ người khác thì lĩnh vực y tế và cụ thể là ngành điều dưỡng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về ngành điều dưỡng như đây là ngành rất dễ xin việc hay đi làm việc tại nước ngoài hoặc làm điều dưỡng rất cực nhọc, ngành điều dưỡng chỉ thích hợp cho nữ giới…. 

Hãy cùng tìm hiểu ngành Điều dưỡng và trả lời các câu hỏi trên nhé.

1.Ngành điều dưỡng là gì

Điều dưỡng là một nghề nằm trong hệ thống y tế quốc dân; có vai trò bảo vệ, nâng cao và tối ưu về sức khỏe cũng như về khả năng hoạt động của người bệnh; hỗ trợ chẩn đoán và điều trị nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh, xã hội và cộng đồng. Điều dưỡng viên cung cấp dịch vụ chăm sóc dựa vào mức độ sức khỏe của cá nhân và nhu cầu cần thiết cơ bản của con người liên quan đến sức khỏe.

Theo Hiệp hội Điều dưỡng quốc tế, điều dưỡng bao gồm chăm sóc tự trị và sự hợp tác của các cá nhân ở mọi lứa tuổi, gia đình, nhóm và cộng đồng, dù ốm hay khoẻ và ở mọi cơ sở. Điều dưỡng bao gồm việc nâng cao sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật và chăm sóc những người ốm yếu, tàn tật và sắp chết. Vận động, thúc đẩy môi trường an toàn, nghiên cứu, tham gia vào việc định hình chính sách y tế và quản lý bệnh nhân và hệ thống y tế cũng như giáo dục cũng là vai trò quan trọng của điều dưỡng (ICN, 2002).

Điều dưỡng ở hầu hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều được công nhận là một nghề nghiệp độc lập, được bảo hộ bằng luật pháp, một số nước đã xây dựng luật hành nghề điều dưỡng. Điều dưỡng viên có các quyền và trách nhiệm nghề nghiệp được qui định trong luật hành nghề, đây cũng là một công cụ để giám sát trách nhiệm của người điều dưỡng trước cộng đồng, xã hội.

Hiện các cơ sở đào tạo có thể đào tạo điều dưỡng đa khoa hoặc chuyên khoa: điều dưỡng nha khoa, điều dưỡng hộ sinh, điều dưỡng chăm sóc người già…

Nhiệm vụ của điều dưỡng viên

  • Chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế: sơ, cấp cứu, khám, nhận định, lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và đánh giá kết quả chăm sóc bệnh nhân bằng các kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, chuyên sâu, phục hồi chức năng, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và người nhà…: Chăm sóc, vệ sinh cá nhân và trấn an người bệnh thường xuyên khi có kết quả chẩn đoán hoặc phương pháp điều trị; ghi chép các biểu hiện của người bệnh và báo cáo cụ thể cho bác sĩ; thực hiện kỹ thuật được yêu cầu như: tiêm chích, truyền dịch, về sinh dụng cụ y tế, thay băng…
  • Truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe.
  • Chăm sóc sức khỏe cộng đồng: thực hiện truyền thông, giáo dục vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng; thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia; Nhận định và chẩn đoán chăm sóc, can thiệp điều dưỡng tại nhà: tiêm, truyền, chăm sóc vết thương, chăm sóc người bệnh có dẫn lưu và chăm sóc phục hồi chức năng.
  • Bảo vệ và thực hiện quyền của người bệnh.
  • Phối hợp, hỗ trợ công tác điều trị, thực hiện quản lý hồ sơ, bệnh án, buồng bệnh, người bệnh, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao.
  • Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp.

Sự khác biệt giữa điều dưỡng viên và y tá:

Điều dưỡng viên và y tá có chung lĩnh vực hoạt động. Sự khác biệt là y tá chỉ được đào tạo sơ cấp, trung cấp. Điều dưỡng viên phải tốt nghiệp chương trình đào tạo điều dưỡng (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học) và có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp (có kinh nghiệm làm việc nhất định).

Nhiệm vụ chủ yếu của y tá là thực hiện các y lệnh của bác sĩ còn điều dưỡng viên có chức năng phối hợp chặt chẽ với các khâu trong hệ thống y tế nhằm nâng cao sức khoẻ và chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân, người khuyết tật.

 

2. Triển vọng của ngành điều dưỡng

Theo thống kê của Hội Điều dưỡng Việt Nam, năm 2020 cả nước có hơn 140.000 điều dưỡng/hộ sinh, chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ thường xuyên và liên tục của ngành y tế.

Tỉ lệ điều dưỡng ở Việt Nam hiện tại là 11,4 điều dưỡng/10.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình trên thế giới. Để tiến tới tỉ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân, Việt Nam cần thêm gấp 2,3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có. Hội Điều dưỡng Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2025.

TS Ki Dong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo truyền thông hưởng ứng Chiến dịch “Nursing Now” do WHO và Hội đồng Điều dưỡng Thế giới (ICN) phát động: “Việt Nam cần tăng cường đầu cư cho đào tạo điều dưỡng, bởi vì có nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40 nghìn đến 50 nghìn người”, 

Nhu cầu điều dưỡng viên không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “Thực trạng Điều dưỡng Thế giới năm 2020” (Tiếng Anh: The State of the World’s Nursing 2020) cho thấy hiện nay chỉ có dưới 28 triệu điều dưỡng trên toàn thế giới. Từ năm 2013 đến 2018, số lượng điều dưỡng tăng 4,7 triệu, nhưng điều này vẫn để lại sự thiếu hụt 5,9 triệu điều dưỡng trên toàn cầu với những khoảng trống lớn nhất được tìm thấy ở các quốc gia Châu Phi, Đông Nam Á và khu vực Đông Địa Trung Hải của WHO cũng như một số khu vực của Mỹ Latinh. Báo cáo cũng cho thấy hơn 80% các điều dưỡng trên thế giới làm việc tại các quốc gia là nơi cư trú của một nửa dân số thế giới, có 1/8 điều dưỡng hành nghề ở một quốc gia không phải là nơi họ sinh ra hoặc được đào tạo. Hiện, nhu cầu lao động điều dưỡng Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản, Đức, Canada đang tăng cao. Ngoài ra, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, điều dưỡng là 1 trong 8 ngành nghề lao động được tự do di chuyển trong ASEAN đã tăng cơ hội làm việc tại nước ngoài của nhân lực ngành này.

