www.tuyensinhhot.com
Chuyên trang tuyển sinh của hội giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
Chọn đúng ngành, tìm đúng trường, sáng tương lai
Lượt truy cập
2 9 5 0 4 4 3

Ngành dinh dưỡng được hiểu như thế nào?

Xã hội ngày càng phát triển, con người càng nhận thức được vai trò của dinh dưỡng với sức khoẻ và đời sống. Dinh dưỡng học giúp nâng cao sức khỏe của con người, phòng ngừa mức độ trầm trọng của bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề thực phẩm và sức khoẻ, có khả năng về hóa học hoặc sinh học, một khóa học dinh dưỡng có thể dành cho bạn. 

Hãy cùng tìm hiểu thêm về ngành Dinh dưỡng, ưu-nhược điểm, triển vọng và công việc sau khi ra trường nhé.

1. Ngành dinh dưỡng là gì

Công việc của chuyên gia dinh dưỡng là thu thập, theo dõi, đánh giá tình trạng, xây dựng quy trình chăm sóc dinh dưỡng và tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh tại các bệnh viện và trong cộng đồng; truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, hướng dẫn cho cộng đồng cách thức lựa chọn thực phẩm, điều chỉnh và xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, đảm bảo dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh tật hoặc nâng cao sức khoẻ, cải thiện vóc dáng; giám sát quy trình bảo quản, chế biến, lưu mẫu, vận chuyển và phân phối thực phẩm/ khẩu phần dinh dưỡng.

Ngành Dinh dưỡng là ngành nghiên cứu về hóa sinh và sinh lý học, nghiên cứu về mối quan hệ giữa thực phẩm và các quá trình sinh học. Có thể nói, dinh dưỡng là lĩnh vực bao gồm sinh học, hóa học và cả sức khỏe tâm thần.

2.Triển vọng của ngành Dinh dưỡng

Con người đang ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của một chế độ ăn uống tốt đối với sức khỏe và nhiều người có nhu cầu ăn kiêng đặc biệt, từ những người muốn có vóc dáng đẹp, vận động viên cần cải thiện thể chất, người bị dị ứng thực phẩm đến những người mắc bệnh nghiêm trọng cần chế độ ăn kiêng được lên kế hoạch cẩn thận. Theo nghiên cứu, dinh dưỡng tốt sẽ hỗ trợ tốt cho sức khoẻ, ngăn ngừa béo phì, tiểu đường, PCOD, nguy cơ tim mạch... Dinh dưỡng tốt, tập thể dục, thói quen lành mạnh giúp và giữ cho đường ruột của chúng ta khỏe mạnh sẽ giải quyết hầu hết các vấn đề về tiêu hoá. Dinh dưỡng cân bằng lành mạnh cũng giữ cho làn da và mái tóc của chúng ta khỏe mạnh. Vì vậy, nhu cầu nhân lực ngành điều dưỡng là rất lớn trong hiện tại và tương lai.

Thông tư 18/2020/TT-BYT ngày 12.11.2020  của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện. Trong đó, sàng lọc yếu tố nguy cơ dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú; khám, chẩn đoán, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chỉ định điều trị và theo dõi tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh nội trú... là các hoạt động không thể thiếu trong bệnh viện. bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng và dưới 100 giường bệnh phải có cán bộ dinh dưỡng chuyên ngành. Do đó, nhu cầu cử nhân ngành Dinh dưỡng làm việc trong các bệnh viện là rất lớn. 

Một số ưu – nhược điểm của ngành dinh dưỡng

  • Ưu điểm

+ Được làm việc với nhiều đối tượng, gặp gỡ nhiều người.

+ Công việc không lặp lại

+ Giúp đỡ nâng cao sức khoẻ của con người, đặc biệt quan trọng với các đối tượng bệnh nhân ung thư, bệnh tim, dị ứng thực phẩm, HIV hoặc AIDS, bệnh thận hoặc tiểu đường loại 1 hoặc loại 2

+ Nhiều lựa chọn nghề nghiệp và có thể khởi nghiệp

+ Nhu cầu nhân lực lớn

  • Nhược điểm

+ Vai trò quan trọng của ngành dinh dưỡng mới được công nhận  gần đây.

+ Làm việc với nhiều đối tượng có thể là áp lực.

