Ngành Công tác xã hội
Tìm hiểu về ngành Công tác xã hội
- Ngành Công tác xã hội (tiếng Anh là Social Work) là ngành học học thuật và hoạt động chuyên môn nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng phục hồi hay tăng cường chức năng xã hội góp phần đảm bảo nền an sinh xã hội.
- Mục tiêu của ngành học Công tác xã hội đó là đào tạo sinh viên có đạo đức và tài năng làm việc được trong những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội của con người, thúc đẩy sự thay đổi xã hội, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người; giải quyết được các vấn đề mới xuất hiện và nảy sinh trong đời sống xã hội thường ngày. Xây dựng kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy và nhất là kỹ năng can thiệp giải quyết các vấn đề xã hội, tư vấn xây dựng các chính sách xã hội đáp ứng các nhu cầu phát triển của đất nước.
- Sinh viên khi theo học ngành Công tác xã hội sẽ được cung cấp mọi kiến thức liên quan tới ngành nghề học tập, những kỹ năng mềm phục vụ cho công việc sau này. Những môn học như Xã hội học đại cương, tâm lý học phát triển, Pháp luật về các vấn đề xã hội… Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của một sinh viên Công tác xã hội đó là làm việc tại các trường đại học, cao đẳng có giảng dạy và đào tạo ngành Công tác xã hội, làm tại các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, cán bộ hỗ trợ như tư vấn, hỗ trợ điều trị trong bệnh viện…
Cơ hội việc làm ngành Công tác xã hội
Sinh viên ngành Công tác xã hội khi ra trường có thể làm việc ở nhiều nơi với nhiều vị trí khác nhau. Bạn có thể đảm nhận những công việc cụ thể như sau:
- Phát triển cộng đồng: Sinh viên khi ra trường có thể làm trong lĩnh vực phát triển cộng đồng với tư cách là Cán bộ dự án phát triển cộng đồng, Trợ lí dự án phát triển cộng đồng và Cán bộ truyền thông trong dự án phát triển.
- Nhân viên công tác xã hội: Làm việc trong những cơ sở có liên quan tới việc trợ giúp những người yếu thế trong xã hội với tư cách là những người tham gia vào quá trình vận động chính sách, hoạch định chính sách có liên quan tới truyền thống và văn hoá, giáo dục cá nhân, cộng đồng thay đổi hành vi.
- Nhà quản trị công tác xã hội: Nhiệm vụ và công việc phải làm: Quản lí các mạng lưới công tác xã hội; Tham mưu xây dựng chính sách cho các đối tượng yếu thế trong xã hội; Giám sát quá trình thực thi chính sách và đưa ra khuyến nghị sửa đổi, bổ sung. Có cơ hội làm việc trong các Ban, Ngành soạn thảo, ban hành chính sách vẫn còn thiếu sự tham gia của nhân viên Công tác xã hội.
- Cán bộ đào tạo, nghiên cứu trong các dự án phát triển: Nhiệm vụ và công việc phải làm: Tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng; Lên chương trình, nội dung kiến thức (phù hợp với mục đích, đối tượng của từng dự án, nhu cầu người học); Tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ đào tạo; Tham gia thực hiện đào tạo dự án; Lượng giá hoạt động đào tạo dự án.
- Giảng viên giảng dạy Công tác xã hội trong các cơ sở đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học…
- Làm nhà tư vấn/ tham vấn trong các công ti, Trung tâm làm dịch vụ tư vấn/ tham vấn tâm lí.
- Cán bộ trong các lĩnh vực xã hội như: Cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các Viện, các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Công tác xã hội, các Tổ chức Phi Chính phủ trong và ngoài nước…
- Cán bộ hỗ trợ mặt xã hội như tư vấn, hỗ trợ điều trị trong các bệnh viện, trường học.
Những tố chất phù hợp với ngành Công tác xã hội
Đối với một nhân viên hoạt động trong ngành Công tác xã hội, nhất định phải có đủ những đạo đức và kỹ năng chuyên môn. Cụ thể đó là:
- Trung thực, thật thà;
- Có lòng bao dung, độ lượng;
- Tiếng Anh giao tiếp thành thạo;
- Sử dụng thành thạo tin học văn phòng;
- Yêu thương đồng loại, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn;
- Kĩ năng lập kế hoạch, theo dõi giám sát, thúc đẩy, làm việc theo nhóm, giao tiếp, nghiên cứu;
- Sẵn sàng đi xa;
- Có sức khỏe tốt.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về ngành Công tác xã hội, từ đó có thể đưa ra lựa chọn có nên học ngành này hay không.