3. Ngành điều dưỡng làm gì, ở đâu?

  • Chuyên viên quản lý nhà nước trong các cơ quan quản lý y tế từ trung ương đến địa phương.
  • Điều dưỡng viên tại các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám, cơ sở chăm sóc sức khỏe (trung tâm chăm sóc sức khoẻ, viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi, trung tâm bảo trợ người tàn tật…) nhà nước và tư nhân.
  • Giảng dạy, nghiên cứu
  • Làm việc độc lập theo yêu cầu của các cá nhân, tổ chức, làm theo giờ, theo ca tại nhà bệnh nhân, người cần chăm sóc.
  • Làm việc tại nước ngoài.

Trong các cơ sở y tế, điều dưỡng viên có thể làm việc tại các bộ phận chuyên môn khác nhau, đa khoa hoặc chia ra: điều dưỡng tâm thần; điều dưỡng hồi sức cấp cứu; điều dưỡng ngoại thần kinh; điều dưỡng tai mũi họng; điều dưỡng tim mạch, hô hấp; điều dưỡng nội tiết; điều dưỡng da liễu; điều dưỡng nhi khoa; điều dưỡng nội khoa; điều dưỡng nhãn khoa; điều dưỡng nha khoa; điều dưỡng phẫu thuật, tạo hình hoặc chia theo đối tượng như điều dưỡng người già, điều dưỡng hộ sinh.

4. Ngành điều dưỡng cần những tố chất gì

Điều dưỡng viên là người kiểm tra, giám sát tình trạng bệnh nhân, chăm sóc cho bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà. Điều dưỡng viên là cầu nối giữa bệnh nhân và bác sĩ, là người “xoa dịu” nỗi đau thể xác và tinh thần cho người bệnh. Nhiều người đã ví von công việc của điều dưỡng như làm dâu trăm họ, từ những công việc như lau rửa vết thương đến ăn uống, vệ sinh cá nhân đều là công việc của điều dưỡng viên. Ngoài ra, họ còn phải tâm đến sức khoẻ tâm thần của người bệnh. Họ đóng vai trò người chăm sóc, người giao tiếp, người thầy giáo, người cố vấn, người lãnh đạo, nhà nghiên cứu, người bào chữa, để nâng cao cho sức khỏe thông qua những hoạt động phòng ngừa bệnh tật, giữ gìn sức khỏe và trợ giúp bệnh nhân vượt qua những khó khăn và cả cái chết. Vì vậy, họ vừa phải có kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, am hiểu tâm lý vừa phải có đạo đức nghề nghiệp. 

Một số yêu cầu nổi bật 

  • Tinh thần trách nhiệm
  • Khả năng chịu áp lực
  • Sức khoẻ tốt, làm việc theo ca trực, không ngại khó, ngại khổ.
  • Kỹ năng giao tiếp
  • Linh hoạt, quyết đoán.

Có thể thấy, đây là ngành là ngành cao quý, trụ cột của hệ thống chăm sóc y tế, có cơ hội việc làm đa dạng với nhu cầu nhân lực cao cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ở những cơ sở công lập, còn nhiều bất cập về chế độ tiền lương và phụ cấp trong ngành y tế nói chung và ngành điều dưỡng nói riêng so với những vất vả, áp lực trong ngành.

Nam giới có nên học điều dưỡng? 

Ngành điều dưỡng cần kĩ năng giao tiếp, sự nhẹ nhàng, kiên nhẫn khi chăm sóc người bệnh nên nhiều người cho rằng ngành này phù hợp với nữ giới. Tuy nhiên, điều dưỡng viên nam cũng có nhiều lợi thế như nhanh nhẹn, hoạt bát, thể lực tốt. Ngoài ra, các phẩm chất khác như điềm tĩnh, cẩn thận, nắm bắt tâm lý thì không có sự phân biệt hơn kém giữa các bạn nam và nữ nên ngành này thích hợp cho cả hai giới. 

5. Ngành điều dưỡng học những gì

Những môn học tiêu biểu: Sinh lý học, Hoá sinh, Tâm lý y học, Đạo đức nghề nghiệp, Vi sinh vật, Ký sinh trùng, Dịch tễ học, Dinh dưỡng, Giải phẫu, Dân số - Kế hoạch hoá - Sức khoẻ sinh sản, Điều dưỡng cơ sở, Nội bệnh lý, Ngoại bệnh lý, Chăm sóc sức khoẻ nội khoa, Chăm sóc sức khoẻ ngoại khoa, Chăm sóc sức khoẻ trẻ em, Nhi bệnh lý, Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, bà mẹ và gia đình, Chăm sóc sức khoẻ người bệnh truyền nhiễm, Chăm sóc người cần phục hồi chức năng, Chăm sóc sức khoẻ người lớn có bệnh, Quản lý điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên khoa hồi sức tích cực/ Mắt/ Răng hàm mặt/Tai mũi họng.