www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Ngành hóa dược được hiểu như thế nào?

Bạn có luôn tò mò về việc làm sao chúng ta lại khỏi bệnh khi uống thuốc? Bạn muốn tìm ra các loại thuốc để chữa các loại bệnh, nâng cao sức khoẻ? Bạn muốn biết quy trình sản xuất thuốc? Bạn có thể biến trí tò mò của mình thành sự nghiệp có ý nghĩa, góp phần nâng cao sức khoẻ  con người với ngành Hoá Dược.

Vậy Hoá Dược là ngành gì? Triển vọng nghề nghiệp ra sao? Sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu? Cần những tố chất gì để thành công? Hãy cùng tìm hiểu về ngành Hoá Dược nhé!

1.Ngành Hoá Dược/Kỹ thuật Hoá Dược là gì

Công nghiệp Hoá dược: là ngành công nghiệp sản xuất ra các nguyên liệu để bào chế thuốc (các hoạt chất có tác dụng trị bệnh), tá dược và các loại phụ gia (phụ gia trơn, phụ gia đính)...Theo Liên minh Quốc tế về Hóa học thuần túy và Hóa học ứng dụng (IUPAC), Hóa Dược là một ngành khoa học dựa trên nền tảng hóa học để nghiên cứu các vấn đề của các ngành khoa học Sinh học, Y học và Dược học. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các sản phẩm hóa dược là thành phần nền tảng của cả các dược phẩm cổ truyền lẫn hiện đại. Các sản phẩm này nhất thiết phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, đạt chất lượng tốt, và được quy định, sử dụng hợp lý. Do đó, sản phẩm của ngành Hóa Dược rất đa dạng, đa năng: dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm dinh dưỡng (ví dụ như thức uống dinh dưỡng thay bữa ăn chính), các sản phẩm chăm sóc cá nhân (gel giữ ẩm)…

Ngành học Hóa Dược (tiếng Anh là Pharmaceutical Chemistry) hay ngành Kỹ thuật Hoá Dược là ngành học kết hợp giữa Hóa học và Dược học, Sinh học; nghiên cứu các vấn đề về dược phẩm. Hóa dược bao gồm việc xác định, tổng hợp và phát triển các hóa chất mới phù hợp cho mục đích trị liệu (thuốc mới),  sản xuất những loại thuốc đã sẵn có, nghiên cứu nâng cao chất lượng các sản phẩm thuốc sẵn có,  theo dõi - kiểm tra việc đảm bảo chất lượng của thuốc. Ngoài ra, còn học về việc ứng dụng hoá học trong việc sản xuất các sản phẩm hoá mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc cá nhân.

2. Triển vọng của ngành Hoá Dược

Theo nghiên cứu của IQVIA (2021), quy mô của ngành dược Việt Nam tính đến năm 2020 đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 6% trong giai đoạn 2018-2020.

Thị trường dược ở Việt Nam là một thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á (theo IQVIA) và có rất nhiều tiềm năng để phát triển do: thu nhập người dân được nâng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng cao dẫn tới nhiều bệnh tật, dân số Việt Nam đang ngày càng già hóa, tỷ lệ người già ngày càng gia tăng, vì vậy, nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn.

Tuy nhiên, do các đặc điểm về lịch sử, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, có thể đánh giá ngành công nghiệp Hóa dược Việt Nam chưa thực sự được phát triển. Quy mô ngành công nghiệp Hóa dược Việt Nam theo đánh giá chung còn nhỏ bé, chủng loại sản phẩm còn nghèo nàn. Giá trị sản phẩm của ngành Hóa dược còn thấp, sử dụng công nghệ kỹ thuật lạc hậu, chậm phát triển, phát triển không cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của công nghiệp bào chế dược phẩm. Thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 47% nhu cầu. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần chứng khoán FPT (FPTS) năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD dược phẩm. Ngành Hóa dược Việt Nam chưa tự sản xuất được các nguyên liệu chủ yếu đáp ứng cho nhu cầu bào chế thuốc của ngành dược. Hầu hết các nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần chứng khoán FPT (FPTS) năm 2020,  tỷ lệ nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới 80%-90%.

Thuận lợi:

  • Là lĩnh vực có nhiều tiềm năng do nhu cầu tăng cao
  • Được Nhà nước quan tâm khuyến khích phát triển. Bộ Y tế đang xây dựng Đề án phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trình chính phủ phê duyệt
  • Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin, đầu tư nước ngoài tăng nhanh trong lĩnh vực Hoá Dược sẽ giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách công nghệ trong ngành Hoá Dược với thế giới.
  • Nước ta có một nguồn dược liệu tự nhiên phong phú với khoảng 5.117 loài loài thực vật có công dụng làm thuốc.

Khó khăn:

  • Quy mô nhỏ bé, ít doanh nghiệp lớn, nên công tác nghiên cứu sản phẩm chưa được đầu tư đúng mức.
  • Chủng loại sản phẩm nghèo nàn
  • Công nghệ lạc hậu
  • Đa số dược liệu phải nhập khẩu

Do vậy, tuy đây là ngành có nhiều tiềm năng phát triển nhưng sinh viên cần chuẩn bị kỹ tâm lý để tránh “sốc” khi ra trường. Sinh viên cũng không chỉ nên bó buộc công việc trong lĩnh vực dược, hiện rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Hoá Dược đang làm việc trong các lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, y sinh, thực phẩm…cũng không xem là trái ngành.