3.Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Công việc của chuyên gia dinh dưỡng thường bao gồm:

  • Thu thập thông tin, theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh;
  • Lập kế hoạch can thiệp, truyền thông, giáo dục, hướng dẫn cộng đồng việc lựa chọn thực phẩm, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để phòng ngừa bệnh tật;
  • Xây dựng quy trình chăm sóc và tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân;
  • Tham gia tổ chức, thực hiện và giám sát hoạt động dinh dưỡng tại bệnh viện, cơ sở kinh doanh dịch vụ thực phẩm;
  • Giám sát quy trình bảo quản, chế biến, vận chuyển và phân phối thực phẩm tại các cơ sở chế biến nhằm đảm bảo an toàn;
  • Phòng ngừa và khắc phục được tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của bệnh nhân trước khi phải sử dụng thuốc.

Chức danh, vị trí :

Trong lĩnh vực y tế, Theo thông tư liên tịch số 28/2015/TTLT-BYT-BNV, ngày 7/10/2015, chức danh nghề nghiệp dinh dưỡng được phân thành 3 hạng là:

  • Dinh dưỡng hạng II: Chủ trì việc xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định, quy trình, phác đồ; kiểm tra, giám sát, truyền thông, giáo dục và tư vấn, chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bệnh viện và cộng đồng
  • Dinh dưỡng hạng III: Tổ chức thực hiện các quy định, quy trình và phác đồ dinh dưỡng; kiểm tra, giám sát, truyền thông, giáo dục và tư vấn, chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bệnh viện và cộng đồng
  • Dinh dưỡng hạng IV: Thực hiện các quy định, quy trình và phác đồ dinh dưỡng; kiểm tra, giám sát, truyền thông, giáo dục và tư vấn, chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm tại bệnh viện và cộng đồng. 

Trong các cơ sở không thuộc lĩnh vực y tế: chuyên gia dinh dưỡng thể, chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại các thẩm mỹ viện, trung tâm thể hình, chuyên gia dinh dưỡng tại các công ty, xí nghiệp chế biến thực phẩm…

Nơi làm việc

  • Các trung tâm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khoẻ và chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình.
  • Các chi cục về an toàn vệ sinh và thực phẩm
  •  tại các tuyến xã, quận/ huyện, tỉnh/ thành phố và trung ương.
  • Tại các bệnh viện từ địa phương đến trung ương
  • Các tổ chức xã hội ngành chăm sóc sức khỏe của công an và quân đội, tổ chức y tế phi chính phủ, các nhà dưỡng lão;
  • Làm việc tại viện nghiên cứu về thực phẩm và dinh dưỡng, về chăm sóc sức khỏe
  • Làm việc tại các trường học bán trú bao gồm nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở…
  • Các nhà hàng, khách sạn, nhà máy sản xuất thực phẩm và thức ăn công nghiệp
  • Làm việc tại các tổ chức phi chính phủ trong nước và ngoài quốc tế trong hoạt động lĩnh vực của Y tế dự phòng và Y tế công cộng
  • Làm việc tại các cơ sở chế biến dinh dưỡng, thực phẩm và thực phẩm chức năng
  • Làm viêc cho các trung tâm thể hình, thẩm mỹ viện, spa..
  • Làm chuyên gia dinh dưỡng độc lập hoặc tự mở đơn vị tư vấn về dinh dưỡng.

4. Các tố chất cần có

Ngành dinh dưỡng yêu cầu kiến thức về các lĩnh vực bao gồm sinh lý và hóa sinh; hiểu biết về sự phát triển của thực phẩm; sản xuất và chế biến và trong việc giải thích và truyền đạt thông tin dinh dưỡng cho nhiều đối tượng. Các kỹ năng hữu ích bao gồm kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý dự án, giải quyết vấn đề, tạo động lực cho bản thân, nghiên cứu và kỹ năng tính toán.

Tố chất cần có:

  • Đam mê, ham học hỏi
  • Học khá hoặc yêu thích các môn về sinh, hoá.

5.Ngành dinh dưỡng học những gì

Chương trình đào tạo ngành Dinh dưỡng cung cấp những kiến thức dinh dưỡng từ cơ bản đến chuyên sâu gồm dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng, dinh dưỡng tế bào… Từ đó có thể hiểu được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe con người cũng như cơ chế, cách hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Các môn học tiêu biểu: Sinh lý, Sinh lý bệnh, Vi sinh, Ký sinh trùng, Dinh dưỡng cộng đồng, Khoa học thực phẩm, Dinh dưỡng các lứa tuổi, Dịch tễ học, An toàn vệ sinh thực phẩm, Dinh dưỡng điều trị, Tư vấn dinh dưỡng và tiết chế, Dinh dưỡng thể thao, Thuốc và thực phẩm,…

Lưu ý: Một số cơ sở đào tạo đang đào tạo ngành Dinh dưỡng và khoa học thực phẩm hoặc Khoa học dinh dưỡng và ẩm thực sẽ có thêm các học phần về công nghệ chế biến thực phẩm.