3.Vị trí việc làm ngành Hoá dược

Sinh viên tốt nghiệp ngành Hoá Dược có năng lực:

• Tham gia vào các nhóm liên ngành, nghiên cứu và phát triển các hợp chất dược mới để cung cấp cho thị trường.

• Định lượng chính xác từng thành phần cần thiết để tạo một lượng cho trước các hợp chất dược mới.

• Sản xuất các hợp chất dược trên quy mô thích hợp cho thử nghiệm rộng rãi để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng.

• Vạch ra các hóa chất để sản xuất các hợp chất dược trong một hình thức phù hợp và tinh khiết.

• Thiết kế và thực hiện quy trình sản xuất các hợp chất dược một cách tiết kiệm, an toàn và duy trì được hiệu quả các quy trình hóa học đo lường trong phòng thí nghiệm.

• Hệ thống hóa chính xác về chủng loại, liều lượng các sản phẩm Hóa Dược ứng với từng trường hợp, tình trạng và mục tiêu của từng bệnh nhân.

Như đã đề cập ở trên, với các kiến thức có được, sinh viên tốt nghiệp Hóa Dược không chỉ làm việc trong lĩnh vực dược phẩm mà còn có thể tham gia các ngành liên quan như công nghệ nano, công nghệ sinh học, y sinh, thực phẩm và phụ gia thực phẩm, dinh dưỡng, mỹ phẩm và sản phẩm cá nhân...

Một số vị trí việc làm cụ thể:

  • Cán bộ nghiên cứu trong các viện, trung tâm, các công ty, xí nghiệp sản xuất dược phẩm, dược liệu, hoá mỹ phẩm.
  • Cán bộ giảng dạy Hóa dược.
  • Chuyên viên trong các cơ quan nhà nước về dược phẩm.
  • Chuyên viên trong  các công ty sản xuất và kinh doanh dược phẩm, dược liệu.
  • Chuyên viên phân tích kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm.
  • Tự kinh doanh lĩnh vực sản xuất – phân phối dược phẩm.
  • Chuyên viên tại các công ty hoạt động trong các ngành liên quan như công nghệ nano, công nghệ sinh học, y sinh, thực phẩm và phụ gia thực phẩm, dinh dưỡng, mỹ phẩm và sản phẩm cá nhân.

4. Thu nhập trong ngành Hoá Dược

Theo thống kê từ TopCV - kênh thông tin tuyển dụng và việc làm uy tín, năm 2021,  mức lương trung bình cho các việc làm ngành hóa học nói chung trong khoảng 9 - 10 triệu/ tháng. Trong khi đó, một kỹ sư lành nghề, có chuyên môn cao, đạt được những thành tựu nhất định trong công việc có thể có mức lương dao động khoảng 30 triệu đồng/ tháng. Không chỉ thế, cơ hội việc làm ngành hóa học còn rộng mở hơn cho người lao động có trình độ ngoại ngữ. Người lao động có thể ứng tuyển vào các công ty nước ngoài. Tại đó, mức thu nhập có thể lên đến 70.000 - 100.000 USD/ năm.

5. Tố chất cần có để thành công trong ngành Hoá Dược

  • Cẩn thận, tỉ mỉ.
  • Kiên trì, ngăn nắp.
  • Tư duy,  logic.
  • Khả năng học và tự học, tự nghiên cứu.
  • Đam mê nghiên cứu, thích khám phá, tìm tòi, ham học hỏi.
  • Có khả năng ngoại ngữ và thành thạo máy tính…

Hóa Dược là một ngành công nghiệp kỹ thuật cao, liên tục phát triển. Để tạo nên được lợi thế cạnh tranh bắt kịp tốc độ phát triển của ngành, cần phát triển toàn diện cả về kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng làm việc và phải không ngừng cập nhật bản thân.

6. Ngành Hoá Dược học những gì

Sinh viên sẽ được học những kiến thức cơ bản nhất về dược lý học và cách tác động của thuốc trong cơ thể; quá trình phát hiện, sàng lọc, tổng hợp dược phẩm; các phương pháp tách chiết và cô lập các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học; hiểu được những kiến thức về dược lý học và các tác động của thuốc trong cơ thể.

Bên cạnh đó, chương trình học cũng cung cấp cho sinh viên được tối ưu hóa các quá trình sàng lọc, khảo sát, thiết kế, chế tạo ứng dụng các tiền chất làm thuốc, những kiến thức nền tảng thuộc lĩnh vực Hóa Vô cơ, Hóa lý, Hóa Phân tích, Sinh học và Sinh hóa.

Các môn học tiêu biểu:

Hoá học đại cương, Hoá học vô cơ, Hoá học hữu cơ, Hoá học phân tích, Các phương pháp phân tích công cụ, Các phương pháp vật lý và hóa lý ứng dụng trong hoá học, Hóa học các hợp chất cao phân tử, Hóa keo, Hóa kỹ thuật, Hóa dược đại cương, Hóa học dược liệu, Tổng hợp hóa dược, Cơ sở hóa sinh, Dược lý, Chất chỉ thị dùng trong xét nghiệm y học, Sàng lọc và đánh giá hoạt tính của dược liệu, Các thuốc kháng sinh và miễn dịch, Thực phẩm chức năng, Tổng hợp tá dược, Enzym và protein trong tổng hợp hóa dược, Kỹ thuật bào chế thuốc, Phân tích cấu trúc các hợp chất có hoạt tính sinh học, Kiểm nghiệm thuốc và tiêu chuẩn dược phẩm, Hóa tổ hợp trong tổng hợp hóa dược, Pháp chế dược…